Ôtô Thái Lan bá chủ thị trường, Vĩnh Phúc mất 7.000 tỷ thuế; Trung Quốc bị tố giấu sản lượng cá đánh bắt ở Thái Bình Dương; Singapore triệt phá đường dây đưa lậu lao động nước ngoài; Hơn 1,5 triệu xe máy được bán ra trong 6 tháng
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 14-07-2017
- Cập nhật : 14/07/2017
Doanh nghiệp cho thuê nhà kho, chỗ đậu máy bay thu tiền tỷ mỗi ngày
Trung bình cứ 10 đồng doanh thu thì Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn thu về 5,5 đồng lợi nhuận trước thuế.
Cổ phiếu của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCSC) vừa được giao dịch trên thị trường UPCoM thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên ngày 12/7, cổ phiếu SCS đã tăng tối đa 40% lên 72.800 đồng một cổ phiếu, đồng thời đưa vốn hóa của doanh nghiệp này lên gần 3.400 tỷ.
Cung cấp dịch vụ tại các sân bay, vốn chỉ dành cho một số ít doanh nghiệp có thể tiếp cận, được đánh giá là "con gà đẻ trứng vàng" trong bối cảnh ngành hàng không đang phát triển nhanh, với khả năng sinh lời cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp hiện tại. Hoạt động chính trong 3 lĩnh vực là cho thuê sân đậu máy bay, khai thác nhà ga hàng hóa và cho thuê văn phòng, bãi đỗ xe, năm 2016 SCSC đạt gần 500 tỷ đồng doanh thu, tương đương gần 1,4 tỷ đồng mỗi ngày. Lợi nhuận trước thuế đạt 275 tỷ, với biên lợi nhuận 55%.
Cho thuê sân đậu máy bay, khai thác nhà ga hàng hóa và cho thuê văn phòng là 3 lĩnh vực kinh doanh chính của Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn.
Hàng không đang trở thành một lĩnh vực phát triển nhanh vượt qua nhiều loại hình khác trong thời gian gần đây, không chỉ trong vận chuyển hành khách mà còn cả lĩnh vực hàng hóa.
Là lĩnh vực kinh doanh "béo bở", nhưng thị trường cung cấp dịch vụ tại hai sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài chỉ có sự hiện diện một số công ty như Công ty Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất, Công ty Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn, Công ty Dịch vụ hàng hóa Nội Bài, Công ty phục vụ mặt đất Hà Nội... Trong số này, riêng Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn là công ty duy nhất được Cục Hàng không công nhận là nhà ga hàng hóa (Air Cargo Terminal).
Được triển khai từ tháng 6/2009 và hoàn thành vào cuối năm 2010, dự án Ga hàng hóa Tân Sơn Nhất là dự án trọng điểm của SCSC có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Dự án được bố trí phía Tây Nam ga hành khách với diện tích 143.000 m2, trong đó chia làm 3 khu vực: sân đậu máy bay (hơn 52.400 m2), nhà ga hàng hóa (26.670 m2) và khu vực nhà kho, nhà đậu xe, công trình phụ trợ (64.000 m2).
Với công suất giai đoạn 1 đạt 200.000 tấn, khai thác nhà ga hàng hóa là lĩnh vực kinh doanh đem về doanh thu và lợi nhuận cao nhất cho SCSC trong những năm gần đây. Năm 2016, hoạt động này đem về hơn 455 tỷ đồng, chiếm trên 90% tổng doanh thu, với biên lợi nhuận đạt gần 73%.
Lợi thế của SCSC là giá vốn rất thấp chỉ chiếm hơn 27%, khả năng mở rộng hoạt động và sự hỗ trợ của các cổ đông lớn, đều là những doanh nghiệp nắm thị phần cao trong lĩnh vực logistics.
Trong bản cáo bạch mới công bố, doanh nghiệp này cũng cho biết đã có 23 hãng hàng không là khách hàng trong tổng số 45 hãng hàng không có mặt tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó có những hãng lớn như Lufthansa, Cargolux, Singapore Airlines, Cathay Pacific...
Hiện tại cơ cấu cổ đông của SCSC gồm 3 cổ đông lớn nắm giữ trên 55% vốn điều lệ và hơn 1.200 cổ đông khác. Trong đó, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và Công ty cổ phần Gemadept là 2 cổ đông lớn nhất sở hữu lần lượt 14,05% và 34,55% vốn của SCSC.(Vnexpress)
-------------------------
Pháp công bố kế hoạch cắt giảm hơn 12 tỷ USD tiền thuế
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe vừa công bố kế hoạch cắt giảm thuế "táo bạo" trong năm 2018.
Chính phủ Pháp dự định cắt giảm 11 tỷ Euro (12,6 tỷ USD) tiền thuế áp dụng với các cá nhân và doanh nghiệp trong năm tới.
Trả lời phỏng vấn tờ Les Echos, Thủ tướng Phillipe nhấn mạnh mục tiêu của kế hoạch là nhằm tạo đòn bẩy cho hoạt động đầu tư, tuyển dụng và tăng trưởng kinh tế.
Các biện pháp chủ yếu giúp hiện thực hóa kế hoạch đầy tham vọng này gồm xóa bỏ 80% thuế cư trú đối với các hộ gia đình tại Pháp, cắt giảm thuế tài sản và giảm dần thuế doanh nghiệp để đạt mức giảm 25% vào năm 2022.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm chi tiêu công cũng sẽ hỗ trợ đắc lực để hiện thực hóa kế hoạch táo bạo này.
Kế hoạch này cho thấy quyết tâm thực hiện cam kết ổn định tình hình tài chính trong nước và cắt giảm 20 tỷ Euro tiền thuế trong vòng 5 năm cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron, người từng lãnh đạo Bộ Tài chính Pháp trước khi bước vào Điện Elyssé.
Con số này cao hơn 4 tỷ Euro so với mục tiêu 7 tỷ Euro được chính Thủ tướng Philippe nhắc tới chỉ vài ngày trước đó.
Giải thích cho điều này, ông Philippe cho biết chính phủ đã quyết định đẩy nhanh tốc độ thực hiện để chiến lược đạt hiệu quả kinh tế tối đa.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Pháp cũng cho biết chính phủ sẽ giữ vững cam kết đưa mức thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% theo quy định của Liên minh châu Âu (Vietnam+)
-----------------------
Đánh giá khả năng đưa TPP vào thực thi
Ngày 12/7, các nhà đàm phán của 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bắt đầu gặp nhau tại Nhật Bản để thảo luận về việc đưa Hiệp định vào thực thi.
Đây là cuộc gặp tiếp sau cuộc gặp của các Bộ trưởng Thương mại trong khuôn khổ các Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua.
Cuộc gặp dự kiến kéo dài ít nhất 2 ngày, tại đó các bộ trưởng nhất trí "khởi động một tiến trình đánh giá các khả năng để nhanh chóng đưa TPP vào thực thi".
Bộ trưởng Chính sách tài chính và kinh tế Nhật Bản Nobuteru Ishihara cho biết, Nhật Bản muốn thúc đẩy đàm phán hướng tới sớm thực thi TPP, bao gồm cả việc tìm cách đưa Mỹ trở lại TPP.
Theo quy định hiện hành, TPP sẽ được triển khai khi các quốc gia chiếm tổng 85% GDP của 12 nước ký hiệp định hoàn tất thủ tục phê chuẩn trong nước. Vì vậy, việc Mỹ, thành viên chiếm tới 60% GDP toàn khối, rút khỏi TPP sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền đồng nghĩa không thể đưa Hiệp định vào thực hiện theo các điều khoản quy định hiện tại, khiến số phận của TPP ngày càng mong manh.
Trong khi đó, các thành viên khác của TPP đang hy vọng sẽ đạt được tiến bộ trong việc tìm kiếm một thỏa thuận thay thế mà không cần sự tham gia của Mỹ, được gọi là "TPP 11" hoặc "TPP 12-1", trước khi Hội nghị APEC diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11 tới tại Đà Nẵng, Việt Nam.
Trước đó, ngày 21/5, tại Hà Nội, các bộ trưởng và thứ trưởng kinh tế của 11 nước đã nhóm họp để thảo luận về TPP, khẳng định lại kết quả cân bằng và tầm quan trọng về mặt kinh tế và chiến lược của TPP.
Các bộ trưởng nhấn mạnh, các nguyên tắc và tiêu chuẩn cao của Hiệp định này là giải pháp nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên, tạo thêm cơ hội cho người lao động, các hộ gia đình, nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đồng thời, các bộ trưởng cũng đồng ý cần phải hiện thực hóa những lợi ích của Hiệp định TPP. Theo đó, các bộ trưởng nhất trí giao cấp kỹ thuật nghiên cứu những kịch bản phù hợp để nhanh chóng đưa Hiệp định toàn diện và tiêu chuẩn cao vào thực thi, trong đó bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các nước ký kết ban đầu(KT&DB)
------------------------
Khai trương Trung tâm công nghệ giày Việt - Ý
Thương vụ Ý (ITA), Hiệp hội Quốc gia Các nhà sản xuất Thiết bị và Công nghệ cho ngành Da Giày Ý (ASSOMAC) và Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO) đã tổ chức khai trương Trung tâm Công nghệ Giày Việt - Ý tại tỉnh Bình Dương.
Trung tâm này, được trang bị máy móc thiết bị hiện đại – công nghệ mới nhất nhập khẩu trực tiếp từ Ý và châu Âu sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành da giày Việt Nam có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm còn phối hợp với Trường Cao đẳng Công thương TPHCM tổ chức các chương trình đào tạo, phổ biến những xu hướng thiết kế và sản xuất hàng đầu trên thế giới cho đội ngũ quản lý sản xuất, thiết kế và phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp da giày Việt Nam.(baotintuc)
----------------------