Myanmar tranh cãi vụ mua xe buýt Trung Quốc; Doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực thâm nhập Thái Lan; Phó Chủ tịch Samsung bị đề nghị 12 năm tù; Việt Nam sẽ không xuất khẩu cát nhiễm mặn nữa
Tin kinh tế đọc nhanh 04-06-2017
- Cập nhật : 03/06/2017
Schneider Electric ký kết hợp tác với Hawee
Schneider Electric, chuyên gia toàn cầu về quản lý năng lượng và tự động hóa, vừa ký thoả thuận hợp tác với Công ty Sản xuất Thương mại Hawee tại Hà Nội về sản xuất và kinh doanh tủ trung thế hợp bộ cách điện không khí PIX24 ở Việt Nam.
Ông Yoon Young Kim, Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam, Myanmar và Campuchia và bà Đỗ Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty Sản xuất Thương mại Hawee, tại lễ ký kết.
PIX 24 là tủ trung thế hoàn chỉnh cho tất cả các lưới điện lên đến 24kV, có thông số và độ tin cậy nổi bật, giúp đảm bảo cho hệ thống vận hành liên tục nhờ công nghệ dễ sử dụng, bảo trì dễ dàng. Hawee là nhà sản xuất đầu tiên tại Việt Nam được Schneider Electric cấp phép nhượng quyền để sản xuất, lắp ráp, kiểm tra và kinh doanh tủ trung thế PIX24.
Thỏa thuận hợp tác này là một phần trong kế hoạch kinh doanh của Schneider Electric nhằm gia tăng sản lượng tại Việt Nam. Việc sản xuất PIX24 tại địa phương sẽ giúp rút ngắn thời gian sản xuất và tạo ra giá thành cạnh tranh cho sản phẩm, nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn.(TTXVN)
-------------------------
Nhiều thương hiệu ngoại đang nỗ lực xâm nhập thị trường Việt Nam
Thị trường Việt Nam với hơn 90 triệu dân, không chỉ là hị trường tiềm năng cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới, mà còn được đánh giá cao và quan tâm bởi nhiều doanh nghiệp của các nước trong khu vực.
Nắm bắt được nhu cầu đó và nhằm tạo cơ hội cho thị trường Việt Nam tiếp tục phát triển, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Thành phố Hồ Chí minh, phối hợp với Vụ Marketing Xuất khẩu (EMB) thuộc Bộ Công Thương Philippines (DTI) tổ chức hội thảo "Giao lưu thương mại nhượng quyền Việt Nam - Philippines", ngày 2/6.
Tại hội thảo, ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá lĩnh vực nhượng quyền thương mại phát triển mạnh tại Việt Nam trong những năm gần đây, không chỉ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận những thương hiệu uy tín trên thế giới.
Từ đó, góp phần tạo môi trường kinh doanh đa dạng, minh bạch; đồng thời nhượng quyền thương mại với nhiều hình thức kinh doanh rất phù hợp với những ai muốn khởi nghiệp và bắt tay kinh doanh ngay.
Hiện nay, ở thị trường Việt Nam, đặc biệt là khu vực thành thị đã xuất hiện nhiều thương hiệu kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương hiệu từ các nước trên thế giới cũng như khu vực.
Trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương hiệu chiếm khoảng 40%, ngoài ra các chuỗi cửa hàng tiện lợi nhượng quyền thương hiệu cũng đang phát triển mạnh tại Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương Việt Nam, tính đến nay tại Việt Nam có gần 170 thương hiệu được nhượng quyền thương mại, đồng thời tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này đạt 200%/năm.
Trong xu hướng người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng những sản phẩm mới và chính sách mở cửa và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới cũng như khu vực, đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu phát triển.
Chính vì vậy, không những thương hiệu nổi tiếng ở các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... mà những thương hiệu ở các nước châu Á và khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Phillipines... cũng đang nỗ lực thâm nhập vào thị trường Việt Nam, bà Lê Thị Phụng, Tổng lãnh sự danh dự Philippine tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết.
Đồng quan điểm, Ngài Noel Servigon, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Philippines tại Việt Nam, cho rằng, đối với lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu, Việt Nam là một thị trường có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh.
Doanh nghiệp Philippines mong muốn tìm kiếm được cơ hội hợp tác nhượng quyền thương hiệu tại thị trường Việt Nam, dựa trên nền tảng quan hệ thương mại song phương giữa hai nước luôn tăng trưởng tích cực trong những năm qua.
Theo Ngài Noel Servigon, hiện tại Philippines đã có thương hiệu Jolibee được nhượng quyền thương mại vào Việt Nam và mở rộng chuỗi cửa hàng kinh doanh trên toàn quốc.
Doanh nghiệp Philippines và Việt Nam đều rất năng động nên sẽ tìm kiếm được cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu ở những ngành nghề tiềm năng như thực phẩm, đồ uống, chuỗi cửa hàng ăn uống...
Tham dự hội thảo lần này, đoàn doanh nghiệp đến từ Philippines chủ yếu hoạt động trong các ngành nghề như thực phẩm, thức uống, thời trang, dịch vụ và các sản phẩm về spa, trường học, tư vấn về nhượng quyền…(TTXVN)
------------------------
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể quyết đạt tăng trưởng 6,7%
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ thị giao các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực để thực hiện mục tiêu tăng 6,7% trong năm nay.
Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ và trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương, Thủ tưởng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành và yêu cầu phải triển khai đồng bộ, quyết liệt, kịp thời tất cả các giải pháp.
Đối với các giải pháp cơ bản năm 2017 trong trung và dài hạn, Thủ tướng yêu cầu quyết liệt thực hiện theo các Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong môi trường kinh doanh.
Theo đó, trong tháng 8 này có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá chi tiết sự chuyển biến của ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phải báo cáo kết quả rà soát các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, đề xuất phương án xử lý.
Bộ Công thương phải thúc đẩy tiêu thụ các loại khoáng sản tồn đọng, có giá trị; triển khai giải pháp để tăng sản lượng khai thác đầu thô đạt trên 13,28 triệu tấn; hoàn chỉnh phương án giá điện năm 2017…
Bộ Xây dựng được yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, kiểm soát thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ; có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở; đề xuất phương án cải tạo chung cư cũ tại các thành phố lớn…
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Ngoại giao đề xuất phương án ứng phó, đề xuất giải pháp đàm phán đối với khả năng thay đổi chính sách của Mỹ áp dụng cho sản phẩm xuất khẩu tôm, cá tra; tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nông sản; đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp…
Đối với ngành du lịch, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất phương án bổ sung vốn cho Quỹ xúc tiến du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá; thực hiện chính sách miễn thị thực nhập cảnh đối với các quốc gia có lượng khách du lịch lớn…
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng phương án cụ thể phấn đấu thực hiện giảm lãi suất tín dụng cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo; theo dõi sát diễn biến của tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao để có những đánh giá, giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Bộ Tài chính triển khai rà soát và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thu chi ngân sách, tránh tình trạng thất thu và lạm thu, thực hiện triệt để tiết kiệm chi; phát hành và sử dụng hóa đơn thuế giá trị gia tăng, nhất là đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân…
Bộ Kế hoạch và đầu tư thực hiện các giải pháp huy động và giải ngân các nguồn vốn đầu tư trong nền kinh tế; đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 - 2017; trình phương án kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, phân bổ và giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017, có giải pháp huy động các nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).(Tuoitre)
----------------------------------
Canada cấp 867 triệu CAD hỗ trợ ngành công nghiệp gỗ xẻ
Canada vừa công bố gói hỗ trợ tài chính trị giá 867 triệu CAD (670 triệu USD) cho ngành công nghiệp gỗ xẻ trong nước, sau tác động từ quyết định áp thuế chống trợ cấp lên tới 24% đối với các mặt hàng gỗ mềm xuất khẩu của Canada mà Mỹ mới thông qua hồi tháng 4.
Phóng viên TTXVN tại Canada dẫn lời Bộ trưởng Jim Carr cho biết gói hỗ trợ trên sẽ bao gồm khoản cho vay và đảm bảo cho vay trị giá 605 triệu CAD để giúp các công ty trong ngành công nghiệp gỗ mềm đổi mới sản xuất và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới. Số tiền 262 triệu CAD còn lại sẽ được chi trong vòng 3 năm để mở rộng các chương trình sản xuất nhằm đa dạng hóa thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ xẻ, triển khai các sáng kiến mới và nới lỏng giới hạn trao đổi lao động để giảm thiểu nguy cơ sa thải nhân công.
Bộ trưởng Jim Carr khẳng định biện pháp này không chỉ giúp ngành công nghiệp gỗ xẻ vượt qua những khó khăn do quyết định gần đây của Mỹ, mà còn để thúc đẩy ngành công nghiệp gỗ mềm trong tương lai. Ông Carr cũng nhấn mạnh bằng cách đa dạng hoá thị trường, Canada sẽ ít bị tổn thương hơn trước những biến động trên thị trường.
Gói trợ cấp của Chính quyền liên bang lập tức nhận được hưởng ứng của ngành công nghiệp gỗ mềm trong nước. Hiệp hội Lâm sản Canada (FPAC) hoan nghênh các sáng kiến do chính phủ khởi xướng, giúp bảo vệ khả năng cạnh tranh của ngành lâm nghiệp trước những thay đổi của thị trường thế giới.
Trước đó, ngày 28/4, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định áp thuế chống trợ cấp lên tới 24% đối với gỗ mềm nhập khẩu từ Canada khi cho rằng Canada trợ giá không công bằng cho các doanh nghiệp khai thác và chế biến gỗ trong nước để tạo lợi thế xuất khẩu. Các mức thuế có thể sẽ được tiếp tục điều chỉnh tăng lên sau ngày 9/6 khi Mỹ đưa ra quyết định chính thức có áp thêm thuế chống bán phá giá bên cạnh thuế chống trợ cấp hay không.
Cuộc tranh cãi thương mại về gỗ mềm giữa Canada và Mỹ đã kéo dài 19 tháng bất chấp những nỗ lực đàm phán liên tiếp giữa hai nước. Phía Canada tuyên bố nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận, Canada sẽ xúc tiến các thủ tục pháp lý khởi kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và có thể cả trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Theo ước tính, hiện có khoảng 230.000 người Canada đang làm việc trong ngành lâm nghiệp và có tới 70% gỗ xẻ của Canada xuất sang thị trường Mỹ.(TTXVN)