Alipay, Wechat cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến giá trị 2,9 nghìn tỉ USD; Sản lượng đường giảm liên tục ba niên vụ; TTCK nửa đầu năm: Tổng huy động đạt 131 nghìn tỷ đồng, thanh khoản mỗi phiên tăng 33%; Thu hút được 383 triệu USD, HEPZA vẫn lo giá đất cao
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 14-07-2017
- Cập nhật : 14/07/2017
Đại diện 11 nước thảo luận về tương lai của TPP mà không có Mỹ
Ngày 12/7, các nhà đàm phán hàng đầu tới từ 11 quốc gia thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã bắt đầu cuộc gặp tại Nhật Bản để thảo luận về tương lai của hiệp định thương mại này sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận.
Cuộc gặp dự kiến diễn ra trong ít nhất 2 ngày tại thị trấn suối nước nóng nổi tiếng Hakone, gần thủ đô Tokyo, sau một cuộc gặp của các bộ trưởng thương mại 11 nước hồi tháng 5 vừa qua, trong đó nhất trí hoàn thiện công tác chuẩn bị trước tháng 11 tới để đưa hiệp định vào hiệu lực.
Các nhà lãnh đạo của 11 nước TPP dự kiến gặp nhau bên lề diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam tháng 11 tới.
Theo quy định hiện hành, để TPP có hiệu lực, phải có ít nhất 6 quốc gia, chiếm 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 12 nước ban đầu ký TPP, chính thức thông qua thỏa thuận. Việc Mỹ, chiếm gần 62% tổng GDP, rút khỏi hiệp định, đã khiến thỏa thuận không thể đi vào hiệu lực nếu căn cứ theo quy định hiện hành.
Trong số 11 nước hiện tại, một số nước chỉ muốn thay đổi các yêu cầu để đưa TPP vào hiệu lực mà không xem xét lại các nội dung khác, trong khi một số nước khác có khả năng kêu gọi một vòng đàm phán mới.
Hồi tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP, cho rằng hiệp định này sẽ làm tổn hại lợi ích của đất nước. (Vietnam+)
----------------------------
Google 'thoát' án nợ cả tỷ euro tiền thuế tại Pháp
Google sẽ không phải trả khoản 1,15 tỷ euro tiền nợ thuế theo tuyên bố của chính phủ Pháp đưa ra trước đó. Đây là phán quyết mới nhất của tòa án sau phiên xét xử tranh chấp kể trên diễn ra hôm 12/7.
Phán quyết cuối cùng nêu rõ công ty Google Ireland Limited (GIL) của Pháp không phải trả thuế tại Pháp trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2010, qua đó bác bỏ yêu cầu của chính phủ Pháp đòi tập đoàn phải thanh toán khoản nợ thuế cho những hoạt động kinh doanh tại nước này trong giai đoạn kể trên. Ngay sau khi có phán quyết, chính phủ Pháp đã ra thông báo đang xem xét kháng cáo. Theo quy định, chính phủ có hai tháng để chuẩn bị các thủ tục kháng cáo.
Những tranh cãi về khoản tiền thuế phải đóng và khoản tiền thuế thực đóng giữa Google, tập đoàn có trụ sở chính tại bang California (Mỹ) và một số quốc gia tại châu Âu nảy sinh sau khi Google tuy có hoạt động kinh doanh và thuê nhân viên tại các quốc gia này nhưng lại tập trung mọi báo cáo doanh thu về chi nhánh tại Ireland để hưởng mức thuế thấp.
Năm 2015, nhờ lợi dụng lỗ hổng pháp lý này, Google chỉ phải trả 6,7 triệu euro tiền thuế doanh nghiệp tại Pháp. Tuy thuê khoảng 700 nhân viên tại Pháp nhưng mọi hợp đồng quảng cáo trên kênh tìm kiếm Google hay kênh chia sẻ video Youtube tại châu Âu đều được ký kết tại chi nhánh của tập đoàn này tại Ireland.
Trước Pháp, một số quốc gia khác như Italy và Anh cũng từng kiện tập đoàn này với lý do tương tự. Khoản tiền mà Chính phủ Pháp yêu cầu Google trả lần này cao hơn nhiều so với những con số mà tập đoàn từng đồng ý trả cho chính phủ Italy (306 triệu euro) và Anh (170 triệu euro) hồi tháng 5 vừa qua sau một thập kỷ kinh doanh tại các quốc gia trên.
Gần đây, Liên minh châu ÂU (EU) cũng bắt đầu có những hành động pháp lý mạnh mẽ nhắm vào các "ông lớn" công nghệ của Mỹ như Google, Amazon và Facebook kinh doanh tại các nước châu Âu. Cơ quan chống độc quyền của EU ngày 27/6 đã công bố mức phạt 2,4 tỷ euro (tương đương 2,7 tỷ USD) đối với Google do vi phạm quy định về chống độc quyền của khối này trong lĩnh vực bán hàng trên mạng.(TTXVN)
--------------------
Ông Trần Văn Dũng được bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Ngày 12/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ban hành Quyết định số 1289/QĐ-BTC về việc tiếp nhận, bổ nhiệm ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HXS) giữ chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã chủ trì buổi lễ trao quyết định bổ nhiệm ông Trần Văn Dũng tại trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ông Trần Văn Dũng sinh năm 1965,có trình độ Thạc sỹ kinh tế. Ông Dũng có 25 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán.
Trước đó, vào tháng 11/2016, ông Trần Văn Dũng được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị HSX sau khi nắm giữ vị trí Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc HSX từ tháng 3/2016.
Ông Trần Văn Dũng từng giữ chức Phó Văn phòng UBCKNN, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.(TTXVN)
---------------------
Vertu dừng sản xuất vì vỡ nợ
Hãng điện thoại xa xỉ của Anh đã phải đóng cửa nhà máy vì không thể đàm phán thành công với các chủ nợ.
Ông chủ Murat Hakan Uzan vừa thất bại trong việc cứu Vertu khỏi phá sản khi đề nghị trả các chủ nợ 1,9 triệu bảng trên tổng số nợ 128 triệu Bảng. Theo The Financial Times và The Telegraph, các nhà máy của Vertu tại Anh sẽ phải dừng hoạt động khiến cho 200 nhân viên mất việc làm.
Tuy nhiên, ông Uzan vẫn sẽ giữ lại thương hiệu Vertu, công nghệ và giấy phép thiết kế. Theo một nguồn tin thân cận, ông chủ Vertu đã có kế hoạch khôi phục lại thương hiệu này.
Tháng 3 năm nay, Murat Hakan Uzan mua lại Vertu từ công ty Godin Holdings của Trung Quốc khi mà doanh nghiệp này được cho là đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản từ năm ngoái. Trước đó, Vertu đã không đưa ra được báo cáo tài chính năm 2015.
Vertu được thành lập từ năm 1998 và là một phần của thương hiệu Nokia. Năm 2012, doanh nghiệp Phần Lan đã bán Vertu cho EQT. Đến năm 2015, Vertu được Godin Holdings mua lại. Từ khi thành lập, Vertu đã bán được hơn 500.000 chiếc điện thoại xa xỉ của mình.(Vnexpress)