Hãng hàng không Nhật cho thanh toán vé máy bay bằng bitcoin; Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm và khó hồi phục; KKR thành lập quỹ đầu tư 9,3 tỷ USD chuyên về Châu Á; Lotte mở cửa hàng miễn thuế tại sân bay Đà Nẵng
Tin kinh tế đọc nhanh tối 04-06-2017
- Cập nhật : 04/06/2017
Chanh dây rớt giá thê thảm
Sau một thời gian tăng giá liên tục và đạt mức 35 - 40 ngàn đồng/kg, nhưng hơn nửa tháng trở lại đây giá chanh dây liên tục giảm mạnh chỉ còn lại mức 3 - 5 ngàn đồng/kg.
Ghi nhận tại huyện Bảo Lâm, thời gian qua, mặc dù đã được chính quyền địa phương liên tục cảnh báo, nhưng do giá cả liên tục tăng, nên nhiều hộ dân đã không ngần ngại tự phá bỏ các cây trồng chủ lực như chè, cà phê để trồng chanh dây. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bài học về việc chanh dây rớt giá vào cuối năm 2010 đã khiến không ít hộ dân ở huyện Bảo Lâm lâm vào cảnh trắng tay. Hiện nay, nhiều hộ dân ở Bảo Lâm xem việc trồng chanh dây như “một canh bạc”. Họ tin rằng nếu chanh dây được giá thì sẽ trúng đậm, còn không thì chấp nhận thua lỗ.
Cũng chính việc chấp nhận mạo hiểm, đánh cược với rủi ro về giá cả mà người dân huyện Bảo Lâm đua nhau trồng khiến diện tích cây chanh dây trong những năm gần đây ở địa phương này liên tục tăng. Hiện, toàn huyện Bảo Lâm đang có gần 100 ha chanh dây phân bổ chủ yếu ở các địa phương như thị trấn Lộc Thắng, các xã: B’Lá, Lộc Quảng, Lộc Đức, Lộc Tân và Lộc Nam.
Theo người trồng chanh dây ở Bảo Lâm cho biết, trong năm 2016, giá chanh dây luôn ở mức ổn định từ 12 - 15 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017, giá loại trái cây này liên tục tăng và có thời điểm đạt mức 35 - 40 ngàn đồng/kg. Điều đáng nói, giá quả chanh dây tăng cao thì giá cây giống cũng tăng theo. Nếu như năm 2016, mỗi cây giống chanh dây chỉ có giá từ 10 - 12 ngàn đồng thì đến năm 2017 đã có thời điểm tăng lên mức 35 ngàn đồng/cây.
Ông Lâm Văn Thắng, một hộ dân trồng chanh dây (ngụ tại thôn 3, xã B’Lá, huyện Bảo Lâm) cho biết: “Thấy nhiều người trồng chanh dây trúng đậm, nên cuối năm 2016, tôi đã đầu tư hơn 150 triệu đồng (chưa kể công) để trồng 1,3 ha chanh dây. Sau 6 tháng trồng chăm sóc đến đầu tháng 4/2017, vườn chanh dây của gia đình tôi bắt đầu cho thu hoạch. Đúng thời điểm này, giá chanh dây liên tục tăng cao nên tôi cứ tưởng sẽ trúng đậm. Ai ngờ từ đầu tháng 5 đến nay, giá trái chanh dây liên tục giảm, hiện chỉ còn ở mức 3 - 5 ngàn đồng/kg”.
“Với giá cả như hiện tại đổ đi thì tiếc, mà bán thì chẳng được bao nhiêu. Hiện, vườn chanh dây của gia đình tôi đang còn hơn 30 tấn quả, nhưng với giá cả như hiện tại tính sơ cũng thua lỗ gần cả trăm triệu đồng chứ chẳng ít” - ông Thắng than thở.
Chung cảnh ngộ với hàng trăm hộ dân trồng chanh dây ở huyện Bảo Lâm, bà Nguyễn Thị Đệ, một hộ dân trồng chanh dây ở thị trấn Lộc Thắng, ngậm ngùi: “Mặc dù khi quyết định trồng chanh dây, tôi đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với công ty, nên sản lượng chanh dây không bị ứ đọng như nhiều hộ dân khác. Tuy nhiên, với giá cả như hiện nay, 1 ha chanh dây của gia đình tôi sau khi thu hoạch xong cũng sẽ bị thua lỗ từ 50 - 70 triệu đồng”.
Một thương lái thu mua chanh dây ở huyện Bảo Lâm cho biết, gần 2 năm nay, chị mở điểm thu mua chanh dây để xuất khẩu đi Trung Quốc. Hàng ngày, các thương lái từ Trung Quốc báo giá như thế nào thì chị thu mua của bà con với giá như vậy. Việc giá cả chanh dây lên xuống là do các thương lái Trung Quốc quyết định, chị chỉ việc đến vườn báo giá với người dân rồi thu mua. Còn mọi chuyện khác chị không biết gì.
Ông Đậu Văn Xuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lâm cho biết: “Đối với cây chanh dây, từ trước đến nay, huyện chưa có định hướng để phát triển cho người dân mà chủ yếu do họ trồng tự phát. Để tránh những rủi ro về giá cả, nhiều năm qua, địa phương liên tục có các biện pháp khuyến cáo, tuyên truyền cho người dân không phát triển chanh dây một cách ồ ạt, tự phát. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, nhiều hộ dân đã phá bỏ các cây trồng chủ lực (cà phê, chè) để trồng chanh dây. Còn việc giá chanh dây giảm đột ngột từ hàng chục ngàn đồng xuống còn 3 - 5 ngàn đồng/kg là rất bất thường. Tuy nhiên, sản phẩm chanh dây chủ yếu được người dân bán cho thương lái Trung Quốc, nên việc họ tự tăng, giảm giá là chuyện khó tránh khỏi”.
“Dù nhiều lúc giá chanh dây tăng cao, nhưng trên thực tế người nông dân lại không thể làm chủ về giá cả mà phụ thuộc cả vào thương lái. Vì vậy, người nông dân không nên chạy theo trào lưu ồ ạt phá bỏ các cây trồng chủ lực để trồng chanh dây. Thực tế cho thấy, hiện tại việc người dân đầu tư trồng chanh dây là rất mạo hiểm và luôn đối diện với rủi ro khó lường” - ông Xuân khuyến cáo thêm.(Baolamdong)
-------------------------
TP.HCM dự tính thu 100.000đ/m2/tháng ở vỉa hè quận 1
Sở Giao thông vận tải TP.HCM (Sở GTVT TP) đang xây dựng dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố.
Theo dự thảo đề án này, TP.HCM sẽ thu phí sử dụng tạm thời hè phố để làm bãi giữ xe công cộng, kinh doanh ẩm thực, chợ đêm và một số hoạt động dịch vụ khác.
Mức thu cụ thể như sau: quận 1 là 100.000 đồng/m2/tháng; quận 3 là 80.000 đồng/m2/tháng; quận 4 và quận Bình Thạnh là 30.000 đồng/m2/tháng; quận 5 là 50.000 đồng/m2/tháng; quận 6 và Tân Bình là 25.000 đồng/m2/tháng; quận 10 là 45.000 đồng/m2/tháng; quận 11 là 35.000 đồng/m2/tháng; quận Phú Nhuận là 40.000 đồng/m2/tháng.
Trong khi đó, các quận 2, 7, 8, 9, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ là 20.000 đồng/m2/tháng.
Sở GTVT TP cũng quy định mức phí sử dụng tạm thời lòng đường để đậu xe. Dự kiến, mức phí đậu xe như sau: ô tô từ 10 chỗ trở xuống, mức phí tối đa đối với khu vực 1 là 20.000 đồng/xe/lượt ban ngày và 40.000 đồng/xe/lượt ban đêm; đối với các khu vực còn lại là 15.000 đồng/xe/lượt ngày và 30.000 đồng/xe/lượt ban đêm.
Đối với xe ô tô trên 10 chỗ, mức phí tối đa đối với khu vực 1 là 25.000 đồng/xe/lượt ban ngày và 50.000 đồng/xe/lượt ban đêm; đối với các khu vực còn lại là 20.000 đồng/xe/lượt ban ngày và 40.000 đồng/xe/lượt ban đêm.
Trong đó, khu vực 1 gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình và Phú Nhuận; các quận huyện còn lại thuộc khu vực còn lại. Thời gian ban ngày từ 5 giờ sáng đến trước 21 giờ; thời gian ban đêm là từ 21 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau.
Sở GTVT TP nói rằng mục đích của việc thu phí là để quản lý sử dụng một phần công năng của lòng đường, hè phố trên địa bàn TP được hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, đáp ứng nhu cầu thiết thực của các tổ chức và người dân TP.
Mặt khác, việc này còn nâng cao trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố. Đồng thời, người sử dụng lòng đường, vỉa hè phải có nghĩa vụ đóng góp một phần chi phí cho ngân sách nhà nước góp phần duy tu bảo dưỡng đường bộ, bến bãi…
Theo Sở GTVT TP, lý do để cơ quan này xây dựng dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn là do mức thu phí áp dụng hiện nay đã có từ những năm 1990. Mức thu phí quá thấp so với mặt bằng xã hội hiện nay. Trong khi đó, chế độ thu nộp sử dụng cũng không còn phù hợp với Luật phí và lệ phí và các văn bản hướng dẫn về phí và lệ phí hiện nay do nhà nước ban hành.(Motthegioi)
---------------------------
Ấn Độ đặt mua hơn 1.000 máy bay và nguy cơ “vỡ trận” sân bay
Theo hãng tin CNN, tăng trưởng bùng nổ khiến các hãng hàng không Ấn Độ ồ ạt đặt mua máy bay mới với tổng số lên tới 1.080 chiếc, đòi hỏi nước này phải phát triển cơ sở hạ tầng sân bay trên quy mô lớn.
Theo báo cáo mới của Trung tâm Hàng không châu Á Thái Bình Dương (CAPA), các hãng hàng không tại quốc gia Nam Á này có kế hoạch đặt mua thêm 1.080 máy bay mới.
Với số lượng lớn, Ấn Độ chỉ đứng sau Trung Quốc và Mỹ về lượng đơn đặt mua máy bay đang chờ giao, báo cáo trên cho hay.
Boeing là một trong những công ty có khả năng hưởng lợi lớn từ nhu cầu này, giá trị khoảng 265 tỷ USD.
Theo CNN, Boeing được cho là chuẩn bị bán 100 máy bay cho hãng hàng không Ấn Độ Jet Airways trong vài tuần tới. Hãng này cũng có khả năng sẽ bán được 100 chiếc nữa cho hãng hàng không mới Vistara của Ấn Độ.
Hãng sản xuất máy bay của Mỹ phải đối mặt với đối thủ Airbus của châu Âu trong cuộc chiến giành thị phần “trên bầu trời" của Ấn Độ.
“Chúng tôi liên tục thảo luận với các hãng hàng không Ấn Độ về phi đội bay hiện tại và trong tương lai của họ”, người phát ngôn của Boeing cho biết nhưng từ chối cho biết thêm về các thương vụ cụ thể.
Việc các hãng hàng không Ấn Độ đua nhau mua thêm máy bay, dẫn đầu là những hãng giá rẻ như SpiceJet và IndiGo, là do lượng khách di chuyển bằng hàng không của nước này đang tăng trưởng mạnh. Nhờ thu nhập cải thiện và giá vé rẻ, năm ngoái, có tới 220 triệu người Ấn Độ di chuyển bằng đường hàng không, tăng trưởng 20%/năm.
Theo CNN, Ấn Độ sẽ sớm vượt qua Anh để trở thành thị trường hàng không lớn thứ 3 thế giới vào năm 2026.
Tuy nhiên, CAPA cảnh báo rằng các hãng hàng không Ấn Độ đang đối mặt với rủi ro “quá sức” trong cuộc chiến giành thị phần.
“Tăng trưởng đột biến sẽ gây áp lực lên hệ thống hàng không Ấn Độ”, báo cáo của CAPA cho biết. “Dường như ngành hàng không nước này đang đánh giá thấp những thách thức đang chờ phía trước”.
Trong lịch sử hàng không Ấn Độ từng có nhiều trường hợp “ngã ngựa”, điển hình là vụ vỡ nợ của hãng hàng không Kingfisher Airlines của tỷ phú Vijay Mallya - người được mệnh danh là “Richard Branson của Ấn Độ”
Năm 2012, hãng hàng không lừng lẫy một thời này tuyên bố phá sản với khoản nợ khổng lồ sau nhiều năm liên tiếp thu lỗ.
Hãng hàng không quốc gia Air India cũng đang trong tình trạng bấp bênh và đang được cân nhắc để cổ phần hoá trong vài tuần gần đây.
Thách thức lớn nữa là chỉ có 75 trên tổng số 400 sân bay của Ấn Độ hiện đang hoạt động. Sân bay tại các thành phố lớn như Mumbai, New Delhi và Chennai đều đã quá tải.
Theo CAPA, trong 10 năm tới, 700 trong tổng số 1.080 máy bay mới theo đơn đặt hàng của Ấn Độ sẽ được giao và cơ sở hạ tầng sẽ khó có thể chuẩn bị kịp để đáp ứng tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không.
“Việc tăng thêm số lượng máy bay khổng lồ như thế này đòi hỏi phải phát triển hạ tầng quy mô lớn cùng nguồn nhân lực có tay nghề… với tốc độ chưa từng thấy ở Ấn Độ”, báo cáo trên cho biết.
Theo tờ India Express, chính phủ Ấn Độ có kế hoạch xây dựng thêm 175 sân bay dân sự, nâng tổng số sân bay toàn quốc lên 250, trong 10 - 15 năm tới nhằm đáp ứng tăng trưởng bùng nổ của ngành hàng không.(Vneconomy)
----------------------------
Phó Tổng giám đốc SCIC làm chủ tịch Bảo hiểm Bảo Minh
Ông Lê Song Lai với vai trò là đại diện vốn của SCIC từng là thành viên HĐQT tổng công ty bảo hiểm Bảo Minh tuy nhiên không trực tiếp điều hành.
Ngày 01/6/2017, Hội đồng quản trị Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh ( BMI) đã ban hành nghị quyết về việc bầu ông Lê Song Lai giữ chức vụ chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2014 – 2019.
Tuy nhiên việc thay đổi này chỉ có hiệu lực khi được Bộ Tài chính, đơn vị đại diện vốn nhà nước tại Tập đoàn Bảo Minh phê duyệt.
Ông Lê Song Lai từng giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính và đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) từ năm 2006 đến nay.
Tại tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh, ông Lê Song Lai là thành viên HĐQT tuy nhiên không trực tiếp điều hành. Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare), chủ tịch công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC, chủ tịch TNHH Đầu tư thương mại Tràng Tiền, thành viên HĐQT công ty cổ phần FPT, thành viên HĐQT công ty đầu tư Ô Man...(CafeF)