Liên kết kinh tế Nga - Đức mạnh lên bất chấp căng thẳng chính trị; Vì sao nhân dân tệ đột ngột tăng giá?; Người Hàn muốn đưa Cầu Tre thành doanh nghiệp thực phẩm toàn cầu; Anh là nền kinh tế tiên tiến tăng trưởng tệ nhất thế giới
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 02-06-2017
- Cập nhật : 02/06/2017
Vietjet ký hợp đồng 4,7 tỷ USD với các đối tác Mỹ
Hãng đạt được các thỏa thuận mua động cơ máy bay, thuê đội tàu bay và bảo dưỡng kỹ thuật động cơ phụ với 3 đối tác Mỹ, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Công ty CFM International - liên doanh giữa GE và Safran sẽ cung cấp cho Công ty Cổ phần hàng không Vietjet 215 động cơ máy bay kèm theo dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng cho Vietjet. Hợp đồng trị giá 3,58 tỷ USD, thực hiện trong 12 năm.
Ngoài ra, Công ty GECAS thuộc tập đoàn GE cho Vietjet thuê mua tàu bay trị giá một tỷ USD cho 10 máy bay mà hãng hàng không giá rẻ Việt Nam đặt hàng từ các nhà sản xuất.Hãng cũng ký kết với tập đoàn Honeywell Aviation hợp đồng cung cấp và bảo dưỡng kỹ thuật động cơ phụ (APU) cho 98 tàu bay, trị giá 180 triệu USD. Thoả thuận này sẽ giúp đội bay của Vietjet được bảo dưỡng theo tiêu chuẩn hàng đầu thế giới.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet cho hay, hãng định hướng sử dụng những dòng máy bay và động cơ tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường. Dòng động cơ hãng lựa chọn theo hợp đồng với CFM giúp tiết kiệm 15% lượng nhiên liệu tiêu hao, kèm theo các dịch vụ toàn diện về bảo dưỡng, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo. Với sự tham gia của các đối tác Mỹ, đội máy bay VietJet sẽ có bước đột phá về công nghệ thế hệ mới, nâng chất lượng chuyến bay và tăng độ tin cậy khai thác, giảm chi phí vận hành."Chúng tôi hy vọng hoạt động này góp phần thúc đẩy phát triển giao thương giữa hai nước, tạo ra nhiều việc làm cho người dân”, bà Thảo nhấn mạnh.
Vietjet là một trong số các doanh nghiệp Việt Nam đạt thỏa thuận hợp tác giá trị lớn với đối tác Mỹ nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 29 đến 31/5.
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch 50 tỷ USD năm 2016, tổng vốn đăng ký các dự án đầu tư trên 10,2 tỷ USD. Nhiều tập đoàn hàng đầu của nước này đã có mặt rất sớm ở Việt Nam và đạt nhiều thành công.
Vietjet thành lập năm 2007, khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên cuối năm 2011. Trong 5 năm hoạt động, Vietjet vận chuyển trên 35 triệu lượt hành khách. Hiện hãng khai thác 45 tàu bay A320 và A321 với hơn 300 chuyến bay mỗi ngày; có 63 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và quốc tế.(Vnexpress)
------------------------
Hàng loạt dự án bất động sản lọt "tầm ngắm" của Kiểm toán Nhà nước
Kiểm toán Nhà nước đã ban hành quyết định kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất khu đô thị trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2013 - 2016.
Danh sách kiểm toán theo quyết định này gồm các đơn vị được kiểm toán tổng hợp, nhiều dự án được kiểm toán chi tiết và hàng chục dự án giao đất được kiểm tra đối chiếu.
Cụ thể, Dự án Đầu tư Xây dựng Tổ hợp thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp Hải Phát Plaza (phường Đại Mỗ- quận Nam Từ Liêm- Hà Nội); Dự án Khu đô thị Nam đường vành đai 3 (giai đoạn 1) phường Đại Kim - Hoàng Mai của chủ đầu tư Bitexco; Dự án Hải Đăng City (giai đoạn 1) phường Mai Dịch và phường Mỹ Đình 2- Chủ đầu tư Công ty CP Địa ốc Hải Đăng...
Ngoài ra còn có các dự án: Dự án Khu nhà cao tầng CT2- Khu đô thị TP Giao lưu - chủ đầu tư Công ty CP Ngôi sao An Bình; Dự án Thống Nhất Complex 82 Nguyễn Tuân - Chủ đầu tư Công ty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt;
Dự án Xây dựng Khu nhà ở Trúc Khê 58 Trúc Khê - Phường Láng Hạ - Công ty CP Viễn Đông Invest; Dự án Khu nhà ở hỗn hợp Home City tổ 51 phố Trung Kính- Phường Yên Hòa- Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Trung Kính; Dự án Khu trung tâm đô thị Tây Hồ của Chủ đầu tư công ty TNHH THT...
Nội dung kiểm toán bao gồm việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quản lý tài chính, kế toán và chế độ đầu tư xây dựng của Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất khu đô thị. Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất khu đô thị trên địa bàn TP giai đoạn 2013- 2016 và các thời kỳ trước, sau có liên quan của các đơn vị được kiểm toán tại TP Hà Nội. Thời hạn kiểm toán 60 ngày kể từ ngày công bố quyết định.
Mục tiêu của việc kiểm toán để đánh giá việc tuân thủ, pháp luật, tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và sử dụng đất khu đô thị, đồng thời phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng, lãng phí, sai phạm trong quản lý và sử dụng đất khu đô thị. Đồng thời, nhằm xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định, kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý và sử dụng đất khu đô thị đảm bảo hiệu quả.
Mới đây, thị trường cũng được một phen "dậy sóng" sau khi Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2017. Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã có kế hoạch thanh tra đối với dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật Đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước.
Do vậy, Bộ Tài chính trình Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ tham khảo danh sách 60 dự án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Hồi tháng 3 vừa qua, Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố quyết định thanh tra một số vấn đề liên quan đến việc sử dụng đất đai tại UBND thành phố Hà Nội. Sau Hà Nội, trong năm 2017, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành 23 cuộc thanh tra chính thức và 6 cuộc dự phòng về việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TPHCM, Khánh Hòa và Đà Nẵng. (Dantri)
----------------------
Tỷ phú địa ốc Trung Quốc “bỏ túi” gần 10 tỷ USD nhờ sốt nhà
Từ đầu năm tới nay, tài sản ròng của tỷ phú Hui Ka Yan, chủ tịch tập đoàn bất động sản China Evergrande, Trung Quốc, đã tăng gần 10 tỷ USD lên khoảng 21,3 tỷ USD, CNN dẫn số liệu từ hãng nghiên cứu Hurun Report Thượng Hải.
Tài sản của Hui Ka Yan tăng gần gấp đôi nhờ cổ phiếu Evergrande tăng gấp 3 kể từ đầu năm. Trong đó, kết thúc phiên giao dịch hôm qua (29/5), cổ phiếu này tăng kỷ lục 23% trên sàn chứng khoán Hồng Kông.
Hui Ka Yan hiện là cổ đông chính của Evergrande với 72% cổ phần, theo số liệu của FactSet. Còn theo Hurun, tỷ phú này cũng sở hữu nhiều tài sản khác với tổng giá trị khoảng 3 tỷ USD - trong đó bao gồm cổ phần trong câu lạc bộ bóng đá Evergrande Quảng Châu.
Theo Rupert Hoogewerf, nhà sáng lập của Hurun, việc tài sản của một tỷ phú tăng đột biến trong thời gian ngắn như vậy tại Trung Quốc là chuyện hiếm gặp. Một trường hợp hiếm hoi khác là tỷ phú Wang Wei với tài sản ròng tăng vọt lên 27,5 tỷ USD hồi tháng 3 vừa rồi khi công ty vận chuyển SF Express của ông niêm yết cổ phiếu lần đầu trên sàn chứng khoán Thâm Quyến.
Sau phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu bất động sản đã mang về cho 3 tỷ phú Hui Ka Yan, Yang Huiyan và Wu Yajun tổng cộng 5,4 tỷ USD. Trong đó, Yang Huiyan của công ty bất động sản Country Garden Holdings Co. có thêm 1,3 tỷ USD, còn Wu Yajun của Longfor Properties Co. có thêm 400 triệu USD, theo số liệu của Bloomberg. Còn Hui Ka Yan kiếm bộn nhất khi cổ phiếu của Evergrande tăng tới 23%.
Mới đây, Evergrande cũng chi một khoản lớn để mua lại cổ phiếu từ nhà đầu tư cho kế hoạch niêm yết tại thị trường đại lục Trung Quốc. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến giá cổ phiếu công ty này tăng vọt.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về tính bền vững trong mô hình kinh doanh của Evergrande, vốn phất lên với “núi” nợ khổng lồ, Bloomberg cho biết. Tính đến cuối năm 2016, nợ ròng của công ty này lên tới 49,3 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm trước đó.
Trong một báo cáo công bố tháng trước, hãng xếp hạng tín dụng Fitch cảnh báo chi phí lãi cùng cổ tức chi trả cho cổ đông cao có thể sẽ khiến gây áp lực lớn cho công ty này.
2017 là năm bội thu của cổ phiếu bất động sản Trung Quốc. Các nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm tới các công ty bất động sản như Evergrande với nhiều dự án tại các thành phố nhỏ ở nước này, Andrew Sullivan thuộc công ty chứng khoán Haitong Securities International ở Hồng Kông, cho biết.
Giới chức trách Trung Quốc cũng đã phải đưa ra nhiều chính sách nhằm hạ nhiệt thị trường tại các thành phố lớn hơn như Bắc Kinh và Thượng Hải.
Tháng trước, thị trường bất động sản tại các thành phố lớn Trung Quốc bắt đầu hạ nhiệt. Trong tháng 4, giá nhà đất tại các thành phố này chỉ tăng khoảng 0,3%, bằng một nửa so với tốc độ tăng của tháng trước đó, theo Wall Street Journal. (Vneconomy)
--------------------------
Vinalines: Năm 2016 công ty mẹ thoát lỗ nhờ hoạt động khác
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2016 của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), dù lỗ gộp hơn 1,422 tỷ đồng nhưng nhờ hoạt động khác đã cứu Vinalines không chỉ thoát lỗ ngoạn mục mà còn lãi lớn tới 2,148 tỷ đồng, hơn gấp đôi năm 2015.
Cụ thể, doanh thu năm 2016 của Vinalines đạt mức 1,353 tỷ đồng, giảm 20% so năm 2015. Trong khi đó giá vốn chiếm tới 2,776 tỷ đồng khiến công ty lỗ gộp tới 1,422 tỷ đồng (năm 2015 lỗ gộp chỉ 335 tỷ đồng).
Sau khi trừ các loại chi phí, Vinalines lỗ thuần 1,620 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 44 tỷ đồng). Tuy nhiên, năm 2016 này Vinalines ghi nhận hơn 3,768 tỷ đồng lợi nhuận khác, hơn gấp 3 lần năm trước. Theo đó, Vinalines ghi nhận lãi ròng 2,148 tỷ đồng, hơn gấp đôi năm 2015.
Nhờ kết quả khả quan này mà Vinalines đã giảm bớt được lỗ lũy kế từ mức 4,908 tỷ đồng của đầu kỳ xuống còn 2,760 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/12/2016 là 12,314 tỷ đồng. Vay và trái phiếu phát hành ngắn và dài hạn lần lượt là gần 2,303 tỷ đồng và 2,629 tỷ đồng. Kỳ này, Vinalines đã không còn phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn như mức đầu kỳ là 2,709 tỷ đồng.
Trước đó, Vinalines dự kiến tháng 12/2017 sẽ IPO với mức vốn điều lệ lên tới 550 triệu USD. Trong đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ tại Công ty mẹ – Vinalines, các nhà đầu tư chiến lược có cơ hội nắm giữ tới 17.25% vốn điều lệ và tỷ lệ bán ra ngoài là 17.25%.(Vietstock)