tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 14-07-2017

  • Cập nhật : 14/07/2017

Nhiều khiếm khuyết tại dự án đường ôtô vượt biển dài nhất Việt Nam

Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng vừa chỉ ra hàng loạt khiếm khuyết của dự án đường ôtô Tân Vũ-Lạch Huyện (Hải Phòng) về chất lượng thi công lớp bêtông nhựa, xuất hiện vết nứt một số đốt dầm, đường dẫn cầu sông Cấm lún.

Theo kết quả kiểm tra hiện trường của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, dự án đường ôtô Tân Vũ-Lạch Huyện vẫn còn một số tồn tại như một số vị trí móng đường cấp phối đá dăm (bên bờ Cát Hải) có biểu hiện phân tầng, bề mặt rời rạc; chưa chú trọng thi công đàm bảo độ chặt lớp cấp phối đá dăm tại vị trí mép lề đường.
 


Đặc biệt, chất lượng thi công lớp bêtông nhựa trên mặt cầu qua quan sát cho thấy còn một số tồn tại như độ bằng phẳng không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, thi công mối nối dọc chưa tốt; bề mặt tồn tại nhiều vệt lu lốp; một số vị trí bề mặt bêtông nhựa rời rạc, độ rỗng lớn.

Qua xem xét hồ sơ thi công lớp bêtông nhựa, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng chỉ ra giai đoạn lu sơ bộ có thời gian lu kéo dài và nhiệt độ suy giảm nhiều (từ 153 độ C- 132 độ C) trong khi giai đoạn thực hiện lu lốp hình thành cường độ thì lại ngắn và nhiệt độ của cấp phối chưa tốt (132 độ C- 93 độ C).

Về công tác thi công cầu, một số đốt dầm trong các nhịp từ trụ P27-P29 đã xuất hiện vứt nứt, cần tiếp tục quan trắc... Cầu sông Cấm thi công một dầm T không đảm bảo kích thước hình học theo thiết kế nên khi lắp đặt bị vượt cao độ khoảng 5cm so với các dầm còn lại. Hiện tại đã thi công liên kết các dầm nên việc khắc phục, sửa chữa là rất khó khăn.

Ngoài ra, nền đường đầu cầu Sông Cấm vẫn tiếp tục lún so với dự báo của thiết kế. Để đẩy nhanh tiến độ thông xe, nhà thầu dự kiến sử dụng biện pháp tăng tải để giảm thời gian lún. Tuy nhiên, nhà thầu chưa có các bản tính toán cụ thể để chứng minh rằng việc tăng tải này không ảnh hưởng đến điều kiện an toàn chịu lực của két cấu của mố đã được thi công hoàn thành trước đó.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 2, tổng khối lượng thi công đến nay của dự án ước đạt khoảng 94%. Dự kiến công trình sẽ được thông xe vào cuối tháng Tám. Do đó, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đề nghị phía Ban cần chỉ đạo các bên liên quan tăng cường nhân lực, thiết bị để thi công hoàn thành các hạng mục đảm bảo chất lượng, đáp ứng các yêu cầu thông xe.

Bên cạnh đó, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình cũng lưu ý Ban Quản lý dự án 2 đến việc rút ngắn tiến độ thi công nhằm mục đích thông xe sớm có thể sẽ ảnh hưởng đến một số hạng mục không được thi công tuân thủ đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật dẫn đến trong quá trình khai thác sẽ sớm bộc lộ các khiếm khuyết về chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và làm tăng chi phí cho công tác bảo trì trong quá trình vận hành.

Trước một số tồn tại tại dự án đường ôtô Tân Vũ- Lạch Huyện được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng chỉ ra, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 Tư vấn giám sát và các nhà thầu xây lắp tiếp thu và thực hiện các yêu càu của Hội đồng; làm rõ trách nhiệm của Tư vấn giám sát và nhà thầu xây lắp trong việc giám sát chất lượng và tổ chức thi công đồng thời có giải pháp khắc phục ngay, khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế./.

Dự án xây dựng đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện có chiều dài 15,63km cầu đường, điểm đầu nối từ đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (tại nút Tân Vũ) thuộc phường Tràng Cát, quận Hải An; điểm cuối là cổng cảng Lạch Huyện (cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng) thuộc huyện Cát Hải.

Trong đó, phần cầu có chiều dài 5,4km; phần đường dẫn dài 10,1km. Cầu Tân Vũ-Lạch Huyện được thiết kế vĩnh cửu bằng bêtông cốt thép dự ứng lực, bề rộng mặt cầu rộng 16m gồm 4 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án hơn 11.849 tỷ đồng được thực hiện bằng vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dự án được thực hiện bởi Liên danh các nhà thầu SumitomoMitsui (Nhật Bản) - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 với thời gian thi công 36 tháng và được tính từ ngày khởi công (tháng 2/2014). Sau khi hoàn thành sẽ là cây cầu vượt biển có chiều dài lớn nhất Việt Nam.

------------------------------------

Cải cách thủ tục bảo hiểm: Doanh nghiệp cần gì?

Khảo sát, lấy ý kiến từ hơn 200 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khu vực phía Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, những đánh giá, hiệu quả thực tế của quá trình cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đang được cơ quan chức năng tích cực đẩy mạnh.

anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Năm 2016, BHXH Việt Nam thực hiện cắt giảm được 1 thủ tục hành chính, từ 33 thủ tục xuống còn 32 thủ tục; giảm 38% thành phần hồ sơ; giảm 42% tiêu thức trên tờ khai, biểu mẫu; giảm 54% quy trình, thao tác thực hiện; giao dịch điện tử được đẩy mạnh với 90% doanh nghiệp tham gia.

Về tác động của cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực BHXH, BHYT, BHYT, đa số các doanh nghiệp FDI tham gia trả lời khảo sát của VCCI đánh giá thuận lợi hơn; tỷ lệ tương ứng lần lượt là 64%, 55%, 51,3%. 61,3% doanh nghiệp trả lời được tham vấn ý kiến và góp ý vào các văn bản của ngành BHXH.

Về kênh tiếp cận thông tin, 65,5% doanh nghiệp tiếp cận thông tin về luật, chính sách, cải cách thủ tục hành chính qua báo chí; 59,4% tiếp cận qua hội thảo, khóa đào tạo. 85,4% doanh nghiệp đánh giá các thông tin về luật, chính sách, cải cách thủ tục hành chính được niêm yết công khai. 54% đánh giá hồ sơ, thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ; 36% đánh giá phức tạp.

Về trình tự, thủ tục giải quyết của ngành BHXH, 71% đánh giá không vướng mắc, 80% đánh giá thời gian giải quyết thủ tục của cơ quan BHXH hiện nay ở mức vừa phải, 13% đánh giá quá dài và phức tạp, 7% đánh giá nhanh. Quá trình khảo sát các doanh nghiệp FDI khu vực phía Nam cũng ghi nhận một số khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục BHXH, BHYT.

Theo đó, vẫn thiếu các văn bản quy định chi tiết hoặc văn bản hướng dẫn, chính sách hoặc văn bản ban hành muộn; doanh nghiệp chưa cập nhật và thông tin kịp thời những thay đổi về thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu gây khó hiểu, khó tiếp cận và mất thời gian sửa chữa.

Các doanh nghiệp FDI nêu một số đề xuất kiến nghị. Cụ thể, thường xuyên cập nhật, thông tin, chính sách để doanh nghiệp có sự chuẩn bị. Phổ biến thông tin về thay đổi biểu mẫu, hồ sơ trước khi áp dụng để doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh.

Cách thức thông tin, tuyên truyền cần đa dạng (email, trang thông tin điện tử của cơ quan BHXH, in tờ rơi hàng năm, gửi văn bản hướng dẫn…). Tăng cường đào tạo, tập huấn về thủ tục hành chính thực hiện bảo hiểm xã hội(77% doanh nghiệp).

Gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với cơ quan BHXH để được hỗ trợ (56,2% tương ứng 188 doanh nghiệp). Đẩy nhanh thời gian giải quyết; bố trí thêm cán bộ tại bộ phận 1 cửa, tăng cường đào tạo nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng mềm…

Đề xuất BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát, kiểm tra những trình tự, thủ tục, hồ sơ hành chính để đơn giản hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung triển khai thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN qua giao dịch điện tử; tiếp tục hỗ trợ, đào tạo tập huấn, có dịch vụ giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp. (daibieunhandan)
----------------------------

Mua bán nợ xấu gặp khó

Báo cáo của DATC cho biết, theo chủ trương của Chính phủ, Nhà nước tập trung chỉ đạo tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng, trọng tâm là các tổ chức tín dụng; tái cơ cấu doanh nghiệp (DN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Do đó, nhu cầu xử lý nợ xấu trong các tổ chức tín dụng và các DN gia tăng cả về giá trị khoản nợ và số lượng tổ chức tín dụng và DN.

Tuy nhiên, DATC cho biết DN này vẫn gặp khó khăn, thách thức bởi thị trường mua bán nợ chịu sự cạnh tranh quyết liệt hơn khi nhiều tổ chức tham gia hoạt động mua bán nợ, trong đó các công ty mua bán nợ, quản lý tài sản trực thuộc ngân hàng chuyển hướng kinh doanh thực chất hơn sẽ làm hạn chế nguồn hàng từ các ngân hàng là khách hàng truyền thống của DATC.

Cùng với đó, cơ chế, chính sách đặc thù về mua bán, xử lý nợ, tái cơ cấu DN cho hoạt động của Công ty chưa được hoàn thiện nên còn nhiều vướng mắc trong việc xử lý tài chính, hỗ trợ phát triển DN sau tái cơ cấu.

Trong thời gian tới, DATC đặt kế hoạch đạt doanh số mua nợ tăng 30% so với thực hiện năm 2016 bằng việc tăng cường quan hệ hợp tác với ngân hàng, các tổ chức tín dụng nhằm tiếp tục khai thác nợ từ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng.

Với việc mua nợ qua VAMC, DATC sẽ khai thác, nắm thông tin từ các DN, các ngân hàng, tổ chức tín dụng có nợ đã chuyển giao cho VAMC để có cơ sở làm việc với VAMC chuyển giao thông qua phương thức mua, bán khoản nợ.

Ngoài ra, DATC thực hiện mua trọn gói, mua cả nhóm (gói) nợ có nhiều khách nợ từ các tập đoàn, tổng công ty. Cùng với đó, mua nợ của các công trình, dự án có nợ từ ngân sách (các công trình đã bàn giao nhưng ngân sách chưa giải ngân, còn nợ các DN. Sau khi mua nợ thu qua ngân sách các địa phương, trung ương)…

Đối với xử lý thu hồi nợ, DATC đặt kế hoạch doanh thu tăng 20% so với thực hiện năm 2016 nếu phần lớn phương án mua nợ để bán nợ; tăng 10% trong trường hợp đẩy mạnh số lượng DN mua nợ để tái cơ cấu DN.

DATC đặt ra chỉ tiêu ước thực hiện năm 2017 tổng doanh thu 2.250 tỷ đồng; doanh số mua nợ, tài sản là 2.400 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 390 tỷ đồng.

Về tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ, DATC sẽ căn cứ vào kế hoạch về sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DN của các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để nắm thông tin nhằm chủ động tổ chức tiếp nhận và xử lý nợ và tài sản loại trừ với phương châm khi có phát sinh tổ chức tiếp nhận và triển khai xử lý ngay trong năm.

Bên cạnh đó, tập trung rà soát toàn bộ hồ sơ tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ của các năm trước để phân loại nợ, tài sản mất mát, thiếu hụt để xử lý hoàn tất hồ sơ đưa vào lưu trữ. Xây dựng kế hoạch cụ thể về số DN tiếp nhận; số DN xử lý tài sản/số DN đã tiếp nhận; giá trị thu hồi nợ/tổng giá trị nhóm nợ 1.

Đối với hoạt động tái cơ cấu DN, DATC sẽ tiếp tục đưa vào kế hoạch các DN chưa hoàn thành tái cơ cấu trong năm 2016; đồng thời rà soát các phương án  khảo sát năm 2016 và dự kiến mua nợ trong năm 2017 để đánh giá lựa chọn những DN đảm bảo tái cơ cấu có hiệu quả để đưa vào kế hoạch năm 2017.(TCTC)
------------------------

Mạnh tay với tín dụng đen

Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, hiện có hơn 2.400 cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính, trong đó có hơn 860 cơ sở kinh doanh tài chính với 669 cơ sở, cá nhân hoạt động không phép.

Đây là những con số do công an TP. Hà Nội rà soát, điều tra cơ bản và lập danh sách. Từ đầu năm 2017 đến nay, cơ quan chức năng tại Hà Nội đã triệt phá 20 ổ nhóm hoạt động tín dụng đen vi phạm pháp luật. Có thể nói, tín dụng đen đang trở thành vấn nạn ở Hà Nội nói riêng và nhiều địa phương khác nói chung.

Thực tế cho thấy, ở rất nhiều tuyến phố, ngõ ngách tại Thủ đô hiện nay xuất hiện những tờ rơi kiểu “cho vay không thế chấp” quảng cáo cho hình thức tín dụng đen được in, dán ở bất cứ đâu như gốc cây, bờ tường, cửa sắt, cột điện...

Điều đáng nói là hoạt động tín dụng đen diễn ra công khai, trên các tờ rơi quảng cáo đều kèm số điện thoại của “nhà đầu tư” để các “con mồi” liên hệ nếu cần. Nguy hiểm hơn, theo cơ quan công an, đối tượng hoạt động trong lĩnh vực tín dụng đen hầu hết đều có tiền án, tiền sự, lưu manh, côn đồ. Nhiều đối tượng, cơ sở hoạt động liên tỉnh, với quy mô lớn.

Thủ đoạn của chúng bao giờ cũng tạo tâm lý dễ dãi ban đầu, bằng cách mồi chài người vay với lãi suất thấp, thủ tục cho vay nhanh gọn… để lừa sập bẫy. Tuy nhiên, lượng tiền chúng cho vay không đúng với thực tế, ít hơn rất nhiều so với số tiền người vay nhận được. Nhiều trường hợp người dân vay vài chục triệu sau một thời gian trả gần hết nhưng vẫn bị các đối tượng ép phải viết giấy vay nợ với số tiền lên tới cả tỷ đồng.

Khi người vay không có khả năng chi trả, các đối tượng dùng mọi cách để đòi tiền như: đe dọa tính mạng người thân của người vay nợ, khủng bố tinh thần như đổ sơn, chất thải, mang quan tài, vòng hoa, dán cáo phó… Rất nhiều người, trong đó có không ít sinh viên tỉnh lẻ vì cả tin lẫn thiếu hiểu biết đã mắc bẫy tín dụng đen, dẫn đến nợ nần hàng chục triệu và phải bỏ học. Thậm chí, không ít vụ việc vì không đòi được vốn lẫn lãi, các đối tượng đã manh động bằng cách chém giết người đi vay...

Mới đây, công an TP. Hà Nội nhấn mạnh sẽ kiên quyết dẹp bỏ vấn nạn tín dụng đen trên địa bàn thành phố. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ rà soát, lên danh sách những cơ sở tín dụng đen mới hoạt động và tổ chức kiểm tra, đóng cửa các cơ sở không phép.

Đi kèm với các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an tại Hà Nội tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, tố giác các đối tượng hoạt động tín dụng đen và các đối tượng quảng cáo, rao vặt hoạt động này. Với quyết tâm cao cùng với sự nhập cuộc của người dân, hy vọng rằng hoạt động tín dụng đen tại Hà Nội sẽ được xóa sổ trong tương lai gần.(TBNH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục