Vì sao Nga tái áp dụng tem phiếu thực phẩm?; Hàng loạt khách sạn tiêu chuẩn 7 sao sắp xuất hiện tại Việt Nam; Hãng xe Proton của Malaysia về tay người Trung Quốc; Ba năm nữa ô tô Việt Nam sẽ vượt mặt Philippines
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 03-06-2017
- Cập nhật : 03/06/2017
Lô vải đầu tiên ở miền Bắc được xuất sang Australia
1,2 tấn vải đầu mùa ở miền Bắc đã được chiếu xạ tại Hà Nội để đưa sang Australia bằng đường hàng không vào chiều 2/6.
Đây là năm thứ hai vải Việt Nam được Australia chấp nhận, sau khi đáp ứng nhiều tiêu chuẩn của thị trường này về vùng trồng, cơ sở đóng gói, bao bì, ghi nhãn và xử lý chiếu xạ.Theo ông Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm chiếu xạ Hà Nội, phương pháp chiếu xạ sẽ làm mất khả năng sinh sản, nảy nở của côn trùng, trứng bám trên vải và các hoa quả khác, với liều lượng chiếu xạ đạt khoảng 400 gry/kg, an toàn với con người.
Sau khi được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số, vải được đưa vào Trung tâm tập kết trong kho lạnh, sau đó nhân viên kiểm dịch lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra. Nếu lô hàng đạt chất lượng thì chuyển sang khu chiếu xạ và đưa ra kho lạnh đầu ra, chuyển vào container ra sân bay.
Ông Lê Nhật Thành, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc nông sản Việt vào được Australia sẽ tạo động lực cho người sản xuất trong nước, bởi đây là thị trường khó tính với yêu cầu rất khắt khe.
Năm ngoái có khoảng 30 tấn vải xuất sang Australia và dự kiến năm nay khoảng trên 100 tấn. Sau vải dự kiến thời gian tới một số hoa quả khác phía Bắc cũng được chiếu xạ sang thị trường Australia, trước mắt sẽ là xoài Sơn La.(Vnexpress)
------------------------------------------
Kiến nghị tạm ngưng xe Uber hoạt động tại TP.HCM
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa kiến nghị chưa cho Uber thực hiện thí điểm hợp đồng điện tử tại TP trong năm 2017.
Kiến nghị này được đưa ra trong một văn bản Sở vừa gửi UBND TP.
Cụ thể, sở đề nghị tạm thời chưa cho Công ty TNHH Uber Việt Nam thực hiện thí điểm ứng dụng hợp đồng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (gọi tắt là hợp đồng điện tử) trong năm 2017.
Lý do là hiện nay tại TP.HCM đã có các đơn vị đang thực hiện thí điểm hợp đồng điện tử gồm Grab, V.Car (Vinasun Car) và mới đây là M Car (Mai Linh Car).
Đồng thời, việc tạm dừng chuyện cho phép các xe Uber hoạt động là nhằm khống chế phát sinh số lượng xe hợp đồng điện tử tham gia thí điểm, vốn được cho là làm ảnh hưởng đến trật tự vận tải và ảnh hưởng trực tiếp đến quy hoạch phát triển taxi tại TP.HCM.
Theo Sở GTVT, từ năm 2014 đến nay, hoạt động của xe Uber tại TP.HCM chưa theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Cũng trong thời gian qua, Sở GTVT đã nhiều lần có văn bản đề nghị Uber làm thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam để hoạt động, nhưng Uber đã không hợp tác.
Theo đó, việc hoạt động của Uber chưa đúng quy định đã làm ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh của các đơn vị kinh doanh taxi và các đơn vị đang thực hiện thí điểm hợp đồng điện tử như Grab, V.Car…(Tuoitre)
--------------------------
Kinh tế Ấn Độ mất ngôi tăng trưởng nhanh nhất thế giới vì lệnh đổi tiền
Theo CNN, tỷ lệ tăng trưởng thường niên của Ấn Độ giảm xuống còn 6,1% trong quý kết thúc vào ngày 31.3, hạ từ mức 7% trong quý liền trước. Con số trên thấp hơn rất nhiều so với mức mà các nhà kinh tế dự báo. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Ấn Độ vừa tuột ra sau Trung Quốc, nước tăng trưởng 6,9% cùng giai đoạn.
Số liệu chính phủ Ấn Độ công bố hôm 31.5 cho thấy tăng trưởng trong năm tài khóa 2016 - 2017 của nước này sẽ hạ từ 8% xuống 7,1%. Dữ liệu GDP thấp cho thấy quyết định đổi 86% tiền mặt trong lưu thông của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi cuối năm ngoái có thể đang gián đoạn sự bùng nổ kinh tế Ấn.
Cụ thể, ông Modi bất ngờ cấm toàn bộ giấy bạc mệnh giá 500 và 1.000 rupee, hai loại mệnh giá lớn nhất trong hệ thống tiền giấy Ấn Độ, hôm 8.11.2016. Động thái này làm nền kinh tế phụ thuộc vào tiền mặt chật vật, khiến ngành tài chính yếu đi.
Cuộc khủng hoảng tiền mặt ảnh hưởng một chút đến tăng trưởng kinh tế Ấn Độ tháng 12.2016 song giờ đây, nó đang để lại tác động thực sự lên dữ liệu chính thức.(Thanhnien)
----------------------
Mỹ ra tín hiệu tích cực về hiệp định NAFTA, TTIP
Theo CNN, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết thông tin trên hôm 31.5 tại Trung tâm chính sách Bipartisan ở Mỹ. Theo đó, Mỹ sẽ khởi động tái đàm phán NAFTA với Canada và Mexico từ ngày 16.8.
Hiện nền kinh tế số một thế giới đang trong giai đoạn chờ đợi 90 ngày sau khi Tổng thống Trump chính thức thông báo cho Quốc hội Mỹ về ý định đàm phán lại NAFTA. Ông Trump có thư đến Quốc hội hôm 18.5. Tổng thống Mỹ đã và đang mạnh mẽ chống lại NAFTA, hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ, Canada và Mexico. Ông cho rằng NAFTA là lý do khiến dân Mỹ mất hàng triệu việc làm ngành sản xuất.
Tổng thống Trump từng hứa sẽ ký thỏa thuận mới đưa công việc ngành sản xuất về lại nước nhà, hoặc để Mỹ rút khỏi NAFTA. Ông Ross cho hay Mỹ đang không có nhiều thời gian. Mexico sẽ bầu cử tổng thống vào tháng 7.2018 và các chiến dịch tranh cử sẽ bắt đầu chạy từ đầu năm tới. Ứng viên hàng đầu của chiếc ghế tổng thống Mexico là ông Andres Manuel Lopez Obrador, người hứa sẽ khắt khe trong vấn đề thương mại với Mỹ.
Về TTIP, Mỹ “để ngỏ” khả năng khởi động lại các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU). Ông Ross nói: “Việc tiếp tục đàm phán TTIP và đi đến giải pháp giúp tăng thương mại tổng thể, cùng lúc kéo giảm thâm hụt thương mại của chúng tôi là hợp lý. Không có gì sai trong việc chúng tôi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) nhưng không rút khỏi TTIP”.
Ý kiến trên đánh dấu sự thay đổi trong chính quyền của Tổng thống Trump, đến vào giữa lúc Mỹ và Đức thể hiện sự bất đồng về mặt ngoại giao, thương mại. Khởi động từ năm 2013, các cuộc đàm phán về TTIP tạm ngừng khi ông Trump đắc cử nhờ chiến dịch vận động ủng hộ mạnh mẽ quan điểm, chính sách bảo hộ.
Một trong những động thái sớm nhất mà ông Trump thực hiện khi bước vào Nhà Trắng là rút Mỹ khỏi TTP, thỏa thuận giữa nước này với 11 quốc gia khác thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Úc, Nhật Bản. Brussels và Washington từng nỗ lực để TTIP được thông qua dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nhưng bất thành. Đầu tháng này, các bộ trưởng châu Á - Thái Bình Dương đồng ý tìm cách khôi phục TPP dù Mỹ đã quyết rút.(Thanhnien)