tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 12-09-2017

  • Cập nhật : 12/09/2017

TP Hồ Chí Minh kiên quyết ‘xóa sổ’ chợ tự phát

TP Hồ Chí Minh đang tiến tới mục tiêu “xóa sổ” các chợ tự phát trên địa bàn nhằm đảm bảo an ninh trật tự lòng lề đường, an toàn giao thông...

TP Hồ Chí Minh có khoảng 170 chợ tự phát rải rác khắp nơi trong thành phố. Vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã ra chỉ đạo các quận, huyện phải kiên quyết giải tỏa xong các chợ tự phát trên địa bàn, đồng thời thường xuyên kiểm tra và giải quyết ngay các điểm họp chợ lấn chiếm lòng lề đường mới phát sinh. Tuy nhiên, tình trạng nở rộ chợ tự phát vẫn tiếp tục tái diễn.

Nguyên nhân của vấn nạn này là do khi vào bán trong chợ, các tiểu thương phải chịu thêm nhiều khoản chi phí như thuế, tiền điện, tiền nước... nhưng khách mua hàng lại rất ít. Mặt khác, với thói quen của đi chợ của người dân thường muốn tấp xe vào lề đường, chợ tự phát để mua hàng nhanh chóng mà không phải mất thời gian, tốn tiền gửi xe. Tâm lý này cũng khiến chợ tự phát hình thành để đáp ứng nhu cầu.

cho tu phat duoc hinh thanh doc cac tuyen duong, noi co dong dan cu sinh song.

Chợ tự phát được hình thành dọc các tuyến đường, nơi có đông dân cư sinh sống.

 

Để “xóa sổ” chợ tự phát, các địa phương cho rằng cần phải thực hiện được đồng bộ cả hai giải pháp: Vừa tạo thuận lợi cho người mua và người bán khi vào chợ truyền thống, vừa triệt để ngăn chặn phát sinh chợ tự phát mua bán trên vỉa hè, lòng đường…

Theo đó, những giải pháp tập trung tuyên truyền, vận động và chốt chặn xử lý được triển khai trên toàn địa bàn thành phố, nhiều chợ tự phát cũng đã được “xóa sổ”. Chẳng hạn như quận Thủ Đức, địa bàn có khá nhiều chợ tự phát, đến nay cơ bản đã giải quyết xong vấn nạn này.

Ông Lưu Trọng Nghĩa, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức, cho biết quận Thủ Đức đã “xóa sổ” được chợ tự phát lâu đời tại hầm chui Linh Trung (cạnh Khu chế xuất Linh Trung, phường Linh Trung, quận Thủ Đức). Trước năm 2016, chợ tự phát này tồn tại ở nút giao thông quan trọng nên gây ra nhiều bất ổn về trật tự đô thị.

“Đội Quản lý trật tự đô thị quận kết hợp với UBND phường Linh Trung và phường Linh Xuân tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm, đến nay chợ này đã được xóa xổ. Nếu kiên quyết làm tới nơi tới chốn, đặc biệt phải có sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành đoàn thể và người dân, cùng xem đây là trách nhiệm chung thì hoàn toàn có thể dẹp được chợ tự phát”, ông Nghĩa cho biết thêm.(TTXVN)
----------------------

“Bộ Xây dựng chưa muốn xây Bảo tàng 11 nghìn tỷ vào lúc này”

Bộ Xây dựng vừa chính thức lên tiếng về việc dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thiếu vốn đầu tư khiến cơ quan này phải kiến nghị lên Chính phủ.

Trong thông cáo phát đi chiều 11/9, Bộ Xây dựng cho biết, đề án xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia được Thủ tướng phê duyệt tại từ tháng 12/2006.

Để triển khai dự án phù hợp với tình hình kinh tế xã hội chung của đất nước, tại cuộc họp thường trực Chính phủ hồi tháng 8/2015, Thủ tướng đã kết luận: “Trong điều kiện hiện nay ngân sách nhà nước còn khó khăn, đồng thời công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Bảo tàng Quốc gia cần được nghiên cứu, thực hiện hết sức kỹ lưỡng, vì vậy trong giai đoạn từ 2015-2020 yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ đạo Ban Quản lý dự án và các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu kỹ, hoàn thành tốt công tác chuẩn bị đầu tư và các thủ tục đầu tư theo quy định”.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung kinh phí đầu tư năm 2015 cho dự án. Giao Bộ Xây dựng chuẩn bị kế hoạch vốn cho giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, phấn đấu khởi công dự án vào 2021, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2024.”

Tuy nhiên, trong các năm 2015, 2016, 2017 và kế hoạch trung hạn 2017-2020 dự án không được bố trí nguồn vốn để triển khai các công việc theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong đó có công tác chuẩn bị xây dựng nội dung và hình thức trưng bày, triển khai thiết kế kỹ thuật, vì vậy các Ban Quản lý dự án không có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động cũng như chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội cho cán bộ viên chức.

Để tháo gỡ khó khăn cho quá trình triển khai dự án, nhất là hoạt động của các Ban Quản lý dự án, giải quyết chế độ, đời sống của cán bộ viên chức đang làm việc tại đây, ngày 17/7/2017 Bộ Xây dựng đã có công văn số 1616/BXD-KHTC báo cáo Thủ tướng về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và kiến nghị Thủ tướng 2 nội dung, đó là:

Kiện toàn và tổ chức họp Ban Chỉ đạo nhà nước xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia để nghe Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo tình hình thực hiện cụ thể của dự án và chỉ đạo định hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo các Bộ ngành có liên quan tiếp tục thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 13/8/2015 về dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, báo cáo của ông Nguyễn Quang Nam, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, thì trong tình hình kinh tế, bố trí ngân sách khó khăn, quan điểm của Bộ Xây dựng là không thúc đẩy triển khai dự án vào lúc này.

Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu có thể khởi công sớm nhất vào năm 2021, khi điều kiện kinh tế xã hội chung của đất nước cho phép, trước mắt cần tập trung thực hiện tốt công tác chuẩn bị, nhất là phần xây dựng nội dung, phương án phân loại và thu thập hiện vật, phương án trưng bày…

“Việc Bộ Xây dựng có văn bản báo cáo Thủ tướng là cần thiết nhằm xin ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo nhà nước xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia về hoạt động cho các Ban Quản lý dự án trong thời gian tới và có phương án bố trí ngân sách để các Ban duy trì hoạt động. Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang phối hợp chặt chẽ khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng giao”, Bộ Xây dựng cho biết.

Dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia dự kiến được xây dựng tại ô đất số 07, khu đô thị mới Tây Hồ Tây, Hà Nội với tổng diện tích hơn 10 ha.

Tổng vốn đầu tư của công trình được dự toán trên 11.200 tỷ đồng cho 4 hạng mục: toà nhà chính rộng hơn 20.400 m2; khu tưởng niệm danh nhân; khu trưng bày ngoài trời trưng bày những hiện vật lớn; tái tạo không gian lịch sử; không gian văn hóa, kiến trúc đặc sắc và hạng mục kỹ thuật phụ trợ, cây xanh và cảnh quan.(Vneconomy)
------------------------

Đầu tư vào Bitcoin tại Việt Nam đối mặt rủi ro gì?

Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam bắt đầu nhập khẩu một loạt máy tính nhằm xử lý dữ liệu giải mã để “đào” Bitcoin, mặc dù đồng tiền này chưa được pháp luật Việt Nam công nhận.

bitcoin hien chua duoc chap nhan tai viet nam (anh minh hoa: kt)

Bitcoin hiện chưa được chấp nhận tại Việt Nam (Ảnh minh họa: KT)

Bitcoin chưa phải là tiền tệ tại Việt Nam

Ngày 21/7/2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có Công văn số 5747/NHNN-PC gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về vấn đề bitcoin, litecoin với nội dung xác định các loại tiền ảo như trên không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp.

Theo NHNN, tiền ảo được xem xét quản lý dưới ba góc độ: tiền tệ, phương tiện thanh toán; tài sản ảo; hàng hóa (khi được đưa vào giao dịch trao đổi, chuyển nhượng, mua, bán...). Qua nghiên cứu, NHNN cho biết, hầu hết các quốc gia không chấp nhận tiền ảo là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp.

NHNN đã nêu ra hai lý do để không chấp nhận tiền ảo, đó là: Thứ nhất, nếu chấp nhận nó là tiền tệ, là phương tiện thanh toán hợp pháp thì chủ quyền quốc gia về phát hành tiền tệ bị xâm phạm, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ (tiền ảo nằm ngoài phạm vi quản lý, điều tiết của ngân hàng trung ương).

Thứ hai, nếu như tiền ảo được chấp nhận sẽ tạo điều kiện để trốn thuế, chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán, tài trợ cho các giao dịch bất hợp pháp vì các giao dịch thanh toán bằng tiền ảo là ẩn danh, không có dấu vết.

Ngoài ra, NHNN đã phối hợp với Bộ Tư pháp bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN cho biết đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh tiền ảo với tư cách là tiền tệ, phương tiện thanh toán.

Cẩn thận khi nhập máy 'đào' Bitcoin

Hiện tượng doanh nghiệp đã bỏ ra lượng tiền rất lớn để nhập khẩu ồ ạt các loại máy đào Bitcoin và một số loại tiền ảo khác đã từng xảy ra, nhưng sau đó phải bán đồng nát do bị thua lỗ trầm trọng.

Bên cạnh đó, điều này đã khiến Hải quan lúng túng bởi những loại máy tính dạng này không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu và Bitcoin là đồng tiền chưa được pháp luật Việt Nam công nhận.

Được biết, máy đào Bitcoin do Công ty Công nghệ Bitmain của Trung Quốc sản xuất và là máy xử lý dữ liệu tự động. Cụ thể, Antminer L3+ được lắp đặt từ chip đồ họa nhằm phục vụ chính cho việc giải mã hệ thống chuỗi SHA256.

Giá tiền ảo Bitcoin tăng chóng mặt và nhiều người muốn làm giàu lên nhanh chóng khiến việc nhập khẩu máy đào tiền ảo bùng nổ.

Chỉ trong ba tháng gần đây giá Bitcoin đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay, tăng đến 170%, có thời điểm lên mức gần 5.000 USD/bitcoin.

Tuy nhiên, giá đồng tiền này hiện đang lao dốc mạnh sau khi Trung Quốc tuyên bố cấm phát hành tiền ảo để huy động vốn. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết sẽ có biện pháp về mặt pháp lý để chấn chỉnh và truy phạt những ICO (Initial Coin Offering) - hoạt động chào bán các đồng tiền ảo lần đầu - đã huy động vốn thành công trước đó.(VOV)
--------------------

Bangladesh xem xét nhập khẩu hai triệu tấn gạo

Mưa lũ đã khiến Bangladesh mất trắng 8 triệu tấn gạo trong vụ Boro vừa qua, nên chính phủ nước này đang xem xét nhập khẩu thêm hai triệu tấn gạo.

bangladesh se nhap khau them bao nhieu gao trong nam nay? anh: ttxvn

Bangladesh sẽ nhập khẩu thêm bao nhiêu gạo trong năm nay? Ảnh: TTXVN

Chính phủ Bangladesh xem xét nhập khẩu hai triệu tấn gạo để bù đắp cho kho lương thực quốc gia sau khi đợt mưa lũ nghiêm trọng đã phá hoại nhiều vùng trồng lúa của nước này, Bộ trưởng Kế hoạch Mustafa Kamal cho biết trong cuộc họp của Hội đồng Kinh tế Quốc gia ngày 10/9.

Ông Kamal cho biết thêm, Bangladesh đã thiệt hại 8 triệu tấn gạo trong vụ Boro (kéo dài từ tháng 3 – tháng 5) vì đợt mưa lũ vừa qua. Tính chung cả năm, Bangladesh ước tính thiệt hại tới 12 – 14 triệu tấn gạo.

Kể từ đầu năm, lũ lụt ở Bangladesh đã gây thiệt hại nghiêm trọng về mùa màng, đẩy người vào cảnh vô gia cư và đói khát. Nhu cầu về thực phẩm và chỗ ở cũng theo đó tăng lên. (KT&TD)

Trở về

Bài cùng chuyên mục