Campuchia sắp phê duyệt dự luật kinh doanh casino; Tăng trưởng tín dụng trên 20%: Nguồn tiền ở đâu?; Chính phủ giảm 0,5% lãi suất cho vay; chưa tăng thuế, phí; Mở 'phố đèn đỏ' ở Phú Quốc, nên hay không?
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 12-09-2017
- Cập nhật : 12/09/2017
Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt: Trao quyền nhưng phải minh bạch
Cần đánh giá tác động toàn diện, khoa học, khách quan về các cơ chế, chính sách đặc thù dự kiến áp dụng cho các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Sáng 11/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 14, cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt. Đây là dự án Luật lớn, phức tạp, chưa có tiền lệ lập pháp ở nước ta, do vậy, đa số ý kiến đề nghị cần có đánh giá tác động toàn diện, khoa học, khách quan về các cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá dự kiến áp dụng cho các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ giúp hình thành khu vực tăng trưởng với phương thức quản lý mới (Ảnh: Đỗ Giang/Báo Đấu thầu)
Dự thảo Luật đã có quy định về các chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tại các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, bao gồm chính sách về môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng; dịch vụ hỗ trợ đầu tư; ưu đãi đầu tư; đất đai; lao động; giải quyết tranh chấp; thu hút ngoại kiều; xuất nhập cảnh.
Theo Tờ trình của Chính phủ và Bảng so sánh về các cơ chế, chính sách quy định trong dự thảo Luật với các quy định hiện hành áp dụng cho các khu kinh tế, khu công nghệ cao và một số nước trong khu vực thì hầu hết các lĩnh vực đều có ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn so với các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Myanmar. Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, các cơ chế, chính sách đặc thù được quy định trong dự thảo Luật đã thể hiện tính vượt trội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lại cho rằng: Những chính sách ưu đãi này không có gì mới, vẫn theo tư duy cũ là miễn, giảm, giãn. Cần phải giữ một nguyên tắc là lấy sự ổn định quốc phòng, an ninh toàn vẹn lãnh thổ là cái gốc, còn về kinh tế thì có thể có những cái thông thoáng, nổi trội, đặc biệt so với các vùng khác để thu hút đầu tư.
"Không phải kêu gọi đầu tư bằng mọi giá nữa là phải có quyền lựa chọn, phát triển nhưng phải lựa chọn chứ không phải ào ạt", ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Theo các đại biểu, điều khó nhất trong dự thảo Luật là quy định tổ chức mô hình chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt như thế nào cho phù hợp với Hiến pháp, Luật tổ chức chính quyền địa phương mà vẫn đảm bảo tính vượt trội.
Dự thảo Luật đề xuất xây dựng mô hình không tổ chức cấp chính quyền địa phương, nghĩa là không tổ chức HĐND và UBND tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Tại các đơn vị này, chính quyền địa phương là Trưởng Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, là người có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Trưởng Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và các cơ quan khác của Nhà nước tại đây chịu sự giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và của HĐND tỉnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đồng tình với phương án của Chính phủ trình theo hướng trao quyền cho Trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, song đề nghị cần minh bạch và có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ.
Nhiều ý kiến cho rằng: Các cơ chế chính sách đặc thù, có tính đột phá dự kiến áp dụng cho các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cần được đánh giá tác động một cách toàn diện, khoa học, khách quan về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm thu hút đầu tư, đồng thời cũng phải chuẩn bị các phương án chuyển tiếp về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, người lao động tương xứng với phương án tổ chức chính quyền, trong khi vẫn phải bảo đảm ổn định đời sống của người dân(VOV)
------------------------------
NHNN nói gì về trách nhiệm để OceanBank chi lãi ngoài?
NHNN là cơ quan trung ương trong khi NHNN các tỉnh, thành phố mới là bên có trách nhiệm trực tiếp tới các tổ chức tín dụng và thể hiện trách nhiệm đó qua các kết luận thanh tra. Còn NHNN không có trách nhiệm trong việc này.
Tại các phiên tòa trước đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đặt câu hỏi tới vị đại diện của NHNN về việc trách nhiệm của NHNN ở đâu trong việc để OceanBank chi lãi ngoài. Tuy nhiên, đại diện của NHNN đã xin "khất" câu trả lời.
Trở lại HĐXX về trách nhiệm của NHNN đối với OceanBank sau khi một vị luật sư nhắc lại về các câu hỏi còn chưa trả lời, đại diện NHNN cho biết NHNN là cơ quan trung ương. Cơ quan có trách nhiệm trực tiếp các TCTD mà bên trực tiếp là NHNN các tỉnh thành phố. Trong trường hợp của OceanBank, các đơn vị này cũng đã thực hiện trách nhiệm của mình trong việc ban hành các kết luận thanh tra.
Theo vị đại diện, vì các lý do trên, NHNN không có trách nhiệm trong việc này.
Như từng cho biết trước đó tại phiên tòa, đối với hoạt động giám sát, NHNN tỉnh, thành phố đã có 3 kết luận thanh tra đối với OceanBank. Tuy nhiên, theo bị cáo Hà Văn Thắm, các kết luận thanh tra này đều không nhắc tới việc chi lãi ngoài.
Ngoài hoạt động giám sát của NHNN, khâu kiểm toán nội bộ của ngân hàng cũng chưa từng báo cáo về hành vi chi lãi ngoài của các cán bộ ngân hàng.
Theo cán bộ Hội sở, Giám đốc chi nhánh OceanBank, họ đã không nhận được lời cảnh báo từ các cơ quan thanh tra hay bộ phận Kiểm soát nội bộ của ngân hàng.
Trưởng ban Kiểm soát OceanBank Bùi Văn Hải đã được HĐXX triệu tập trong các phiên tòa trước đó cho biết trong quá trình kiểm toán đã phát hiện ra nhiều sai phạm như khoản cho vay Trung Dung... Nhưng cũng có nhiều nội dung ông không biết. Trước quan điểm của Viện Kiểm sát cho rằng ông chưa làm tròn trách nhiệm ở vai trò của mình đặc biệt với những sai phạm mang tính hệ thống, ông Hải lập luận Ban Kiểm soát chỉ là vòng giám sát hoạt động.
“Tôi không được biết hết trong thực tế. Vì có những điều không biết nên không cảnh báo được.”
Nhưng theo bị cáo Nga, nguyên Trưởng ban tài chính kế hoạch, lại cho rằng ông Hải không thể không biết bởi vợ ông Hải, Phó Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, cũng là người trực tiếp chi lãi ngoài và bằng các động tác, nghiệp vụ của mình có thể dựa trên số liệu trên BCTC để thấy được.
Bị cáo Nguyễn Lưu Nam, nguyên Giám đốc Chi nhánh Quy Nhơn, còn cho biết chi nhánh của mình trong 27 tháng được 5 lần thanh tra. Trong đó hai lần có nội dung liên quna đến hoạt động chi lãi ngoài nhưng là "Có đi chi lãi ngoài cho khách hàng hay không?". Một số bị cáo là Giám đốc chi nhánh sau đó được HĐXX xét hỏi cũng cho biết tương tự.(NDH)
------------------------
Trung Quốc: Doanh thu của 500 doanh nghiệp hàng đầu thiết lập kỷ lục mới
Doanh thu của 500 doanh nghiệp lớn nhất nước này đã thiết lập mốc kỷ lục mới trong năm 2016 với 64.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 9,84 nghìn tỷ USD) sau 2 năm sụt giảm liên tiếp.
Hãng tin Tân Hoa dẫn báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc và Hiệp hội các Giám đốc doanh nghiệp Trung Quốc (CEC-CEDA) công bố ngày 10/9 cho biết các nhà sản xuất Trung Quốc trong năm qua đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ.
Khoảng 50% trong tổng số 500 doanh nghiệp lớn nhất của nước này là các nhà sản xuất, với lợi nhuận ròng tính gộp đạt 549 tỷ Nhân dân tệ.
Bên cạnh đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp này cũng đã vươn lên chiếm 19,4% trong cơ cấu lợi nhuận của 500 doanh nghiệp trên, đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất kể từ năm 2011. Theo CEC-CEDA, mốc doanh thu nêu trên tương đương với tốc độ tăng trưởng 7,64% so với năm 2015.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính lại không có được tình hình kinh doanh khả quan như các nhà sản xuất.
Theo CEC-CEDA, tỷ lệ lợi nhuận của 5 ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc cơ cấu lợi nhuận của 500 doanh nghiệp lớn nhất nước này đã sụt giảm trong ba năm liên tiếp.(TTXVN)
----------------------
Xiaomi vực dậy nhờ kết quả kinh doanh quý 2 tăng vọt
Sau khi để mất thị phần vào tay các đối thủ như Oppo và Vivo, Xiaomi đã dành lại vị thế nhờ doanh số bán hàng trong quý 2 tăng vọt 59%.
Ông lớn sản xuất điện thoại Trung Quốc Xiaomi cuối cùng đã vực dậy trở lại nhờ doanh số bán hàng quý 2 tăng mạnh, Financial Times cho biết.
Công ty đã quay lại Top 5 hãng sản xuất smartphone lớn nhất thế giới sau khi doanh số bán hàng của hãng trong quý 2 tăng lên vọt tới 59% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 21 triệu máy, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu IDC cho biết.
Top 5 hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới
Là một trong những công ty khởi nghiệp có giá trị lớn nhất thế giới với 45 tỷ USD năm 2014, Xiaomi đã thất bại trong việc đạt mục tiêu doanh số bán hàng năm 2015 và để mất thị phần về tay các đối thủ như Oppo và Vivo.
Shou Zi Chew, giám đốc tài chính của Xiaomi chia sẻ, "Chúng tôi cần phải bước chậm lại. Khởi điểm từ con số 0, để đạt được mức doanh thu 10 tỷ USD như hiện nay, Xiaomi phải mất 4 năm. Nếu xét về những thách thức tổ chức, chúng tôi cần phải củng cố thêm sức mạnh của công ty."
Hiện tại, công ty đang tự thiết kế bộ phận xử lý dành cho các mẫu điện thoại của hãng, cho phép giảm trọng lương pin và bớt phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài như Qualcomm. Tính đến thời điểm hiện tại, bộ xử lý do hãng thiết kế được áp dụng cho 16.000 sản phẩm.(NDH)
-------------------------------