Ô tô Thái Lan tiếp tục đổ bộ thị trường Việt Nam
Nguyễn Kim hoàn tất thương vụ thâu tóm Zalora Việt Nam
Lý do nào khiến người Hàn “thích“ đầu tư vào Việt Nam đến vậy?
Louis Vuitton store Tràng Tiền Plaza có dấu hiệu bất thường khi xử lý khiếu nại
Chưa thoát tư duy “ao làng” làm sao hội nhập TPP?
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 13-09-2017
- Cập nhật : 13/09/2017
TP.HCM xin Thủ tướng gia hạn dự án metro số 2 đến năm 2020
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng xin gia hạn thời gian thực hiện dự án metro số 2 Bến Thành – Tham Lương đến năm 2020. Theo UBND TP, quyết định của Thủ tướng nhằm làm cơ sở để gia hạn các hiệp định vay của các khoản vay hiện tại.Theo đó, TP.HCM sẽ trả toàn bộ phí cam kết phát sinh sau khi gia hạn các hiệp định vay đã ký. Trong văn bản gửi Thủ tướng, TP.HCM cũng cho hay sẽ không sử dụng khoản vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) để đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án. Dự kiến, UBND sẽ bố trí vốn ngân sách thành phố để triển khai thực hiện hạng mục này.
Như vậy, trong trường hợp kiến nghị được chấp thuận, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương sẽ chậm hơn 7 năm so với dự kiến ban đầu. Hiện nay, dự án này đã đội vốn từ 1,3 tỉ USD lên tới 2,19 tỉ USD.
Tuy nhiên, con số thực tế của dự án sẽ tăng hơn rất nhiều khi TP.HCM sẽ phải chi ngân sách để thực hiện giải phóng mặt bằng. Dự kiến, việc xây dựng metro số 2 sẽ ảnh hưởng đến 679 hộ dân dọc tuyến từ quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú.
Trước đó, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì buổi làm việc với ADB về một số dự án do ngân hàng này tài trợ, như dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành – Tham Lương, dự án giao thông đô thị bền vững cho tuyến tàu điện ngầm số 2.
Tại buổi làm việc, ADB thông báo chính thức việc gia hạn cần phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi đến ADB trước 30/9 để thực hiện các thủ tục. ADB đã thảo luận với các nhà đồng tài trợ là Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) về việc bổ sung vốn cho dự án và nêu câu hỏi về việc có thể trao thầu các gói thầu sử dụng các khoản vay bổ sung trước khi khoản vay bổ sung của ADB có hiệu lực.ADB cũng đề nghị UBND TP chủ động bố trị nguồn vốn đối ứng để thực hiện công việc cấp bách hiện nay là công tác kiểm toán theo quy định của ADB cho năm tài khoá 2017 và tư vấn giám sát tái định cư độc lập. Đây là các yêu cầu bắt buộc trong các Hiệp định đã ký giữa ADB và Chính phủ Việt Nam. Lý do là việc gia hạn khoản vay 1 hiện chưa được hoàn thành nên ADB có thể không bố trí được vốn kịp theo yêu cầu.
Quân.
Nhà nhà tài trợ đã thảo luận với Ban quản lý đường sắt đô thị thống nhất đề xuất điều chỉnh cơ cấu tài trợ các gói thầu của dự án so với trước đây. Cụ thể, gói thầy CP4 sẽ do ADB tài trợ, gói thầu CP6, CP7 sẽ do KfW tài trợ.
ADB đồng thời đề nghị triển khai nhanh việc tuyển chọn tư vấn quản lý dự án và giám sát thi công (sẽ do KfW tài trợ bằng nguồn vốn bổ sung) để đáp ứng yêu cầu về tiến độ của dự án.
Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương dự kiến khởi động vào năm 2013. UBND TP.HCM đã ký hiệp định vay ADB 540 triệu USD vào cùng năm. Vốn đầu tư xây dựng tuyến metro số 2 là 1,3 tỉ USD vay từ ADB, KfW, EIB và vốn ngân sách đối ứng.
Đến năm 2015, dự án metro số 2 đã chậm 2 năm và phải điều chỉnh thiết kế và đội vốn lên tới 2,19 tỉ USD. Khi đó, thời gian chậm nhất để thực hiện dự án nâng đến năm 2018 và năm 2023-2024 hoàn thành. Với kiến nghị mới nhất của UBND TP.HCM, dự án metro Bến Thành - Tham Lương có thể sẽ kéo dài tới tận năm 2026 mới hoàn thành.
-----------------------------------
Úc chấm dứt điều tra và không áp thuế chống bán phá giá thép mạ kẽm và nhôm ép nhập khẩu từ Việt Nam
Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết tháng 8 và tháng 10 năm 2016, Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) đã lần lượt khởi xướng điều tra 2 vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với nhôm ép và thép mạ kẽm nhập khẩu Việt Nam.
Sau quá trình điều tra, vào tháng 6 và tháng 8 năm 2017, ADC đã lần lượt công bố báo cáo cuối cùng của 2 vụ việc, theo đó ADC quyết định chấm dứt điều tra và không áp thuế chống trợ cấp đối với Việt Nam trong cả 2 vụ việc.
Trong vụ việc nhôm ép, Việt Nam bị cáo buộc đã trợ cấp cho doanh nghiệp trong 3 chương trình liên quan đến ưu đãi thuế. Sau khi điều tra, ADC xác định: 1 trong số 3 công ty của Việt Nam đồng ý hợp tác với ADC đã không nhận được ưu đãi nào từ các chương trình nêu trên. 2 doanh nghiệp còn lại và các nhà sản xuất/xuất khẩu khác có nhận được trợ cấp nhưng biên độ trợ cấp không đáng kể. Vì vậy, ADC quyết định chấm dứt điều tra vấn đề trợ cấp đối với Việt Nam.
Trong vụ việc thép mạ kẽm, Việt Nam bị cáo buộc đã trợ cấp cho doanh nghiệp trong 19 chương trình liên quan đến ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư, các chương trình hỗ trợ, chương trình xúc tiến thương mại. Sau khi điều tra, ADC xác định: các công ty của Việt Nam đồng ý hợp tác với ADC chỉ nhận được trợ cấp từ 03 trong số 19 chương trình nói trên, và lượng trợ cấp này là không đáng kể; mức độ trợ cấp dành cho các nhà sản xuất/xuất khẩu khác cũng không đáng kể. Vì vậy, ADC quyết định chấm dứt điều tra vấn đề trợ cấp đối với Việt Nam.
Đối với vấn đề điều tra chống bán phá giá trong vụ việc thép mạ kẽm, nguyên đơn cáo buộc có tồn tại “tình hình thị trường đặc biệt” trong ngành thép mạ Việt Nam. Nguyên đơn cho rằng Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết nguyên liệu chính để sản xuất thép mạ kẽm là thép cuộn nóng (hot rolled coil - HRC). Trong khi đó, giá của HRC tại nước xuất khẩu, do được trợ cấp nên đã bị bóp méo (thấp hơn giá lẽ ra phải có). Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu này nên giá thép mạ kẽm của Việt Nam cũng bị lệch lạc theo và đây cần được coi là “tình hình thị trường đặc biệt” tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi điều tra, Úc đã kết luận không tồn tại tình hình thị trường đặc biệt trong ngành thép mạ Việt Nam.
Việc ADC kết luận chấm dứt điều tra, không áp dụng biện pháp chống trợ cấp trong 2 vụ việc và việc ADC kết luận không tồn tại tình hình thị trường đặc biệt đối với thị trường thép mạ Việt Nam là kết quả tích cực và thành công đối với Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả cuối cùng này là tiền lệ tích cực cho các vụ việc tương lai, do đây là lần đầu tiên Úc điều tra chống trợ cấp và điều tra “tình hình thị trường đặc biệt” đối với Việt Nam. (NDH)
--------------------------------
Sau giá cát, giá thép xây dựng lại “nhảy múa”
Chưa hết nỗi lo cơn sốt giá cát, từ giữa tháng 8 tới nay, các chủ thầu xây dựng tại TP.HCM lại đau đầu với giá thép xây dựng khi chỉ trong 15 ngày, giá loại vật liệu này đã có tới 5 lần điều chỉnh giá.
Giá tăng đồng lọt
Bà Trịnh Hoài Linh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Trang trí nội thất Code Arch cho biết, công ty có thể chịu lỗ với những dự án đã ký hợp đồng xây dựng với khách hàng bởi giá thép đang tăng nhanh.
“Giá thép Việt Ý mác D10 đầu tháng 8 chỉ 11.970 đồng/kg, nhưng tới nay đã lên tới gần 15.000 đồng/kg. Thép Hòa Phát mác D12 đầu tháng 8 có giá 11.555 đồng/kg, giờ lên tới 15.000/kg. Việc tăng này tạo ra một gánh nặng cho công ty chúng tôi, bởi hiện giá cát đã tăng mạnh, giờ tới giá thép thì chủ thầu không thể nào có lời”, bà Linh nói.
Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại các cửa hàng bán vật liệu xây dựng tại nhiều quận của TP.HCM cũng cho thấy giá thép tăng nhanh. Một đại lý thép tại đường Võ Văn Ngân (quận 9) cho biết, giá thép đang điều chỉnh bắt đầu từ ngày 12/8, hiện giá bán lẻ thép Hòa Phát và Việt Ý đều xấp xỉ 15.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá này chưa bao gồm công vận chuyển tới công trình xây dựng.
Mức tăng giá cũng diễn ra với loại thép ống, thép gai... Trong đó, thép gai hiện có giá 115.000 đồng/cuộn, tăng gần 20.000 đồng/cuộn so với tháng trước.
“Việc tăng này áp dụng toàn quốc, nhưng khác nhau, dao động từ 10.000 - 14.000 đồng/kg”, ông Lê Tuấn, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Quang Dũng tại đường Võ Văn Ngân nói.
Trước việc tăng giá này, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã liên hệ với đại diện nhiều hãng thép của Việt Nam để tìm hiểu, thì đều được xác nhận là có chuyện điều chỉnh giá thép.
“Tát nước theo mưa”?
Bà Hầu Thị Thiết, ngụ quận 2 (TP.HCM) cho biết, đang chuẩn bị xây nhà, nên đầu tháng 8 có đi khảo sát giá vật liệu xây dựng để căn chỉnh tiền xây nhà. Tuy nhiên, ngày 20/8, bà chính thức đi mua vật liệu xây dựng về tập kết chuẩn bị xây nhà thì “bật ngửa” khi giá thép đã tăng mạnh.
“Giá các mặt hàng thép xây dựng, cát xây dựng tăng cao ngoài dự kiến, chỉ có xi măng là ổn định giá bán. Chính vì vậy, tôi phải căn chỉnh lại chi phí tài chính, bởi nếu giá tăng vậy, số tiền tôi dành xây nhà sẽ thâm hụt rất nhiều”, bà Thiết nói.
Lý giải câu chuyện giá thép tăng mạnh trong tháng 8, giám đốc một siêu thị vật liệu xây dựng trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) cho biết, là do tăng theo giá thế giới, bởi giá chào bán phôi thép thị trường thế giới tháng 7/2017 tăng khoảng 5 - 10 USD/tấn so với tháng 6/2017. Cụ thể, giá chào phôi thép CFR Đông Á khoảng 410 - 425 USD/tấn, giá chào phôi CIS khoảng 385 USD/tấn FOB Biển Đen.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty Sắt thép xây dựng Quang Thắng cho biết, theo số liệu từ Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trong tháng 7/2017, sản lượng sản xuất thép xây dựng ước đạt khoảng 780.000 tấn, tăng 24,1% so với cùng kỳ 2016 và tăng 7% so với tháng trước. Trong khi đó, sản lượng thép tiêu thụ ước đạt khoảng 740.000 tấn.
Còn theo báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong tháng 7/2017, do tác động của giá phôi thép, thép phế trên thị trường thế giới, giá thép xây dựng tăng phổ biến ở mức 150 - 300 đồng/kg, tùy từng chủng loại, từng thương hiệu thép. Hiện giá bán tại các nhà máy chưa bao gồm chiết khấu, thuế giá trị gia tăng khoảng 10.000 - 12.300 đồng/kg đối với thép cuộn và khoảng 10.100 - 12.400 đồng/kg đối với thép cây.
“Ngoài ra, thị trường xây dựng Việt Nam cũng bắt đầu vào mùa, nhiều dự án bất động sản lớn được chủ đầu tư động thổ và người dân cũng tiến hành xây dựng nhiều để có nhà mới ăn Tết. Chính vì vậy, giá thép trong nước tăng là chuyện bình thường”, vị lãnh đạo Công ty Quang Thắng cho biết.
Một lý do nữa, theo Công ty Xây dựng Hòa Bình, còn do ảnh hưởng từ nước láng giềng Trung Quốc. Theo đó, giá thép Trung Quốc đang tăng cao bởi ngành thép nước này đang tái cơ cấu, các nhà máy gây ô nhiễm môi trường bị ngưng sản xuất, trong khi nhu cầu thép Trung Quốc tăng cao do đầu tư xây dựng hạ tầng tăng, khiến giá phôi thanh và thép cán nóng thế giới tăng mạnh kể từ tháng 5. Các nguyên liệu thượng nguồn như quặng sắt, than cốc và thép phế cũng tăng đáng kể.
Tuy nhiên, đánh giá về việc tăng giá thép những ngày qua, giới phân tích cho rằng, có biểu hiện của việc “tát nước theo mưa” của một vài doanh nghiệp thép và các đại lý.(ĐTBDS)
--------------------
Thaco được chọn làm nhà đầu tư và nhập khẩu xe BMW tại Việt Nam
Tập đoàn BMW Châu Á (BMW Group Asia) thông báo đã ký Thư ngỏ ý nhằm thể hiện ý định chọn Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải - Thaco là nhà đầu tư và nhập khẩu xe BMW và MINI tại thị trường Việt Nam kể từ ngày 1/1/ 2018.
Tập đoàn BMW Châu Á sẽ kết thúc hợp tác bốn năm với Công ty Ô tô Sime Darby (Sime Darby Motors), nhà đầu tư lớn của Công ty Cổ phần Ô tô Âu Châu - Euro Auto (EAC), tại Việt Nam vào ngày 31/12/2017.
Ông Paul de Courtois, Tổng giám đốc, Tập đoàn BMW châu Á nói cho đến khi có thông báo mới, Euro Auto sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ hậu mãi cho tất cả khách hàng hiện tại của BMW, MINI và BMW Motorrad tại Việt Nam.
Liên quan tới Euro Auto, vào tháng 11/2016, Bộ Tài chính có công văn gửi Tổng cục Hải quan về việc ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại đối với hoạt động nhập khẩu ôtô, trong đó xác định nhiều sai phạm trong hoạt động nhập khẩu ôtô nguyên chiếc của Euro Auto.
Cuối tháng 4 vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố bị can đối với 3 cán bộ từng làm việc tại đây vì có hành vi giả mạo giấy tờ trong nhập khẩu, kinh doanh ôtô, trong đó có ông Nguyễn Đăng Thảo, Tổng giám đốc công ty.
Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng giám đốc phụ trách ASEAN Tập đoàn BMW, Thủ tướng cho phép tập đoàn BMW tiếp cận số ô tô trị giá 15 triệu euro, nhưng phải thay đại lý tại Việt Nam.
BMW là nhà sản xuất ô tô và xe máy cao cấp trên thế giới với ba thương hiệu BMW, MINI, Rolls-Royce, cung ứng dịch vụ tài chính và di dộng. Tập đoàn BMW vận hành 30 cơ sở sản xuất, lắp ráp tại 14 quốc gia và có hệ thống phân phối toàn cầu tại hơn 140 thị trường.(NDH)