Thành lập Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị gần 24.000ha
Bộ NN&PTNT đề nghị nới điều kiện xuất khẩu cá tra
Việt Nam đón thêm dòng vốn ngoại tỷ đôla
FPT thắng thầu dự án thuế kỷ lục tại Bangladesh
Nếu lãi suất của Mỹ tăng, VN bị tác động ra sao?
VN được hưởng lợi nhiều từ AEC
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 12-09-2017
- Cập nhật : 12/09/2017
Nga muốn tăng trưởng GDP cao hơn kinh tế toàn cầu
Thủ tướng Medvedev tuyên bố, Nga đặt ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao, thậm chí tốc độ tăng trưởng cao hơn nền kinh tế toàn cầu.
Nga đặt mục tiêu lớn về tăng trưởng GDP
Hãng thông tấn TASS ngày 8/9 dẫn bài phát biểu của Thủ tướng Dmitry Medvedev tại phiên họp toàn thể Diễn đàn tài chính Moskva lần thứ 2 bày tỏ nhiều kỳ vọng vào nền kinh tế Nga trong thời gian tới.
Theo ông Medvedev, Nga đã đặt ra mục tiêu đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao, thậm chí tốc độ tăng trưởng cao hơn nền kinh tế toàn cầu.
“Nhiệm vụ là đạt được tốc độ tăng trưởng không chỉ tương đương với mức trung bình của thế giới mà còn vượt quá tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Chúng tôi có cơ chế để đạt được mục đích này”, ông Putin khẳng định.
Thủ tướng Nga cho rằng một trong yếu tố để đạt được mục tiêu trên là phải giữ lạm phát ở mức thấp nhất cũng như duy trì mức giảm thâm hụt ngân sách vừa phải.
Ông Medvedev cũng lưu ý, dự thảo ngân sách cho kế hoạch 3 năm sắp tới gần như đã sẵn sàng. Ông hứa rằng sự cân bằng của nó sẽ cải thiện, cũng như hạn chế tới mức tối đa những rủi ro.
“Ngoài ra, chính phủ đang cố gắng làm giảm sự phụ thuộc vào biến động của giá dầu thế giới. Với mục đích này, một quy tắc ngân sách mới đã được thiết lập”, ông Medvedev nhấn mạnh.
Thủ tướng Medvedev cũng gửi lời cảm ơn đến các nhân viên Bộ Tài chính đã làm việc để hoàn thiện dự thảo ngân sách của đất nước.
“Điều này luôn luôn là một công việc rất khó khăn ở bất kỳ quốc gia nào và trong bất kỳ tình huống nào”, ông Medvedev nhấn mạnh.
Kinh tế Nga ngày càng tăng trưởng vững vàng?
Tuyên bố của Thủ tướng Medvedev tại diễn đàn kinh tế Moskva lần thứ 2 cho thấy dù liên tiếp hứng chịu các lệnh trừng phạt về kinh tế của Mỹ và châu Âu nhưng nền kinh tế Nga vẫn ngày càng trở nên vững vàng.
Khẳng định của ông Medvedev hoàn toàn trùng khớp với những gì Tổng thống Putin từng tuyên bố tại buổi trả lời trực tuyến người dân toàn Liên bang Nga hôm 15/6.
Tổng thống Putin cho biết, trong giai đoạn từ tháng 1/2017 đến tháng 4/2017, GDP của Nga duy trì nhịp độ tăng trưởng 0,7%. Ông Putin thừa nhận, mặc dù nền kinh tế Nga vẫn phát triển ở mức khiêm tốn nhưng GDP của nước này tăng trong 3 quý liên tiếp vừa qua.
“Điều gì cho phép chúng ta nói rằng sự quy thoái của nền kinh tế Nga đã chấm dứt? Trước tiên, và cũng là điều quan trọng nhất khi chúng ta đã có 3 quý liên tiếp kinh tế tăng trưởng, tuy còn rất khiêm tốn nhưng vẫn tăng trưởng qua từng quý”, ông Putin nhấn mạnh.
Tờ CNN hồi tháng 5 năm nay cũng dẫn báo cáo mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông tin, nền kinh tế Nga đang hồi phục rõ rệt sau suy thoái và cấm vận.
“Nền kinh tế Nga đã ra khỏi cuộc suy thoái kéo dài hai năm, trong đó, nhờ vào đường lối chính trị hiệu quả của chính quyền và dự trữ thực tế vững chắc, suy thoái đã giảm nhiều so với trước”, báo cáo của IMF xác nhận.
Năm ngoái, giá dầu tụt dốc còn gần như một nửa, nhưng đã tăng nhanh sau đó khi một thùng dầu có giá khoảng 50 USD, một phần nhờ việc cắt giảm khối lượng khai thác sau thỏa thuận đạt được của các thành viên OPEC như Saudi Arabia và Nga.
IMF đánh giá khả quan với những kế hoạch của Moscow trong việc giảm thâm hụt ngân sách, khôi phục dự trữ ngoại hối, tư nhân hóa một số công ty Nhà nước và “thanh lọc những ngân hàng yếu kém khỏi hệ thống tài chính”.
Các chuyên gia kinh tế của Liên Hiệp quốc cũng đánh giá cao triển vọng cải thiện nền kinh tế Nga.
TASS dẫn lời chuyên gia Dawn Holland của Liên minh châu Âu thuộc Vụ Kinh tế và xã hội Liên Hiệp Quốc (DESA) đánh giá, chương trình thay thế các sản phẩm nhập khẩu của Chính phủ Nga bằng các lệnh cấm vận của phương Tây và Mỹ đã một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Nga.
“Các biện pháp trừng phạt rõ ràng có một số tác động, tiếp cận với tài chính quốc tế ở Liên bang Nga đã cản trở việc phục hồi.
Nhưng chúng ta thấy nền kinh tế hồi phục trong năm nay và sau đó là thay đổi trong cơ cấu sản xuất nhằm một thích ứng với các biện pháp trừng phạt như thay thế hàng nhập khẩu bằng các sản xuất trong nước và đã khá thnafh công ở một số lĩnh vực. Đó là một trong những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ trogn năm nay”, bà Holland khẳng định.
Việc đặt ra mục tiêu GDP của Nga cao hơn mức tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, Thủ tướng Medvedev còn muốn thể hiện năng lực cũng như khả năng giải quyết các vấn đề nóng của nền kinh tế đất nước.
Điều này càng trở nên cấp thiết hơn khi tỉ lệ hài lòng của người dân đối với Thủ tướng Dmitry Medvedev được công bố mới đây thấp hơn nhiều so với Tổng thống Putin. Trong khi số người ủng hộ ông Putin lên tới mức 83,5% thì Thủ tướng Medvedev chỉ dành được 48% sự tin tưởng từ người dân.
Người dân Nga không hài lòng với công việc hiện tại của họ tới 51% và điều đó khiến việc đánh giá hiệu quả của Thủ tướng sụt giảm.(ĐVO)
--------------------------------
Bắp biến đổi gen gặp khó ở Việt Nam, vì đâu?
Lượng hạt giống bắp biến đổi gen (GMO) đã cung cấp ra thị trường Việt Nam khoảng 200 tấn tương ứng với diện tích trồng khoảng 100.000 ha. Tuy nhiên, hiện tại tốc độ phát triển của bắp GMO ra ngoài sản xuất còn hạn chế.
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết tại Hội thảo Tác động kinh tế-xã hội và môi trường của cây trồng công nghệ sinh học trên toàn cầu - Tiềm năng lợi ích cho việc ứng dụng tại Việt Nam do Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức chiều 8-9 tại TP.HCM.
Theo ông Định, cây trồng GMO mà cụ thể là bắp đã có thời gian hơn 10 năm để hoàn thiện các văn bản pháp lý cho phép thương mại hóa từ khung pháp lý an toàn sinh học, về an toàn để làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Sau đó cây trồng GMO được khảo nghiệm các bước để so sánh tính tương đồng.
“Đến nay có bốn sự kiện giống bắp GMO đã được công nhân an toàn sinh học và điều kiện làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của hai công ty Dekalb Việt Nam và Syngenta Việt Nam. Thế nhưng cây trồng GMO còn một số bất cập phát sinh trong lộ trình thương mại hóa (công nhận) giống”, ông Định chia sẻ.
Nông dân ở một số tỉnh ĐBSCL, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đã trồng bắp biến đổi gen.
Ông Định cho rằng bắp GMO tại Việt Nam vẫn khó phát triển là do giá thành vẫn cao hơn so với bắp nhập khẩu từ các nước châu Mỹ như Argentina, Brazil… Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa có những vùng sản xuất quy mô thích ứng với cây bắp, sản xuất vẫn manh mún, nhỏ lẻ.
TS Graham Brookes, Viện PGEconomics, Vương quốc Anh, cho biết lợi ích của bắp GMO là năng suất cao, chất lượng hạt thương phẩm tốt, giảm thiệt hại do sâu bệnh nhờ kháng sâu đục thân. Áp dụng biện pháp quản lý cỏ dài hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, giảm nhân công…
Nhưng TS Graham vẫn lo ngại những tác động tiêu cực của cây trồng GMO vì khảo sát thực trạng các nước trên thế giới, sự phụ thuộc vào glyphosate của nông dân tại khu vực châu Mỹ khi sử dụng đối với cây trồng chống chịu thuốc trừ cỏ đã tạo ra vấn đề cỏ kháng thuốc. Khi đó nông dân phải điều chỉnh và thay đổi các biện pháp kiểm soát cỏ dại, khiến lượng sử dụng thuốc trừ cỏ tăng, chi phí cũng tăng lên. (PLO)
-----------------------------
Hà Nội muốn cơ chế đặc thù xây 6 cầu mới qua sông Hồng, sông Đuống
Một trong những mục tiêu quan trọng trong việc xây cầu mới là mở thêm hướng phát triển đô thị Hà Nội về phía Bắc sông Hồng - Ảnh minh họa.
UBND thành phố Hà Nội vừa báo cáo Chính phủ về việc xây dựng 6 cầu mới trên địa bàn với tổng mức đầu tư gần 57.000 tỷ đồng.
Theo UBND thành phố, việc xây dựng cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống ngoài việc khép kín và tạo sự liên kết các tuyến đường vành đai 3, 3,5, 4, còn giữ vai trò quan trọng trong việc mở thêm hướng phát triển đô thị Hà Nội về phía Bắc sông Hồng.
Để có thể triển khai thuận lợi các dự án trên, Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện một loạt cơ chế đặc thù trong giải phóng mặt bằng, mời thầu và cơ chế tài chính.
6 cây cầu thành phố đề xuất triển khai gồm: Tứ Liên, Thượng Cát, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Trần Hưng Đạo, cầu Đuống 2 và Giang Biên với tổng mức đầu tư gần 57.000 tỷ đồng, tương đương 2,6 tỷ USD.
Cụ thể, cầu Tứ Liên có chiều dài 3km, rộng 29,5m có tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng. Địa điểm dự kiến xây dựng cầu nằm trên địa bàn quận Tây Hồ và huyện Đông Anh. Thời gian hoàn thành cầu Tứ Liên được Hà Nội dự kiến trong năm 2021.
Cầu Thượng Cát nằm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm có tổng mức đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng. Cầu Thượng Cát dự kiến có chiều dài 4,5km, rộng 60m. Thời gian thành phố Hà Nội dự kiến hoàn thành cầu vào năm 2021.
Cầu Trần Hưng Đạo được xây dựng trên địa bàn quận Long Biên và Hoàn Kiếm có tổng chiều dài khoảng 3km, rộng 20m, với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có chiều dài khoảng 3,5km, rộng 19,2m, với tổng mức đầu tư 2.560 tỷ đồng. Điểm đầu cầu chính vượt sông thuộc khu vực đê Hữu Hồng trên địa bàn phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng); điểm cuối, nút giao với đường Cổ Linh, thuộc phường Long Biên - Quận Long Biên.
Cầu Đuống 2 nằm trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Cây cầu và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh có tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng. Cầu Đuống 2 có chiều dài 0,5km, rộng 33m, dự kiến thời gian hoàn thành cầu trong năm 2021.
Cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu (nội cầu Vĩnh Tuy, vành đai 2 đến tiếp giáp Ninh Hiệp) với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng. Hà Nội dự kiến đến năm 2021 sẽ hoàn thành cây cầu này.
Liên quan đến việc xây cầu mới, UBND thành phố Hà Nội cũng vừa kiến nghị Hội đồng Nhân dân thành phố cho phép xây 3 cầu qua hồ Linh Đàm nối với đường vành đai 3 nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông cho khu vực Linh Đàm. Tổng kinh phí cho 2 dự án này dự kiến lên tới 500 tỷ đồng.(Vneconomy)
-----------------------
Đường sắt muốn vay gần 4.700 tỷ đồng để đầu tư đầu máy, toa tàu mới
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có kiến nghị lên Bộ GTVT đề xuất về phương án đầu tư, vay vốn tín dụng của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thực hiện đầu tư các dự án đầu máy, toa xe mới từ nay đến năm 2020 với tổng mức đầu tư 4.658,8 tỷ đồng.
Theo quy định của Luật Đường sắt thay thế Luật Đường sắt 2005 sẽ quy định niên hạn sử dụng của đầu máy, toa xe, VNR dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ thay thế dần các chủng loại đầu máy, toa xe lạc hậu kỹ thuật, công suất nhỏ để giảm chi phí giá thành bằng toa xe khách được sản xuất bằng công nghệ mới hiện đại của các nước công nghiệp phát triển vào khai thác và vận dụng trên các tuyến đường sắt tại Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh của vận tải đường sắt với các loại hình khác.
Cụ thể, VNR sẽ đầu tư 100 đầu máy mới (2.164 tỷ đồng), 150 toa xe khách (1.674,5 tỷ đồng), 300 toa xe vận chuyển container (270 tỷ đồng) và 500 toa xe có tốc độ chạy dưới 60km/giờ (550 tỷ đồng).
Trong đó, vốn đối ứng của Tổng công ty và các Công ty cổ phân vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn là 1.397,64 tỷ đồng (chiếm 30%), số tiền còn lại 3.261,16 tỷ đồng (chiếm 70%) là vốn vay ngân hàng.
Đề cập đến hình thức vay vốn, phía VNR đánh giá, nếu vay vốn ngân hàng thương mại sẽ chịu lãi suất cao, thời gian vay vốn ngắn nên hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao trong khi lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam lại ổn định, thời gian vay vốn dài, doanh nghiệp có thể dùng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm tiền vay.
Điều cản trở khiến VNR khó tiếp cận nguồn vốn đó chính là các dự án của Tổng công ty không thuộc đối tượng vay vốn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại Điều 5, 6 của Luật đường sắt sửa đổi năm 2017, Tổng công ty Đường sắt sẽ được Nhà nước cho vay vốn với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc cấp bảo lãnh của Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật đến ngày 1/7/2018 Luật đường sắt mới có hiệu lực.
Để đáp ứng kịp thời việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng như ngành đường sắt, VNR đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ chấp thuận để các dự án đầu tư ngành đường sắt được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Bên cạnh đó, phía VNR cam kết sẽ chấp hành đầy đủ các thủ tục vay vốn nếu được Chính phủ chấp thuận, thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng theo đúng quy định của hợp đồng vay vốn.(Vietnam+)
--------------------------------