Nga đánh bại Mỹ trong cuộc chiến khí đốt ở châu Âu?; Nhà nước đầu tư giỏi, dân ung dung hưởng nhàn; Trung Quốc lo lắng khi đồng nhân dân tệ đang mạnh lên; Sẽ kỷ luật bốn lãnh đạo Vinachem làm thiệt hại hơn 4.200 tỉ đồng
Tin kinh tế đọc nhanh tối 12-09-2017
- Cập nhật : 12/09/2017
Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông lại ‘lỡ hẹn’ vì thiếu vốn?
“Thiếu vốn để trả cho nhà thầu phụ thi công vẫn là nguyên nhân chính khiến dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông có thể 'lỡ hẹn' vận hành thử trong tháng 10/2017 này”, đại diện Ban quản lý Dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho hay.
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, đến tháng 9/2017, dự án Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành được 95% hạng mục xây dựng cơ bản. Phần việc còn lại không nhiều, chủ yếu là các hạng mục hoàn thiện như đường nội bộ, hàng rào ở khu Depot, công tác hoàn thiện các nhà ga… Một số hạng mục xây dựng phải chờ lắp đặt xong thiết bị mới tiến hành hoàn thiện, nhưng thiết bị chưa về, nên chưa thể làm tiếp.
Hiện nay, các nhà thầu thi công vẫn đang nỗ lực thúc đẩy tiến độ các hạng mục cuối cùng của dự án. Tuy nhiên, do thiếu hụt nguồn vốn chi trả cho nhà thầu phụ, nên mục tiêu vận hành thử đoàn tàu trong tháng 10/2017 có thể bị lùi lại đến cuối năm. Số tiền tổng thầu chậm chi trả cho nhà thầu phụ đã ở mức 600 tỷ đồng, nên nhà thầu phụ rất khó khăn về vốn.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông dài gần 13 km, thực hiện từ tháng 10/2011, với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD. Sau khi điều chỉnh, đến thời điểm này tổng mức đầu tư của dự án là 868,04 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng, tổng mức đầu tư này tăng hơn 300 triệu USD so với kế hoạch ban đầu.
Giữa tháng 5/2017, Hiệp định vay ưu đãi Chính phủ khoản vay bổ sung cho dự án đã được ký kết giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). Sau ký kết, hai bên sẽ phải hoàn thiện thư pháp lý để khoản vay này có hiệu lực.
Bộ Giao thông vận tải cũng đã nhiều lần giải trình với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và China Eximbank để đàm phán các điều khoản liên quan đến pháp lý của 2 nước. Được biết, nguồn vốn vay bổ sung hiện đã được phía China Eximbank cấp và đang chờ thủ phân bổ.
Theo mục tiêu đặt ra, đến cuối tháng 9/2017, dự án Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị. Từ tháng 10/2017, dự án bắt đầu chạy thử liên động toàn hệ thống; thời gian chạy thử khoảng từ 3 - 6 tháng. Dự kiến, quý II/2018, dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại.
Tuy nhiên, với tình hình nguồn vốn chậm giải ngân, các mục tiêu này khó có thể đạt tiến độ. Đến thời điểm này, việc “khơi thông” nguồn vốn đã bị chậm tới gần 5 tháng.
Ngày 20/5/2017, dự án đã mở cửa cho người dân Hà Nội tham quan nhà ga La Khê (Hà Đông) mẫu và đã thu hút hàng vạn người dân đến xem. Điều này cho thấy sự quan tâm của người dân Thủ đô đối với dự án đường sắt đô thị đầu tiên này rất mong chờ.
Trước đó, tháng 2/2017, đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đầu tiên đã được phía Trung Quốc bàn giao và đặt tại điểm ga La Khê. Kế hoạch tiếp nhận 12 đoàn tàu còn lại là từ tháng 6 - 7/2017. Tuy nhiên, theo đại diện Ban Quản lý dự án, đoàn tàu tiếp theo sẽ được phía Trung Quốc giao cho Việt Nam cuối tháng 9/2017.
Thực tế, nếu dự án tiếp tục “lỡ hẹn”, không chỉ gây tốn kém chi phí cho nhà thầu thi công, vì phải duy trì máy móc thiết bị tập kết tại hiện trường, mà còn gây bức xúc dư luận về tiến độ dự án.(Baotintuc)
-------------------------
World Bank: Việt Nam có thể hưởng lợi hơn nữa từ các chuỗi giá trị toàn cầu
Tham gia vào các hoạt động đem lại giá trị gia tăng cao hơn và đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài và thị trường quốc tế có thể giúp Việt Nam chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Đó là ý kiến được đúc rút từ hai báo cáo mới của Nhóm Ngân hàng Thế giới.
Toàn cảnh hội thảo "Việt Nam trước ngã rẽ".
Hai báo cáo với tiêu đề - Việt Nam trước ngã rẽ: Tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới và Nghiên cứu về tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp vừa và nhỏ được ra mắt tại Hội nghị do Bộ Công Thương Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (World Bank) phối hợp tổ chức vào ngày 07 tháng 9 năm 2017 tại Hà Nội với sự hỗ trợ của Ốt-xtrây-lia cho thấy tiềm năng tăng trưởng ở các ngành trong nước nếu cải cách chính sách được tiếp tục.
Quan hệ cung - cầu
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, “Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã và đang đem lại những lợi ích to lớn cho Việt Nam về tăng trưởng, xuất khẩu và việc làm.
“Nội dung thảo luận hôm nay và các khuyến nghị của hai báo cáo đã chỉ ra nhiều ý tưởng về cách thức Việt Nam có thể tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài”, ông Hải cho biết thêm.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho biết, rất nhiều DN FDI khi bắt đầu đầu tư vào Việt Nam, họ quan tâm đến quy mô thị trường, nguồn lao động giá rẻ và họ cũng rất kỳ vọng về việc cung ứng của DN trong nước đối với DN nước ngoài.
Tổng thư kí VCCI nhận định, mối liên kết giữa DN FDI và DN trong nước về bản chất là mối quan hệ cung cầu.
“Xét về bản chất, mối liên kết giữa DN FDI và DN trong nước thì đó là mối quan hệ giữa cung và cầu”, Tổng thư ký VCCI nhận định.
WBG cho biết, thông qua việc khảo sát và phỏng vấn chi tiết hàng nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam, WBG khuyến nghị, Việt Nam có thể chọn hướng đi theo hướng đa dạng hoá và hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước có tinh thần đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tạo ra các sản phẩm “sáng chế tại Việt Nam”. Các cơ chế chính sách nhằm tăng cường năng lực và công nghệ của các doanh nghiệp trong nước sẽ tạo điều kiện cho họ kết nối với các doanh nghiệp FDI và vươn ra thị trường quốc tế.
Hiện nay, một số doanh nghiệp trong ngành điện tử và ô tô xe máy của Việt Nam đã hội nhập thành công vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, nhìn chung, Việt Nam mới chỉ tập trung vào các hoạt động gia công, lắp ráp ở công đoạn sản suất cuối cùng và chưa kết nối được nhiều với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, “Việt Nam đã hội nhập thành công vào một số chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Tuy nhiên, quốc gia có thể vươn lên và nâng cao giá trị gia tăng của mình bằng những cải cách và sáng kiến chính sách ở những lĩnh vực như giao thông, dịch vụ, thủ tục biên giới và hội nhập khu vực.”
Gói sáng kiến cải cách toàn diện
Báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị chính để giúp Việt Nam tiến sát hơn với mục tiêu của mình. Đó là cải thiện sự phối hợp giữa các bộ ngành, tạo thuận lợi về trao đổi thông tin và liên hệ giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đồng thời hỗ trợ có mục tiêu nhằm phát huy thế mạnh của một số nhà cung ứng trong nước.
Nếu đạt được vị thế cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam có thể thu hút thêm đầu tư nước ngoài quy mô lớn, qua đó tạo thêm việc làm và tạo thêm cơ hội cho các nhà cung ứng trong nước. Nhưng để đạt mục tiêu đó, theo báo cáo, cần phải có một gói sáng kiến cải cách toàn diện. Thứ nhất, Thu hẹp khoảng cách chênh lệch về hạ tầng thông qua đẩy mạnh huy động vốn của khu vực tư nhân và áp dụng cách tiếp cận tổng hợp hơn trong phát triển các hành lang giao thông; Thứ hai, Phát triển các thị trường dịch vụ cạnh tranh và tự do hóa các quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài; Thứ ba, Hợp lý hóa các thủ tục biên giới để nâng cao minh bạch và khả năng tiên liệu; Thứ tư, Thúc đẩy quan hệ với các nước phát triển để đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ và đầu tư về công nghệ.
Những bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế trình bày tại hội nghị đã chỉ ra những điểm chung để có được chương trình kết nối tốt giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đó là tinh thần chủ động và cam kết cao ở cấp chính sách, được bổ sung bằng cơ chế thể chế và quản trị tốt. Bên cạnh đó là chiến lược được xây dựng dựa trên bằng chứng để thúc đẩy các chương trình kết nối, cơ sở dữ liệu tốt về các nhà cung cấp, các dịch vụ kết nối doanh nghiệp - với - doanh nghiệp, các chương trình phát triển nhà cung cấp dựa trên nhu cầu.(Enternews)
---------------------------
Australia gia hạn thời gian ban hành Báo cáo điều tra CBPG tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam
Cục Quản lý Canh tranh cho biết Australia ra thông báo gia hạn thời gian ban hành Báo cáo về Dữ kiện trọng yếu và Báo cáo cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá với sản phẩm tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam.
Ngày 7/9/2017, Ủy Ban Chống bán phá giá Úc (ADC) thuộc Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học Úc đã ra thông báo số 2017/126 về việc gia hạn thời gian ban hành Báo cáo về Dữ kiện trọng yếu (SEF-Statement of Essential Facts) và Báo cáo về khuyến nghị của ADC (Final Report) trong vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) với sản phẩm tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia.
Để có thêm thông tin về vai trò của các bên liên quan trong việc sản xuất và xuất khẩu sản phẩm liên quan vào Úc và để xác minh thông tin mà các bên liên quan cung cấp, thời hạn để Ủy viên Ủy ban Chống bán phá giá Úc ban hành SEF được gia hạn đến ngày 5/11/2017 và thời hạn cung cấp Báo cáo về các khuyến nghị của ADC tới người có thẩm quyền thuộc Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học Úc được gia hạn tới trước/hoặc vào ngày 20/12/2017. Sau khi ban hành SEF, các bên liên quan có thể nộp bản đệ trình trình bày ý kiến về Báo cáo này trong vòng 20 ngày kể từ ngày ban hành.
Trước đó, ngày 8/6/2017, ADC đã ra Thông báo khởi xướng điều tra số 2017/78. Theo đó, SEF dự kiến được ban hành vào ngày 26/9/2017, và bản Báo cáo cuối cùng dự kiến được ban hành vào hoặc trước ngày 10 tháng 11 năm 2017. Ngày 7/8/2017, ADC đã ra thông báo tạm thời (Thông báo CBPG số D60REP 405) về việc chưa áp dụng biện pháp CBPG sơ bộ đối với tháp gió (mã HS: 7308.20.00, 7308.90.00, 8502.31.10) nhập khẩu từ Việt Nam.(NDH)
---------------------------------------
Theo đuổi mô hình từ nông trại đến bàn ăn, Mavin dự kiến đầu tư 80 triệu USD vào 4 dự án ở Nghệ An
Mavin đang tiến hành nghiên cứu tính khả thi để thành lập một nhà máy chế biến thực phẩm tại Nghệ An, có thể sẽ triển khai vào năm 2018 với tổng mức đầu tư 25 triệu USD, công suất 200.000 tấn/năm.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của Nghệ An tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh vừa qua, ông David John Whitehead - Chủ tịch Tập đoàn Mavin cho biết, sẽ đầu tư khoảng 80 triệu USD vào 4 dự án tại Nghệ An.
Tập toàn Mavin đầu tư 4 dự án, gồm: nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi; trang trại lợn hạt nhân; trung tâm nghiên cứu thú y; nhà máy chế biến thực phẩm.
Trong đó, vào tháng 2/2017, Tập đoàn Mavin đã chính thức đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Mavin Austfeed Nghệ An với tổng vốn đầu tư 15 triệu USD trên diện tích 36.000 m2 tại Khu B, KCN Nam Cấm. Nhà máy này có công suất 300.000 tấn/năm.
Tháng 4/2017, Mavin cũng đã được cấp Giấy phép Đầu tư cho trang trại lợn hạt nhân công nghệ cao tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An với tổng mức đầu tư 18 triệu USD. Diện tích trang trại là 100 ha nằm tại xã Hùng Sơn có công suất 10.000 con lợn nái và 125.000 con lợn thịt mỗi năm. Thời gian xây dựng khoảng 24 tháng.
"Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu tính khả thi để thành lập một nhà máy chế biến thực phẩm tại Nghệ An, có thể sẽ triển khai vào năm 2018 với tổng mức đầu tư 25 triệu USD trên diện tích 5 ha. Nhà máy sẽ có công suất 200.000 tấn/năm với các sản phẩm chế biến từ thịt, xúc xích, giăm bông và các thực phẩm thịt truyền thống” – Chủ tịch Tập đoàn Mavin cho biết thêm.
Theo ông David John Whitehead, đầu tư tại Nghệ An là một sự lựa chọn tốt vì không chỉ có vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở vật chất đồng bộ, nguồn nhân lực lớn, mà còn nhận được sự quan tâm giúp đỡ hiệu quả của lãnh đạo cấp tỉnh; sự hỗ trợ nhiệt tình từ các cơ quan hành chính; nguồn nhân lực chất lượng, cơ cấu khuyến khích và ưu đãi đầu tư tốt.(NDH)