TP.HCM chốt 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2016
Tăng thuế hàng loạt: Những ông lớn nào sẽ “chịu trận”?
“Sẽ có nhiều doanh nghiệp mới hình thành nhờ TPP, AEC...”
Khởi công dự án thủy điện Đa Nhim mở rộng
Công ty Nhật Bản khánh thành nhà máy tại Đồng Nai
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 11-12-2015
- Cập nhật : 11/12/2015
Nhật Bản muốn hợp tác với Cần Thơ về nông nghiệp công nghệ cao
Ngày 10/12, lãnh đạo thành phố Cần Thơ tiếp và làm việc với đoàn Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) do ông Yazuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn.
Đoàn gồm 32 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Trong buổi làm việc, hai bên bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác về máy móc nông nghiệp, cây giống và phân bón.
Ông Yazuzumi Hirotaka cho biết nhiều địa phương của Nhật Bản có nét tương đồng với Đồng bằng sông Cửu Long về thổ nhưỡng với kinh tế nông nghiệp là chủ đạo.
Trong quá trình công nghiệp hóa nền nông nghiệp với nhiều thử nghiệm, Nhật Bản nhận thấy chỉ có tập trung ứng dụng công nghệ cao vào cải tiến máy móc nông nghiệp, cây giống và phân bón thì nền nông nghiệp mới có thể phát triển bền vững theo hướng xanh, sạch và thân thiện với môi trường.
Bởi vậy, Nhật Bản mong muốn các giải pháp khoa học công nghệ hiện đại mà Nhật Bản đã áp dụng thành công sẽ phần nào giúp Việt Nam giảm thiểu tác hại ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, phía Nhật mong muốn nâng cao năng suất, chất lượng của hàng nông sản cũng như giảm sức lao động cho nông dân bằng những máy móc canh tác kỹ thuật cao, nguồn cây giống tốt và phân bón an toàn.
Các máy móc được phía Nhật Bản giới thiệu lần này là máy thu hoạch, đóng gói liên hợp, máy sấy khô thực phẩm, các thiết bị làm vườn, hệ thống nhà kính... Các giống cây năng suất cao, thời gian tăng trưởng ngắn, tính thích ứng thổ nhưỡng địa phương cao cũng được doanh nghiệp Nhật Bản giới thiệu.
Bên cạnh đó còn có thuốc bảo vệ thực vật, phân bón làm từ các thành phần thiên nhiên không hại sức khỏe người tiêu dùng được các công ty như Flora, Tokan, Asahi... cam kết.
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ nhấn mạnh Cần Thơ có thế mạnh về nông nghiệp nhưng còn nhiều hạn chế về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật canh tác nông nghiệp và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Do đó, địa phương mong muốn Nhật Bản hỗ trợ và chuyển giao thành tựu khoa học tiên tiến của Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp để mang lại lợi ích thiết thực nhất cho nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là Cần Thơ với vai trò thành phố trung tâm của vùng./.
Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam do Nga xây dựng 100%
Truyền thông Nga ngày 9/12 đưa tin các nhà thiết kế và cung cấp thiết bị của thành phố Saint Petersburg (Nga) sẽ tham gia xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam.
Thông báo trên được Thị trưởng thành phố Saint Petersburg, ông Georgy Poltavchenko thông báo với các phóng viên hôm 9/12 khi công bố kết quả sơ bộ chuyến thăm chính thức của phái đoàn thành phố đến Việt Nam.
Ông Poltavchenko cho biết: “Hiện đang giải quyết vấn đề xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, hoàn toàn do các chuyên gia của Nga xây dựng. Các nhà phát triển cùng các nhà thiết kế của chúng tôi sẽ phụ trách công trình này. Việc cung cấp thiết bị điện là từ Nga, cũng có nghĩa là từ Saint Petersburg.”
Hiện nay, các chuyên gia của công ty Silovye Mashiny ở Saint Petersburg cũng đã bắt đầu xây dựng nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 ở Việt Nam với thời hạn hoàn thành dự án là năm 2019
9 KKT cửa khẩu được tập trung đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020
Thủ tướng Chính phủ đồng ý lựa chọn 9 khu kinh tế (KKT) cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, 9 KKT cửa khẩu trên gồm: KKT cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn; KKT cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai; KKT cửa khẩu tỉnh Cao Bằng; KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh; KKT cửa khẩu Cha Lo, tỉnh Quảng Bình; KKT - thương mại đặc biệt Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị; KKT cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh; KKT cửa khẩu tỉnh An Giang.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung phân bổ vốn đầu tư cho 9 KKT cửa khẩu trọng điểm trên tối thiểu bằng 70% tổng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương trong kế hoạch hàng năm và 5 năm 2016 - 2020 cho các KKT cửa khẩu.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án bố trí vốn ngân sách Trung ương theo kế hoạch hàng năm và 5 năm 2016 - 2020 cho các KKT cửa khẩu, tuân thủ nguyên tắc tập trung cho các KKT cửa khẩu trọng điểm được lựa chọn và theo đúng các quy định hiện hành, trong đó ưu tiên đầu tư các hạng mục công trình có nhu cầu cấp thiết của từng khu để sớm phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển các khu này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và là đầu mối theo dõi quá trình triển khai việc tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 cho các KKT cửa khẩu trọng điểm được lựa chọn, báo cáo đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xử lý những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong quý IV/2020, tiến hành tổng kết việc triển khai thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuân thủ nguyên tắc tập trung đầu tư phát triển các KKT cửa khẩu trọng điểm đã được lựa chọn; sử dụng vốn ngân sách Trung ương được phân bổ theo đúng mục đích và quy định hiện hành, bảo đảm tiến độ giải ngân và xây dựng công trình.
Đồng thời chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác cùng với nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KKT cửa khẩu. Kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý lựa chọn 8 nhóm KKT ven biển trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.
Năm 2016, TP.HCM sẽ phát hành 3.000 tỉ đồng trái phiếu
Tại kỳ họp lần thứ 20, HĐND thành phố vừa thông qua Nghị quyết về phát hành 3.000 tỉ đồng trái phiếu chính quyền địa phương trong năm 2016 để đầu tư các công trình trọng điểm trên địa bàn.
Theo đó, kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2016 từ nguồn vốn ngân sách nhà nước của thành phố năm 2016 là 22.872 tỉ đồng (chưa bao gồm vốn ODA). Thành phố cũng sẽ huy động thêm các nguồn vốn khác để chi cho đầu tư phát triển, huy động đến đâu bố trí cân đối vốn cho các dự án để chi đầu tư xây dựng cơ bản đến đó.
Theo quy trình, UBND thành phố xây dựng đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, trình Thường trực HĐND thành phố và thống nhất với Bộ Tài chính theo quy định, đảm bảo sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu đúng mục đích, hiệu quả, bố trí vốn thanh toán nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn.
Tại cuộc họp vào chiều hôm qua (9/12), HĐND thành phố đã thông qua tờ trình của UBND thành phố về chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công (đợt 1). Theo đó, trong năm 2016, Tp.HCM sẽ khởi công xây dựng thêm 3 bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, Củ Chi và Hóc Môn với tổng vốn đầu tư khoảng 5.700 tỉ đồng, và dự kiến cả 3 bệnh viện này sẽ đi vào hoạt động từ năm 2021.
Ngoài ra, HĐND thành phố cũng đã thông qua chủ trương đầu tư 50 dự án sử dụng vốn cân đối ngân sách thành phố, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại và các vốn vay khác với tổng mức đầu tư của 50 dự án khoảng 12.190 tỉ đồng.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân lưu ý, từ đầu năm 2016 bắt đầu thực hiện Luật đầu tư công nên chủ tịch UBND các quận huyện, giám đốc các sở ngành khi tham mưu các dự án đầu tư công phải siết chặt, rà soát kỹ và chịu trách nhiệm về việc đề xuất các dự án, tránh tình trạng lãng phí hoặc cứ ghi vốn vào danh mục rồi để đó. Các sở, ngành rà soát tiến độ thực hiện nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách; đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông; các dự án chống ngập, ngăn triều...
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa trình UBND Tp.HCM danh mục các dự án cần đất để triển khai trong năm 2016 với tổng diện tích đất cần thu hồi khoảng 3.300ha. Theo đó có tổng cộng 491 dự án cần thu hồi đất với diện tích gần 3.300ha. Trong số này có 298 dự án chuyển tiếp của năm 2015 sang với tổng diện tích gần 1.360ha và 198 dự án đăng ký mới với diện tích 1.932ha. Trong số lượng dự án cần thu hồi năm 2016 có cả dự án chuyển mục đích sử dụng đất dưới 10ha đất trồng lúa, dưới 20ha đất rừng phòng hộ.
Nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa hộ gia đình và cá nhân tại 9 quận huyện lên đến khoảng 1.800ha. Trong đó, huyện Hóc Môn có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng nhiều nhất với gần 510ha, kế đến là Cần Giờ 401ha, Củ Chi 172ha, Nhà Bè 50ha, quận 9 khoảng 100ha, Bình Tân 45ha…
'Vận đen' của hạt cà phê Việt Nam
Nguyên nhân dẫn tới vấn đề trên, theo ông Nam là do người nông dân (và các nhà đầu cơ nhỏ lẻ) nắm bắt thông tin mất mùa nên giữ hàng không bán ra thời điểm đầu vụ. Lượng hàng tồn kho ước tính tại doanh nghiệp và trong dân hiện là 300.000 tấn (theo số liệu thống kê đầu tháng 10-2015). Trong đó có 200.000 tấn năm 2013-2014 chuyển sang (không tính lượng tồn kho tại kho ngoại quan).
“Do anh hưởng của giá cà phê London, đầu vụ giá ở mức cao nhưng sau đó đi xuống nhanh chóng. Từ tháng 3 mức giá cà phê nội địa trung bình chỉ khoảng 38 triệu đồng/tấn. Sang tháng 7 giá cà phê nội địa trung bình chỉ còn 36.600 triệu đồng/tấn. Tháng 9 cũng là tháng cuối vụ nhưng giá không những không đi lên mà còn rớt thảm hại. Trung bình chỉ còn 35.400 đồng/kg” - ông Nam chia sẻ.
Không chỉ gặp khó ở thị trường trong nước, cà phê Việt Nam cũng gặp áp lực cạnh tranh từ các nhà xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới là Brazil, Indonesia. Giá trị đồng nội tệ của hai nước này là Real và Rupiah xuống thấp kỷ lục góp phần đẩy mạnh xuất khẩu từ hai quốc gia này đi Mỹ và châu Âu đã chiếm phần nào đó thị phần của cà phê Robusta từ Việt Nam.
Tuy nhiên theo ông Nam, thị trường vẫn có những điểm sáng và đó cũng có thể xem là lối thoát cho cà phê Việt Nam. Hiệp Hội Cà phê và Cacao Việt Nam (Vicofa) và Hiệp hội Các nhà xuất khẩu Indonesia mới đây đã ký một biên bản thỏa thuận về nâng cao chất lượng cà phê Robusta và quản lý nguồn cung cà phê. Số lượng xuất khẩu cà phê nhân chất lượng cao tăng hơn so với năm 2014, cho thấy nhu cầu hàng chất lượng cao từ Việt Nam đang tăng, mang lại những lợi ích nhất định cho thị trường, đặc biệt với các nhà xuất khẩu có nhà máy sơ chế.
Lượng cà phê tiêu dùng trong nước đã tăng 5%-7% năm 2010 nay đã tăng lên trên 10%. Như vậy mục tiêu 15% vào năm 2020 có thể sẽ đạt được. Điều đó có nghĩa lượng cà phê nhân xuất khẩu ngày một giảm, cà phê chế biến tăng lên để ngày càng nâng cao giá trị gia tăng. Thị phần cà phê hòa tan Việt Nam trên thị trường cà phê hòa tan thế giới đã tăng mạnh trong năm năm qua, từ 2% đến 9%. Tổng sản lượng xuất khẩu ước lượng khoảng 75.000 tấn, cao nhất trong năm năm trở lại đây, nhờ doanh số bán hàng tăng ở các thị trường EU, Nhật, Mỹ, Nga.
Cũng theo ông Nam, đa số các nhà xuất khẩu sẽ áp dụng phương án mua ngay bán ngay, không bán xa nhằm tránh rủi ro do biến động về thị trường. DN cần tập trung vào đầu tư, nâng cấp hạ tầng và kỹ thuật cho các nhà máy sơ chế, chế biến, đẩy mạnh xuất khẩu cà phê chất lượng cao.