tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 10-12-2015

  • Cập nhật : 10/12/2015

Sắp giảm dự trữ bắt buộc cho nhiều ngân hàng?

sap giam du tru bat buoc cho nhieu ngan hang?

Sắp giảm dự trữ bắt buộc cho nhiều ngân hàng?

Ngày 4/12/2015, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 23/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng.

Có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung, trong đó nổi bật nhất là việc mở rộng đối tượng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc so với quy định chung.

Theo quy định trước đó, trường hợp tổ chức tín dụng bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các tổ chức tín dụng đến mức tối thiểu 0%.

Thông tư 23 vừa ban hành tiếp tục kế thừa cơ chế trên, đồng thời mở rộng với quy định: đối với tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, tổ chức tín dụng tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ định, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cụ thể cho từng tổ chức tín dụng.

Với quy định trên, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có thêm cơ chế tạo khả năng hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng thực hiện tái cơ cấu, đặc biệt là với những trường hợp nhận hoặc được chỉ định tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thời gian qua.

Thông tư 23 có hiệu lực từ ngày 28/1/2016.

Hiện tại, hệ thống các tổ chức tín dụng đang thực hiện các mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng VND theo Quyết định 379/QĐ-NHNN ngày 24/2/2009, đối với tiền gửi bằng USD theo Quyết định 1925/QĐ-NHNN ngày 26/8/2011. Tức là đã nhiều năm qua các tỷ lệ quy định chưa có thay đổi, ngoại trừ một số trường hợp được giảm nếu có tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn từ 40% trở lên.

Đối với tiền gửi VND loại không kỳ hạn và dưới 12 tháng hiện có tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 3%, loại từ 12 tháng trở lên là 1%; đối với tiền gửi ngoại tệ tương ứng là 8% và 6%. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và một số tổ chức tín dụng đặc thù… được áp thấp hơn.

Từ năm 2012 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại đã tham gia quá trình tái cơ cấu, xử lý các ngân hàng yếu kém. Theo đó, cơ chế trên mở ra khả năng nhiều thành viên có thể được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong thời gian tới.

Với cơ chế mở rộng nói trên, sau thời điểm 28/1/2016, nhiều ngân hàng thuộc diện quy định mới có thể được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, vì đây là lợi ích sát sườn của họ.

Với thị trường, khả năng một nguồn vốn từ dự trữ bắt buộc sẽ được “thả” ra. Tuy nhiên, tác động của nó (trực tiếp nhất là với lãi suất) còn tùy thuộc vào mức độ quyết định giảm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Nếu có quyết định giảm theo chính sách mới này, độ rộng ảnh hưởng là đáng kể, khi nhiều thành viên có thị phần lớn hoặc quy mô lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Sacombank, PVcomBank, SHB… hay cả những trường hợp Ngân hàng Nhà nước vừa mua lại bắt buộc.


“Đại án” Phương Nam: 22 bị cáo bị đề nghị tăng án gấp đôi

Cho rằng tòa cấp sơ thẩm tuyên án quá nhẹ so với tội danh nên VKS ở cấp phúc thẩm đề nghị tăng án gấp đôi đối với 22/27 bị cáo.

Chiều 8-12, trước khi kết thúc ngày xét xử thứ 2 “đại án” "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" và "Vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra tại Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) và các ngân hàng (NH), đại diện VKSND Cấp cao tại TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm đã có bản luận tội đối với 27 bị cáo.

Theo đó, vị ủy viên công tố cho rằng bị cáo Lâm Minh Mẫn (nguyên kế toán trưởng Công ty Phương Nam) và bị cáo Trịnh Thị Hồng Phượng (nguyên phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Phương Nam) đã có vai trò đồng phạm giúp sức cho bị can Lâm Ngọc Khuân (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Phương Nam) và bị can Lâm Ngọc Hân (Việt kiều Mỹ, con gái bị can Khuân) lừa đảo, chiếm đoạt của 5 NH gần 639 tỉ đồng. Thế nhưng, kết thúc phiên xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên Mẫn 14 năm tù và Phượng 12 năm là quá nhẹ.

bi cao lam minh man

Bị cáo Lâm Minh Mẫn

Tương tự, có 3 bị cáo nguyên là lãnh đạo các chi nhánh NH bị tòa cấp sơ thẩm tuyên từ 5-7 năm tù đã bị vị ủy viên công tố đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét hủy một phần án sơ thẩm liên quan đến các bị cáo này để cấp sơ thẩm xét xử lại theo hướng tăng án. Đặc biệt, 22 bị cáo còn lại là nguyên cán bộ của 5 NH đã bị vị ủy viên công tố đề nghị mức án cao gấp đôi so với án sơ thẩm.

Trong phần tranh luận để bào chữa cho 2 bị cáo nguyên là cán bộ NH, luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho rằng VKSND tỉnh Sóc Trăng đã kháng nghị tăng án đối với các bị cáo là sai thẩm quyền. Bởi lẽ, VKSND Tối cao là cơ quan ban hành ra cáo trạng của vụ án này chứ không phải VKSND tỉnh Sóc Trăng.

Bào chữa cho bị cáo Mẫn, luật sư Trần Vĩnh Khang (Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng) cho rằng Mẫn chỉ làm việc theo chỉ đạo của cha con bị can Khuân và không biết mục đích lừa đảo của “đại gia” thủy sản này. Do vậy, luật sư Khang đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm không xem bị cáo Mẫn là đồng phạm giúp sức cho cha con bị can Khuân.

Đầu tháng 8 vừa qua, trong phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên phạt bị cáo Phượng 12 năm tù, Mẫn 14 năm, cùng tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 25 bị cáo nguyên là nhân viên, cán bộ của 5 NH nhận mức án từ 2- 7 năm tù về tội “Vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Sau đó, VKSND tỉnh Sóc Trăng đã có kháng nghị tăng hình phạt đối với 22 bị cáo và không giảm nhẹ hình phạt đối với 3 bị cáo nguyên là nhân viên, cán bộ các NH.

Ngày 9-12, phiên tòa phúc thẩm sẽ tiếp tục phần tranh luận.


Cảnh báo cạn dòng vốn vào thị trường mới nổi

Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển trên thế giới đã giảm năm thứ 6 liên tiếp...

Dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi có thể bất ngờ cạn kiệt, đặt ra rào cản cho sự tăng trưởng mong manh của nền kinh tế toàn cầu - Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo trong một báo cáo ra ngày 8/12.

Theo tin từ Bloomberg, trong báo cáo này, WB cho biết tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển trên thế giới đã giảm năm thứ 6 liên tiếp và đang diễn ra trên diện rộng nhất kể từ thập niên 1980.

Tuy các nền kinh tế mới nổi hiện nay có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó với các cú sốc so với thời thập niên 1980 và 1990, những thách thức gần đây có thể báo hiệu cho một thời kỳ tăng trưởng chậm chạp mới - WB nhận định.

Tệ hơn, theo định chế này, bất ổn tài chính toàn cầu giá tăng có thể dẫn tới các dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi trở nên cạn kiệt. Vốn ròng chảy vào các nền kinh tế mới nổi đã giảm liên tục kể từ năm ngoái và giảm về 0 trong nửa đầu năm 2015.

Cảnh báo này được WB đưa ra chỉ hơn một tuần trước cuộc họp cuối cùng trong năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cuộc họp mà giới phân tích dự báo là FED sẽ có động thái tăng lãi suất cơ bản đồng USD lần đầu tiên kể từ năm 2006.

Triển vọng lãi suất Mỹ tăng cộng với giá hàng hóa cơ bản sụt giảm đã khiến các nền kinh tế mới nổi có độ phụ thuộc cao vào tài nguyên như Nga và Brazil điêu đứng. Cả hai nước này đều đã chìm sâu trong suy thoái kinh tế.

“Các điều kiện bên ngoài xấu đi, xuất phát từ chính sách tiền tệ dần thắt chặt của Mỹ... có thể kết hợp với các yếu tố trong nước tạo thành một ‘cơn bão hoàn hảo’, chặn đứng dòng vốn chảy vào các nền kinh tế mới nổi”, WB viết trong báo cáo.

Đây không phải là lần đầu tiên các nền kinh tế mới nổi cảm nhận cú sốc từ chính sách của FED. Gần đây nhất, vào năm 2013, các nền kinh tế này đã điêu đứng khi FED giảm dần tiến tới chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng (QE).

Theo ước tính của WB, nếu lợi suất trái phiếu Mỹ tăng 100 điểm cơ bản, thì dòng vốn chảy vào các nền kinh tế mới nổi có thể giảm một lượng tương đương tới 2,2% GDP trong vòng một năm sau.

Lịch sử đã cho thấy, khi dòng vốn bên ngoài bất ngờ cạn kiệt, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của một nước giảm trung bình 7 điểm phần trăm trong vòng 2 năm sau đó - theo WB.

Sự giảm tốc hiện nay diễn ra sau một “kỷ nguyên vàng” mà các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng với tốc độ chưa từng có tiền lệ và trở thành đầu tàu tăng trưởng chính của thế giới.

Giai đoạn tăng trưởng đó đã đưa một số lượng lớn người trên thế giới thoát khỏi đói nghèo, giảm tỷ lệ nghèo tại các quốc gia thu nhập thấp từ mức 37% vào năm 2000 xuống còn 8% hiện nay.


Dòng tiền đen Trung Quốc tuồn ra nước ngoài đạt kỷ lục

Dòng tài chính bất hợp pháp của Trung Quốc ước tính đạt gần 1,4 nghìn tỷ trong một thập kỷ, mức lớn nhất đối với các quốc gia đang phát triển.

Theo Bloomberg, đây là con số ước tính được Tổ chức Liêm chính Toàn cầu (GFI) - nhóm nghiên cứu về chuyển tiền qua biên giới có trụ sở tại Washington, Mỹ - công bố hôm nay. Lượng tiền thất thoát qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm sử dụng tài liệu giả mạo trong các giao dịch thương mại.

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và số liệu mà GFI có được về sở hữu, chuyển nhượng hoặc sử dụng trái phép.

Theo GFI, nguồn tiền thất thoát khổng lồ của Trung Quốc trong năm nay đã đẩy mạnh thị trường bất động sản từ Sydney đến Vancouver, khi người giàu nước này rót tiền ra nước ngoài để đầu tư. Trong khi đó, khả năng đồng nhân dân tệ mất giá có thể khiến tiền mặt được chuyển ra hải ngoại nhiều hơn. Ngày 9/12, Trung Quốc cũng cắt giảm lãi suất tham chiếu mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Báo cáo cho biết 7,8 nghìn tỷ thất thoát từ các quốc gia đang phát triển trong giai đoạn 10 năm được ngụy trang dưới nhiều hình thức hóa đơn giả mạo trong hoạt động thương mại. Đây là phương thức nổi bật tại Trung Quốc trong năm 2013, khi chính phủ áp dụng biện pháp xử lý mạnh tay các trường hợp dùng giấy tờ giả để thực hiện giao dịch mờ ám và bóp méo số liệu.

Theo quy định, mỗi công dân Trung Quốc chỉ được phép chuyển tối đa 50.000 USD/năm ra nước ngoài, tuy nhiên vẫn có nhiều công cụ để lách luật.


Kinh tế - xã hội nhiều địa phương tạo được đà cho năm 2016

Báo cáo của UBND một số tỉnh, thành phố tại kỳ họp HĐND cuối năm 2015 cho biết KT-XH năm 2015 ước đạt mức tăng khá so với mức tăng chung của cả nước. Đây là cơ sở vững chắc để tạo đà phát triển cho năm 2016 và những năm tiếp theo.

Tại kỳ họp lần thứ 20 HĐND TPHCM khóa VIII (khai mạc ngày 8/12), báo cáo của UBND Thành phố cho biết tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn năm nay ước tăng 9,8% so với năm 2014 (theo cách tính mới GRDP đạt 7,72%) và là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Chỉ số giá tiêu dùng cả năm tăng khoảng 1%, thấp hơn mức tăng của cả nước (ước 2%). Tổng kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu thô) đạt gần 27 tỉ USD, tăng 9,9% so với năm 2014.

Đây là cơ sở quan trọng để TPHCM đặt mục tiêu năm 2016 đạt mức tăng GRDP 8% (theo cách tính mới).

Với Đà Nẵng, năm 2015 cũng là năm  Thành phố đạt mức tăng trưởng GRDP cao nhất trong 4 năm qua, ước đạt 9,8% so với năm 2014. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ, sản xuất công nghiệp-xây dựng, sản xuất nông-lâm-thủy sản đều có mức tăng so với Nghị quyết của HĐND Thành phố. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 15% (Nghị quyết là 12-13%).

Năm 2016, Đà Nẵng xác định mục tiêu tổng quát là “tiếp tục giữ vững và bảo đảm tăng trưởng hợp lý, kinh tế phát triển bền vững”.

Trước đó, tại kỳ họp lần thứ 14 HĐND TP. Hà Nội khoá XIV (từ 1-4/12), báo cáo của UBND Thành phố cho biết kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng 9,24% (cao hơn năm 2014). Có 17/20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; lãi suất ngân hàng giảm; nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng tăng cao; lạm phát được kiểm soát; thu ngân sách đạt khá; huy động đầu tư xã hội tăng cao hơn.

Năm 2016, TP. Hà Nội đặt mục tiêu GRDP đạt mức tăng 8,5-9,0% theo cách tính mới; bình quân đầu người 85-87 triệu đồng. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 7,0-8,0%.

Tại Bắc Ninh,  năm 2015, GRDP ước tăng 8,7% so với năm 2014. Tổng thu ngân sách ước thực hiện hơn 14.300 tỉ đồng, bằng  102,1% dự toán, tăng 12,8% so với năm 2014. Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cao nhất cả nước với 786 dự án FDI, số vốn đăng ký đạt hơn 11,4 tỉ USD; 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trên cơ sở đó, năm 2016, tỉnh phấn đấu GRDP tăng 9,2-10,2% so với năm 2015. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 25 tỉ USD. Tạo việc làm cho 27.000 lao động.

Báo cáo KT-XH tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Cà Mau khoá VIII cho biết năm 2015,  tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,46% so với năm 2014. Hoạt động thu ngân sách, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ đều tăng.

Trên cơ sở đó, năm 2016, tỉnh Cà Mau phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 39,8 triệu đồng; thu ngân sách 4.250 tỉ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 12.000 tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,3 tỉ USD; tỉ lệ hộ nghèo giảm 1,5%…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn tại kỳ họp lần thứ 12 HĐND tỉnh khóa XV, năm 2015, các ngành kinh tế chủ yếu của tỉnh đều có mức tăng trưởng khá. Theo đó, GRDP ước đạt 9,67%, vượt mục tiêu đề ra. Tổng thu ngân sách ước đạt 137,6% dự toán, tăng 28,6% so với cùng kỳ. Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ổn định, tiếp tục cải thiện. An ninh quốc phòng được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Báo cáo của UBND TP. Hải Phòng tại kỳ họp thứ 13 HĐND Thành phố khóa XIV cho biết năm nay, cả 15/15 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch. GRDP ước tăng 10,17% so với 2014, là mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,22 tỉ USD tăng 18,22% so với cùng kỳ, đạt 101,81% kế hoạch. Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng trên địa bàn ước đạt 69 triệu tấn tăng 13,87% so với cùng kỳ, đạt 106,15% kế hoạch. Thu ngân sách tăng 11,1% so với cùng kỳ.

Năm 2016, Hải Phòng phấn đấu GRDP tăng 10,5-11% so với năm 2015.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XV,  năm 2015, kinh tế của tỉnh tiếp tục đà phục hồi. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,5% (kế hoạch 7,5%) so với 2014,  là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thu nội địa ước đạt 7.300 tỉ đồng, vượt 18,2% dự toán HĐND tỉnh giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.800 tỉ đồng, vượt 17,6% dự toán năm. Tổng dư nợ tín dụng đạt 43.770 tỉ đồng, tăng 15,6% so với cuối năm 2014, nợ xấu giảm còn 0,9% tổng dư nợ.

Năm 2016, tỉnh phấn đấu mức tăng trưởng từ 8,5% trở lên. Giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng 15%. Thu ngân sách nội địa ước đạt 8.050 tỉ đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5% trở lên.

Năm 2015,  kinh tế tỉnh Hưng Yên ước tăng trưởng 7,85%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 40,4 triệu đồng. Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp, thủy sản đạt 13,54%, công nghiệp, xây dựng 48,98%, dịch vụ 37,4%. Thu ngân sách 7.660 tỉ đồng, đạt 106% kế hoạch.

Năm 2015, tỉnh thu hút thêm 115 dự án đầu tư, trong đó có 75 dự án trong nước, 40 dự án nước ngoài. Tỷ lệ hộ nghèo còn 3%.

Năm 2016, Hưng Yên phấn đấu GRDP tăng 8% so với 2015. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 12-12-20151

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 12-12-2015

    Sẽ thanh tra Vinatex, ACV, Vietcombank, VDB
    Từ vụ Bạc Liêu, Cà Mau “vỡ nợ”: Bộ Tài chính siết chi tiêu của các địa phương
    Cộng đồng ASEAN và những việc cần làm ngay
    Dự án dầu khí Bir Seba: Biểu tượng hợp tác Việt Nam-Algeria
    11 tháng, doanh thu TKV đạt gần 86% kế hoạch

  • Tin kinh tế đọc nhanh 12-12-20152

    Tin kinh tế đọc nhanh 12-12-2015

    Chủ thầu phải mua bảo hiểm cho công nhân xây dựng
    Nông dân chê ngân hàng, vay tín dụng đen
    100% hàng điện tử Hyundai ở Việt Nam không rõ nguồn gốc
    Bị phong toả, doanh nghiệp FDI “cầu cứu” Bộ Tài chính
    Ngân hàng Quốc Dân thay Tổng giám đốc

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 11-12-20153

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 11-12-2015

    Doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư nhưng ngại thương lái Trung Quốc
    Nhà nhập khẩu cảnh báo chất lượng tiêu Việt Nam
    Thủy điện Sơn La vượt tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ
    Tăng cường quản lý sử dụng vốn đầu tư
    Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đề nghị bỏ quy định mới về cá tra

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 11-12-20154

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 11-12-2015

    Nhật Bản muốn hợp tác với Cần Thơ về nông nghiệp công nghệ cao
    Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam do Nga xây dựng 100%
    9 KKT cửa khẩu được tập trung đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020
    Năm 2016, TP.HCM sẽ phát hành 3.000 tỉ đồng trái phiếu
    'Vận đen' của hạt cà phê Việt Nam

  • Tin kinh tế đọc nhanh 11-12-20155

    Tin kinh tế đọc nhanh 11-12-2015

    TPHCM duyệt và điều chỉnh quy hoạch hàng loạt dự án
    Hà Nội đấu giá đất tại huyện Quốc Oai với giá khởi điểm 4 triệu đồng/m2
    "NHNN sẽ tăng cường các giải pháp quản lý nhằm nỗ lực giữ tỷ giá"
    Bỏ lỡ 1 tỷ USD vì tính toán sai về giá dầu
    Bị điều tra ở Hàn Quốc, Apple khiến phố Wall giảm mạnh

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 10-12-20156

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 10-12-2015

    Sẽ có nhiều "cá mập" đầu tư vào bán lẻ Việt Nam
    Trên 51.000 tỷ đồng đầu tư vào Quảng Ninh trong năm 2015
    Nhiều cơ hội giao thương với doanh nghiệp Nga
    Đón đầu TPP, nhà đầu tư Đài Loan rót hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam
    Vốn FDI Nhật Bản chảy mạnh vào Việt Nam

  • Tin kinh tế đọc nhanh 10-12-20157

    Tin kinh tế đọc nhanh 10-12-2015

    Vietnam Airlines chốt đối tác chiến lược trong tháng 12
    Rạng Đông bị truy thu thuế hơn 4,6 tỷ đồng
    Thịt bò và táo Pháp trở lại Việt Nam
    Chính thức gia hạn cho vay ngắn hạn ngoại tệ đến hết quý I/2016
    VAMC đã xử lý được 7,7% số nợ xấu đã mua

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-12-20158

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-12-2015

    TP.HCM quá tải cấp giấy chứng nhận nhà đất
    Không để xuất khẩu cá tra vào Mỹ bị gián đoạn
    SHB tài trợ chuỗi liên kết ngành thủy sản
    Hải quan TP.HCM dự kiến thu, nộp ngân sách 97.500 tỉ đồng
    Giá nhà giảm 30% so với năm 2010

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 09-12-20159

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 09-12-2015

    Dòng vốn lại tháo chạy khỏi Trung Quốc
    Xuất khẩu giảm sút, Hàn Quốc thúc đẩy tiêu dùng nội địa
    Sẽ có làn sóng ‘ngoại’ đổ vào lĩnh vực logistics
    Bịt ‘lỗ hổng’ cho vay tiêu dùng: Cần sớm có khung pháp lý riêng
    BIDV đón đầu xu hướng đầu tư từ Đài Bắc

  • Tin kinh tế đọc nhanh 09-12-201510

    Tin kinh tế đọc nhanh 09-12-2015

    FED: Thị trường đã sẵn sàng cho lãi suất tăng
    Sẽ thanh tra toàn diện Pepsi, Coca-Cola, Wonderfarm và URC
    FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực năm 2018
    Nhiều DN Nga hợp tác hiệu quả với đối tác Việt Nam
    EU hỗ trợ để Việt Nam được công nhận kinh tế thị trường