Cục Hải quan TP.HCM “bêu tên” 86 doanh nghiệp nợ thuế
Trung Quốc nhập khẩu trở lại tôm sú sống của Việt Nam
Philippines có kế hoạch tăng nhập khẩu gạo trong năm 2016
Hơn 1.000 DN vận tải có nguy cơ tê liệt vì thông báo cấm đường
Bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 11-12-2015
- Cập nhật : 11/12/2015
Doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư nhưng ngại thương lái Trung Quốc
Doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư vào ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL nhưng lo ngại tình trạng thương lái Trung Quốc thu gom nông sản.
Sáng 10-12, 32 công ty Nhật Bản chuyên kinh doanh và sản xuất nông nghiệp đã có buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ để tìm cơ hội đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, 3 chuỗi giá trị sản xuất nông sản chính của TP Cần Thơ là lúa, thủy sản và cây ăn trái. Trong thời gian tới, Cần Thơ sẽ hình thành các tiểu vùng nông nghiệp đặc trưng gồm: vành đai sản xuất lương thực, thực phẩm quanh đô thị ứng dụng công nghệ cao; vùng cây ăn trái đặc sản kết hợp với du lịch; vùng sản xuất cây con giống phục vụ cho TP và các tỉnh trong khu vực…”.
Đánh giá cao lợi thế, tiềm năng về nông nghiệp ở Cần Thơ cũng như ĐBSCL nhưng ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện văn phòng JETRO (tổ chức xúc tiến thương mại của Chính phủ Nhật Bản) tại TP HCM, lo ngại: “Hiện nay ở ĐBSCL xuất nhiện nhiều thương lái Trung Quốc đi mua nông sản giá rẻ hoặc bán phân, thuốc chưa qua kiểm định cho nông dân đã làm rối loạn thị trường và gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí trong khâu xuất khẩu gạo, xuất hiện thương lái làm trung gian nên lợi nhuận không đến tay nông dân. Vì vậy, ngành nông nghiệp của vùng cần có cải tổ để người nông dân thực sự là đối tượng hưởng lợi khi doanh nghiệp Nhật Bản đến đây đầu tư”.
Cũng theo ông Yasuzumi Hirotaka, khi doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam sẽ cung cấp thiết bị kỹ thuật cũng như công nghệ cao, an toàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cho nông dân và người tiêu dùng.
Bà Kiều khẳng định: “Trong sản xuất lúa, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân áp dụng mô hình như cánh đồng lớn, 1 phải 5 giảm nhằm hạn chế sử dụng dư lượng thuốc trừ sâu. Đối với thuỷ sản và cây ăn trái cũng tập huấn cho nông dân biết quy trình làm các chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP để có sản phẩm an toàn bán trên thị trường hoặc xuất khẩu”.
Nhà nhập khẩu cảnh báo chất lượng tiêu Việt Nam
Theo Viettrade, dù liên tục đứng đầu thế giới về sản lượng sản xuất cũng như xuất khẩu hồ tiêu VN, nhưng giá bán tiêu VN thường thấp hơn các nước khác.
Các doanh nghiệp châu Âu, Mỹ có khả năng chuyển sang nhập khẩu sản phẩm từ các thị trường khác do VN chưa giải quyết được tận gốc các vấn đề về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong sản phẩm xuất khẩu.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo quản lý chất lượng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất hồ tiêu do Cục Xúc tiến thương mại (Viettrade) tổ chức ngày 9-12 ở TP.HCM.
Theo Viettrade, dù liên tục đứng đầu thế giới về sản lượng sản xuất cũng như xuất khẩu hồ tiêu VN, nhưng giá bán tiêu VN thường thấp hơn các nước khác.
Ngoài xuất khẩu thô, không có thương hiệu còn do vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đã lên tiếng cảnh báo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép trong hồ tiêu của VN thời gian qua.
Ông Gaspare Colletti, đại diện Hiệp hội Gia vị Canada, cho biết nguồn cung hạt tiêu từ VN quan trọng đối với ngành gia vị của Canada, nhưng người sản xuất tại VN phải sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật theo cách an toàn cho cả nông dân và người tiêu dùng, và tuân thủ theo các quy định của nước nhập khẩu.
Thủy điện Sơn La vượt tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ
Trong số này, phần chi phí xây dựng công trình nhà máy thủy điện vẫn giữ nguyên, ở mức 34.867 tỷ đồng. Trong khi các công trình giao thông lại tiết giảm được 662 tỷ, còn gần 4.400 tỷ. Tuy nhiên, hạng mục di dân tái định cư lại tăng đến 6.163 tỷ đồng khiến chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng, định canh định cư ngốn gần 26.500 tỷ đồng.Cụ thể, phần kinh phí này của tỉnh Sơn La là trên 16.300 tỷ, trong khi hơn 3 năm trước được duyệt chỉ khoảng 11.100 tỷ. Tỉnh Điện Biên đã tăng từ 6.000 tỷ lên 6.700 tỷ, còn Lai Châu tăng khoảng 300 tỷ, lên mức 3.430 tỷ đồng.
Dù mức đầu tư tăng hơn 5.500 tỷ nhưng với giá bán điện 850 đồng mỗi kWh, thủy điện Sơn La sẽ vẫn hiệu quả.
EVN cho biết nếu được phê duyệt điều chỉnh tăng 5.500 tỷ thì tổng mức đầu tư mới của dự án tăng lên 9,1%, song tư vấn tính toán dự án này vẫn đảm bảo hiệu quả. Theo đó, với giá bán điện 850 đồng mỗi kWh thì chỉ số nội hoàn tài chính (FIRR) là 13,27%. Khi đó dự án mất 16 năm để hoàn vốn.
Tại quyết định của Thủ tướng năm 2012 về việc tạm phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh thì dự án Thủy điện Sơn La có chi phí gần 60.200 tỷ, trong đó vốn ngân sách gần 16.900 tỷ đồng, chủ yếu phục vụ di dân tái định cư, giao cho các địa phương thực hiện.
Còn lại hơn 43.000 tỷ là vốn EVN để xây dựng nhà máy thủy điện (hơn 34.800 tỷ) và một phần cho giải phóng mặt bằng.
Thủy điện Sơn La được khởi công năm 2005, hoàn thành năm 2012, vượt kế hoạch 3 năm. Tổng công suất dự án này là 2.400MW (6 tổ máy). Hàng năm công trình này góp hơn 10 tỷ kWh, chiếm gần 10% sản lượng điện bình quân hàng năm.
Tăng cường quản lý sử dụng vốn đầu tư
Đó là khẳng định ngày 9-12 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành KH-ĐT và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.
Theo ông Vinh, thời gian tới nhiệm vụ của Bộ KH-ĐT sẽ là nghiên cứu xây dựng và kiến nghị cơ chế đột phá về cải cách thể chế, đề xuất đổi mới tư duy và quan điểm phát triển, đổi mới vai trò nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, đổi mới quan hệ giữa vai trò nhà nước và thị trường.
Đồng thời, sẽ làm rõ thế nào là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” để giải phóng mạnh sức sản xuất của mọi thành phần kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia...
Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng việc tham mưu xây dựng Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật đầu tư nước ngoài... của Bộ KH-ĐT là “điểm sáng”, tạo bước ngoặt thu hút đầu tư, xây dựng đội ngũ doanh nhân VN.
Thời gian tới, Phó chủ tịch nước yêu cầu ngành KH-ĐT cần tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu để nâng cao sức cạnh tranh và năng suất lao động ở VN, tăng cường quản lý việc sử dụng vốn đầu tư theo hướng tiết kiệm, chống lãng phí, minh bạch và đạt hiệu quả cao, tạo mọi điều kiện để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo quy định pháp luật...
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đề nghị bỏ quy định mới về cá tra
Ngày 9-12, các Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Kelly Ayotte đã trình Quốc hội Mỹ một nghị quyết mới đề nghị bãi bỏ quy định cuối cùng đối với Chương trình Giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Nguồn tin từ Quốc hội Mỹ cho biết nghị quyết trên, được hai thượng nghị sĩ McCain và Ayotte đồng bảo trợ, phù hợp với Luật Giám sát của Quốc hội.
Theo đó, các nhà lập pháp nước này có thể phủ quyết mọi quyết định hành pháp của một cơ quan liên bang, như USDA, sau khi một quy định được chính thức công bố và đệ trình lên Quốc hội Mỹ.
Nếu nghị quyết trên được phê chuẩn thành luật, văn kiện này sẽ cho phép xóa bỏ các quy định mới trong Chương trình Giám sát cá da trơn của USDA.
Trong một tuyên bố chung, các thượng nghị sĩ McCain và Ayotte nhấn mạnh: “Chúng tôi tự hào khi tiếp tục đấu tranh để xóa bỏ các quy định giám sát cá da trơn của USDA vì hành động đó quá lãng phí tiền thuế của người dân và là một ví dụ kinh điển của chủ nghĩa bảo hộ thị trường trong nước".
Hai thượng nghị sĩ cho biết chính quyền của Tổng thống Barack Obama áp dụng chương trình trên diễn ra bất chấp thực tế là Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã áp dụng các quy định về giám sát mặt hàng hải sản và Văn phòng Giải trình trách nhiệm của chính phủ (GAO) nhiều lần cảnh báo rằng Chương trình Giám sát cá da trơn của USDA sẽ lãng phí, trùng lặp và sẽ châm ngòi cho hành động đáp trả từ phía các đối tác thương mại châu Á-Thái Bình Dương nhằm vào các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ.
Bộ Nông nghiệp Mỹ hôm 26-11 thông báo các quy định mới dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3-2016 và sẽ được triển khai từng bước trong hơn 18 tháng tiếp theo, qua đó cho phép các nhà cung cấp cá da trơn nước ngoài có thời gian thực hiện những điều chỉnh cần thiết để có thể đáp ứng những yêu cầu của USDA.
Như Pháp luật TPHCM đã thông tin, nhiều doanh nghiệp Việt đang xuất khẩu cá tra vào Mỹ đang lo ngại những quy định mới của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa ban hành sẽ gây nhiều khó khăn cho ngành cá tra Việt Nam trong thời gian tới.
Theo đó, USDA sẽ tiến hành thanh tra tại chỗ các trang trại và các nhà xưởng chế biến đối với cả những nhà sản xuất trong và ngoài nước (hầu hết từ Việt Nam) nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn tương đồng.
Ngày 8-12 vừa qua, tại buổi làm việc với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) về vấn đề trên, luật sư Ngô Quang Thụy, người đại diện cho DN thủy sản Việt Nam trong các vụ kiện thương mại ở Mỹ, cho rằng: “Tính tương đồng ở đây không phải bắt buộc Việt Nam giống y đúc Mỹ mà cơ bản đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn như Mỹ. Ví dụ quy định về vận chuyển, ở Mỹ vận chuyển cá tra sống bằng xe tải có bình sục khí để đảm bảo cá tra còn sống khi vào nhà máy chế biến.
Còn Việt Nam lại chở cá tra về nhà máy chủ yếu bằng ghe, nếu các DN đầu tư các thùng chứa trên ghe, có bình sục, nước sạch thì Mỹ cũng sẽ công nhận” - luật sư Thụy lý giải.