Chủ thầu phải mua bảo hiểm cho công nhân xây dựng
Nông dân chê ngân hàng, vay tín dụng đen
100% hàng điện tử Hyundai ở Việt Nam không rõ nguồn gốc
Bị phong toả, doanh nghiệp FDI “cầu cứu” Bộ Tài chính
Ngân hàng Quốc Dân thay Tổng giám đốc
Tin kinh tế đọc nhanh 10-12-2015
- Cập nhật : 10/12/2015
Vietnam Airlines chốt đối tác chiến lược trong tháng 12
Thông tin mới nhất về quá trình đàm phán với nhà đầu tư chiến lược đã được Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) - Phạm Ngọc Minh chia sẻ tại hội nghị tổng kết 5 năm đổi mới doanh nghiệp của Bộ Giao thông Vận tải chiều 9/12.
Ông Minh cho biết, việc cổ phần hóa Vietnam Airlines đến nay đã bám sát lộ trình đề ra khi việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược sắp kết thúc.
Theo đó, quá trình này được hãng khởi động từ tháng 9/2014 và gần một năm sau thì bản chào chính thức đã được đối tác chiến lược gửi đến Tổng công ty vào tháng 8 năm nay.“Chúng tôi đang tiếp tục đàm phán và dự kiến sẽ hoàn tất các điều kiện mua bán vào cuối tháng này để dự thảo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông chiến lược được trình lên Bộ và Thủ tướng vào đầu năm 2016, tiến tới hoàn tất ký kết trong quý I”, ông Minh thông tin.
Hãng hàng không ANA đến từ Nhật Bản từng được đồn đoán sẽ là nhà đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines.
Theo vị Tổng giám đốc, việc cổ phần hóa một hãng hàng không quốc gia là điều rất khó khăn vì chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên có những vướng mắc ban đầu.
Tuy nhiên với việc công ty mẹ đã hoàn tất bán cổ phần lần đầu ra công chúng, chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần cùng với việc sắp chọn xong đối tác chiến lược thì quá trình này coi như đã đi đúng lộ trình.
Dù vậy, cái tên chính thức về nhà đầu tư này không được ông Minh tiết lộ tại cuộc họp.
Trước đó, trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải hồi cuối tháng 9, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) - Phạm Viết Thanh cho biết đây là đối tác đến từ Nhật Bản
Tại đại hội cổ đông lần đầu tiên hồi tháng 3 năm nay, Vietnam Airlines công bố sẽ phát hành riêng lẻ hơn 282 triệu cổ phần (tương đương 20% vốn điều lệ) cho không quá 3 nhà đầu tư chiến lược (hãng hàng không hoặc nhà đầu tư tài chính).
Giá bán cho nhà đầu tư chiến lược được xác định trên cơ sở các điều kiện cam kết hỗ trợ của nhà đầu tư chiến lược, song không thấp hơn 22.300 đồng một cổ phần (mức xác định để IPO). Với mức giá này, Vietnam Airlines dự tính có thể thu về gần 6.300 tỷ đồng từ đợt phát hành. Vốn huy động dự kiến được sử dụng để đầu tư đội máy bay.
Ông Phạm Ngọc Minh cũng chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, như phải kiên định tìm kiếm cũng như chuẩn bị các thông tin kỹ lưỡng để giải thích cho đối tác bởi các nhà đầu tư nước ngoài thường yêu cầu rất tỉ mỉ.
Bên cạnh đó, quá trình đàm phán có nhiều khác biệt về tài chính kế toán giữa Việt Nam và thông lệ quốc tế nên càng đòi hỏi trao đổi, cung cấp thông tin, giải thích, thuyết phục đối tác.
Liên quan đến công tác thoái vốn, theo đại diện hãng, Vietnam Airlines đã thu về được 734 tỷ đồng từ 12 trong số 15 danh mục cần thoái vốn của giai đoạn 2012-2015, đạt 91% tổng số cần thoái và thu lợi 374 tỷ đồng.
Trong tháng này công ty sẽ hoàn tất chào bán tiếp 3 doanh nghiệp để hoàn tất quá trình này.
Rạng Đông bị truy thu thuế hơn 4,6 tỷ đồng
Tổng cục Thuế vừa có quyết định xử phạt Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Mã CK: RAL). Trong kỳ kiểm tra năm 2013-2014, cơ quan này đã phát hiện những sai phạm tại Rạng Đông và quyết định truy thu, xử phạt với số tiền 4,63 tỷ đồng.
Trong đó, tiền truy thu thuế là 3,1 tỷ đồng, tiền xử phạt do khai sai thuế là 1,5 tỷ đồng. Tổng cục Thuế yêu cầu công ty này phải nộp toàn bộ số tiền trên trong 10 ngày kể từ khi quyết định.
Trước đó, trong năm 2013, thuế thu nhập doanh nghiệp mà Rạng Đông đóng là 30,7 tỷ đồng, tuy nhiên năm 2014 số thuế phải đóng lại giảm xuống 23,1 tỷ đồng trong khi kết quả kinh doanh của công ty vẫn tăng trưởng tốt.
Lũy kế 9 tháng, Rạng Đông đạt doanh thu 2.014 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 49 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Hiện Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty là bà Ngô Ngọc Dung, sinh năm 1953 đã gắn bó với công ty tròn 30 năm.
Thịt bò và táo Pháp trở lại Việt Nam
Chiều 8/12, tại buổi họp báo về thực phẩm Pháp vào Việt Nam, ông Jean-Noel Poirier - Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết, sau khi Việt Nam gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò và táo Pháp hôm 1/5 thì các doanh nghiệp xuất khẩu của Pháp và đại diện hiệp hội trong nhiều ngành nghề thực phẩm của nước này đã đến Việt Nam để tìm kiếm hợp tác. Cũng từ đây, thịt bò và táo của Pháp chính thức được nhập vào Việt Nam.
“Trước mắt, chúng tôi bán thịt bò đông lạnh, còn đối với thịt bò tươi chúng tôi cũng đang có kế hoạch nhưng chưa xác định thời gian cụ thể. Ban đầu, một số doanh nghiệp Pháp cũng đã kết nối được với vài đại diện của Việt Nam. Nếu tình hình chuyển biến tích cực, chúng tôi sẽ xin Chính phủ Việt Nam cho nhập khẩu thêm kiwi”, đại sứ quán Pháp tại Việt Nam chia sẻ.
Không tiết lộ số lượng cung ứng cụ thể nhưng ông Jean-Noel Poirier cho hay sẽ không bán ra với sản lượng ồ ạt, mà cung cấp lượng hàng ổn định để tránh biến động giá thất thường. Sản phẩm này không quá đắt như bò Kobe của Nhật mà sẽ ngang ngửa như bò Australia và Mỹ.
Về chất lượng sản phẩm, đại diện Hiệp hội các ngành nghề thực phẩm của Pháp cho hay, sản phẩm đảm bảo được các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn thực phẩm của EU. Riêng bò được truy suất nguồn gốc theo từng cá thể như phần thịt nằm ở bộ phận nào của bò, bò bao nhiêu tháng tuổi, được nuôi ở đâu, chủ nhân là ai… Còn với thức ăn cho bò, toàn bộ được sản xuất tại trang trại.
Trước đây, Pháp từng là một trong những nước xuất khẩu thịt bò hàng đầu thế giới nhưng bị gián đoạn một thời gian khá dài sau dịch bệnh bò điên năm 2000. Sau khi kiểm soát được dịch bệnh, bò của Pháp mới được xuất khẩu.
Năm 2008, Tổ chức Thú y thế giới đã chính thức công nhận Pháp đã kiểm soát được bệnh bò điên. Hiện nước này đã xuất khẩu thịt bò sang EU, Brazil, Mỹ, New Zealand, và một số nước ASEAN. Còn đối với sản phẩm táo, năm 2012 Pháp xuất sang Việt Nam 600 tấn, sau đó tạm ngưng vì số lượng hạn chế.
Chính thức gia hạn cho vay ngắn hạn ngoại tệ đến hết quý I/2016
Việc cho vay ngoại tệ ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu được tiếp tục thực hiện cho tới hết ngày 31/3/2016. Quy định cũ là đến hết ngày 31/12/2015.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 24/2015/TT-NHNN ngày 08/12/2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.
Theo đó, Thông tư 24 vẫn cho phép các TCTD được cho vay ngoại tệ với các nhu cầu vốn:
Cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguôn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.
Cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hàng năm để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dấu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đê trả nợ vay.
Cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay; khi được TCTD giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot) trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.
Cho vay để đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyêt định chủ trương đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.
Ngoài ra, TCTD được xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn ngoài quy định nêu trên nhưng thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy định tại các Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, Chỉ thị và các văn bản khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sau khi được NHNN Việt Nam chấp thuận bằng văn bản.
So với các quy định trước đây, Thông tư đã bỏ quy định việc cho vay ngoại tệ ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được gia hạn hàng năm (chỉ kéo dài từ khi Thông tư có hiệu lực cho tới cuối năm đó). Theo đó, TCTD được phép cho vay ngoại tệ ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho tới khi nào Thông tư 24 được sửa đổi hoặc thay thế.
Đáng chú ý, việc cho vay ngoại tệ ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu cũng được tiếp tục thực hiện cho tới hết ngày 31/3/2016. Quy định cũ là đến hết ngày 31/12/2015.
Thông tư 24/2015/TT-NHNN chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016 thay thế Thông tư 43/2014/TT-NHNN ngày 25/12/2015.
VAMC đã xử lý được 7,7% số nợ xấu đã mua
Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào quý 4/2013, VAMC đã phát hành 192 nghìn tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua 220 nghìn tỷ đồng nợ xấu và xử lý được 17 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
CTCK Tp.HCM (HSC) vừa dẫn số liệu báo cáo mới nhất của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) vào ngày 15/11. Theo đó, từ đầu năm VAMC đã mua 94 nghìn tỷ đồng nợ xấu và phát hành 86 nghìn tỷ đồng trái phiếu đặc biệt. Trong khi đó VAMC đã xử lý được tổng cộng 12 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào quý 4/2013, VAMC đã phát hành 192 nghìn tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua 220 nghìn tỷ đồng nợ xấu và xử lý được 17 nghìn tỷ đồng nợ xấu (tương đương 7,7% tổng số nợ xấu đã mua).
Như vậy trong quý 3, VAMC đã mua thêm 43,356 nghìn tỷ đồng nợ xấu và xử lý thêm 4,889 nghìn tỷ đồng nợ xấu (217,3 triệu USD). Theo báo cáo, công ty đã mua nợ xấu từ 39 TCTD, một công ty tài chính và một công ty cho thuê tài chính bằng trái phiếu đặc biệt.
Theo HSC, quý 3 là quý cuối cùng VAMC đẩy mạnh mua nợ xấu trước khi cơ quan này chuyển trọng tâm sang xử lý nợ xấu đã mua thay vì tập trung mua thêm nợ xấu. Cho đến nay, VAMC vẫn gặp khó khăn trong việc xử lý nợ xấu; và khó khăn cụ thể được nhắc đến là: thiếu hành lang pháp lý rõ ràng liên quan đến quyền sở hữu tài sản đảm bảo.
"Việc tăng tỷ lệ nợ xấu được xử lý trên tổng nợ xấu đã mua sẽ là một nhiệm vụ nặng nề đối với VAMC kể từ năm sau trở đi", báo cáo nhận định.
Cũng theo báo cáo này, hiện có 2 cách là tự xử lý hoặc bán nợ xấu. Cách tự xử lý nợ xấu nói chung sẽ mất 2-3 năm trong trường hợp quyền sở hữu là đơn giản và được tòa án ủng hộ. Ngoài ra là cách bán nợ xấu cùng với tài sản đảm bảo đi kèm. Ở đây, ngoài những vướng mắc về mặt pháp lý thì VAMC còn phải được sự đồng ý của ít nhất là ngân hàng bán nợ xấu (là đơn vị giữ quyền sở hữu về mặt kinh tế của nợ cấu). Và điều này phụ thuộc nhiều vào tốc độ trích lập dự phòng của chính các ngân hàng. Nếu các ngân hàng đã trích lập đáng kể thì việc bán nợ xấu (với giá thấp hơn giá trị sổ sách) là có thể khả thi.
Mới đây, VAMC cũng vừa thông báo lựa chọn tổ chức định giá. Theo đó, tổ chức định giá được lựa chọn dựa trên các tiêu chí về năng lực và hoạt động.
VAMC cũng cho biết, danh sách tổ chức định giá được lựa chọn sẽ áp dụng kể từ khi được lựa chọn đến hết năm 2015 và được xem xét lựa chọn tiếp nếu tiếp tục đáp ứng các điều kiện của VAMC.