Sử dụng vốn vay nước ngoài chưa hiệu quả, trách nhiệm thuộc về ai?; Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi người dân bán vàng, đôla Mỹ cứu nội tệ; Toyota Việt Nam tiếp tục triệu hồi gần 12.000 xe do liên quan đến túi khí
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 11-08-2018
- Cập nhật : 11/08/2018
Moody's: Nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's ngày 10/8 dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,4%/năm trong giai đoạn 2018-2022.
Moody's ước tính kinh tế Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh, ở mức khoảng 6,5%, với sự hỗ trợ từ sự sử dụng ngày càng hiệu quả nguồn lao động và vốn trong nền kinh tế.
Nền kinh tế Việt Nam có cả sức mạnh kinh tế cùng với mức tăng trưởng và sức cạnh tranh cao khi đang chuyển hướng phát triển sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.
Moody's cũng nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ B1 lên Ba3 và điều chỉnh triển vọng từ tích cực sang ổn định.
Đánh giá của Moody’s được đưa ra dựa trên tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ với sự hỗ trợ từ việc sử dụng ngày càng hiệu quả lực lượng lao động và nguồn vốn trong nền kinh tế.
Theo Moody's, kỳ hạn trung bình của trái phiếu chính phủ dài và giảm dần sự phụ thuộc vào nợ bằng ngoại tệ cho thấy sự ổn định và giảm dần gánh nặng nợ của chính phủ, nhất là nếu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ được duy trì dài hơn dự kiến.
Cấu trúc trái phiếu của Chính phủ Việt Nam cũng hạn chế sự tác động của các "cú sốc" tài chính. Việc nâng mức xếp hạng nói trên đối với Việt Nam cũng cho thấy sự cải thiện "sức khỏe" của ngành ngân hàng mà Moody's dự báo sẽ được duy trì dù là từ các mức tương đối yếu.
Moody's cũng nâng mức trần tín nhiệm đối với trái phiếu ngoại tệ (FC) dài hạn từ Ba2 lên Ba1 và mức trần tín nhiệm đối với tiền gửi FC dài hạn từ B2 lên B1 (Vietnam+)
----------------------
Không cấp thêm giấy phép lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài
Đó là chủ trương của Chính phủ Việt Nam được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định tại Diễn đàn M&A 2018 tổ chức ngày 8/8.
Tại diễn đàn Diễn đàn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp lần thứ 10 năm 2018 (M&A 2018), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, Việt Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế, khi việc thu hút, giải ngân vốn FDI vẫn diễn ra rất sôi động, là nền tảng tốt cho M&A. Bên cạnh đó, đầu tư gián tiếp vẫn có mua ròng, không có hiện tượng rút vốn.
Trước khoảng 700 doanh nghiệp, nhà đầu tư, Phó Thủ tướng cho biết hoạt động M&A có thể bám sát các lĩnh vực trọng tâm khi cơ cấu lại nền kinh tế như: Tài chính - ngân hàng, DNNN, đổi mới hoạt động của khối đơn vị sự nghiệp công lập...
Cụ thể, trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, theo Phó Thủ tướng nợ xấu đã giảm nhanh, tới tháng 6, tỷ lệ nợ xấu là 6,9% và nợ xấu nội bảng chỉ 2%. Chính phủ chủ trương tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Trong đó với các ngân hàng thương mại, Chính phủ khuyến khích mua bán, sáp nhập các ngân hàng quy mô nhỏ thành ngân hàng lớn hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam chủ trương không cấp thêm giấy phép thành lập Ngân hàng có 100% vốn nước ngoài nhưng khuyến khích các ngân hàng nước ngoài mua các ngân hàng thương mại yếu kém và đang có nhiều ngân hàng nước ngoài quan tâm tới các thương vụ M&A này.
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ cũng tiếp tục cổ phần hoá và thoái vốn tại các ngân hàng thương mại Nhà nước như Agribank sẽ phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng vào năm 2019, hay BIDV sẽ bán vốn cho nước ngoài và phát hành thêm cổ phần để tăng vốn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cơ cấu lại hoạt động của gần 40 công ty tài chính của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, kể cả bán chuyển nhượng vốn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xây dựng đề án cụ thể để trình Thủ tướng quyết định…
Đối với lĩnh vực tái cơ cấu DNNN, Chính phủ kiên trì nhất quán việc thu hẹp diện doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước, tiếp tục thoái vốn tại các DNNN đã cổ phần hoá lần đầu và đốc thúc các doanh nghiệp này niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng cường thông tin cho các nhà đầu tư.
Với các công ty nông, lâm nghiệp, Chính phủ đã ban hành chính sách cổ phần hoá, cho phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên cũng là một thị trường M&A đầy tiềm năng.
Trong lĩnh vực sự nghiệp công, Phó Thủ tướng khẳng định ngoài bệnh viện và trường học, Chính phủ đã quyết định cho nhiều đơn vị sự nghiệp được cổ phần hoá khi có đủ điều kiện. “Chúng tôi đã ký nhiều quyết định chuyển các đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần. Đây là lĩnh vực mới, các nhà đầu tư có thể quan tâm khi các dịch vụ công này có lợi thế đầu tư theo chuỗi vì địa phương nào cũng đều cần có các dịch vụ công”, Phó Thủ tướng cho biết.
Ở một diễn biến khác, ngày 8/8, ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết theo Quyết định 1232, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định việc các bộ, UBND tỉnh chuyển giao về SCIC để triển khai bán phần vốn Nhà nước tại 62 doanh nghiệp, với tổng số vốn Nhà nước là trên 11.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến hết tháng 6/2018, SCIC chỉ mới tiếp nhận 25/62 doanh nghiệp theo danh sách chuyển giao với tổng vốn Nhà nước là 862,48 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 2.068 tỷ đồng.
Cũng theo ông Thành, số doanh nghiệp chưa chuyển giao là 37 với tổng vốn Nhà nước là 10.113 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 14.721 tỷ đồng. Theo đó, 37 doanh nghiệp này thuộc 5 bộ và 8 địa phương.
Nói về việc chậm chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ các bộ, địa phương về SCIC, ông Thành cho biết mấu chốt ở đây có 2 vấn đề là thực thi pháp luật và lợi ích.
"Thông tư, quyết định, các văn bản thông báo chỉ đạo đều đã có, căn cứ pháp lý thực hiện đầy đủ, tuy nhiên con số bàn giao về SCIC chưa đạt được như kỳ vọng", ông Thành nhấn mạnh.
Phó chủ tịch phụ trách SCIC cho rằng, các địa phương đang hiểu Luật Ngân sách có điều khoản cho phép giữ lại doanh nghiệp, thu cổ tức để đưa về ngân sách địa phương.
"Do đó, mới đây SCIC đã làm việc với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để có những thông tin đầy đủ nhất về Luật Ngân sách, không phải doanh nghiệp ở lại địa phương thì phần thu cổ tức sẽ đưa về ngân sách, để tránh việc địa phương giữ lại doanh nghiệp", ông Nguyễn Chí Thành nói.(Baodatviet)
------------------------
Giá vàng châu Á giảm bất chấp tình hình địa chính trị toàn cầu
Giá vàng châu Á đi xuống và được giao dịch quanh mức thấp nhất của một năm trong phiên chiều 10/8 do chịu sức ép từ một đồng USD mạnh lên trong bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu ngày càng căng thẳng.
Trên thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.206,29 USD/ounce, không quá xa so với mức thấp nhất của một năm là 1.204 USD/ounce ghi nhận hồi tuần trước. Kim loại quý này cũng đang hướng tới tuần mất giá thứ 5 liên tiếp. Giá vàng giao kỳ hạn phiên này cũng giảm 0,5% xuống 1.213,4 USD/ounce.
Giá vàng thường được hỗ trợ trong bối cảnh có những bất ổn về chính trị. Song thời gian gần đây, kim loại quý này đã không thể tận dụng được tình hình leo thang căng thẳng địa chính trị để tạo đà đi lên, do giới đầu tư hầu hết đều quay sang tìm kiếm sự an toàn với đồng USD.
Đồng USD trong phiên ngày 10/8 tiếp tục kéo dài đà tăng và đạt mức cao nhất trong vòng 13 tháng so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác, với các đồng tiền tại châu Âu như bảng Anh và euro tiếp tục tỏ ra thiếu sức hút với các nhà đầu tư. Trong khi đó, những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ áp đặt lên Nga đã khiến đồng nội tệ ruble (rúp) của nước này rơi xuống mức thấp của hai năm. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ cũng lao dốc sau những căng thẳng ngoại giao giữa nước này với Mỹ.
Một yếu tố khác cũng ngăn chặn đà tăng của giá vàng là việc các thị trường đều đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng tới, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ ba trong năm nay của ngân hàng trung ương này. Bên cạnh đó, Fed cũng phát đi những tín hiệu cho thấy sẽ còn những đợt tăng lãi suất nữa trong tương lai khi tình hình “sức khỏe” của kinh tế Mỹ tỏ ra khá ổn định.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên nhưng lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể. Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm 0,6% xuống 15,32 USD/ounce. Giá bạch kim cũng để mất 0,4% xuống 827,2 USD/ounce (Vietnamplus)