Tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc vào “sức khoẻ” ngân hàng; Hàng NK sản xuất XK không được hoàn thuế bảo vệ môi trường; Đầu tư điện mặt trời không còn là cuộc chơi của các đại gia; Trung Quốc đang bơm 'núi tiền' vào nền kinh tế
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 23-11-2017
- Cập nhật : 23/11/2017
Từ 5/12, sổ đỏ sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình
Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình và cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình.
Cụ thể, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT (ngày 19/5/2014) quy định:
“Đối với hộ gia đình sử dụng đất thể hiện các thông tin “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.
Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình và cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình.
Sau đó ghi thêm “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)”.
Trước đó, Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chỉ quy định: Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi "Hộ ông" (hoặc "Hộ bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.
Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
Trường hợp chủ hộ gia đình hay người đại diện khác của hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó.
Như vậy, Thông tư 33/2017/TT-BTNMT đã bổ sung thêm đối tượng là “những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất” vào trong sổ đỏ .(TTXVN)
--------------------------
Kiểm tra thép xuất sang Mỹ nghi gian lận xuất xứ Trung Quốc
Bộ Công thương cho rằng hiện có 11 mặt hàng thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ có mã HS trùng với mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bộ Công thương cho biết đang phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình, để phòng tránh gian lận về xuất xứ hàng hóa, gian lận thương mại đối với hoạt động xuất khẩu thép hiện nay. Ảnh: T.V.N
Theo đó, Bộ Công thương dẫn nguồn từ Tổng cục Hải quan cho biết hiện có 11 mặt hàng thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ có mã HS trùng với mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm 34% lượng thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Các mã HS còn lại hoặc không nhập từ Trung Quốc, hoặc lượng nhập rất ít, không đủ để xuất khẩu.
Tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng đến nay vẫn chưa nhận được thông tin nào từ phía Hoa Kỳ cho biết sẽ tiến hành điều tra mặt hàng thép có nguồn gốc từ Trung Quốc gian lận xuất xứ của Việt Nam khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Đồng thời Bộ này khẳng định "đang phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình, để phòng tránh gian lận về xuất xứ hàng hóa, gian lận thương mại".
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 5,5 triệu tấn thép từ Trung Quốc, trị giá 3,17 tỉ USD.
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là thép hợp kim cán phẳng, thép mạ hoặc tráng kẽm, thép không gỉ cán phẳng, thép cuộn và thép dạng thanh, que.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ xấp xỉ 379.000 tấn thép, trị giá khoảng 302,9 triệu USD, trong đó nhóm xuất khẩu nhiều nhất là thép mạ crom đạt 93 triệu USD, chiếm 31% lượng thép xuất khẩu sang thị trường này.(Tuoitre)
---------------------------
Giám đốc quỹ tín dụng Đồng Nai đã trốn ra nước ngoài
Trước khi công an vào cuộc, giám đốc quỹ tín dụng ở Đồng Nai đã xuất cảnh ra nước ngoài, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 22/11,Ngân hàng Nhà nước thành lập đoàn công tác vào Đồng Nai làm việc liên quan đến việc Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình mất khả năng thanh khoản, dẫn đến việc hàng chục người dân kéo đến điểm giao dịch giăng băng rôn đòi tiền gửi.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai cho biết, đầu năm nay, qua thanh kiểm tra đã phát hiện quỹ tín dụng này mất khả năng thanh khoản, có nhiều sai phạm trong hoạt động tín dụng nên có văn bản, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an vào cuộc điều tra.
Ông Hoàng Văn Lục gửi hơn 8 tỷ đồng vào Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình. Ảnh: Phước Tuấn.
"Tuy nhiên trước khi cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụngthì giám đốc quỹ này đã bỏ trốn sang nước ngoài", ông Tuấn nói.
Vị này cho biết, giám đốc Quỹ tín dụng Thái Bình đã sử dụng uy tín cá nhân và quỹ tín dụng để huy động, sử dụng tiền gửi trái quy định; thao túng quỹ, cố ý làm trái để tư lợi và chỉ đạo nhân viên dưới quyền làm sai, làm giả hồ sơ để rút tiền dùng vào mục đích cá nhân.
Theo ông Tuấn, hiện Ngân hàng nhà nước vẫn giám sát và có hướng giải quyết cho khách hàng, trong đó đảm bảo lợi ích của người dân đã gửi tiền vào quỹ tín dụng này theo quy định. Cơ quan bảo hiểm cũng đang tiến hành các thủ tục chi trả với khoản bảo hiểm tiền gửi của khách hàng.
"Do quỹ tín dụng Thái Bình nhỏ nên việc quỹ này mất khả năng thanh khoản không ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng khác. Hệ thống tín dụng trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động bình thường", ông Tuấn nói và cho biết người dân không nên quá hoang mang, lo lắng.
Mấy ngày qua, hàng chục người dân kéo đến Qũy tín dụng nhân dân Thái Bình để đòi tiền gửi. Theo thống kê của cơ quan chức năng, khoảng 80 người gửi hơn 50 tỷ đồng vẫn chưa thể lấy rút được tiền.(Vnexpress)
-----------------------------
Hà Nội chi bao nhiêu tiền lát đá 930 tuyến vỉa hè?
Tổng mức đầu tư dự án tuyến phố Nguyễn Du (diện tích khoảng 6.624m2) là hơn 11 tỷ đồng; tuyến phố Bà Triệu (diện tích 7.982m2) là gần 15 tỷ đồng; tuyến Đại Cồ Việt (diện tích 9.947m2) là 14 tỷ 900 triệu đồng…
Về nguồn kinh phí đầu tư, theo Sở Xây dựng, một số dự án hạ tầng kỹ thuật mới tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân, Hà Đông đã lát vỉa hè bằng đá tự nhiên với chi phí khoảng 500.000 đồng/m2. Số tiền này đắt hơn nhiều so với lát bằng gạch.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng hiện có 9 dự án (tuyến phố) bảo trì, chỉnh trang hè phố trong năm 2017, trong đó có 6 dự án đang tiến hành triển khai.
Tính toán trung bình, mỗi mét vuông quận Hai Bà Trưng phải chi khoảng 1,5 triệu đồng/m2 vỉa hè.
Tương tự tại quận Hoàng Mai, cũng có 2 tuyến phố được chỉnh trang, lát đá tự nhiên vỉa hè. Đó là tuyến đường 2,5 (đoạn cầu Đền Lừ đến ngã ba hồ Đền Lừ) và đường Giải Phóng (đoạn từ phố Tương Mai đến đường Vành đai 3).
Trong đó, kinh phí lát đá vỉa hè dao động từ hơn 475.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/m2 (tuỳ đoạn vỉa hè rộng hẹp).
Đối với quận Hoàn Kiếm, ông Trịnh Hoàng Tùng, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm thông tin, việc lát đá tự nhiên được triển khai theo Quyết định 4030 của UBND TP Hà Nội ngày 20/8/2014.
Sau khảo sát tổng thể, các tuyến đường đa phần đều đã xuống cấp, xộc xệch. Do trước đó, thi công dùng gạch block, loại gạch này dễ thi công, dễ hoàn trả, duy tu nhưng khi bị phá vỡ kết cấu, chỉ cần 1 viên xộc xệch là tất cả bị xô lệch.
“Loại gạch này chỉ sử dụng được 2, 3 năm, bong lớp màu là đen và bẩn”, ông Tùng nói. Về chi phí tổng thể quận sẽ chi để lát vỉa hè, ông Tùng cho biết sẽ thông tin sau bởi phải bóc tách phần lát đá trong tổng thể phần chỉnh trang vỉa hè.
Trả lời PV Tiền Phong về câu hỏi đá tự nhiên có chịu được ô tô đỗ trên đó hay không? Một đại diện quận Hoàn Kiếm cho rằng, không ai muốn cho ô tô đỗ trên hè, tuy nhiên, vì nhu cầu gửi xe tại quận Hoàn Kiếm quá lớn, nên buộc phải cấp tạm những bãi trông giữ xe tạm thời.(Tienphong)