Giá cà phê lao dốc, nông dân găm hàng, doanh nghiệp khó thu mua; Nên dừng khai thác mỏ Thạch Khê; Việt Nam có thể trở thành trung tâm thiết kế của thế giới; Dược Lâm Đồng: Nguyễn Kim muốn thâu tóm, SCIC đăng ký thoái sạch
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 24-11-2017
- Cập nhật : 24/11/2017
Tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc vào “sức khoẻ” ngân hàng
Tăng trưởng tín dụng trong năm 2017 là 21%, không phải là chỉ tiêu bắt buộc mà phụ thuộc vào từng sức khoẻ ngân hàng. Tính đến thời điểm này, các nhà điều hành chính sách tiền tệ nhận định, tăng trưởng tín dụng cuối năm đạt quanh mức 18% để “không gây bất ổn”.
Tín dụng là nhân tố tích cực hỗ trợ cho tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,41%, cao hơn nhiều so mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016. Nguồn: Internet
Đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, mức tăng trưởng tín dụng 21% không phải là chỉ đạo của Chính phủ. NHNN không bị “gây sức ép” lên tốc độ tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP.
Tín dụng tăng đều
Thời điểm này, chỉ còn hơn 1 tháng nữa năm tài chính 2017 sẽ kết thúc, điều dư luận quan tâm nhất lúc này là tăng trưởng tín dụng sẽ đạt con số bao nhiêu trên tổng mục tiêu 21% cho năm nay, hệ thống ngân hàng có an toàn, vốn sẽ đi vào sản xuất kinh doanh.
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính- ngân hàng, điểm sáng của ngành ngân hàng thời gian qua là tín dụng.
Điểm qua về tốc độ tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay có thể thấy, tín dụng tăng trưởng đều qua các tháng. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 4,86%, cao nhất 6 năm. Tuy nhiên, sang những tháng tiếp theo, tín dụng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khả quan.
Cụ thể, tháng 5 đạt 6,8%, sang tháng 6 tăng lên mức 8%. Ước tính đến hết tháng 8/2017, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đạt 11,5% so với cuối năm 2016, cùng kỳ năm 2016 tăng 10,2%.
Đặc biệt, bước sang những tháng cuối năm, nhu cầu tín dụng tăng cao, song không vì thế mà tín dụng có mức tăng trưởng “dồn cục” như những năm trước.
Nhìn vào mức tăng trưởng tín dụng 2 tháng gần đây có thể thấy tín dụng vẫn được NHNN kiểm soát chủ động, tháng 9 đạt 11,02%, tháng 10 tăng lên mức 12,83% (cùng kỳ tăng gần 12%).
Tuy nhiên, hai tháng còn lại của năm sẽ là thời điểm “nóng” về nhu cầu tín dụng. Nếu tín dụng tăng trưởng quá đà sẽ gây ra những hệ lụỵ cho nền kinh tế. Thực tế, bài học nhãn tiền này đã từng xảy ra vào năm 2007 khi tín dụng tăng gần 54%, năm 2009 tăng 36% đã gây ra những hệ lụy rất lớn không chỉ trong kinh tế, mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn hệ thống ngân hàng như: nợ xấu tăng cao, nhiều vụ đại án liên quan đến sai phạm trong hoạt động ngân hàng. Thậm chí, một số ngân hàng có nguy cơ phá sản, buộc NHNN phải mua lại 0 đồng.
Trả lời phiên chất vấn tại Quốc hội, người đứng đầu NHNN khẳng định, đến nay, ngành ngân hàng vẫn kiểm soát chặt chẽ tổng mức tăng trưởng tín dụng cũng như chất lượng tín dụng, đảm bảo tăng trưởng bền vững.
“NHNN điều hành chính sách tiền tệ căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của CP để tăng trưởng tín dụng cuối năm đạt quanh mức 18% để không gây bất ổn”, Thống đốc nói.
Kiểm soát chặt tín dụng
Theo lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến nay tín dụng chủ yếu tập trung vào sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng là nhân tố tích cực hỗ trợ cho tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,41%, cao hơn nhiều so mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, với lĩnh vực cho vay rủi ro như chứng khoán, bất động sản, NHNN đã có giải pháp kiểm soát tín dụng vào bất động sản như nâng hệ số rủi ro, điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và chỉ cho vay phân khúc nhà ở xã hội, trung bình, thu nhập thấp.
“Đối với lĩnh vực chứng khoán, tỷ trọng hiện nay thấp, giảm mạnh so với 2016. Cụ thể tỷ trọng cho vay hiện khoảng 10.000 tỷ đồng, giảm 40% so với cuối 2016”, ông Hưng nhấn mạnh.
Riêng việc cho vay đối với lĩnh vực chứng khoán, NHNN quy định rất rõ ràng, chặt chẽ. Thống đốc cho biết, điều kiện để cho vay chứng khoán là các ngân hàng phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được cho vay; ngân hàng chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán giới hạn 5% vốn điều lệ… “Với các quy định này, chúng tôi tin tưởng đủ chặt để kiểm soát rủi ro”, Tư lệnh ngành ngân hàng khẳng định.
Với câu hỏi liên quan đến nợ xấu, Thống đốc cũng thông tin đến các đại biểu về những chuyển biến tích cực ngay sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tròn 3 tháng có hiệu lực, với những con số đáng mừng.
Theo đó, công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thu hồi được khoảng 5.000 tỷ đồng, đưa tổng số nợ thu hồi từ đầu năm đến nay khoảng 16.000 tỷ đồng.
Hiện nay, không chỉ có VAMC, các ngân hàng khác cũng đang rốt ráo thu hồi nợ xấu, đặc biệt công tác thu giữ tài sản đảm bảo đã thuận lợi hơn rất nhiều giúp các ngân hàng cũng như VAMC nhanh chóng thu hồi được vốn “đóng băng” suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, tại phiên chất vấn, Thống đốc NHNN cho biết, việc xử lý ngân hàng yếu kém hiện nay gặp rất nhiều khó khăn về pháp lý. Chính vì vậy, nếu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, tái cơ cấu ngân hàng sẽ tiến triển tốt hơn trong thời gian tới. (TBKD)
------------------------------
Hàng NK sản xuất XK không được hoàn thuế bảo vệ môi trường
Hàng hóa NK để sản xuất hàng XK không thuộc đối tượng không chịu thuế bảo vệ môi trường, không thuộc đối tượng hoàn thuế bảo vệ môi trường.
Đó là hướng dẫn của Tổng cục Hải quan với Cục Hải quan Đồng Nai về thắc mắc trường hợp nguyên liệu NK để sản xuất hàng XK đã được miễn thuế nhập khẩu theo Điều 16 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13
Cục Hải quan Đồng Nai thắc mắc, trường hợp nguyên liệu NK để sản xuất hàng XK đã được miễn thuế nhập khẩu theo Điều 16 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 thì các loại thuế NK bổ sung như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ có được miễn hay không?
Cụ thể, theo Cục Hải quan Đồng Nai, tại Điều 8 Thông tư 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 quy định 5 trường hợp được hoàn thuế bảo vệ môi trường nhưng không có trường hợp NK để sản xuất hàng XK. Từ ngày 1/9/2016, thuế bảo vệ môi trường đối với nguyên liệu sản xuất hàng XK phải nộp ngay và không có sơ sở để giải quyết hoàn thuế đã nộp sau khi XK sản phẩm. Nguyên liệu để gia công, sản xuất hàng XK có sử dụng tại Việt Nam, có gây hại đến môi trường Việt Nam (ví dụ: Mặt hàng dầu mỡ bôi trơn…) nếu không được miễn thuế thì đề nghị quy định cụ thể không được hoàn thuế đã nộp.
Trả lời vướng mắc này, Tổng cục Hải quan cho biết, việc áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ đã được hướng dẫn tại công văn số 17707/BTC-TCHQ ngày 14/12/2016 của Bộ Tài chính, theo đó việc áp dụng thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp (về thời điểm tính thuế, thời hạn nộp thuế, miễn thuế, hoàn thuế…) được thực hiện như thuế NK và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Riêng về thuế bảo vệ môi trường, Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ Luật thuế Bảo vệ môi trường, Thông tư 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011, Thông tư số 159/2012/TT-BTC ngày 28/9/2012 của Bộ Tài chính, thì hàng hóa NK để sản xuất hàng XK không thuộc đối tượng không chịu thuế bảo vệ môi trường, không thuộc đối tượng hoàn thuế bảo vệ môi trường. (Baohaiquan)
------------------------
Đầu tư điện mặt trời không còn là cuộc chơi của các đại gia
Cùng với những hỗ trợ về mặt chính sách của Chính phủ, đầu tư vào dự án điện mặt trời đang dần trở nên phổ biến nhờ giá thành công nghệ rẻ hơn và sự “tiếp sức” từ các tổ chức tư vấn.
Sôi động đầu tư điện mặt trời
Theo số liệu mới nhất của Chương trình Năng lượng của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID), tính đến hết tháng 7/2017 đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng công suất nguồn lên tới 17.000 MW.
Trong số này, có nhiều dự án của các nhà đầu tư ngoại như dự án điện mặt trời công suất hơn 2.000 MW của Tập đoàn Thiên Tân đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận và Quảng Ngãi hay dự án nhà máy công suất 30 MW tại Bình Thuận của Công ty TNHH DooSung Vina (Hàn Quốc).
Trong khi đó, các tập đoàn có tiềm lực của Việt Nam cũng không hề kém cạnh với những dự án điện mặt trời đầy tham vọng như dự án 20 nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam với tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD của Tập đoàn Thành Thành Công, hay Tập đoàn Xuân Cầu đầu tư khoảng 2.000 MW ở Tây Ninh, Tập đoàn TH True-Milk và Công ty Xuân Thiện đầu tư các dự án điện mặt trời tại tỉnh Đắk Lắk với công suất đặt khoảng 3.000 MW.
Điều này cho thấy, điện mặt trời đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi đây được xác định là nguồn năng lượng chính để phát triển năng lượng tái tạo. Các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời đã rất phát triển trên thế giới nhưng tại Việt Nam, lĩnh vực này còn khá mới mẻ.
Theo bản đồ tiềm năng điện mặt trời do Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà đầu tư, tài nguyên điện mặt trời của Việt Nam khá dồi dào, với nguồn bức xạ nhiệt khoảng 2.056 kW/m2/năm và kéo dài từ các tỉnh miền Trung đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của lĩnh vực điện mặt trời là rất lớn.
Để khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, điện mặt trời, Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực này, điển hình là Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam có hiệu lực từ tháng 9 vừa qua.
Giải pháp và công nghệ đã sẵn sàng
Mặc dù tại Việt Nam hiện đã có hàng trăm dự án điện mặt trời nhưng có thể nói, lĩnh vực này vẫn còn nhiều cơ hội. Theo dự báo của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng nhu cầu về điện tại Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 là 9,8%/năm và là 8,6% trong giai đoạn 2021-2025.
Do đó, trong 2 ngày 21 và 22/11 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với một số đối tác quốc tế đã tổ chức hội thảo “Giải pháp công nghệ và tài chính cho phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư dự án điện mặt trời tại Việt Nam tiếp cận với những công nghệ mới một cách dễ dàng, đem đến hiệu suất cao. Hội thảo cũng đã giới thiệu với các nhà đầu tư một số tập đoàn nước ngoài thuộc top 10 thế giới về công nghệ điện mặt trời và sẽ chọn thí điểm khoảng 10 dự án để đầu tư.
Trao đổi với Báo Đầu tư bên lề sự kiện, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Việt Nam hiện có trên 400 nhà máy thủy điện nhưng nhiều nhà máy không đủ lượng nước để phát. Do chỉ có thể phát điện vào mùa mưa và phát cầm chừng vào mùa khô, dẫn tới kéo dài thời gian thu hồi vốn.
Do đó, việc kết hợp phát triển các dự án điện mặt trời với các tấm pin năng lượng mặt trời đặt trên mặt nước hồ thủy điện đang trở thành giải pháp giải quyết vấn đề này. Cách làm này đang ngày càng được ưa chuộng tại các quốc gia như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia… bởi chi phí đầu tư thấp nhưng đem lại hiệu quả cao.
Ông Nghiệm phân tích, suất đầu tư 1 MW thủy điện là 2,5 triệu USD, trong khi điện mặt trời chỉ bằng một nửa. Đặc biệt, nếu kết hợp phát triển điện mặt trời trên thủy điện sẵn có thì mức đầu tư chỉ khoảng 700.000 USD/MW.
Bên cạnh việc giải quyết bài toán quốc gia về năng lượng, vấn đề môi trường cũng là nội dung mà Hội thảo này quan tâm.
“Điện mặt trời thế hệ cũ rất ảnh hưởng tới môi trường vì tấm năng lượng và ắc quy tráng bằng nitrat bạc là chất cực độc và thủy ngân. Công nghệ mà chúng tôi đang làm là công nghệ mới silicon và nano cacbon, được tráng thành phim không gây ô nhiễm môi trường và có thể tái chế dễ dàng”, ông Nghiệm lý giải.
Bên cạnh đó, công nghệ mới này cũng có giá thành đầu tư thấp hơn công nghệ cũ bởi áp dụng công nghệ mới, tiết kiệm diện tích xây dựng. “Công nghệ cũ cần 1,8 ha cho mỗi MW, nhưng công nghệ mới chỉ cần 1 ha, bởi tế bào quang điện tử trên 1 m2 nhiều hơn, giúp tăng khả năng hấp thụ, đồng thời giảm diện tích xây dựng”, ông Nghiệm nói.
Các chuyên gia tại Hội thảo cho rằng, bên cạnh những lợi thế về giá thành thì việc lựa chọn các công nghệ mới, bảo vệ môi trường còn là trách nhiệm xã hội của nhà đầu tư.(Baodautu)
---------------------------
Trung Quốc đang bơm 'núi tiền' vào nền kinh tế
Trung Quốc gần đây bơm ra cả trăm tỷ USD để cải thiện tâm lý thị trường, khi nước này đang chật vật cân bằng giữa tăng trưởng và kiểm soát nợ.
Tuần trước, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bơm ra số tiền mặt tổng cộng 810 tỷ NDT (122,4 tỷ USD) trong 5 ngày liên tục. Đây là một phần nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiềm chế lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đang ở mức kỷ lục.
“Lãi suất trái phiếu chính phủ tăng đang khiến các nhà hoạch định chính sách đau đầu. Vì vậy, để ngăn lãi này tăng thêm, họ bơm thêm thanh khoản vào hệ thống để cải thiện tâm lý thị trường”, Ken Cheung - chiến lược gia ngoại hối tại Mizuho Bank nhận xét.
Các nhà phân tích tại Nomura nhận định biến động trên thị trường trái phiếu gây ra bởi tâm lý lo ngại Bắc Kinh siết chặt chính sách quản lý. Lãi suất trái phiếu của Trung Quốc đã chạm 4% lần đầu trong 3 năm. Lãi này tăng có thể kéo chi phí đi vay nói chung của Trung Quốc lên cao, khiến tình hình nợ nần của nước này càng tồi tệ.
Chỉ trong 2 ngày đầu tuần này, PBOC đã bơm ròng thêm 30 tỷ NDT (4,5 tỷ USD). Hôm qua, họ không tăng cung tiền nữa. Giới phân tích cho rằng động thái này có lẽ do nhận thấy tâm lý thị trường đã bình ổn. Tuy nhiên, sự ổn định này có thể không kéo dài lâu.
Lãi suất trái phiếu 10 năm tại Trung Quốc vẫn gần ngưỡng tâm lý quan trọng (4%). Cheung dự báo nước này sẽ còn bơm thêm nếu cần thiết, do Bắc Kinh cần “duy trì thanh khoản để xoa dịu thị trường”.
Nhiều nhà đầu tư tin rằng rủi ro tài chính tại Trung Quốc được kiểm soát nhờ chính sách can thiệp mạnh tay từ trên xuống. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhì thế giới vẫn còn đối mặt với nhiều rủi ro từ bên ngoài, có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng.
Một trong các nguyên nhân là cung tiền của nước này đang tăng rất nhanh, trong khi dự trữ ngoại hối gần như đứng yên. “Khi dự trữ ngoại hối không đổi, tỷ lệ của nó trên cung tiền đã giảm từ 40% cách đây 5 năm xuống 10% hiện tại”, Victor Shih - chuyên gia Trung Quốc tại UC San Diego cho biết.
Dự trữ ngoại hối là công cụ chính để quản lý tỷ giá - vấn đề quan trọng với Trung Quốc. Theo thời gian, khi tỷ lệ này đi xuống, cơ quan quản lý tỷ giá sẽ càng khó phản ứng khi dòng vốn rút ra. Bắc Kinh thường giữ ổn định nội tệ bằng cách tung dự trữ ngoại hối để mua NDT trên thị trường thế giới. Vì vậy, dự trữ có thể hết nhanh chóng.
Việc này sẽ khiến nền kinh tế lớn nhì thế giới dễ bị tổn thương từ các tác động bên ngoài. Đây là điểm yếu lớn của Trung Quốc, đặc biệt nếu có việc gì xảy ra, như Fed nâng lãi suất liên tục”, Shih cảnh báo.(Vnexpress)