tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 10-08-2018

  • Cập nhật : 10/08/2018

Giá lúa mì Nga tăng mạnh

 Giá xuất khẩu lúa mì Nga tiếp tục tăng mạnh trong tuần kết thúc ngày 3/8, trong bối cảnh dự báo vụ thu hoạch bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu ở hầu hết các nước khu vực châu Âu và biển Đen, các nhà phân tích cho biết.

Giá lúa mì Nga khu vực biển Đen chiếm 12,5% protein đạt 234 USD/tấn FOB trong tuần kết thúc ngày 3/8, tăng so với 223 USD/tấn tuần trước đó, công ty tư vấn nông nghiệp Nga IKAR cho biết.

SovEcon, công ty tư vấn nông nghiệp có trụ sở tại Moscow cho biết, giá lúa mì loại 3 tăng 15 USD lên 231,5 USD/tấn FOB tại cảng nước sâu.

“Thị trường tiếp tục xu hướng tăng do thông tin vụ thu hoạch tại EU suy giảm và các vấn đề chất lượng vụ thu hoạch mới tại Nga”, Dmitry Rylko, người đứng đầu IKAR cho biết.

SovEcon cũng cho biết, giá lúa mì trên thị trường toàn cầu tăng mạnh cũng do hạn chế xuất khẩu bởi các nước khu vực biển Đen. Tính đến 1/8/2018, Nga đã xuất khẩu 4,73 triệu tấn ngũ cốc kể từ đầu niên vụ 2018/19 bắt đầu ngày 1/7/2018, bao gồm 3,8 triệu tấn lúa mì, Bộ Nông nghiệp cho biết.

Xuất khẩu lúa mạch đạt 641.000 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, và ngô đạt 257.000 tấn, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. SovEcon dự báo xuất khẩu ngũ cốc năm 2018/19 sẽ đạt 44,8 triệu tấn bao gồm 35 triệu tấn lúa mì.

Giá lúa mì loại 3 thị trường nội địa tăng 375 rup lên 9.675 rup (151,99 USD)/tấn, và giá lúa mì loại 4 thị trường châu Âu của Nga tăng 300 rup lên 9.500 rup, giá xuất xưởng SovEcon cho biết.

Giá hạt hướng dương tăng 200 rup lên 22.075 rup/tấn, và giá dầu hướng dương tăng 325 rup/tấn lên 46.500 rup/tấn, SovEcon cho biết. Chỉ số giá đường trắng của IKAR khu vực phía nam Nga đạt 506,81 USD/tấn tính đến ngày 3/8/2018, tăng so với 476,57 USD/tấn tuần trước đó.(Vinanet)
-------------------------------

Tận dụng SAFTA để tránh thuế nhập khẩu dầu ăn của Ấn Độ

Các doanh nghiệp xuất khẩu dầu ăn đang tận dụng triệt để Hiệp định Thương mại Tự do Nam Á (SAFTA) để tránh thuế cao của Ấn Độ.

Thời gian gần đây, nhằm tránh việc bị Ấn Độ áp thuế cao, các doanh nghiệp dầu ăn đã xuất khẩu dầu cọ cũng như các loại dầu ăn khác vào nước này từ các quốc gia láng giềng theo diện mặt hàng miễn thuế được quy định trong Hiệp định Thương mại Tự do Nam Á (SAFTA).

Bangladesh và Sri Lanka là hai nước được các doanh nghiệp này quan tâm chú ý khai thác nhất do đã tham gia ký kết SAFTA, một thỏa thuận thương mại tự do khu vực mà Ấn Độ là thành viên.

Hai doanh nghiệp buôn bán dầu cọ đã khẳng định sẽ bán sản phẩm ô-lê-in dầu cọ từ Bangladesh tới Ấn Độ theo dạng hàng hóa được miễn thuế.

Trong khi đó, một doanh nghiệp dầu cọ khác có trụ sở tại Malaysia cho biết các đơn đặt hàng đối với các sản phẩm đặc biệt có nguồn gốc từ dầu cọ như sản phẩm thay thế bơ cacao hay bơ loãng chiết xuất từ dầu cọ của Bangladesh và Sri Lanka để xuất khẩu tới Ấn Độ đã tăng cao.

Doanh nghiệp này cũng ước tính rằng các sản phẩm dầu cọ xuất khẩu của Indonesia, nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, vào Bangladesh trong tháng Bảy vừa qua đã tăng 1/3.

Còn theo dữ liệu từ cơ quan khảo sát Societe Generala de Surveillance, xuất khẩu dầu cọ sang Bangladesh của Malaysia, quốc gia sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới, đã tăng từ mức 3.500 tấn trong tháng Năm lên mức 36.995 tấn chỉ trong khoảng thời gian từ 1/7 – 25/7.

Theo Reuters, trong niên vụ 2018 – 2019, có khả năng Bangladesh (nước không có ngành công nghiệp dầu cọ) sẽ đáp ứng được 91% lượng tiêu thụ dầu ăn trong nước, bao gồm dầu đậu nành và dầu cọ, thông qua việc nhập khẩu từ các nước khác.

Theo các doanh nghiệp dầu cọ Ấn Độ, việc gia tăng ngày càng nhiều lượng dầu ăn nhập khẩu theo diện miễn thuế đang phá vỡ nền công nghiệp này tại Ấn Độ và làm thất bại những nỗ lực tăng giá các sản phẩm từ hạt cây có dầu địa phương.

Là nước nhập khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, tháng Ba vừa qua, Ấn Độ đã tăng mức thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm dầu cọ tinh chế lên mức 54% nhằm bảo vệ người nông dân nước này.

Cũng trong tháng Sáu, nước này đã tăng thuế lên mức 45% đối với dầu đậu nành tinh chế, dầu đậu nành thô, dầu hướng dương và dầu ăn chiết xuất từ cây cải dầu.

Hiệp hội Chế biến Đậu nành của Ấn Độ (SOPA) đã có những kiến nghị chính phủ liên bang Ấn Độ cần tạm dừng chính sách thực hiện nhập khẩu các mặt hàng theo diện miễn thuế.

Chủ tịch SOPA Davish Jain cho biết chênh lệch giá giữa các sản phẩm dầu đậu nành trong nước so với các sản phẩm dầu đậu nành nhập khẩu miễn thuế vào khoảng 11.000 rupee (tương đương 160,80 USD) một tấn.

Ông Jain khẳng định việc nhập khẩu số lượng lớn các sản phẩm dầu ăn theo diện miễn thuế sẽ tác động tiêu cực tới người dân nước này và gây ra những bất lợi đối với ngành công nghiệp này.

Ông Sandeep Bajoria, Giám đốc điều hành Tập đoàn Sunvin, doanh nghiệp nhập khẩu dầu thực vật có trụ sở tại Mumbai (Ấn Độ), cho biết trước đây các doanh nghiệp tiến hành nhập khẩu dầu ăn từ Bangladesh qua biên giới phía Đông Bắc Ấn Độ, nhưng hiện tại các tàu vận chuyển đã được chuyển hướng đến các cảng ở phía Tây, nơi có nhiều hơn nhà máy tinh chế dầu ăn lớn.

Giám đốc Điều hành của SEA, ông B.V. Mehta, cho biết một doanh nghiệp đã nhập khẩu 10.000 tấn dầu đậu nành tinh chế từ Bangladesh. Còn theo Reuters, ít nhất 4 tàu hàng chở dầu cọ từ các cảng ở Indonesia và Malaysia đã đến Bangladesh trong vòng 14 ngày qua.(TTXVN)
----------------------

Giới đầu tư tiền ảo toàn cầu đã “mất” 600 tỷ USD trong năm nay

Cuộc bán tháo trên thị trường tiền ảo năm 2018 đã đạt đến một độ sâu mới vào ngày thứ Tư, khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) "dội gáo nước lạnh" vào hy vọng của giới đầu tư tiền ảo về sự ra đời của một quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) Bitcoin.

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ trang Coinmarketcap.com cho biết tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền ảo toàn cầu hiện chỉ còn khoảng 230 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. So với thời kỳ đỉnh cao của cơn sốt tiền ảo vào tháng 1, giá trị vốn hóa của thị trường tiền ảo đến nay đã "bốc hơi" 600 tỷ USD, nhiều gấp đôi giá trị vốn hóa thị trường của hãng thẻ Visa.

Trong tuyên bố mới nhất, SEC hoãn ra quyết định về việc có hay không cho phép thành lập quỹ ETF Bitcoin. Sự trì hoãn này là một đòn giáng vào các nhà đầu cơ giá lên tiền kỹ thuật số - những người cho rằng một "cái gật đầu" của SEC sẽ giúp Bitcoin duy trì được đợt hồi phục hồi vào tháng 7.

Những người ủng hộ Bitcoin đang tiếp tục bấu víu vào niềm tin rằng tiền ảo sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn và điều này sẽ hỗ trợ giá tiền ảo. Tuy nhiên, cơ quan chức năng và nhiều nhà đầu tư tổ chức vẫn giữ quan điểm hoài nghi trong bối cảnh có nhiều nỗi lo về an ninh tiền ảo và hành vi thao túng thị trường.

Vào lúc hơn 8h tối ngày thứ Tư theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu trên trang Coinmarketcap.com giảm hơn 8,2%, còn 6.529 USD. Năm nay, giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới đã giảm 55%, theo Bloomberg.

Cùng thời điểm trên, giá đồng tiền ảo lớn thứ nhì là Ethereum giảm hơn 10%, đồng lớn thứ ba là Ripple sụt hơn 14%. Trong top 100 đồng tiền ảo lớn nhất theo xếp hạng của Coinmarketcap.com, có 98 đồng trong trạng thái giảm giá vào thời điểm trên.

SEC nói rằng sẽ đợi đến ngày 30/9 mới ra quyết định "phê chuẩn hay không phê chuẩn, hoặc đưa ra quy trình để quyết định phê chuẩn hay không phê chuẩn" thành lập một quỹ ETF Bitcoin bởi hai công ty VanEck Associates Corp. and SolidX Partners Inc..

Tháng trước, SEC đã bác bỏ đề xuất thành lập một quỹ tương tự của cặp anh em sinh đôi Tyler và Cameron Winklevoss, hai nhân vật "có số má" trong giới tiền ảo.

Một số ý kiến cho rằng đề xuất lập quỹ ETF Bitcoin của VanEck có khả năng được thông qua cao hơn do đưa ra mức giá tối thiểu cao - một yếu tố có thể hạn chế các nhà đầu tư cá nhân.

Các tin tức liên quan đến tiền ảo tuần này không phải tin nào cũng xấu. Nguồn thạo tin nói với Bloomberg rằng ngân hàng Goldman Sachs đang cân nhắc kế hoạch cung cấp dịch vụ trông giữ tài sản cho các quỹ tiền ảo.

Tuy nhiên, một báo cáo của Goldman Sachs cũng dự báo rằng "Bitcoin sẽ không bao giờ trở lại".

"Chúng tôi dự báo giá tiền ảo sẽ giảm sâu hơn trong tương lai, vì tiền ảo không hề đảm nhiệm được bất kỳ vai trò truyền thống nào của một đồng tiền: không phải là phương tiện thanh toán, không phải là thước đo giá trị, cũng không phải là phương tiện lưu trữ giá trị", báo cáo có đoạn viết.(Vneconomy)

Trở về

Bài cùng chuyên mục