Người dân được lợi gì từ thành phố thông minh?; Tàu container liên vận Việt Nam - Trung Quốc bắt đầu hoạt động; 3,9 tỉ USD kiều hối đã về TP.HCM trong 10 tháng đầu năm 2017; Sớm kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án tham nhũng, kinh tế lớn
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 25-11-2017
- Cập nhật : 25/11/2017
Không đưa nợ tự vay, tự trả doanh nghiệp nhà nước vào nợ công
Trường hợp doanh nghiệp nhà nước không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật, bảo đảm bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, sáng 23/11, với 85,74% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến băn khoăn về việc không đưa nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào phạm vi nợ công.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho biết các khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước là các khoản vay thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp nhà nước không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật, bảo đảm bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác. Do vậy không quy định nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào phạm vi nợ công.
Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý nợ công, một vấn đề còn nhiều ý kiến tranh luận, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ đầu mối quản lý nợ công.
Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính: “chủ trì tổ chức thực hiện đàm phán, ký kết thỏa thuận vay thương mại, hiệp định khung, hiệp định cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước và Chính phủ”.
Luật giao cho Chính phủ phân công cụ thể nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về nợ công. Đồng thời, để tránh cách hiểu, cách áp dụng khác nhau, bảo đảm cụ thể, chặt chẽ, thống nhất về mặt pháp luật, tạo thuận lợi cho quá trình áp dụng Luật, UBTVQH đã bổ sung nội dung khoản 3 Điều 62 theo hướng quy định rõ: Trong trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Luật này và Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 thì áp dụng theo quy định của Luật này.
Về những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý nợ công, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung quy định “cấm vay nợ và bảo lãnh nợ vượt quá chỉ tiêu an toàn nợ công”. Có ý kiến cho rằng, quy định “không cung cấp, cung cấp…cho cơ quan có thẩm quyền” là thu hẹp phạm vi cung cấp thông tin vì việc cung cấp thông tin phải cho cả công chúng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm là vay hoặc cho vay không đúng hạn mức đã được cấp có thẩm quyền quyết định, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về nợ công theo quy định của pháp luật. (Bizlive)
------------------------------
Ngành cơ khí than vì chịu bất công với khối FDI
Máy móc nhập khẩu miễn thuế, còn thiết bị lắp ráp trong nước lại chịu 10-15%. Các doanh nghiệp cho rằng họ không sợ cạnh tranh, chỉ ngại bất công.
Doanh nghiệp sản xuất thiết bị chế tạo trong nước đang gặp bất lợi về chính sách thuế. Trong ảnh: sản xuất thiết bị tivi tại một doanh nghiệp trong nước - Ảnh: NHƯ BÌNH
Ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch Hội Cơ khí điện TP.HCM, cho rằng doanh nghiệp trong ngành này không ngại cạnh tranh với nhau về năng lực sản xuất, mà chỉ lo về cơ hội tham gia chuỗi cung ứng sản xuất của các tập đoàn lớn.
Nhận định của ông Tống được nêu ra tại buổi họp báo về Hội chợ Vietnamexpo HCMC 2017 và Triển lãm quốc tế sản phẩm ngũ kim và dụng cụ cầm tay được tổ chức ngày 23-11.
Cụ thể, ông Tống cho rằng chính sách khuyến khích, tạo lợi thế cạnh tranh cho lĩnh vực sản xuất máy móc, thiết bị trong nước thì Nhà nước cần đánh thuế hàng nhập khẩu.
"Nhưng thực tế lại ngược 180 độ. Máy móc nhập khẩu hưởng thuế 0%, còn linh kiện, thiết bị lắp rắp trong nước lại chịu thuế 10-15%, làm cản trở doanh nghiệp sản xuất vì chi phí đầu vào cao" - ông Tống nói.
Mức thuế cao này khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành cơ khí Việt Nam thấp, dẫn tới khả năng cạnh tranh yếu.
Theo ông Tống, điều đó giải thích vì sao ngành này không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia, mà chủ yếu các nhà thương mại.
Thời gian gần đây, ông Tống cho biết ở TP.HCM đã có một số chính sách hỗ trợ bù lãi suất cho ngành nên tình hình có cải thiện.
Tuy nhiên, khả năng tạo ra hiệu quả đầu tư là bài toán khó của ngành cơ khí, chỉ có một số doanh nghiệp vượt qua được.
Dù vậy, chủ tịch Hội Cơ khí điện TP.HCM vẫn tỏ ý lạc quan khi cho rằng nhu cầu của ngành cơ khí chế tạo Việt Nam rất lớn và hoàn toàn có cơ hội cho doanh nghiệp phát triển bởi lẽ nguồn lực, khả năng của các doanh nghiệp là có.
Đến nay, không ít doanh nghiệp Việt đang trở thành nhà cung cấp các sản phẩm linh phụ kiện chính xác cao cấp cho máy bay dân dụng, tàu điện ngầm, metro, thậm chí là thiết bị vũ khí xuất khẩu đi nhiều nước. Vấn đề là cơ hội tiếp cận thị trường nội địa lại không cao.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang chịu lép vế trước các ưu đãi khủng cho khối FDI, các doanh nghiệp trong nước cũng cho biết họ khá vất vả tìm cơ hội chen chân vào chuỗi cung ứng cho các thương hiệu lớn trên thế giới.
"Tính cạnh tranh doanh nghiệp FDI cùng ngành nghề không quá đáng lo ngại, mà cơ hội tham gia chuỗi mới lo. Ngay cả những doanh nghiệp được cho là tham gia chuỗi của những ông lớn thì thực ra họ cũng chỉ mới là nhà cung cấp cấp 2, cấp 3 của chuỗi" - ông Tống nói.(Tuoitre)
----------------------------------
Quốc hội thông qua chủ trương thu hồi đất xây sân bay Long Thành
Chiều nay (24.11), đa số đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Với 449/463 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 91,45%, 13 đại biểu không tán thành (chiếm 2,65%), 1 đại biểu không biểu quyết (0,2%), Quốc hội đã thông qua nghị quyết này.
Theo báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, tổng mức đầu tư dự án 22.938 tỉ đồng. Diện tích đất thu hồi là 5.399 ha, trong đó diện tích đất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000 ha, diện tích đất khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn là 282,3 ha, diện tích đất phân khu 3 của khu tái định cư Bình Sơn là 97 ha, diện tích đất khu nghĩa trang là 20 ha. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiến hành 1 lần và hoàn thành trước năm 2021.
Theo đó, Chính phủ sẽ giao UBND tỉnh Đồng Nai quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất đã được thu hồi nhưng chưa xây dựng cơ sở hạ tầng của Cảng hàng không quốc tế Long Thành và có trách nhiệm giao lại đất theo tiến độ triển khai dự án.
Về bố trí vốn, ngoài nguồn vốn 5.000 tỉ đồng đã được Quốc hội bố trí, sẽ bố trí bổ sung 15.000 tỉ đồng trong tổng số 80.000 tỉ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016 của Quốc hội và 2.938 tỉ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất, giao đất tái định cư giai đoạn đầu.
Trường hợp không thu đủ từ nguồn thu tiền sử dụng đất, giao đất tái định cư giai đoạn đầu thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định từ nguồn nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Toàn bộ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư, cho thuê đất thuộc dự án được hoàn trả vào ngân sách trung ương.(Thanhnien)
------------------------
Fitch dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt mốc tăng trưởng cao
Việt Nam sẽ ghi dấu ấn tăng trưởng kinh tế nhờ môi trường chính trị ổn định, công cuộc cải cách được đẩy mạnh, môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch ngày 24/11 công bố báo cáo nhấn mạnh triển vọng kinh tế của các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tươi sáng hơn trong những năm tới, nhờ sự hội nhập khu vực ngày càng lớn, việc kết nối hạ tầng giao thông ngày càng tốt và công cuộc cải cách tiếp tục được thực hiện.
Báo cáo, do bộ phận nghiên cứu BMI của Fitch tiến hành, nêu rõ bên cạnh Cộng đồng Kinh tế (AEC) của Hiệp hội ASEAN, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) cùng Sáng kiến kinh tế Vành đai và Con đường của Trung Quốc được xem là hai yếu tố then chốt sẽ góp phần nâng cao tính gắn kết trong khu vực, cũng như thúc đẩy tăng trưởng trong những năm tới.
BMI dự báo trong số các quốc gia ASEAN, Myanmar và Việt Nam sẽ đạt mốc tăng trưởng cao. Theo đó, Xứ sở chùa Vàng có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 7,2%/năm trong 10 năm tới nhờ tăng đầu tư khi môi trường kinh doanh được cải thiện và tình hình chính trị ổn định.
Trong khi đó, Việt Nam sẽ ghi dấu ấn tăng trưởng kinh tế nhờ môi trường chính trị ổn định, công cuộc cải cách được đẩy mạnh, môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi và lĩnh vực sản xuất được hưởng lợi từ việc các công ty đa quốc gia đặt tại Việt Nam do chi phí sản xuất thấp.
Bên cạnh đó, BMI đánh giá Philippines như một trong những điểm sáng của khu vực khi tăng trưởng GDP của nước này được dự báo duy trì ổn định ở mức 6,2% trong thập kỷ tới. BMI cũng giữ nguyên dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực của Indonesia, nhờ tỷ lệ lớn dân số trẻ, đồng thời nhận định đây sẽ là một trong số các quốc gia ASEAN tiếp nhận nhiều nhất các dự án trong Sáng kiến kinh tế Vành đai và Con đường.
BMI dự báo Singapore và Brunei-2 quốc gia hiện có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người ở mức cao hơn nhiều so với Myanmar và Việt Nam, nhiều khả năng sẽ tăng trưởng chậm hơn trong những năm tới.(TTXVN)