Elon Musk thắng vụ cược 50 triệu USD; Chủ đầu tư Khu đô thị mới CEO Mê Linh hơn 20ha là ai?; Bán lẻ điện thoại tăng chậm lại, MWG lãi 1.811 tỷ trong 10 tháng; Hòa Bình và Dow Chemical ký kết hợp tác chiến lược
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 24-11-2017
- Cập nhật : 24/11/2017
Dòng vốn chuyển dịch vào bất động sản
Bất động sản vẫn là kênh hấp dẫn và sinh lời hiệu quả cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Khách hàng đã sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng, thậm chí lên đến 50 – 80% để mua nhà, sau đó trả dần trong nhiều năm. Nguồn: Internet
Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc Jones Lang Lasalle (JLL) cho biết tại Hội nghị Bất động sản 2017 do Forbes Việt Nam tổ chức ngày 21/11 tại TP. Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và GDP tăng trưởng mạnh tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường bất động sản (BĐS) trong năm nay. Nhiều phân khúc trở nên sôi động với sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài như văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, căn hộ bán...
Theo số liệu của JLL, tính đến thời điểm hiện tại đã có 20.851 căn hộ được bán ra trên thị trường, trong đó khoảng 4.113 căn villa, nhà phố, với mức tăng trưởng 75%. Tuy nhiên, nguồn cung vẫn chưa đáp ứng được sức cầu của người mua, khoảng cách cũng như dư địa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước chen chân vào còn rất lớn.
“Một điều có thể dễ dàng nhận thấy, xu hướng của giới trẻ Việt Nam, nhất là tầng lớp trung lưu đang có mong muốn sở hữu nhà phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng chi trả tạo động lực cho các chủ đầu tư đưa ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu và túi tiền của người mua” – ông Stephen Wyatt nhấn mạnh.
Trước những thay đổi của thị trường, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Đầu tư Nam Long nhận định, so với 5 năm trước, người mua nhà hiện nay đã là những người làm chủ thị trường và có sự lựa chọn khôn ngoan hơn.
Đặc biệt, nếu như trước kia phần lớn người mua chủ yếu đều sử dụng nguồn vốn tự có bằng vàng, tiền mặt tiết kiệm được sau nhiều năm để chi trả cho nhu cầu sở hữu nhà, thì hiện nay, kênh tài chính đã đa dạng hơn nhiều, không ít khách hàng đã sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng, thậm chí lên đến 50 – 80% để mua nhà, sau đó trả dần trong nhiều năm. Chính điều này đã giúp nhiều người trẻ nhanh chóng và dễ dàng hơn trong việc hiện thực hóa ước mơ an cư.
Theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bản Việt, thu nhập và nguồn tài chính của nhiều gia đình người Việt đang có xu hướng ngày một tăng lên. Điều này tạo ra nhu cầu về chi tiêu, du lịch, mua sắm, sở hữu xe cộ, nhà cửa cũng tăng theo. Ngoài ra, với sự khởi sắc của thị trường chứng khoán, nhiều giao dịch thành công, thì dòng vốn cũng được chuyển dịch vào kênh đầu tư BĐS.
Số liệu cho thấy, từ năm 2014 đến nay, lượng giao dịch thành công đối với phân khúc nhà ở tăng, khả năng hấp thụ tại thị trường TP. Hồ Chí Minh là hơn 57%. Đáng chú ý, nhà đầu tư, doanh nghiệp BĐS nội và người mua trong nước vẫn là những người dẫn dắt thị trường, dù nguồn vốn FDI trong năm 2017 với tổng số tiền “đổ” vào thị trường BĐS khoảng 2 tỉ USD đã tạo nên sự hấp dẫn, gia tăng đáng kể cho thị trường này.
Ông Eric Solberg, Giám đốc điều hành EXS Capital Group khẳng định, Việt Nam đang có tín hiệu tăng trưởng tín dụng đối với kênh BĐS hướng dòng tiền vào người mua nhà. Nếu như những năm 2010- 2011, mức độ tiếp cận tín dụng của người mua vào khoảng 10 - 15%, hiện nay tỷ lệ này đã tăng lên hơn 50%.
Mặt khác, lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh về mức hợp lý hơn từ 18 – 20% xuống còn 8% kéo dài trong nhiều năm giúp cho người mua giải quyết được bài toán tài chính đối với nguồn vốn vay ngân hàng. Đây chính là những yếu tố giúp gia tăng sức cầu mạnh mẽ trong thời gian qua. Một số chuyên gia tại Hội nghị đưa ra nhận định, năm 2018 và trong ngắn hạn thị trường BĐS Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. (TBKD)
----------------------------
Xây dựng cao tốc Bắc- Nam: Mỗi km phải chi gần 182 tỷ đồng
Sáng 22/11, với 83,1% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 (gọi tắt là Dự án).
Gần 119.000 tỷ đồng làm cao tốc Bắc-Nam
Theo Nghị quyết, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được đầu tư gồm 4 đoạn là: Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế); Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai); Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).
Giai đoạn này dự kiến đầu tư 654 km, chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập, hình thức, quy mô đầu tư phù hợp với từng dự án thành phần. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư căn cứ quy mô của từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả, khuyến khích nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án là 3.736 ha, trong đó đất trồng lúa là 1.037 ha. Quốc hội quyết định thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe trên tất cả các dự án thành phần, riêng dự án Cam Lộ - La Sơn theo quy mô 4 làn xe theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Tổng mức đầu tư (sơ bộ) của Dự án là 118.716 tỷ đồng, như vậy suất đầu tư tương đương gần 182 tỷ đồng/km. Trong đó 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư tham gia thực hiện Dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14; 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.
Về tiến độ triển khai, Nghị quyết nêu rõ, thời gian chuẩn bị đầu tư để thực hiện Dự án từ năm 2017 và cơ bản hoàn thành năm 2021.
Quốc hội giao Chính phủ cập nhật Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc. Ảnh: Internet.
Chính phủ cập nhật Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc
Trong Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện hàng loạt nhiệm vụ liên quan.
Đó là, triển khai Dự án quy định của pháp luật và bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong tổ chức thực hiện và quản lý Dự án; bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, đối với các dự án thành phần đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) cần khắc phục những hạn chế, bất cập đã Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra (trong Báo cáo 197/BC-UBTVQH14 ngày 23/10/2017).
Đồng thời xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực tham gia đầu tư Dự án. Ban hành tiêu chí, nguyên tắc, phân bổ vốn nhà nước đầu tư tham gia thực hiện Dự án hợp lý và cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư. Đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, nghiên cứu, áp dụng phương án thu phí hợp lý để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước; đối với các dự án thành phần đầu tư công theo hình thức đối tác công tư, sau khi nhà đầu tư chuyển giao lại công trình, nghiên cứu tiếp tục thu phí để hoàn trả phần vốn đầu tư của Nhà nước...
Quốc hôi giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh, cập nhật Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam bảo đảm tầm nhìn dài hạn theo hướng trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe. Riêng đoạn từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Túy Loan (Đà Nẵng) theo quy mô 4 làn xe và một số đoạn cửa ngõ trung tâm kinh tế có lưu lượng xe lớn theo quy mô 8 làn xe. Trên cơ sở đó, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc triển khai tiếp các đoạn trên tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. (Baohaiquan)
--------------------------
Tập đoàn VTG của Canada muốn đầu tư tuyến metro Sân bay Nội Bài - Hồ Tây
VTG đã tiến hành nghiên cứu kỹ và đề xuất với thành phố Hà Nội, Chính phủ, các bộ, ngành để triển khai dự án đường sắt đô thị số 2 nối sân bay Nội Bài với khu vực Hồ Tây theo hình thức đối tác công-tư.
Ngày 22/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp ông Richard Courey, Chủ tịch kiêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vision Transportation Group (VTG).
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hoan nghênh và đánh giá cao kinh nghiệm của Tập đoàn VTG trong lĩnh vực phát triển các dự án cơ sở hạ tầng giao thông tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang chủ trương huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, Chính phủ luôn hoan nghênh và đánh giá cao quyết tâm của các đối tác quốc tế có tiềm lực, nhiều kinh nghiệm tham gia các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ với phương châm kiến tạo, hành động, đồng hành cùng doanh nghiệp đang tích cực cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế mở rộng đầu tư, kinh doanh.
Ông Richard Courey cho biết, VTG đã tiến hành nghiên cứu kỹ và đề xuất với thành phố Hà Nội, Chính phủ, các bộ, ngành để triển khai dự án đường sắt đô thị số 2 nối sân bay Nội Bài với khu vực Hồ Tây theo hình thức đối tác công-tư (PPP).
Theo nghiên cứu của VTG, đây sẽ là tuyến đường sắt đô thị hoàn toàn khả thi về công nghệ và khả năng thu hồi vốn, bảo đảm lợi ích hài hòa cho nhà đầu tư.
Ông Richard Courey và các cộng sự đã báo cáo sơ bộ với Phó Thủ tướng về ý tưởng, phương thức, công nghệ, tiến độ đầu tư dự án, đồng thời đề xuất một số kiến nghị với Chính phủ.
Ông Richard Courey cũng khẳng định bằng kinh nghiệm, uy tín của mình, Tập đoàn VTG hoàn toàn có đủ năng lực chuyên môn và tài chính để triển khai thành công Dự án, đáp ứng tất cả các yêu cầu mà Chính phủ Việt Nam đưa ra.
Trước đề xuất này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị VTG làm việc cụ thể với thành phố Hà nội, các bộ, ngành của Việt Nam trước khi có báo cáo chi tiết trình Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị VTG nghiên cứu thêm các dự án đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng khác, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường sắt, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.(Baodautu)
----------------------
Ba năm tới, Việt Nam "hụt" hơn 110.000 tỷ đồng vì tự do thương mại
Theo ước tính của Bộ Tài chính, với 10 Hiệp định tự do thương mại song và đa phương (FTA) thế hệ mới, trong đó có những cơ chế tự do thương mại, xoá bỏ hàng rào thuế quan nhiều mặt hàng, ba năm tới Việt Nam có thể thất thu ngân sách hơn 110.000 tỷ đồng.
Số thất thu ngân sách theo ước tính qua các năm của Bộ Tài chính cụ thể là: năm 2018 là 30.150 tỷ đồng, năm 2019 là 36.340 tỷ đồng và năm 2020 là 43.965 tỷ đồng.
Việt Nam giảm thu ngân sách từ bỏ thuế nhập nhiều mặt hàng theo FTA, đồng nghĩa với thị trường trong nước ngày càng bị hàng hóa các nước cạnh tranh.
Riêng năm 2018, năm bản lề thực hiện xóa bỏ thuế quan nhiều mặt hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN, trên 90% các dòng hàng theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ có thuế nhập khẩu giảm xuống 0%. Mạnh nhất là một số mặt hàng có số thu lớn thuế suất cao như: ô tô giảm từ 30% xuống 0%; linh kiện phụ tùng 5%, 20% xuống 0%; sắt thép 5% xuống 0%; nông sản, thuốc lá, rượu…
Bên cạnh đó, với việc ký các Hiệp định thương mại ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định thương mại ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) trong năm 2018 cũng có tới hơn 400 dòng hàng có thuế suất hiện nay là 5, 7, 10% sẽ về 0% vào năm 2018. Đây lại là hai nước có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam hiện nay.
Hiện theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam có kim ngạch nhập khẩu rất lớn từ 3 đối tác chính là Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Riêng đối với kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc đã được cải thiện, giảm về tỷ trọng nhập khẩu và tỷ lệ nhập siêu.
Tuy nhiên thay thế vào số nhập khẩu giảm từ Trung Quốc, Việt Nam lại tăng nhập khẩu từ Hàn Quốc và các nước ASEAN, tỷ lệ nhập siêu từ các thị trường này cũng gia tăng. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc là máy móc, linh kiện điện tử, ô tô; hàng nhập từ các nước ASEAN là thiết bị máy móc, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, ô tô và linh kiện ô tô, điện tử...
Theo Bộ Tài chính, hiện Việt Nam đã ký kết 10 hiệp định thương mại quốc tế việc thực hiện các cam kết hội nhập về thuế quan nhằm thu hút và góp phần gia tăng đầu tư nước ngoài, giảm chi phí nhưng có thể giúp tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ các khoản thuế nội địa như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất, thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân..
Trước mắt, việc thực hiện các cam kết FTA cũng khiến số thu ngân sách từ thuế nhập khẩu sụt giảm, ảnh hưởng đến công tác thu NSNN nói chung. Điều này đặt áp lực lớn đối với cơ cấu chi ngân sách, đặc biệt có thể phát sinh những khoản thu thuế mới, tăng gánh nặng đối với khu vực trong nước nếu không được kiểm soát.
10 Hiệp định thương mại Việt Nam hiện tham gia gồm: ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Úc - New Zealand, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi lê, Việt Nam - Hàn Quốc, và Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu).
Thời gian tới, Việt Nam có thể tham gia sâu một số FTA thế hệ mới, có tính chất liên khu vực như: RCEP - Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực và "phiên bản mới" của TPP là Hiệp định Đối tác toàn diện, tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP với 11 nước thành viên TPP cũ, ngoại trừ Mỹ.(Dantri)