tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 25-11-2017

  • Cập nhật : 25/11/2017

Nikkei: SCIC có thể lỡ kế hoạch thoái vốn trong năm nay

SCIC kỳ vọng các cuộc đấu giá trong tháng 12 sẽ thuận lợi nhờ đà tăng của thị trường chứng khoán, thành công của Việt Nam khi đăng cai APEC, và kết quả ngoài mong đợi khi bán vốn tại Vinamilk.

ap luc thoai von de nang len scic.

Áp lực thoái vốn đè nặng lên SCIC.

Trong tháng 12, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ tiến hành thoái vốn đợt cuối ở 5 doanh nghiệp có vốn nhà nước được niêm yết trên sàn chứng khoán, với tổng giá trị thị trường lên đến 10 nghìn tỷ đồng.

Dự kiến trong tuần thứ hai và thứ ba của tháng sau, SCIC sẽ tổ chức đấu giá toàn bộ cổ phần tại 5 “ông lớn”, bao gồm Tập đoàn FPT (mã chứng khoán FPT - 5,96% vốn), Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP - 37,1%), Nhựa Bình Minh (BMP - 29,51%), Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC - 34,71%) và Vinaconex (VCG - 21,79%).

Phó tổng giám đốc SCIC cho biết, đây là các công ty đang dẫn đầu thị trường ở các ngành, và đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức 2 con số trong những năm qua.

SCIC kỳ vọng các cuộc đấu giá trong tháng 12 sẽ thuận lợi nhờ đà tăng của thị trường chứng khoán, thành công của Việt Nam khi đăng cai APEC, và kết quả ngoài mong đợi khi bán vốn tại Vinamilk.

Hãng tin Nikkei (Nhật Bản) nhận xét đây là năm đầu tiên SCIC thoái vốn với một lộ trình rõ ràng nhằm tăng cường tính minh bạch, đồng thời tiến hành roadshow để cung cấp thông tin cho nhà đầu tư.

Tuy vậy, quá trình này vẫn chậm hơn nhiều so với kỳ vọng, trong khi lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước có thể bị kỷ luật nếu không đạt kế hoạch thoái vốn.

SCIC đã công bố thoái vốn một phần hoặc toàn bộ tại hơn 90 doanh nghiệp trong năm nay. Theo một báo cáo của bộ phận nghiên cứu thuộc Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), tính đến tháng 10 mới chỉ có 20 doanh nghiệp được thoái vốn. Vài chục doanh nghiệp nhỏ không nhận được sự quan tâm của thị trường.

Việc thoái vốn không đạt kỳ vọng gây áp lực cho SCIC trong quý IV năm nay và phần lớn kế hoạch của năm 2017 sẽ được chuyển tiếp sang 2 năm tới. Danh sách các công ty chờ đến lượt có Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC), Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID), Dược Hậu Giang (DHG), Bảo hiểm Bảo Minh (BMI)…

Dù không đạt mục tiêu thoái vốn, nhưng SCIC trong năm nay đã có một năm bận rộn, thu về 20 nghìn tỷ đồng, bao gồm 9 nghìn tỷ từ việc bán 3,33% cổ phần tại Vinamilk (VNM) ngày 10/11. Năm 2016, SCIC thoái vốn khỏi 73 doanh nghiệp, thu về 16 nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, cho biết SCIC cần quyết định cẩn trọng cách thức và thời điểm bán vốn để không làm xáo trộn thị trường.(Bizlive)
-----------------------

Tới lượt công ty của Mitsubishi thừa nhận làm giả dữ liệu

Công ty Mitsubishi Materials thuộc tập đoàn Mitsubishi đã thừa nhận làm giả thông tin về nhiều sản phẩm trong hơn một năm qua.

 

chu tich cong ty mitsubishi shindoh, ong kazumasa hori du hop bao tai tokyongayf 24-11 - anh: reuters

Chủ tịch công ty Mitsubishi Shindoh, ông Kazumasa Hori dự họp báo tại Tokyongayf 24-11 - Ảnh: REUTERS

 

Theo đài CNN (Mỹ) trong thông cáo ngày 23-11 của Mitsubishi Materials, có ít nhất 2 trong số các chi nhánh của công ty này đã làm giả dữ liệu để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể theo yêu cầu của khách hàng.

Cụ thể, công ty Mitsubishi Cable Industries đã ngụy tạo dữ liệu về các loại keo cao su sử dụng trong ô tô và máy bay. Các dữ liệu bị làm giả liên quan tới khoảng 270 triệu đơn vị sản phẩm bán ra trong khoảng thời gian từ 4-2015 tới tháng 9-2017 cho tổng số 229 khách hàng.

Trong khi đó, một chi nhánh khác là Mitsubishi Shindoh đã làm giả thông tin về một số sản phẩm kim loại trong ít nhất một năm, trong đó có các bộ phận bằng đồng, sử dụng trong các ngành công nghiệp ô tô và điện tử.

Đã có ít nhất 29 công ty đã mua các sản phẩm bị làm giả dữ liệu thông tin kỹ thuật của Mitsubishi Shindoh.

Theo Mitsubishi Materials, do ngày 23-11 thị trường Nhật Bản đóng cửa nên công ty này chưa thể ước tính được mức độ thiệt hại tài chính liên quan tới thông tin làm giả dữ liệu họ vừa thừa nhận.

Thời gian qua Nhật Bản điêu đứng vì việc liên tiếp các công ty sản xuất lớn của nước này bị phanh phui đã làm giả dữ liệu để đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể. Đây là các tiêu chuẩn được thỏa thuận giữa nhà sản xuất và khách hàng của họ.

Khoảng một tháng trước, công ty thép Kobe Steel thừa nhận đã làm giả các thông số kỹ thuật trong sản phẩm bán cho các khách hàng lớn như Boeing, Toyota. Thông tin đó từng khiến cổ phiếu của Kobe mất giá hơn 40%.

Mitsubishi là một trong số nhiều công ty cũng bị ảnh hưởng trong bê bối của công ty thép Kobe Steel vì đã sử dụng các link kiện kim loại của Kobe trong sản phẩm máy bay của hãng. Hai công ty này cũng có một công ty cổ phần để sản xuất ống đồng.

Ngay sau khi bê bối ở Kobe Steel bung ra, các nhà sản xuất xe hơi hàng đầu của Nhật là Nissan và Subaru cũng thừa nhận chuyện họ đã cho phép các công nhân không có chứng chỉ hành nghề tham gia kiểm tra sản phẩm. Sau đó, công ty này đã phải thu hồi hàng chục ngàn sản phẩm xe hơi.

Một bê bối khác khiến hàng triệu xe hơi phải thu hồi trên toàn thế giới cũng đã xảy ra với hãng Takara, một công ty khác của Nhật. Lý do thu hồi vì bộ phận túi khí trên những xe đó phát nổ, khiến nhiều trường hợp tử vong và buộc công ty Takara phải tuyên bố phá sản trong tháng 6.

Trong khi đó, công ty Toshiba cũng đã vừa kinh qua một bê bối liên quan hoạt động kế toán và những rắc rối trong lĩnh vực kinh doanh điện hạt nhân của họ.

Đây không phải lần đầu tiên tập đoàn Mitsubishi phải đối mặt với một scandal. Năm ngoái, công ty chi nhánh Mitsubishi Motors của họ đã thừa nhận có hành vi gian dối trong các thử nghiệm về hiệu quả sử dụng năng lượng trên xe hơi.(Tuoitre)
-------------------------

Đầu tư cho an toàn thông tin chưa đến 5% vốn phát triển công nghệ thông tin

Số liệu trên được nêu tại hội thảo 'Ngày an toàn thông tin (ATTT) VN 2017' diễn ra tại TP.HCM ngày 23.11, do Chi hội ATTT phía nam (VNISA) tổ chức.

Kết quả khảo sát của VNISA về tình trạng ATTT trong năm 2017 cho thấy các doanh nghiệp (DN) đã tổ chức triển khai hoạt động đảm bảo ATTT bài bản hơn, như có 68,9% DN có cán bộ chuyên trách; 75,7% DN có chính sách ATTT được triển khai và được cập nhật thường xuyên...

Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho ATTT của hầu hết các DN chỉ chiếm dưới 5% trên tổng số đầu tư cho công nghệ thông tin nói chung. Chỉ có 28,4% DN được khảo sát cho biết có mức đầu tư cao hơn, từ 10 - 15%.

Theo VNISA, việc bùng phát các mã độc tống tiền (năm 2015 có khoảng 3,8 triệu mã độc tấn công, 2016 là 638 triệu tấn công, tăng gấp 167 lần) đang khiến các DN trong ngoài nước lo sợ, nhất là sau đợt tấn công của mã độc WannaCry vào giữa tháng 5 khiến 240 đơn vị tại VN bị nhiễm vi rút này.(Thanhnien)
---------------------------

Truy tố Trầm Bê và Phạm Công Danh

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố ông Trầm Bê, Phạm Công Danh và 44 bị can trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguồn tin của Tuổi Trẻ từ Viện KSND tối cao cho biết các cáo trạng vừa được tống đạt cho các bị can và hồ sơ vụ án đang được chuyển cho Viện KSND TP.HCM, đơn vị thừa ủy quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án tại TAND TP.HCM.

Truy tố 46 bị can

Theo nguồn tin trên, cáo trạng truy tố Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB; nguyên chủ tịch HĐTV kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) và các đồng phạm vì đã gây hậu quả nghiêm trọng tại 4 ngân hàng.

Theo đó, bị can Phạm Công Danh và các đồng phạm bị truy tố về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) và VNCB.

Theo hồ sơ vụ án, tháng 9-2012, sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank - tháng 5-2013 được đổi tên thành VNCB), ông Danh đã lợi dụng nắm quyền chi phối, lúc này với vị trí là chủ tịch HĐQT VNCB đã tuyển chọn và đưa người của mình vào tiếp quản và điều hành mọi hoạt động của ngân hàng.

Ông Danh đã chỉ đạo HĐQT, ban điều hành và ban kiểm soát của VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện lập các hồ sơ khống vay vốn để rút tiền sử dụng trong khi VNCB đang bị NHNN đưa vào diện kiểm soát, mọi giao dịch trị giá 5 tỉ đồng trở lên đều phải có ý kiến của tổ giám sát NHNN.

Thiệt hại 6.000 tỉ đồng

Theo cáo trạng, ông Danh và Trầm Bê (phó chủ tịch HĐQT kiêm chủ tịch hội đồng tín dụng Sacombank) có mối quan hệ quen biết và cả Danh và Trầm Bê đều biết rõ Danh không được phép vay tiền từ ngân hàng VNCB.

Do đó, Danh đã được Trầm Bê và Phan Huy Khang (tổng giám đốc của Sacombank) giúp sức trong việc rút tiền của VNCB thông qua việc gửi tiền của VNCB vào Sacombank làm tài sản bảo lãnh, nhằm mục đích trả nợ thay cho 6 công ty do ông Danh thành lập và điều hành đứng tên trên hồ sơ vay vốn Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng.

Cụ thể, tháng 4-2013, ông Danh và các cộng sự của mình (lãnh đạo ngân hàng và chi nhánh của VNCB) đến chi nhánh Sacombank ở Q.3 liên hệ vay tiền. Ông Danh gặp ông Trầm Bê đề nghị ông Bê cho ông Danh vay tiền. Ông Bê đồng ý cho ông Danh vay 1.800 tỉ đồng, tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.

Sau đó, ông Bê dẫn ông Danh gặp lãnh đạo ban tổng giám đốc Sacombank, triển khai làm thủ tục cho ông Danh vay tiền. Từ đó, giám đốc Sacombank chi nhánh Q.8 và chi nhánh Trần Hưng Đạo tiếp nhận hồ sơ của 6 công ty sân sau của ông Danh vay số tiền trên.

Đến khi 6 công ty của Danh không trả được tiền, Sacombank đã cấn trừ các khoản tiền gửi của VNCB tại ngân hàng này. Như vậy, dù Sacombank không bị thiệt hại trong việc cho vay nhưng sự giúp sức của Trầm Bê và Phan Huy Khang đã giúp Phạm Công Danh rút tiền của VNCB gây thiệt hại cho VNCB.

Tại ngân hàng TPBank, Phạm Công Danh và đồng phạm còn sai phạm trong việc dùng tiền gửi của VNCB tại TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty đứng tên trên hồ sơ vay vốn TPBank để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh, Công ty TNHH MTV Trung Dung (gọi tắt là Công ty Trung Dung) do ông Danh thành lập, điều hành, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.700 tỉ đồng.

Đối với hành vi cố ý làm trái của ông Danh xảy ra tại BIDV, ông Danh cũng đã dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV bảo lãnh và trả nợ thay cho 12 công ty do ông thành lập và điều hành đứng tên trên hồ sơ vay vốn, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.500 tỉ đồng.

Để lập các công ty đứng tên trên hồ sơ vay vốn, ông Danh nhờ nhân viên hành chính, nhân viên bảo vệ, nhân viên rửa xe, bảo dưỡng xe của Tập đoàn Thiên Thanh hoặc người nhà đứng tên làm giám đốc công ty.(Tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục