Bất động sản chờ nguồn cung từ chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp; Mỗi năm có trên 1 tỉ USD kiều hối đổ vào bất động sản TP HCM; Ngạc nhiên khi ôtô Indonesia chiếm gần 50% lượng xe nhập về VN
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 10-08-2018
- Cập nhật : 10/08/2018
Đã có hơn 800 dự án thủy điện được phê duyệt tại Việt Nam
Hiện, có 385 dự án thủy điện được đưa vào khai thác sử dụng, đang xây dựng 143 dự án và đang nghiên cứu đầu tư 290 dự án...
Trong số 385 công trình thủy điện đang vận hành, có 40 công trình không có hồ chứa hoặc sử dụng chung nước của hồ thủy lợi để phát điện.
Bộ Công Thương vừa có báo cáo về công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và vận hành các công trình thủy điện.
Theo đó, theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đến năm 2018 cả nước có 818 dự án thủy điện, với tổng công suất lắp đặt 23.182MW.
Trong đó, đã đưa vào khai thác sử dụng 385 dự án thủy điện với tổng công suất lắp đặt 18.564MW, đang xây dựng 143 dự án thủy điện với tổng công suất lắp đặt 1.848MW và đang nghiên cứu đầu tư 290 dự ánvới tổng công suất lắp đặt 2.770MW.
Bộ Công Thương cho rằng, xét chung trong hệ thống điện quốc gia năm 2017, các dự án thủy điện đang vận hành chiếm tỷ trọng khoảng 40% về công suất lắp đặt và khoảng 42,87% về điện năng.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phát triển nguồn thủy điện là mục tiêu được ưu tiên, theo đó, công suất lắp đặt các nhà máy thủy điện đến năm 2030 đạt khoảng 25.400MW.
Đánh giá cụ thể hơn về công tác quy hoạch, Bộ Công Thương cho biết, với các dự án có công suất lắp máy trên 30MW hầu hết nằm trên các lưu vực sông chính, lớn đã được Thủ tướng hoặc Bộ Công Thương phê duyệt đã được xây dựng và đi vào vận hành phát điện.
Riêng với các dự án thủy điện có công suất bằng hoặc nhỏ hơn 30MW chủ yếu nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn nên tài liệu cơ bản để lập quy hoạch còn hạn chế, điều kiện khảo sát thực địa không thuận lợi...
Trong khi cơ quan xây dựng quy hoạch (Sở Công Thương) các tỉnh có dự án còn thiếu hoặc chưa có cán bộ chuyên môn; sự phối hợp giữa các Sở, ngành của địa phương trong quá trình lập, xem xét quy hoạch cũng chưa thực sự chặt chẽ, vì vậy, chất lượng quy hoạch thủy điện nhỏ bộc lộ khá nhiều hạn chế. Không ít dự án phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình nghiên cứu đầu tư; mặt khác, do tình hình phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết như giao thông, lưới điện... tại các khu vực này còn chậm nên một số dự án nhỏ chưa đảm bảo khả thi.
"Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh rà soát lại quy hoạch thủy điện và loại khỏi quy hoạch 463 dự án thủy điện chưa có nhà đầu tư quan tâm, hoặc không đáp ứng được các tiêu chí về kinh tế, xã hội, môi trường", Bộ Công Thương cho biết.
Một vấn đề khác đang được người dân quan tâm, đặc biệt là sau sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào là công tác vận hành hồ chứa và quản lý an toàn.
Theo Bộ Công Thương, cả nước hiện có 385 công trình thủy điện đang vận hành, trong đó có 40 công trình không có hồ chứa hoặc sử dụng chung nước của hồ thủy lợi để phát điện, công tác vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập tại 345 công trình thủy điện còn lại thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương và UBND các tỉnh.
Theo đó, hiện có 338/345 hồ chứa đã có quy trình vận hành được thẩm định, phê duyệt, trong đó có 5 hồ chứa thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng, 221 hồ chứa thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương và 119 hồ thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh.
Về quản lý an toàn đập, đơn vị này cho biết, hiện đa số chủ đập thủy điện đã thực hiện tốt các quy định về quản lý an toàn đập. Có 345/345 đập được đăng lý an toàn đập, 345/345 đập được báo cáo hiện trạng an toàn đập, 310/345 đập được bảo trì, kiểm tra, sửa chữa đập, 245/345 đập đã đến kỳ kiểm định, trong đó có 203 đập đã được kiểm định xong và được Tư vấn kiểm định đánh giá đập vận hành an toàn, ổn định; 42 đập đang được chủ đập thực hiện công tác kiểm định.
Bộ Công Thương cũng cho biết, đối với công tác kiểm định đập, năm 2018 có 315/345 đập có phương án được phê duyệt, 30 đập đang được chủ đập xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Có 302/345 đập có phương án được phê duyệt về phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập, 307/345 đập có phương án được duyệt về bảo vệ đập.
"Riêng đối với 5 hồ thủy điện lớn trên bậc thang sông Đà (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Huội Quảng, Bản Chát) hàng năm được Hội đồng an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang sông Đà được thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì kiểm tra, đánh giá về an toàn đập. Năm 2018, tại Thông báo số 2190/BKHCN-CNN ngày 17 tháng 7 năm 2018, Hội đồng an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang sông Đà đánh giá các đập của hồ chứa trên làm việc an toàn, ổn định", Bộ Công Thương nhấn mạnh.(Vneconomy)
----------------------
PVN phát hiện mỏ dầu khí mới
Ngày 9/8, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết vừa có phát hiện dầu khí mới tại giếng Mèo Trắng Đông-1X (do Liên doanh Việt Nga Vietsopetro tìm kiếm). Sau khi phát hiện mỏ dầu mới, các đơn vị sẽ tiến hành đánh giá trữ lượng và chuẩn bị phương án đưa vào khai thác.
Phát hiện dầu khí mới này sẽ góp phần gia tăng trữ lượng khai thác dầu khí trong những năm tới. Đồng thời, góp phần cải thiện sản lượng khai thác dầu khí trong bổi cảnh các mỏ dầu Việt Nam bước vào giai đoạn cuối với việc suy giảm sản lượng tự nhiên.
Trước đó, trong 7 tháng đầu năm 2018, tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt 14,48 triệu tấn, vượt 4,6% kế hoạch 7 tháng và bằng 63,4% kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng khai thác dầu đạt 8,32 triệu tấn.
Sản lượng dầu khai thác như trên đóng góp vào tổng doanh thu 7 tháng đầu năm 2018 của PVN với mức 332,2 nghìn tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch 7 tháng. Số tiền PVN nộp ngân sách đạt 61,8 nghìn tỷ đồng, bằng 83% kế hoạch năm. Tổng lợi nhuận sau thuế 7 tháng đạt 17,8 nghìn tỷ đồng, bằng 94% kế hoạch năm.
Để hoạt động hiệu quả hơn, bên cạnh việc sản xuất kinh doanh, công tác tái cấu trúc bộ máy Công ty Mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được triển khai khẩn trương. Mô hình quản trị của Công ty Mẹ - Tập đoàn đã được tinh gọn, giảm bớt trung gian. Tập đoàn đã hoàn thành bán cổ phần lần đầu 3 đơn vị và đã tổ chức thành công đại hội cổ đông lần đầu là PVOil, PVPower và BSR và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty cổ phần.
Theo bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam năm 2017 do Tổng cục Thuế công bố, nhiều doanh nghiệp dầu khí tiếp tục được ghi nhận nằm trong nhóm những doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất của nền kinh tế. Đó là Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS) đứng thứ 3; Công ty Mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đứng thứ 18; Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP) đứng thứ 27; Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đứng thứ 33…(Tienphong)
---------------------------
NSNN 7 tháng: Thu tiếp tục vượt chi, vay nước ngoài thêm hơn 650 triệu USD
Lũy kế 7 tháng, Bộ Tài chính đã ký kết 11 Hiệp định vay với tổng trị giá 844,2 triệu USD. Trong đó, 7 Hiệp định vay với giá trị 651 triệu USD được ký kết trong riêng tháng 7.
Riêng tháng 7, thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) ước đạt 116.200 tỷ đồng, trong khi tổng chi NSNN ước đạt 110.500 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng đầu năm, NSNN tiếp tục thặng dư khoảng 15.300 tỷ đồng. Trong đó, thu NSNN 7 tháng ước đạt 775.000 tỷ đồng, tăng 13,4% so cùng kỳ và hoàn tất 58,7% dự toán. Chi NSNN lũy kế đạt 759.700 tỷ đồng, tăng 9,8% so cùng kỳ, tương đương gần nửa dự toán cả năm.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu nội địa ước đạt 93.500 tỷ đồng trong tháng 7, tăng khoảng 14.000 tỷ đồng so với tháng trước. Lũy kế thu 7 tháng ước đạt 621.570 tỷ đồng, bằng 56,5% dự toán, tăng 14,3% so cùng kỳ. Tới 57/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ năm 2017.
Tính đến tháng 7/2018, cơ quan Thuế cả nước kiến nghị xử lý thu vào NSNN gần 5.800 tỷ đồng sau hơn 30.200 cuộc thanh, kiểm tra thuế. Trong đó, số đã nộp vào NSNN là 2.600 tỷ đồng. Ngoài ra, chống chuyển giá, giảm lỗ trên 9 nghìn tỷ đồng; thu hồi được gần 18.000 tỷ đồng nợ thuế; 1.480 tỷ đồng thu được sau 4.400 cuộc kiểm tra sau thông quan; tăng thu 85 tỷ đồng từ bắt giữ, xử lý 6.270 vụ buôn lậu, gian lận thương mại.
Thu từ dầu thô sau 7 tháng ước đã hoàn thành 98,5% dự toán, tương đương xấp xỉ 35.400 tỷ đồng, tăng 34,3% so cùng kỳ nhờ giá dầu thô thanh toán bình quân tăng 44% so giá dự toán. Trong khi đó, sản lượng 7 tháng ước đạt 7,1 triệu tấn, giảm 10% cùng kỳ.
Hoạt động xuất nhập khẩu thu về NSNN khoảng 25.500 tỷ đồng, tăng khoảng 500 tỷ đồng so tháng trước. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng vẫn duy trì đà tăng trưởng khả quan với tổng giá trị tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017. Sau khi thực hiện hoàn thuế GTGT, thu cân đối NSNN 7 tháng đạt xấp xỉ 116.000 tỷ đồng, tăng 3,6% so cùng kỳ năm 2017.
Chi thường xuyên tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi của NSNN. So với cùng, chi thường xuyên 7 tháng đầu năm tăng 5,1% cùng kỳ, đạt 534.000 tỷ đồng. Chi đầu tư phát triển đạt 150.450 tỷ đồng, tăng 26% nhưng cũng mới chỉ bằng 37,6% dự toán. Chi trả riêng nợ lãi đạt 68.800 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Ước tính giá trị chi trả nợ của Chính phủ trong tháng 7/2018 là 12.900 tỷ đồng. Tổng cộng, ngân sách đã chi 117.096 tỷ đồng trong 7 tháng để trả nợ, gồm 89.673 tỷ đồng nợ trong nước và 27.423 tỷ đồng nợ nước ngoài.
Theo Bộ Tài chính, huy động vốn trong và ngoài nước trong 7 tháng đầu năm đạt lần lượt 105.001 tỷ đồng và 29.000 tỷ đồng. Trái phiếu Chính phủ phát hành thành công trong riêng tháng 7 là 15.420 tỷ đồng, giúp nâng giá trị trái phiếu phát hành lên hoàn thành 38,05% kế hoạch.
Đối với hoạt động huy động vốn nước ngoài của Chính phủ, chỉ riêng tháng 7, Bộ Tài chính đã huy động 651 triệu USD từ 7 Hiệp định vay. Lũy kế 7 tháng, 11 Hiệp định vay với tổng trị giá 844,2 triệu USD. Trong khi, giải ngân vốn nước ngoài 7 tháng đầu năm đạt khoảng 1,31 tỷ USD tương đương khoảng 29.000 tỷ đồng.(NDH)