tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 25-11-2017

  • Cập nhật : 25/11/2017

Khởi tố thêm hàng loạt bị can trong vụ án xảy ra tại DongABank

Ngày 23/11/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, đối với 7 đối tượng có liên quan đến các sai phạm xảy ra tại DongABank.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, cơ quan này đang khẩn trương điều tra mở rộng vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (gọi tắt DAB).

Cụ thể, căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án, ngày 23/11/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, đối với 7 đối tượng có liên quan đến các sai phạm xảy ra tại DAB, gồm:

    1. Nguyễn Đỗ Thành Trung (nguyên Phụ quỹ DAB Sở giao dịch).

    2. Trang Tài Tâm (nguyên cán bộ tín dụng DAB Sở giao dịch, nay là Phó Trưởng Phòng Phát triển kinh doanh – công nghệ, DAB Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh).

    3. Vũ Thị Thanh Hoa (nguyên Phó Trưởng Phòng Tín dụng DAB Sở giao dịch, nay là cán bộ Phòng Kinh doanh DAB, Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh).

    4. Nguyễn Chí Công (Nguyên Phó Trưởng Phòng Tín dụng DAB Sở giao dịch, nay là Phó Giám đốc Phòng Thẩm định Khối tín dụng DAB Hội sở).

    5. Quách Thanh Sang (Nguyên Phụ quỹ DAB Sở giao dịch, nay là Thủ quỹ Phòng giao dịch Bình Tây thuộc DAB Chi nhánh Quận 5, TP. Hồ Chí Minh).

    6. Trương Hoàng Khải (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm Thương mại Sao Việt Nam).

    7. Trương Quốc Tân (Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Hội Tụ).

Đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam đối với Nguyễn Hồng Ánh, cùng về tội danh “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 165, Bộ luật Hình sự.

Ngày 23/11/2017, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các Quyết định và Lệnh tố tụng nói trên và Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triển khai thi hành, đảm bảo an toàn, đúng quy định pháp luật.

Vụ án xảy ra tại DAB thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Đến nay, vụ án đã khởi tố tổng cộng 17 bị can, thu hồi số tài sản có trị giá trên 2.000 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục khẩn trương điều tra mở rộng vụ án và thu hồi tài sản của các bị can do phạm tội mà có.(Bizlive)
----------------------------

Ngành thuế 'nghiên cứu' người có tên trong Hồ sơ Paradise

Tổng Cục thuế cho biết cơ quan thuế sẽ nghiên cứu, rà soát các thông tin về các tổ chức và cá nhân từ Việt Nam có tên trong Hồ sơ Paradise.

 

isle of man, mot trong nhung noi an thue ua thich cua cac dai gia quoc te

Isle of Man, một trong những nơi ẩn thuế ưa thích của các đại gia quốc tế

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí, cho biết sau cơ quan này sẽ đối chiếu các dữ liệu của ngành thuế xem các cá nhân và tổ chức tại Việt Nam mà hồ sơ này nêu tên có thuộc đối tượng kê khai và nộp thuế hay không.

Ông Trí cho rằng vụ việc này là rất phức tạp, liên quan đến nhiều bộ ngành như Công an, Ngân hàng… Do đó, sau khi nghiên cứu, Tổng cục thuế sẽ chuyển thông tin cho các cơ quan chức năng để cùng phối hợp xem xét, đánh giá.

Cũng theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đến nay vẫn chưa có thông tin gì về việc các cá nhân và tổ chức tại Việt Nam có tên trong "Tài liệu Panama" được rò rỉ trước đó.
Cụ thể, từ đầu tháng 5-2016, ngay sau khi có thông tin Hồ sơ Panama được công khai, Tổng cục Thuế đã thành lập tổ công tác liên quan đến tài liệu này, để tìm hiểu thông tin.
Tổng cục Thuế cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an... để cùng cơ quan chức năng các quốc gia đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam để xác minh và kiểm tra thông tin.

Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, có 13 pháp nhân, 25 cá nhân liên quan đến Việt Nam trong Hồ sơ Paradise Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ).

Khá nhiều cái tên quen thuộc trong giới đầu tư Việt Nam như VinaCapital, Dragon Capital...

Hai cá nhân của Tập đoàn VinaCapital là ông Don Lam, Tổng giám đốc, và ông Taylor - Brook Colin cùng nằm trong danh sách của ICIJ.

Trong khi đó người đứng đầu Dragon Capital là ông Dominic Scriven có tên trong danh sách này bên cạnh hai cá nhân khác là ông Shrimpton - John và Lockwood - Mark. 

Hai cá nhân khác làm việc tại quỹ Indochina Capital là Pham - Brian Quan và ông Ryder - Peter Raymond. 

Ông Nguyen - Louis T là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc Công Ty Quản lý Quỹ Đầu tư Saigon Asset Management…

Hồ sơ Paradise với 13,4 triệu tài liệu đã phơi bày những khu vực trên thế giới đang "dung túng" những người trốn thuế, và cả những chiêu trò tinh vi, phức tạp của các tập đoàn đa quốc gia giàu có nhất để có thể lách luật, bảo vệ tài sản của họ.

Toàn bộ những hồ sơ thuế bị rò rỉ được tập hợp trong Hồ sơ Paradise là thành quả điều tra của báo Đức Süddeutsche Zeitung cùng Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế, hợp tác với các báo Guardian, BBC và New York Times. Các dữ liệu khổng lồ này đã được hơn 380 nhà báo cày xới trong suốt một năm qua. (Tuoitre)
-----------------------------

Mì ăn liền Việt 'nhường sân' cho mì ngoại cao cấp

Theo số liệu do Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (World Instant Noodles Association - WINA) công bố gần đây, VN xếp thứ 4 thế giới về mức tiêu thụ mì gói, sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản.

Nếu tính từ năm 2010 đến nay, người Việt tiêu thụ trung bình mỗi năm xấp xỉ 5 tỉ gói mì (52 gói/người/năm).

Một câu hỏi đặt ra là tại sao một quốc gia như VN, trong bữa ăn chính có thói quen dùng cơm hơn là mì các loại như các nước Hàn và Nhật, lại có lượng tiêu thụ mì “khủng” như vậy? Một lãnh đạo tập đoàn sản xuất thực phẩm ăn liền nhìn nhận, chính nỗ lực tạo nhiều loại mì có vị lạ, giá rẻ của các nhà sản xuất đã lôi kéo người Việt chưa “quay lưng” với món mì ăn liền.

Trên thị trường, nếu sản xuất trong nước, mì ăn liền chủ yếu tập trung hàng trăm nhãn hàng thuộc 3 thương hiệu: Acecook Việt Nam (Nhật Bản), Masan Consumer và Asia Foods. Cả 3 nhà sản xuất này đều có các dòng sản phẩm từ thấp đến cao cấp. Thế nhưng, thực tế cho thấy thị trường mì gói VN đang phân định phân khúc rất rõ ràng và cách biệt giữa mì ngoại nhập và mì trong nước.

Dạo qua một số siêu thị bán lẻ cho thấy, nhiều nhãn hàng mì gói Việt chỉ từ 3.500 - 3.900 đồng/gói, dòng khá hơn một chút giá tầm 6.500 - 7.100 đồng/gói, được mua với số lượng lớn, theo thùng 24 gói. Sản phẩm hạng trung cũng từ trong nước và nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan. Thị trường mì gói mấy năm gần đây xuất hiện rất nhiều sản phẩm mì ăn liền được nhập từ Thái với giá 5.500 - 7.500 đồng/gói bán lẻ tại siêu thị. Phân khúc cao cấp, giá từ 23.700 - 35.000 đồng/gói, chủ yếu nhập từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Xu hướng chọn mì giá cao, hàng nhập tốt đang tăng nhưng các doanh nghiệp nội khó chen chân được vào phân khúc này vì tâm lý một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng sẵn sàng mua hàng ngoại giá cao nhưng vẫn ngần ngại, thậm chí nhất quyết không mua hàng nội giá mắc, nhất là với những sản phẩm như mì gói.(Thanhnien)
----------------------------

Quân đội sẽ cổ phần hoá, thoái vốn hàng loạt doanh nghiệp

Các tướng lĩnh cho hay, quân đội sẽ không làm kinh tế đơn thuần mà phát triển kinh tế quốc phòng gắn với khoa học, công nghệ.

Sáng 24/11, thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi), thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng - Phó chính uỷ Quân khu 7, nêu ý kiến ủng hộ việcquy định quân đội kết hợp làm kinh tế, văn hoá xã hội.

"Thời gian tới theo đề án được Chính phủ phê duyệt, quân đội sẽ tái cơ cấu các doanh nghiệp", ông Hoàng nói.

thieu tuong nguyen minh hoang cho rang, quan doi lam kinh te la ganh vac nhiem vu chinh tri xa hoi. anh: qh

Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, quân đội làm kinh tế là gánh vác nhiệm vụ chính trị xã hội. Ảnh: QH

Phát biểu sau đó, Đại tướng - Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định, việc quân đội tham gia làm kinh tế luôn là chức năng quan trọng nên cần quy định trong dự Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Theo Đại tướng, hơn 70 năm qua, quân đội đã tham gia xây dựng kinh tế ở nhiều vùng, miền mà các doanh nghiệp dân sự hầu như không đầu tư, vì lợi nhuận thấp.

Nhắc tới tên những doanh nghiệp quân đội như Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng công ty trực thăng Việt Nam…, ông Lịch nhấn mạnh các đơn vị đó không ngừng đổi mới, hội nhập, xây dựng thương hiệu đi đầu, tạo sản phẩm có giá trị cao, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước.

Thực hiện đề án cơ cấu lại doanh nghiệp quân đội, tới đây, Bộ Quốc phòng sẽ chỉ giữ lại 100% vốn Nhà nước tại 17 trong 88 doanh nghiệp hiện có.

“Số doanh nghiệp quân đội còn lại sẽ thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn, sáp nhập…”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định.

"Quân đội không làm kinh tế đơn thuần"

Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh - Viện trưởng kiểm sát quân sự Trung ương, cũng cho rằng, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, quân đội làm kinh tế sẽ góp phần vào mục tiêu gia tăng sức mạnh quân đội.

Theo ông,việctái cơ cấu doanh nghiệp quân đội sẽ được thực hiện theo hướng quân đội không làm kinh tế đơn thuần, mà làm kinh tế quốc phòng,kinh tế khoa học công nghệ để phục vụ phát triển tiềm lực quốc phòng và đất nước.

Góp ý kiến vào nội dung trên, Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc Giàng A Chu nói, ngoài những quy định mang tính nguyên tắc,chính sách quân đội làm kinh tế còn phải căn cứ vào thực tiễn, không phải lĩnh vực nào quân đội cũng làm.

"Tôi ví dụ lĩnh vực may mặc, bệnh viện... có cần thiết phải quân đội hay không, cần cân nhắc và xem lại", ông Giàng A Chu nêu.

Đại biểu Phùng Đức Tiến - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, nhận xét so với Luật Quốc phòng năm 2005 thì những quy định tại dự Luật lần này chưa có điểm gì mới, chưa thấy rõ vai trò của Nhà nước.

"Cần khẳng định Nhà nước là chủ thể chịu trách nhiệm chung trong kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hoá - xã hội. Còn Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành, địa phương khác là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện, triển khai. Quy định như vậy mới rõ ràng, đảm bảo hiểu đúng việc quốc phòng kết hợp với kinh tế, văn hoá", ông Tiến góp ý.

Quốc hội tiếp tục xem xét dự án Luật này tại kỳ họp khai mạc vào tháng 5/2018.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục