Khủng hoảng truyền thông của Uber vẫn chưa dừng lại; Gỗ Trường Thành khởi sắc sau khi 'thay máu' dàn lãnh đạo; Cảnh cáo, cho thôi chức ủy viên Bộ Chính trị đối với ông Đinh La Thăng; Sổ tiết kiệm Agribank bị làm giả hàng chục tỉ
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 02-09-2017
- Cập nhật : 02/09/2017
Apple tham gia thâu tóm bộ phận sản xuất chip của Toshiba
Apple đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn linh kiện từ đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Samsung.Nguồn ảnh: businesswire.com
Theo các nguồn tin của Reuters, một liên minh dẫn đầu bởi quỹ Bain Capital (Mỹ) vừa đưa ra một lời mời chào mới để mua lại bộ phận sản xuất chip nhớ của Toshiba (Nhật Bản) với giá 18 tỷ USD. Một điểm mấu chốt của lời mời chào mới này là sự xuất hiện của Apple.
Trong lời mời chào mới này, khoản tiền 18 tỷ USD (hơn 2.000 tỷ yen) sẽ được phân chia như sau: Bain và hãng SK Hynix (Hàn Quốc) sẽ đóng góp hơn phân nửa (1.100 tỷ yen), Apple góp khoảng 20% (400 tỷ yen), và một nhóm ngân hàng Nhật Bản góp phần còn lại (600 tỷ yen). Ngoài ra, phía Bain cũng kêu gọi Toshiba góp thêm 200 tỷ yen.
Trong thời gian qua, Toshiba đã cố tìm cách bán đi bộ phận chip nhớ của hãng là Toshiba Memory (hiện đứng thứ 2 toàn cầu trong thị trường chip nhớ NAND), nhằm bù đắp thiệt hại từ công ty con Westinghouse (Mỹ) chuyên về công nghệ hạt nhân.
Bằng cách tham gia thâu tóm Toshiba Memory, Apple có thể xây dựng nên một chuỗi cung ứng mạnh và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn linh kiện từ đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Samsung. Apple hiện đang mua chip nhớ từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, và Samsung cũng nằm trong số này do đang chiếm tới 60% thị trường chip nhớ DRAM cho di động.
Nhà phân tích Frank Gillett của hãng nghiên cứu Forrester nhận xét: "Apple quá lớn nên họ phải tìm mua linh kiện từ nhiều nguồn". Cũng theo Gillett, Apple cần phải giữ cho thị trường chip nhớ có nhiều nhà cung cấp khác nhau để bảo đảm tính cạnh tranh và giá thấp.
Trước đó vào tháng 7, đã có tin từ Hàn Quốc rằng Samsung sẽ lại một lần nữa tham gia sản xuất chip xử lý cho iPhone, sau khi đã mạnh tay đầu tư vào các thiết bị sản xuất dành riêng cho dòng chip này. Ngoài ra, Samsung cũng đang sản xuất hàng chục triệu màn hình OLED cho iPhone, trong lúc Apple đang muốn chuyển tất cả iPhone mới sang sử dụng màn hình OLED.(NCĐT)
-----------------------------
Bộ trưởng yêu cầu đẩy tiến độ nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất
Tại buổi làm việc với Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) ngày 1-9, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa yêu cầu ACV đẩy nhanh tiến độ thực dự án cải tạo nâng cấp sân đỗ ở khu vực 21ha mà Bộ Quốc phòng đã bàn giao.
Ngày 1-9, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trương Quang Nghĩa yêu cầu Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo nâng cấp sân đỗ ở khu vực 21ha mà Bộ Quốc phòng đã bàn giao.
Theo ông Nghĩa, ACV cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo nâng cấp sân đỗ ở khu vực 21ha để sớm tăng thêm các vị trí đỗ tàu bay, đặc biệt là đỗ qua đêm, đồng thời đẩy nhanh việc làm đường lăn song song ở khu phía Nam.
Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc ACV, cho biết sân bay Tân Sơn Nhất hiện tại có 53 vị trí đỗ và đơn vị này đã tiến hành sơn kẻ tại khu vực 21ha để đưa vào sử dụng 13 vị trí đỗ qua đêm trong tháng 9.
Theo ông Hùng, đến quý I-2019 ACV sẽ hoàn thành toàn bộ khu vực 21ha, lúc đó sẽ tăng thêm 29 vị trí đỗ.
Cùng với nâng cấp thêm 8 vị trí đỗ ở khu phía Bắc, như vậy Tân Sơn Nhất sẽ có tổng cộng 90 vị trí đỗ, cơ bản đáp ứng nhu cầu đỗ tàu bay qua đêm của các hãng.
Đại diện cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dự báo sản lượng năm 2017 sẽ trên 36,5 triệu lượt khách, vượt rất lớn so với công suất thiết kế.
Dù đã có nhiều giải pháp giảm quá tải nhưng với tốc độ tăng trưởng hiện nay thì sân bay sẽ tiếp tục quá tải sẽ diễn ra trầm trọng hơn.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nghĩa cũng yêu cầu ACV tiếp tục hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư, chậm nhất đầu năm 2019 phải hoàn thiện hồ sơ gửi các bộ ngành lấy ý kiến trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm.(Tuoitre)
-------------------
Mỹ bỏ tù kỹ sư âm mưu tuồn công nghệ hạt nhân cho Trung Quốc
AFP ngày 1.9 đưa tin tòa án Mỹ đã tuyên án 2 năm tù giam đối với kỹ sư gốc Trung Quốc do âm mưu đánh cắp công nghệ hạt nhân.
Theo thông báo từ Bộ Tư pháp Mỹ, Hà Tắc Hùng, (66 tuổi, còn có tên Allen Ho) đã nhận tội vào tháng 1 và phiên tòa ngày 31.8 còn tuyên bị cáo 1 năm thử thách cùng số tiền phạt 20.000 USD (454 triệu đồng).
“Allen Ho bị giam do lôi kéo các chuyên gia hạt nhân ở Mỹ hỗ trợ phát triển và sản xuất vật liệu hạt nhân đặc biệt cho một công ty năng lượng hạt nhân nhà nước ở Trung Quốc,” theo thông cáo của Cục An ninh quốc gia thuộc Bộ Tư pháp.
Bản án do thẩm phán liên bang công bố tại Tòa án cấp quận ở bang Tennessee.
Theo cáo trạng, Allen Ho điều hành công ty năng lượng ETI tại bang Delaware (Mỹ) bị cáo buộc "tiếp cận và lôi kéo các chuyên gia hạt nhân tại Mỹ" cho chương trình phát triển hạt nhân của Trung Quốc.
Làm cho ETI nhưng Ho đồng thời làm cố vấn cấp cao cho Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc (CGN). Các quan chức Mỹ cho rằng Ho và CGN hợp tác từ năm 1997 đến nay.
Theo ông Michael Steinbach, đại diện Cơ quan an ninh quốc gia của Cục điều tra liên bang (FBI), trường hợp của Ho đưa ra thông điệp cảnh báo quan trọng với cộng đồng hạt nhân Mỹ rằng "các tổ chức nước ngoài muốn có thông tin mà bạn đang sở hữu".
Phía Mỹ sẽ áp dụng các công cụ thực thi pháp luật để ngăn chặn những người định đánh cắp công nghệ và chuyên môn hạt nhân của Mỹ, ông cho biết. (Thanhnien)
------------------------
Bỗng dưng mất 12 triệu USD vì ‘rào cản mới’
Nhiều nhà kinh doanh Việt Nam vẫn thiếu thông tin, không hiểu biết về thị trường Trung Quốc.
Trong khi xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ, EU giảm sút thì thị trường Trung Quốc (TQ) lại tăng cao. Đơn cử TQ là thị trường tiêu thụ tôm sú lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 58% xuất khẩu tôm của nước ta sang thị trường này. TQ cũng đã vượt EU, trở thành thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ hai của Việt Nam.
Với tốc độ gia tăng như hiện nay, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang TQ sẽ vượt mốc 1 tỉ USD trong năm nay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN), chuyên gia vẫn lo ngại thị trường này có nhiều rủi ro với nhiều rào cản mới.
Mất 12 triệu USD/năm
Công ty thực phẩm AMANDA Việt Nam cho biết đang gặp khó khăn khi xuất khẩu mặt hàng cá hồi sang TQ. DN đã ký được hợp đồng xuất khẩu 100 tấn/tháng sản phẩm cá hồi với đối tác TQ. Nếu mọi việc suôn sẻ thì mỗi năm hợp đồng trên sẽ mang về cho DN hơn 12 triệu USD.
Thế nhưng khi DN chuẩn bị xuất lô hàng đầu tiên thì nhận được thông tin như “sét đánh ngang tai”: Mặt hàng cá hồi nằm trong danh mục sản phẩm không được nhập khẩu từ Việt Nam vào TQ.
“Ngay cả đối tác nhập khẩu của TQ cũng bất ngờ khi bỗng nhiên xuất hiện danh mục sản phẩm không được nhập khẩu từ VN. Đối tác TQ đã kiến nghị nước này xin quota nhập khẩu mặt hàng cá hồi nhưng vẫn không được chấp nhận. Bản thân chúng tôi cũng đã gửi kiến nghị lên Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương nhờ tháo gỡ vướng mắc” - ông Đặng Ngọc Sâm Thương, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty AMANDA Việt Nam, cho hay.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay đã nhận được kiến nghị của AMANDA Việt Nam, đồng thời đang dịch danh mục cấm nhập khẩu một số sản phẩm từ Việt Nam của TQ để các DN Việt Nam nắm thông tin. “Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị Bộ NN&PTNT làm việc với phía TQ, đề nghị gỡ bỏ danh mục cấm này” - ông Nam cho hay.
Tuy vậy, để tránh rơi vào tình huống bất lợi như trên, một số ý kiến cho rằng DN Việt cần tìm hiểu kỹ thông tin, quy định của nước nhập khẩu. Có như vậy mới không bị rủi ro. Bởi theo quy định hiện nay, muốn xuất khẩu sang TQ, các nhà sản xuất chế biến thủy sản Việt Nam phải nằm trong danh sách được TQ công nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều kiện thứ hai là các DN xuất khẩu thủy sản phải được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) cấp chứng nhận đạt chất lượng xuất khẩu sang thị trường này.
Người giàu Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận giá cao miễn sản phẩm đảm bảo chất lượng. Trong ảnh: Một khách hàng Trung Quốc đang tìm hiểu mặt hàng thủy sản Việt. Ảnh: QUANG HUY
Người tiêu dùng Trung Quốc đã thay đổi
Do mất mùa tôm, đặc biệt là thay đổi đột phá trong xu hướng tiêu dùng nên hiện nay TQ đang nhập khẩu mạnh mặt hàng thủy sản, đặc biệt là từ Việt Nam. Có điều dù là nước láng giềng nhưng nhiều ý kiến cho rằng DN Việt vẫn thiếu thông tin, không hiểu biết về thị trường này nên không khai thác hết tiềm năng, gia tăng được lợi nhuận và gặp không ít rủi ro.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại và Thủy sản Thuận Phước, dẫn chứng thời điểm hiện nay TQ đang mua tôm Việt Nam rất nhiều. Tuy vậy, các lô hàng thủy sản Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch. Trong khi thực tế cho thấy xuất tiểu ngạch gặp rất nhiều rủi ro, thiếu ổn định. Đặc biệt, việc xuất qua tiểu ngạch không được kiểm soát chặt chẽ về mặt chất lượng sẽ khiến nông dân dễ dãi, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng, làm ảnh hưởng chung đến ngành thủy sản.
“Do vậy, theo tôi, cần chuyển sang xuất khẩu thủy sản chính ngạch, quản lý chặt chất lượng, kháng sinh. Đồng thời, Việt Nam cần cấp chứng thư vệ sinh an toàn thực phẩm xuất khẩu sang thị trường TQ cũng như các thị trường khác. Làm được điều này sẽ nâng cao uy tín, giá trị hàng Việt, giảm thiểu rủi ro” - ông Lĩnh đề nghị.
“Mách nước” cho DN thủy sản Việt Nam, TS Yang Yong, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Công nghệ sinh học Nutriera Quảng Châu (TQ), cho hay thị trường nước này ngày càng quan tâm đến sản phẩm có thương hiệu, chất lượng, dinh dưỡng, an toàn.
“Người tiêu dùng TQ ngày càng bận rộn, họ cần sản phẩm tiện lợi, chế biến đa dạng. Những người TQ ăn thủy sản thường có thu nhập tốt nên họ sẵn sàng chấp nhận giá cao miễn đảm bảo chất lượng. Như cá, nếu được chế biến thành nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao như tẩm bột chiên, làm bánh cá chiên, lẩu… thì giá bán có thể tăng 20% hoặc cao hơn nhiều” - TS Yong chia sẻ.
Ông Nguyễn Phú Hòa, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, cũng cho rằng người tiêu dùng TQ mua hàng qua các trang thương mại điện tử tăng vọt. Vì vậy, DN Việt cần đẩy mạnh xuất khẩu qua mạng; làm việc trực tiếp với DN TQ bằng cách lập gian hàng trên trang thương mại điện tử Alibaba.(PLO)