Khối tài sản 'khủng' của chủ đầu tư tháp tài chính 108 tầng tại Hà Nội
Brexit đẩy xa ngày Séc dùng đồng euro
Nguồn lợi quảng cáo trên Instagram
Thế giới mất 3.000 tỷ USD vì Anh
Con tôm mang về cho Việt Nam 1 tỉ USD
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 08-07-2017
- Cập nhật : 08/07/2017
Thủ tướng chỉ thị xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách 2018
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 5/7/2017 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Năm 2017, Công ty Nhiệt điện Hải Phòng được giao sản lượng 7,545 tỷ kWh, dự kiến nộp ngân sách trên 400 tỷ đồng. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Chỉ thị nêu rõ, năm 2018, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,4-6,8%. Các địa phương căn cứ số liệu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2017 của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, đồng thời căn cứ vào điều kiện thực tế ở địa phương ước thực hiện cả năm và dự báo triển vọng phát triển để xác định chỉ tiêu GRDP năm 2018 cho phù hợp.
Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, phấn đấu tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước trên GDP năm 2018 khoảng 21%; loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách thì dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của các doanh nghiệp nhà nước, thu xổ số kiến thiết) tăng bình quân tối thiểu 12-14% so với đánh giá ước thực hiện năm 2017 và dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2017.
Về dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2018, phải thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, chủ động sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ chi ưu tiên theo mức độ quan trọng, cấp thiết và khả năng triển khai trong năm 2018. Chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách mới khi cân đối được nguồn; chủ động dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước phải phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 – 2020.
Việc bố trí vốn kế hoạch chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước phải thực hiện đúng quy định hiện hành trước khi xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2018.
Đối với các dự án dự kiến bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020 thấp hơn so với quyết định đầu tư phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh tổng mức đầu tư, xác định điểm dừng kỹ thuật hợp lý hoặc bổ sung nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án phù hợp với quy mô vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.
Ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu đã được phê duyệt nhằm hướng tới mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nông nghiệp, nông thôn, các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, các địa phương chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển; các dự án, công trình y tế, giáo dục, các dự án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm liên ngành, liên lĩnh vực để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP.
Chương trình, dự án bố trí kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2018 phải có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn, trừ dự án khẩn cấp theo quy định của Luật Đầu tư công.
Về chi thường xuyên, Chỉ thị yêu cầu xây dựng dự toán chi thường xuyên theo từng lĩnh vực, bảo đảm đủ nhiệm vụ, đúng chính sách, chế độ theo định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên được quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Rà soát cắt giảm những khoản chi không thực sự cần thiết; triệt để tiết kiệm, gắn với việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, giảm tần suất và thắt chặt các khoản chi lễ hội, khánh tiết,... theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; mở rộng thực hiện khoán xe ô tô công.
Phấn đấu bảo đảm 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo; 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ.
Chỉ thị cũng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tiếp tục lập dự toán tạo nguồn cải cách tiền lương bao gồm: Tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ); 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết); nguồn thực hiện cải cách tiền lương các năm trước còn dư; đồng thời yêu cầu các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có nguồn thu được giao tự chủ phấn đấu tăng thu cùng với lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ và sử dụng nguồn thu này ưu tiên để thực hiện cải cách tiền lương.(TTXVN)
------------------------
Thủ tướng: Đức hãy đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn nữa
Sau hai chuyến đi thu hoạch lớn về đầu tư, gồm Mỹ trên 10 tỉ USD và Nhật Bản với 22 tỉ USD, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Đức kêu gọi giới doanh nghiệp nước này đầu tư nhiều hơn nữa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn Đức hãy đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam tại buổi ăn sáng làm việc ở Berlin sáng 6-7 - Ảnh: Q. TRUNG
Trò chuyện với 30 doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu của Đức trong buổi ăn sáng làm việc tại Berlin sáng 6-7 giờ địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết cả kim ngạch thương mại lẫn đầu tư giữa hai nước hiện rất thấp so với tiềm năng.
“Kim ngạch song phương chỉ có trên 9 tỉ USD trong khi đầu tư chỉ có 2 tỉ USD. Tôi đi Nhật, họ đầu tư ngay một lúc 22 tỉ USD, Mỹ là 10 tỉ USD. Đức là nước công nghiệp hàng đầu châu Âu, hãy đầu tư hơn nữa vào Việt Nam,” Thủ tướng kêu gọi.
Các doanh nghiệp và tập đoàn hàng đầu của Đức, trong đó có Siemens, BMW, Deutsche Bank..., bày tỏ mong muốn hợp tác cùng với Việt Nam trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, năng lượng tái tạo...
Ông Credrik Neike, ủy viên hội đồng quản trị Tập đoàn Siemens, cho biết Siemens hiện đang hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn FPT của Việt Nam và hai bên đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ về thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ông Neike, sự kiện trên không chỉ có ý nghĩa cho việc chuyển giao công nghệ mà còn giúp đào tạo cho hơn 1 triệu người trẻ Việt Nam trở thành chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ.
Ngoài ra, theo ông Neike, Siemens còn hỗ trợ cung cấp năng lượng, y tế, năng lượng xanh, năng lượng sạch cho Việt Nam, đồng thời mong muốn hỗ trợ các dự án metro, xây dựng nhà máy tuôcbin khí.
“Tôi muốn chia sẻ rằng viễn cảnh phát triển ở Việt Nam rất thuyết phục. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam”, ông Credrik Neike quả quyết.
Trong khi đó, ông Karsten Verke, tổng giám đốc của Philips Lighting DACH, cho biết công ty ông đang có những dự án phát triển thành phố thông minh, giúp tiết kiệm 65% năng lượng tiêu thụ.
Ông Verke ngỏ ý rằng Philips Lighting DACH sẵn sàng mang các công nghệ cao đến Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các thiện ý của các doanh nghiệp Đức muốn đầu tư vào Việt Nam, đánh giá rằng các ý kiến đó đều “rất tốt và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam”.
Thủ tướng nhấn mạnh với các doanh nghiệp và nhà đầu tư Đức rằng "hãy đặt niềm tin vào Việt Nam và các bên sẽ cùng thắng".
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho biết Việt Nam đang cải cách và đổi mới mạnh mẽ, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, và mong muốn có sự kết hợp tốt hơn nữa giữa hai khối doanh nghiệp này.
Ngoài ra, theo Thủ tướng, Việt Nam thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đã tham gia ký kết 12 FTA.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn mở cửa thị trường cho nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài ở những lĩnh vực rất nhạy cảm như bảo hiểm, viễn thông, ngân hàng…
Quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước với sự tham gia của các đối tác chiến lược bên ngoài cũng đang được Nhà nước tiến hành.
“Các bạn hãy cùng làm ăn, cùng đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ Việt Nam và Nhà nước Việt Nam bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền sở hữu tài sản của các nhà đầu tư theo quy định của Hiến pháp Việt Nam và ngày càng làm tốt hơn công cuộc thực hiện dân chủ trong việc lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng cũng đánh giá cao ý kiến của Công ty Philips Lighting DACH với các dự án thiết kế thành phố thông minh tiết kiệm đến 65% năng lượng tiêu thụ.
“Ở Việt Nam, tăng trưởng 1% GDP thì cần tăng trưởng khoảng 2% điện. Do đó chi phí này rất lớn, cần phải giảm ngay. Ngoài ra, việc phát triển thành phố thông minh ở Việt Nam cũng sẽ giúp đẩy mạnh cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.(Tuoitre)
------------------------------------
Đức lo ngại Mỹ sẽ gây chiến tranh thương mại với châu Âu
Đức mới đây lên tiếng quan ngại rằng Mỹ và châu Âu có thể đang hướng tới một cuộc chiến tranh thương mại.
Theo CNBC, các nhà lập pháp Đức và quan chức thương mại hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) đang tỏ ra lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại có thể sẽ bùng nổ giữa Mỹ và châu Âu do chính sách bảo hộ kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bên cạnh đó, có tới hơn 64% các giám đốc tài chính toàn cầu trong một cuộc khảo sát của CNBC nói rằng họ “rất quan tâm” đến bầu không khí căng thẳng đang dâng lên giữa Berlin và Washington.
“Có nhiều lý do khiến chúng tôi nghĩ rằng Mỹ đang kích hoạt một cuộc chiến tranh thương mại với châu Âu. Điều này có thể làm đau chúng tôi, nhưng đồng thời cũng sẽ làm tổn thương người Mỹ”, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel, nói với đài phát thanh Đức Deutschlandfunk chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Trump đến Hamburg (Đức) tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước G20.
Được biết, hai nước Mỹ - Đức đã có những căng thẳng về thương mại kể từ khi ông Trump lên nhậm chức tổng thống. Cụ thể, trong lần gặp nhau hồi tháng 3.2017 mà giới truyền thông thế giới đã mô tả là “cuộc gặp đầy lúng túng”, ông Trump đã không ngại từ chối cái bắt tay với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Sau đó, vào tháng 5.2017, Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã chỉ trích trên trang Twitter cá nhân rằng Đức đối xử “rất tệ” với Mỹ dựa trên tình trạng thặng dư thương mại của quốc gia châu Âu, khi số liệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Đức cao hơn nhập khẩu đến 270 tỉ USD trong năm 2016. Ông Peter Navarro, cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống Trump đã cáo buộc Berlin lợi dụng đồng euro bị định giá quá thấp để thúc đẩy xuất khẩu.
Đáp lại, các quan chức của Đức, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble, đã bác bỏ những cáo buộc trên và tuyên bố rằng Berlin không có quyền thao túng đồng tiền chung. Đồng thời họ khẳng định, chính chất lượng sản phẩm của Đức mới là yếu tố hấp dẫn người tiêu dùng toàn cầu, trong đó có cả người tiêu dùng Mỹ.
Sự xung đột giữa hai nước ngày càng leo thang khi bà Merkel hôm 5.7 lên tiếng phê bình cách tiếp cận mang tính “thắng - thua” của ông Trump đối với thương mại toàn cầu. Trong một cuộc phỏng vấn với AP, Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh rằng “EU không còn có thể dựa vào Mỹ” và ra lời kêu gọi toàn bộ châu Âu nên tự nắm bắt lấy số phận của chính mình.(thanhnien)
-------------------------
Thủ tướng muốn thúc đẩy hợp tác cảng biển với thành phố Đức
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện mối quan tâm lớn đến hợp tác nhiều mặt với Hamburg, thành phố đăng cai hội nghị thượng đỉnh G20.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm nay cho biết Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong vận tải cảng biển với thành phố Hamburg, Đức khi trao đổi với ông Olaf Scholz, thủ hiến bang kiêm thị trưởng thành phố, thông cáo Bộ Ngoại giao cho biết.
Thủ tướng Việt Nam cũng đề nghị Hamburg tăng cường phối hợp với các thành phố cảng Việt Nam như Đà Nẵng, Hải Phòng, TP HCM về quản lý, quy hoạch và phát triển để các cảng Việt Nam đạt trình độ và quy mô quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khuyến khích các doanh nghiệp của Hamburg đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của mình như đóng tàu, hóa dầu, hàng không – vũ trụ, điện tử, cơ khí chính xác, hóa chất, thiết bị quang học.
Ông Scholz cho biết Hamburg là một cửa ngõ chủ chốt của luồng hàng hóa từ Việt Nam vào Đức và châu Âu, với lượng container đến và xuất phát từ Việt Nam tại cảng Hamburg đã tăng gần 50% trong vài năm gần đây.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Đức dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 theo lời mời của lãnh đạo nước này. Trong buổi tiếp Thủ tướng Việt Nam hôm qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Đức coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tin tưởng chuyến thăm sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược song phương.(Vnexpress)