The Economist: Việt Nam có “con đường khó khăn hơn phía trước”
Ngân hàng Nhà nước: Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm
Bổ sung nhóm sản phẩm cá phile đông lạnh xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á-Âu
Sản lượng dầu thô Iraq trong tháng 7 tăng lên 4,632 triệu thùng/ngày
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 07-08-2016
- Cập nhật : 07/08/2016
65 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư tại Việt Nam
Trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ trở thành đối tác đầu tư tại Việt Nam từ đầu năm đến nay, 3 đối tác dẫn đầu lần lượt là Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản. Đây đều là các quốc gia đến từ khu vực châu Á, có sự tương đồng về văn hóa, đồng thời có mối quan hệ hợp tác lâu đời với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Số liệu về tình hình đầu tư nước ngoài từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, 7 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam 1.408 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký đầu tư 8,695 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, có 660 lượt dự án đăng ký tăng vốn, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,245 tỷ USD, tăng 125,7% so với cùng kỳ 2015.
Tính chung 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút thêm được 12,94 tỷ USD bao gồm cả vốn đăng ký mới và tăng thêm, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn FDI giải ngân từ đầu năm đến nay đạt 8,55 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ 2015.
Đánh giá về mức vốn đăng ký mới, tăng thêm và giải ngân trong 7 tháng đầu năm, lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng đây là kết quả khá tốt, chứng tỏ môi trường đầu tư tại Việt Nam đã được cải thiện thông qua một loạt các chính sách cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ và các Bộ, ngành thời gian qua.
Tuy vậy, theo dự báo của ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Thu hút FDI trong năm 2016 khó vượt qua được con số 23 tỷ USD của năm 2015.
Địa phương thu hút FDI mạnh nhất trong 7 tháng đầu năm là TP. Hải Phòng với 28 lượt dự án cấp mới và 21 lượt dự án tăng vốn, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 1,987 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư.
Thủ đô Hà Nội đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 1,686 tỷ USD, chiếm 13%; Đồng Nai đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký đạt 1,45 tỷ USD, chiếm 11,2% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm đến nay.(BCT)
Sẽ "khai tử" 67 ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Thông tin được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết tại phiên họp Chính phủ vừa diễn ra, khi ông trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh.
Một trong những nội dung quan trọng của dự Luật này là tiếp tục cắt giảm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, bổ sung một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và chuẩn hóa tên gọi của một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
Theo Bộ trưởng, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao cải cách quan trọng của Luật Đầu tư về ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, nhưng cho rằng số lượng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện còn khá lớn, trong đó có một số ngành, nghề không thật sự cần thiết hoặc đặt ra điều kiện không rõ mục tiêu quản lý và thiếu tính khả thi.
Mặt khác, việc thực hiện quy định về ngành, nghề và điều kiện kinh doanh cũng gặp một số vướng mắc, lúng túng do có sự không thống nhất trong cách hiểu về nội hàm cũng như cách thức áp dụng của điều kiện kinh doanh. Điều này một phần là do những cải cách về điều kiện kinh doanh còn hết sức mới mẻ, chưa có trải nghiệm thực tế, nhưng cũng có nguyên nhân từ sự thiếu rõ ràng trong quy định về điều kiện kinh doanh cũng như mối quan hệ giữa điều kiện kinh doanh với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành.
Về chính sách sửa đổi cụ thể, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết trước hết dự án Luật dự kiến sẽ bãi bỏ 67 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chuẩn hóa tên gọi 25 ngành nghề, bổ sung 14 ngành nghề. Như vậy, Luật Đầu tư sẽ còn 214 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giảm 53 ngành nghề so với hiện hành.
Bộ TNMT kiến nghị bỏ 6 ngành nghề
Cụ thể, Bộ Công Thương kiến nghị loại bỏ ngành nghề kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; kinh doanh dịch vụ nổ mìn.
Bộ GTVT kiến nghị loại bỏ ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô. Còn Bộ Xây dựng kiến nghị bỏ ngành nghề kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về định giá bất động sản. Bộ TTTT kiến nghị bỏ ngành nghề nhập khẩu thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện.
Bộ Công Thương kiến nghị bỏ dịch vụ gia công, tái chế, sửa chữa, làm mới sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng thuộc danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu cho đối tác nước ngoài.
Bộ NNPTNT kiến nghị bỏ 3 ngành nghề: Kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thuỷ sản; kinh doanh cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ từ rừng tự nhiên trong nước; kinh doanh củi than từ gỗ hoặc củi có nguồn gốc từ gỗ rừng tự nhiên trong nước.
Bộ VHTTDL cũng kiến nghị bỏ 3 ngành nghề: Sản xuất phim; kinh doanh dịch vụ tổ chức lễ hội; kinh doanh tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh.
Bộ TNMT kiến nghị bãi bỏ 6 ngành nghề: Kinh doanh dịch vụ về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kinh doanh dịch vụ tư vấn điều tra, đánh giá đất đai; kinh doanh dịch vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm của hệ thống thông tin đất đai; kinh doanh dịch vụ thoát nước; kinh doanh dịch vụ tư vấn lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết; kinh doanh dịch vụ thu hồi, vận chuyển, xử lý sản phẩm thải bỏ.
Bên cạnh đó, các bộ ngành cũng đề xuất bổ sung 14 ngành nghề vào danh mục kinh doanh có điều kiện, như kinh doanh dịch vụ thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng; kinh doanh dịch vụ phát hành và phổ biến phim; hoạt động tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; hoạt động dịch vụ tư vấn du học; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn…
Đồng thời, dự thảo Luật cũng sửa đổi một số khái niệm để làm cơ sở phân định điều kiện kinh doanh với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, như sửa đổi khái niệm “đầu tư”, bổ sung khái niệm “điều kiện kinh doanh” và “điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” để làm rõ hơn nội hàm của các khái niệm này.(Chinhphu)
Công ty không được phép ủy quyền cho chi nhánh dự thầu
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định, trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Theo đó, việc hồ sơ mời thầu đưa ra yêu cầu nhà thầu ngoài tỉnh phải có kê khai và nộp thuế tại tỉnh Khánh Hòa sẽ làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định nêu trên.
Theo quy định của pháp luật về đấu thầu, công ty không được phép ủy quyền cho chi nhánh để tham dự thầu mà chỉ cho phép người đứng đầu công ty có thể ủy quyền cho giám đốc chi nhánh thay mình thực hiện các công việc như: ký đơn dự thầu, thỏa thuận liên danh, ký các văn bản tài liệu để giao dịch với bên mời thầu…
Nhà thầu tham dự thầu và chủ thể hợp đồng (nếu trúng thầu) phải là công ty. Việc công ty trúng thầu giao cho chi nhánh thực hiện các công việc của gói thầu là việc phân công nội bộ trong công ty.(chinhphu)
Đại gia Thuỵ Sỹ bán xi măng Holcim Việt Nam cho Thái Lan
Đối tác mua lại 65% phần vốn của LafargeHolcim tại Holcim Việt Nam là Siam City với giá trị chuyển nhượng 19.900 tỷ đồng.
Tập đoàn LafargeHolcim - chủ của thương hiệu xi măng Holcim vừa ra thông báo đã bán hơn 65% cổ phần tại Liên doanh Holcim Việt Nam cho một doanh nghiệp sản xuất xi măng Thái Lan là Siam City (SCCC) với giá 867 triệu franc (19.900 tỷ đồng).Holcim Việt Nam là một thành viên của Tập đoàn LafargeHolcim, thương hiệu dẫn đầu trong ngành công nghiệp vật liệu xây dựng thế giới với đội ngũ hơn 115.000 nhân viên, có mặt tại 90 quốc gia trên toàn thế giới.
Đại gia Thuỵ Sỹ đã góp hơn 65% vốn vào Holcim Việt Nam, sau 22 năm gắn bó đã quyết định bán cho Thái Lan Siam City
Được thành lập năm 1994, đến nay Holcim Việt Nam có vốn đầu tư 441 triệu USD, trong đó LafageHolcim góp 65% vốn; Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) nắm giữ 35% cổ phần.
Holcim hiện sử dụng hơn 1.500 lao động tại 5 nhà máy xi măng kỹ thuật cao. Đây là doanh nghiệp xi măng có vốn ngoại lớn bậc nhất tại Việt Nam.
SCCC là doanh nghiệp xi măng lớn thứ 2 ở Thái Lan, thành lập năm 1969. Với lịch sử 45 năm hoạt động, công ty bắt đầu phát triển mạnh tại khu vực Campuchia, Malaysia, Indonesia… Doanh thu năm 2015 lên tới 908 triệu USD.
Thương vụ được cho là sẽ hoàn thành vào quý IV năm nay. Lý do không được phía LafargeHolcim đưa ra, song nhiều chuyên gia trong ngành khẳng định việc đại gia Thuỵ Sỹ rời khỏi Việt Nam sau 22 năm đầu tư phát triển là do cạnh tranh gay gắt trong ngành này với bối cảnh cung vượt cầu, xi măng dư thừa như hiện nay.
Thực tế, năm 2015, sản lượng xi măng và clinker của Việt Nam xuất khẩu đạt 15,9 triệu tấn, tương ứng 668 triệu USD, giảm 24,9% về lượng và 26,8% về trị giá so với cùng kỳ.
Trong năm 2016, dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng cả nước đạt khoảng 75-77 triệu tấn, tăng 4-7% so với năm 2015. Tỷ lệ tiêu thụ nội địa năm tới dự báo tăng lên mức 59-60 triệu tấn, trong khi lượng xuất khẩu xi măng giảm xuống 16-17 triệu tấn.
Dù sản lượng tiêu thụ xi măng năm 2016 tăng so với năm nay, nhưng theo Bộ Xây dựng một số nhà máy xi măng trên cả nước vẫn không thể hoạt động hết công suất vì cầu trên thị trường không theo được cung. Tính đến cuối năm 2015, cả nước có 76 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế đạt 82 triệu tấn một năm.
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho biết, trong khoảng 1-2 năm tới, ngành xi măng dự kiến sẽ có thêm khoảng 6 dây chuyền sản xuất mới đi vào hoạt động với công suất lên tới hàng chục triệu tấn.
Dự báo trong vòng 5 năm tiếp theo, công suất thiết kế ngành xi măng của Việt Nam sẽ chạm mốc 99 triệu tấn. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 5 sau Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Mỹ về sản lượng sản xuất xi măng đứng đầu thế giới.(VNEX)