Vay 500 triệu không cần thế chấp: Tha hồ ăn tiêu rồi gánh nợ; Ngành bán lẻ “đau đầu” vì nhân viên nhảy việc; Thủy sản Miền Trung chi 25 tỷ đồng mua cổ phần Bất động sản An Phú; Samsung kiếm 110 USD từ mỗi chiếc iPhone X bán ra
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 04-10-2017
- Cập nhật : 04/10/2017
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: GDP tăng cao không phụ thuộc vào khai khoáng, tín dụng
Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết tình hình kinh tế-xã hội thời gian qua có 3 điểm nổi bật nhất: Tăng trưởng GDP có bước đột phá; kinh tế vĩ mô ổn định; và môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện vượt bậc.
GDP quý I tăng 5,15%; quý II tăng 6,17%; quý III có sự đột phá và tăng 7,46%, 9 tháng ước tăng 6,41%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7%, quý IV phải tăng 7, 31%.
"Nếu cả năm tăng trưởng đạt được 6,7% thì 13 chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2017 sẽ có 5 chỉ tiêu hoàn thành cao và 8 chỉ tiêu hoàn thành đúng mục tiêu", Bộ trưởng Dũng cho biết.
Chủ nhiệm VPCH cũng nhấn mạnh tăng trưởng GDP mà chúng ta có được tới thời điểm này không phải từ tăng tín dụng hoặc khai khoáng.
"Sản lượng khai khoáng năm 2015 đạt 16,88 triệu tấn; năm 2016 đạt 15,02 triệu tấn. Năm nay đến thời điểm này chúng ta đạt được 10,21 triệu tấn. Nếu như hoàn thành sản lượng khai khoáng của 2017 thì mới chỉ đạt 13,28 triệu tấn, giảm so với 2 năm trước", ông Dũng nói.
Tương tự, tăng trưởng tín dụng hiện tại chỉ trên 11% trong khi mục tiêu cả năm trên 20%. Do đó, tăng trưởng cũng không phụ thuộc vào tín dụng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Ông Dũng cho rằng GDP tăng cao là nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó có sự bứt phá của ngành công nghiệp và nông nghiệp. Cụ thể, trong mức tăng 6,41% của toàn nền kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng cao so với cùng kỳ, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Ngành thủy sản tăng trưởng tốt, sản lượng thủy sản 9 tháng tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ.
Công nghiệp tăng 7,17% trong 9 tháng qua, trong đó điện thoại, linh kiện điện tử tăng 45,5%; sản phẩm điện tử, máy tính tăng 25,1%; sản xuất kim loại tăng 21,4%.
"Ngay cả Samsung, quý III đã tăng trưởng 45%, Formosa mới đi vào hoạt động nhưng năm nay sẽ đạt 1,5 triệu tấn thép. Phần tăng này sẽ bù đắp sự sụt giảm của khai khoáng", Bộ trưởng Dũng nói.
Bên cạnh đó, xuất khẩu 9 tháng đạt 154 tỷ USD, dự kiến cả năm sẽ đạt khoảng 202 tỷ USD, cán cân thương mại đã có những chuyển biến tích cực. Thương mại nội địa tăng, sức mua tốt, tăng 10,5%. Đặc biệt FDI đăng ký mới, mở rộng, mua cổ phần đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Chủ nhiệm VPCP nhắc lại mục tiêu tăng trưởng dù cao nhưng quan điểm của Thủ tướng và Chính phủ là không điều chỉnh giảm, thực hiện đúng Nghị quyết của Trung ương. Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, phân công các đồng chí lãnh đạo, các bộ ngành địa phương, đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho việc sản xuất kinh doanh.
Cũng theo Bộ trưởng Dũng, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không được chủ quan trước mục tiêu tăng trưởng. “Nếu chúng ta không quyết tâm mục tiêu quý IV là 7,31% thì không thể hoàn thành mục tiêu của cả năm là 6,7%”, Bộ trưởng nhấn mạnh.(NDH)
-------------------
Pinaco muốn cổ đông Nhật vào hội đồng quản trị
Đối tác đến từ Nhật Bản của Pinaco là Furukawa Battery (nắm giữ 10,54% cổ phần) đang được đề nghị có chân trong hội đồng quản trị của công ty này.
Pinaco đang muốn có cổ đông từ Nhật Bản vào hội đồng quản trị và nếu được cổ đông thông qua, hợp đồng đối tác chiến lược giai đoạn mới sẽ được ký kết giữa hai bên
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Pin ắc quy miền Nam (Pinaco - PAC) Phạm Thanh Tùng vừa có tờ trình gởi cổ đông thông qua việc lựa chọn Furukawa Battery (FB-Nhật) làm đối tác chiến lược, thông qua hợp đồng hợp tác dự kiến được ký kết trong quý 4-2017 này.
Theo nội dung hợp đồng đối tác chiến lược, Furukawa Battery sẽ hỗ trợ Pinaco trong công tác bán hàng, có quyền đề cử thành viên tham gia hội đồng quản trị của Pinaco và được mua thêm cổ phần trong trường hợp Pinaco có phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn.
Ngoài ra, Furukawa Battery tiếp tục đầu tư vốn vào Pinaco sau quá trình hợp tác chuyển giao công nghệ giai đoạn 2010-2016 kết thúc.
Furukawa Battery hiện đang nắm 10,54% vốn điều lệ của Pinaco, xếp thứ hai sau Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) trong cơ cấu cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này.(Tuoitre)
-------------------------
Người Việt giảm mua ô tô nhập nguyên chiếc, vì sao?
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 9-2017 có khoảng 5.000 ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu về nước, đạt giá trị kim ngạch 132 triệu USD. Tính chung chín tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc ước đạt 70.000 chiếc với giá trị hơn 1,5 tỉ USD, giảm 9% về lượng và giảm 15% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện tại thị trường ô tô Việt Nam đang trong giai đoạn chững lại vì sức mua giảm sút. Đặc biệt là với thị trường xe nhập khẩu nguyên chiếc, mốc thời gian ngày 1-1-2018 với mức thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN giảm về 0% vẫn đang được người tiêu dùng chờ đợi.
Bên cạnh đó, cũng còn một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng sụt giảm mạnh của kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc. Tại thị trường ô tô Việt Nam, Hyundai là thương hiệu chiếm thị phần lớn, trong đó có những mẫu xe luôn đạt sản lượng bán hàng cao. Hãng xe này lại đang nhanh chóng chuyển từ nhập khẩu nguyên chiếc về sản xuất trong nước.
Tâm lý chờ đợi thuế giảm vào năm 2018 tiếp tục khiến nhập khẩu ô tô sụt giảm mạnh.
Với chiều hướng như thời gian gần đây, có thể lượng ô tô nguyên chiếc dưới chín chỗ nhập khẩu từ nay đến cuối năm còn sụt giảm.
Tám tháng đầu năm 2017, Indonesia và Thái Lan vững vàng ở hai ngôi vị dẫn đầu về cung cấp ô tô nguyên chiếc nói chung và dòng xe dưới chín chỗ nói riêng cho nước ta. Trong đó, Indonesia cung cấp 13.319 xe dưới chín chỗ và Thái Lan 7.252 xe dưới chín chỗ.
Như vậy, riêng hai thị trường này đã đạt đến 20.571 xe, chiếm gần 63% tổng lượng xe dưới chín chỗ nhập khẩu của cả nước trong cùng thời điểm.(PLO)
--------------------------------
Rau quả Việt đắt gấp đôi Ba Lan
Rất ngạc nhiên khi khá nhiều loại rau - củ - quả được trồng bằng công nghệ cao, thậm chí rau quả organic tại các chợ, siêu thị của đất nước Ba Lan chỉ có giá bằng phân nửa rau củ quả loại thường tại VN.
Khảo sát tại một số chợ và siêu thị ở thủ đô Warsaw (Ba Lan) cho thấy, nho xanh không hạt, quả lớn mọng nước giá 6 zloty (PLN)/kg (37.000 đồng/kg), dâu tươi loại quả to 12 PLN/kg (75.000 đồng/kg), táo tươi thơm ngon loại 1 giá từ 4,5 - 5 PLN/kg (28.000 - 32.000 đồng/kg), cà chua lớn từ 4 - 5,5 PLN/kg (25.000 - 34.000 đồng/kg), bắp cải tím/trắng chỉ 3,9 PLN/kg (24.000 đồng/kg). Đáng nói, tất cả các loại trái cây của Ba Lan bán trong siêu thị hay ngoài chợ đều có thể ăn ngay do đã được khử trùng trong nhà máy trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Trong khi cùng loại tương tự, nho Ninh Thuận (VN) giá bán lẻ 70.000 đồng/kg, dâu tây Đà Lạt bán tại một số cửa hàng rau quả giá từ 110.000 - 140.000 đồng/kg, dâu Đà Lạt giống Nhật Bản giá lên đến 500.000 đồng/kg. Riêng giá táo, loại rẻ nhất của Trung Quốc bán ngập chợ quê VN cũng tầm 28.000 - 30.000 đồng/kg. Còn lại, đa số thị trường đang tiêu thụ táo các loại nhập từ New Zealand, Úc, Mỹ, Pháp… với giá tầm 80.000 - 250.000 đồng/kg.
Ngược lại, các loại gia vị tại Ba Lan lại có giá cao hơn ở VN rất nhiều. Đơn cử như củ gừng loại thường lên đến 20 PLN/kg (125.000 đồng/kg), trong khi gừng bán tại một số chợ ở TP.HCM hôm qua 2.10 là 30.000 đồng/kg...
Ba Lan được coi là cái nôi của châu Âu trong nghiên cứu và phát triển nông nghiệp. Đất nước này đã sản xuất và chế biến nhiều sản phẩm liên quan rau - củ - quả xuất khẩu sang các nước trong khối EU và một số quốc gia châu Á. Riêng táo của Ba Lan đã chiếm hơn 30% thị trường táo toàn khối EU. Tại VN, táo Ba Lan không nhiều, chủ yếu ở thị trường phía bắc.
Giáo sư Artur H.Swiergiel, Giám đốc Viện Công nghệ sinh học nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm Ba Lan (thành lập từ 1911), thông tin hoạt động nghiên cứu của Viện gắn sâu đậm với sự phát triển nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm của quốc gia và chi phí từ các dự án đặt hàng của các công ty, doanh nghiệp...
Ở VN cũng đang đẩy mạnh liên kết 4 nhà, gồm: nhà nông - doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà nước nhưng chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, giá nông sản vẫn cao và thường rơi vào tình trạng ế đồng đắt chợ.(Thanhnien)