tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 04-10-2017

  • Cập nhật : 04/10/2017

Để xây cầu Thủ Thiêm 4 TP HCM phải đổi 16 lô nhà đất "vàng" và di dời cảng Tân Thuận

 Bộ Kế hoạch Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND TP HCM và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, theo đúng quy định của Luật đầu tư.

Đây là chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng sau khi nhận được 2 văn bản báo cáo của UBND TP HCM về dự án này vào ngày 3/6/2016 và ngày 7/4/2017.

Được biết, sau khi tiếp thu ý kiến của 2 Bộ về văn bản năm 2016, UBND TP HCM có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch đầu tư ngày 7/4/2017 giải trình bổ sung việc đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4.

UBND TP HCM cho rằng việc đầu tư dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 là rất cần thiết và cấp bách để giải tỏa áp lực giao thông từ phía quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức qua phía các Quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè; giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô và tai nạn giao thông liên quan đến hoạt động của các bến cảng trên địa bàn Quận 4, Quận 7.

Đồng thời kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu trung tâm hiện hữu của TP và Quận 4, Quận 7, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu đô thị mới Nam Thành phố; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của TP HCM.

Do tính cần thiết, cấp bách triển khai dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chấp thuận một số nội dung.

Cụ thể là chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 (với khẩu độ, tĩnh không là BxH=80x10m) theo hình thức đối tác công - tư (Hợp đồng BT) và cho phép UBND TP HCM được quyết định phương án lựa chọn Nhà đầu tư (gồm 4 doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hạ tầng 620 - Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng 168 - Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận) thực hiện dự án, theo thẩm quyền được quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.

UBND TP HCM cho biết quy mô dự kiến dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 như sau: Tổng chiều dài khoảng 2.160 m; cầu chính từ bờ Quận 7 qua đến hết cầu phía Quận 2 gồm 6 làn xe; nhánh cầu dẫn N1, N2 bờ Quận 7, từ cầu chính đáp xuống đường Huỳnh Tấn Phát gồm 2 làn xe; cầu dẫn trên đường Nguyễn Văn Linh bố trí từ trước nút giao Nguyễn Văn Linh - cầu Tân Thuận 2 gồm 4 làn xe.

Tổng mức đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 4 khoảng 5.253,94 tỷ đồng. Theo UBND TP HCM, về quỹ đất để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án này sẽ gồm 16 lô nhà đất "vàng" trongKhu đô thị mới Thủ Thiêm và các quận trung tâm thành phố.

Cụ thể gồm quỹ đất để cân đối thanh toán cho phần chi phí xây lắp và thiết bị của dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 bao gồm 11 lô đất (có ký hiệu 3-5; 3-8; 3-9; 3-12; 4-3; 4-4; 4-5; 4-11; 4-12; 4-16 và 4-20) thuộc Khu chức năng số 3 và số 4 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của Khu đô thị mới Thủ Thiêm được duyệt, 11 lô đất nêu trên có tổng diện tích đất phát triển dự án khoảng 99.904m2.

Giá trị quyền sử dụng đất của quỹ đất gồm 11 lô đất nêu trên ước tính có thể đủ để cân đối thanh toán cho phần chi phí xây lắp và thiết bị của dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 (dự kiến tổng mức đầu tư Dự án khoảng 5.253,94 tỷ đồng, trừ đi chi phí giải phóng mặt bằng (962,500 tỷ đồng), chi phí khác (155,756 tỷ đồng) và chi phí dự phòng (934,534 tỷ đồng) thì phần chi phí xây lắp và thiết bị của Dự án khoảng 3.201,15 tỷ đồng).

Về quỹ đất để cân đối thanh toán cho phần kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng (phía Quận 7) và chi phí khác: Khu đất tại số 462-464 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 2, quận 1, diện tích 1.186,3m2; Khu đất tại số 1310 Kha Vạn Cân, phường Linh Trung , quận Thủ Đức, diện tích 5.300m2; Khu đất tại số 11 Linh Trung, phường Linh Trung , quận Thủ Đức, diện tích 11.764m2; Khu đất tại số 540/21 Cách Mạng Tháng Tám, phường 11, quận 3, diện tích 7.000m2.

“Danh mục và diện tích các khu đất nêu trên chỉ là dự kiến. Quỹ đất chính thức dùng để cân đối thanh toán Hợp đồng BT dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 sẽ được rà soát tính pháp lý và xác định cụ thể trong quá trình lập, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Giá trị quyền sử dụng đất của quỹ đất dùng để thanh toán sẽ được thẩm định và phê duyệt để làm cơ sở thanh toán Hợp đồng BT dự án theo đúng quy định hiện hành”, văn bản do Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong ký cho biết.

Để xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 12/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5) giai đoạn đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 theo hướng di dời các cầu cảng K12, K12A, K12B, K12C, K12C1 hiện hữu đến vị trí quy hoạch phù hợp tại cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.

Thành phố sẽ đầu tư cảng mới, di dời cảng Tân Thuận. Đơn vị đề xuất dự án sẽ chịu trách nhiệm phối hợp thực hiện xây dựng cảng mới tại Hiệp Phước, di dời cảng Tân Thuận và đầu tư Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4. Khu vực bến cảng Tân Thuận hiện hữu sẽ được chuyển đổi công năng phù hợp với quy hoạch chung của Thành phố.

Theo UBND TP HCM, tổng mức đầu tư xây dựng cảng mới ước tính khoảng 3.500 tỷ đồng, đảm bảo đáp ứng được khối lượng hàng hiện nay của khu cảng Tân Thuận. Nguồn vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng cảng, đầu tư xây dựng cảng mới, di chuyển thiết bị, phương tiện: sẽ do Nhà đầu tư ứng trước.

Phương án hoàn vốn cho công tác di dời cảng Tân Thuận sẽ thanh toán cho Nhà đầu tư bằng quỹ đất tại khu cảng Tân Thuận và tại các vị trí khác trên địa bàn Thành phố. Được biết, khu bến cảng Tân Thuận hiện hữu có diện tích khoảng 140.000m2 nằm trên địa bàn phường Tân Thuận Đông, quận 7, tổng diện tích kho bãi khoảng 9.848m2 và diện tích bãi khoảng 88.475m2. Lượng hàng hóa thông qua cảng này khoảng 5 triệu tấn/năm (năm 2015).

Để giảm thiểu ảnh hưởng khi xây dựng và khai thác cầu Thủ Thiêm 4 khi cảng Tân Thuận chưa được di dời toàn bộ, UBND TP HCM cũng kiến nghị xem xét phương án cho cảng Sài Gòn được khai thác khu bến cảng Tân Thuận hiện hữu như là bến ICD chuyển tải hàng hóa ra khu cảng Hiệp Phước với sà lan vận tải có tĩnh không yêu cầu nhỏ hơn 10m.(NDH)
-----------------------------

Việt Nam tiến vượt bậc trong hàng loạt xếp hạng toàn cầu

Theo Bộ KH&ĐT, sau hơn ba năm triển khai Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta đã có sự cải thiện và tăng hạng đáng kể, vượt bậc.

Nhận định được Bộ này đưa ra trong các báo cáo gửi Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 9 đang diễn ra.

Bộ dẫn báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, theo đó Việt Nam được xếp hạng thứ 55/137 nền kinh tế (tăng 5 bậc, vượt qua Philippines và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN). Tính chung trong 5 năm, Việt Nam tăng tới 20 bậc. Xếp thứ 55 cũng là vị trí cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Trước đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2017, Việt Nam tăng 9 bậc, từ vị trí thứ 91 lên vị trí thứ 82/190 nền kinh tế; duy trì vị trí thứ 5 trong khu vực ASEAN. Đây là mức tăng bậc nhiều nhất kể từ năm 2008.

Tháng 6/2017, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố Báo cáo Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2017 (GII 2017), theo đó Việt Nam ở vị trí 47/127 nền kinh tế, tăng 12 bậc so với vị trí thứ 59 của năm 2016. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được từ trước cho đến nay. Trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn lên xếp thứ nhất (từ vị trí số 3 năm 2016). Trong ASEAN, Việt Nam vươn lên và đứng trên Thái Lan (vị trí 51).

Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đã giúp số doanh nghiệp thành lập mới đạt mức tăng cao nhất từ năm 2013 tới nay. Trong 9 tháng, cả nước có thêm 93.967 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 902.680 tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Vì sao Việt Nam thăng hạng?

Phân tích cụ thể hơn về việc Việt Nam tăng 5 bậc năng lực cạnh tranh theo xếp hạng mới đây của WEF, Bộ KH&ĐT cho biết Việt Nam có 5/12 chỉ số trụ cột tăng điểm và 6/12 chỉ số trụ cột tăng bậc. Trong đó, chỉ số Mức độ sẵn sàng về công nghệ có mức tăng điểm và tăng bậc nhiều nhất (13 bậc, từ vị trí 92 lên vị trí 79); tiếp đến là chỉ số Phát triển thị trường tài chính (tăng 7 bậc).

Tuy vậy, vẫn còn nhiều trụ cột chưa được cải thiện hoặc mức độ cải thiện chưa bền vững. Cụ thể là trụ cột Thể chế (tăng 3 bậc), Hiệu quả thị trường lao động (tăng 6 bậc), nhưng không tăng điểm. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm nay cũng chỉ ra rằng đã có một số nước bị giảm điểm trên một vài trụ cột, dẫn tới những trụ cột này của các nước khác có thể tăng hạng dù không tăng điểm.

Trình độ phát triển kinh doanh tuy có mức tăng điểm nhẹ (0,1 điểm), nhưng thứ hạng giảm 4 bậc (từ vị trí 96 xuống vị trí 100). Điều này thể hiện qua sự giảm điểm và giảm bậc về chất lượng và số lượng doanh nghiệp cung ứng, mức độ phát triển cụm ngành.

Vẫn còn 4/12 chỉ số trụ cột giảm bậc, trong đó giảm nhiều nhất là Hiệu quả thị trường hàng hoá (giảm điểm và giảm 10 bậc), thể hiện ở sự suy giảm mức độ cạnh tranh (hiệu lực của chính sách chống độc quyền kém, môi trường kinh doanh không thuận lợi) và chất lượng các điều kiện cầu giảm.

Bộ KH&ĐT nhận định nhìn chung, mặc dù thứ hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng bậc, nhưng chưa bảo đảm tính bền vững, bởi điểm số của một nửa số trụ cột (6/12) vẫn chưa được cải thiện. Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về xếp hạng năng lực cạnh tranh, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Brunei.

Ngoài ra, báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng lưu ý rằng có 13 trong số 17 nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương được ghi nhận cải thiện về điểm số, trong đó Indonesia và Brunei có sự thay đổi lớn nhất. Đây cũng là 2 nền kinh tế có sự tăng hạng đáng kể về môi trường kinh doanh năm 2016 theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới.

“Bởi vậy, để đạt được mức độ trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế”, Bộ KH&ĐT nhận định.

Nhiều cơ quan tích cực triển khai Nghị quyết 19

Về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 19-2017 trong quý III/2017, Bộ KH&ĐT cho biết các cơ quan gồm: KH&ĐT, Tài chính, KH&CN, Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết và đạt một số kết quả rõ ràng.

Theo đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị cắt giảm khoảng 3.000 điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không hiệu quả; đồng thời kiến nghị thay đổi cách thức quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên các nguyên tắc và thông lệ tốt của các nước OECD.

Bộ Công Thương là một trong số ít bộ đã chủ động thực hiện rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, dự kiến cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh trong tổng số 1.216 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (cắt giảm khoảng 55%).

Hiện nay, Bộ Công Thương có số lượng điều kiện kinh doanh lớn nhất, do vậy việc cắt giảm 55% số lượng điều kiện kinh doanh sẽ giảm gánh nặng đáng kể về chi phi, rủi ro và tạo cơ hội kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thực hiện chuyển 420 mã hồ sơ trong tổng số 720 mã hồ sơ phải kiểm tra trước thông quan sang giai đoạn sau thông quan.

Việc thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh và việc chuyển các mã hồ sơ phải kiểm tra chuyên ngành sang giai đoạn sau thông quan của Bộ Công Thương được kỳ vọng sẽ tạo tác động lan toả tới việc thực thi của các bộ, ngành khác.

Văn phòng Chính phủ cũng triển khai tích cực các nhiệm vụ theo yêu cầu của Nghị quyết 19 như nâng cao hiệu quả hoạt động của Diễn đàn tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách của doanh nghiệp và người dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp tại địa chỉ http://doanhnghiep.chinhphu.vn và Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn tiếp tục được vận hành hiệu quả.

Về phía địa phương, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Bắc Giang... là những địa phương tích cực triển khai nhiều giải pháp để thực thi Nghị quyết; có báo cáo chất lượng, bám sát các yêu cầu và nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết. Nhiều địa phương tiếp tục tổ chức các đối thoại, gặp gỡ với doanh nghiệp và kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp (như Quảng Ninh, Thanh Hoá...). Một số địa phương thực hiện hiệu quả đường dây nóng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phản ánh và được giải đáp, xử lý các vướng mắc (như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh...).

Bộ KH&CN là một trong những bộ tích cực triển khai nhiều hoạt động thực thi Nghị quyết 19, trong đó có nhiệm vụ theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện chỉ số Đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, các nhiệm vụ về cải cách công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành của các bộ chưa được quan tâm thực hiện và chưa có sự chuyển biến so với trước. Theo Bộ KH&ĐT, việc kiểm tra chuyên ngành quá mức cần thiết, kiểm tra chồng chéo giữa các cơ quan vẫn đang là gánh nặng và rào cản lớn đối với doanh nghiệp.(Chinhphu)
------------------------

Amazon bị cặp vợ chồng Mỹ dễ dàng chiếm đoạt hơn 1,2 triệu USD

Tận dụng kẽ hở của chính sách chăm sóc khách hàng của công ty bán hàng trực tuyến Amazon, một cặp vợ chồng âm thầm chiếm đoạt hàng đặt mua qua mạng của Amazon.

 

cong ty amazon bi khai thac ke

Công ty Amazon bị khai thác kẻ

 

Cặp vợ chồng Erin Finan, 38 tuổi và Leah Finan, 37 tuổi đã thừa nhận có tội trong vụ lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm thiết bị điện tử của công ty bán hàng trực tuyến Amazon.

Cặp đôi sử dụng một mánh cũ: đặt mua các mặt hàng điện tử có giá trị cao sau đó thông báo sản phẩm bị thất lạc hoặc hư hỏng để đòi Amazon bồi thường bằng một sản phẩm mới mà không phải trả thêm tiền. 

Với thủ đoạn này, cả hai đã chiếm đoạt được hàng trăm món hàng từ máy ảnh kỹ thuật số của GoPro, máy chơi game, đồng hồ thông minh của Samsung đến máy tính bảng Microsoft Surface.

Những món đồ tước đoạt bất hợp pháp này được bán lại cho một người tên Danijel Glumac, 28 tuổi. Tên này đã thu về hơn 1,2 triệu USD, trong đó, khoảng 725.000 USD được trả cho vợ chồng Finan.

Theo công ty Amazon, chính sách chăm sóc khách hàng của công ty cho phép bên bán gửi sản phẩm thay thế cho người mua trước khi nhận lại hàng hóa bị hư hỏng. Trong một số trường hợp khi người mua khiếu nại, việc đổi sản phẩm mới đơn giản hơn là tiến hành kiểm tra. 

Đây là kẽ hở đã bị vợ chồng Finan tận dụng. Cặp đôi đã khéo léo che đậy bằng cách tạo hàng trăm tài khoản ảo khác nhau để mua hàng nhưng giờ đây họ sẽ phải trả giá và có thể bị kết án 10 - 20 năm tù vì gian lận và rửa tiền.

Cả hai đã nhận tội và đồng ý không khiếu nại nếu bị kết án dưới 7 năm 3 tháng tù. Họ phải trả lại Amazon số tiền 1.218.504 USD theo yêu cầu của tòa án.

Tòa án bang Indiana dự kiến tuyên án gặp đôi lừa đảo trên vào ngày 9-11.(Tuoitre)
--------------------------

Mời gọi đầu tư sân bay An Giang 3.400 tỉ

Chiều 3-10, UBND TP Cần Thơ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Cần Thơ tổ chức họp báo giới thiệu Chương trình giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam - Nhật Bản lần 3 tại Cần Thơ và Hội nghị đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thường niên lần thứ 5.

Mời gọi đầu tư sân bay An Giang 3.400 tỉ - ảnh 1
Ông Nguyễn Phương Lam giới thiệu các nội dung của hai chương trình tại buổi họp báo chiều 3-10. Ảnh: NN

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết theo thống kê, khu vực ĐBSCL hiện có 159 dự án của Nhật trị giá 21 tỉ USD với các ngành nghề như chế tạo, chế biến, khai khoáng, xử lý nước thải…

Năm 2016, VCCI Cần Thơ tiếp 16 đoàn doanh nghiệp Nhật tìm hiểu hợp tác đầu tư vào ĐBSCL và sáu tháng đầu năm nay đón tiếp sáu đoàn. Điều đó cho thấy Nhật Bản đang quan tâm nhiều hơn vào ĐBSCL.

Theo ông Lam, Hội nghị đầu tư vào ĐBSCL năm nay với chủ đề “Thu hút đầu tư hạ tầng - nền tảng phát triển du lịch ĐBSCL” sẽ diễn ra vào ngày 25-10 tại Cần Thơ. Hội nghị này dự kiến thu hút trên 200 đại biểu tham dự. 13 tỉnh, thành trong vùng sẽ giới thiệu, mời gọi đầu tư 24 dự án phát triển du lịch với tổng vốn 7.800 tỉ đồng, 33 dự án bất động sản, hạ tầng với tổng vốn 176.000 tỉ đồng.

Theo đó, dự án có tổng vốn lớn nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng khu phí thuế quan Khu kinh tế Năm Căn (Cà Mau) với tổng vốn 8.000 tỉ đồng. An Giang mời gọi đầu tư vào dự án sân bay An Giang với tổng vốn 3.400 tỉ đồng. Cần Thơ mời gọi đầu tư bốn dự án du lịch gồm Khu du lịch Cồn Sơn, cù lao Tân Lộc, vườn cò Bằng Lăng, Phong Điền với tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng…

Cũng theo ông Lam, Chương trình giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam - Nhật Bản lần 3 tại Cần Thơ sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 5-11. Chương trình năm nay có một số điểm mới như về quy mô tăng từ 90 lên 120 gian hàng được thiết kế ấn tượng, mang đậm nét văn hóa Việt Nam và Nhật Bản.

Ngoài ra, năm nay sẽ có khu trung tâm giới thiệu về công nghệ của Nhật rộng 400 m2. Cụ thể khu này sẽ trưng bày các thiết bị kỹ thuật cao, robot tự động hóa, sản phẩm công nghệ thông minh với ứng dụng của hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI)…

Chương trình giao lưu sẽ có 40 tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu với sự tham gia của 14 nghệ sĩ của Nhật và 40 nghệ sĩ của Việt Nam đến từ TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng… Ban tổ chức kỳ vọng chương trình này tiếp tục là sự kiện thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp Nhật đến Cần Thơ và ĐBSCL, từng bước giúp doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác và đầu tư vào ĐBSCL ngày càng nhiều hơn.(PLO)

Trở về

Bài cùng chuyên mục