tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 13-07-2018

  • Cập nhật : 13/07/2018

Sẽ công khai nợ công, nợ nước ngoài cho người dân biết

Bộ Tài chính thực hiện công khai thông tin về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia, bao gồm: Vay và trả nợ của Chính phủ; vay và trả nợ được Chính phủ bảo lãnh...

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư quy định về chế độ báo cáo và công khai thông tin về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.

Về chế độ báo cáo, dự thảo nêu rõ Bộ Tài chính tổng hợp và lập báo cáo về nợ công, bao gồm: Báo cáo thực hiện vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ; báo cáo thực hiện vay, trả nợ trong nước của Chính phủ; báo cáo thực hiện vay, trả nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh; báo cáo thực hiện vay, trả nợ trong nước được Chính phủ bảo lãnh; báo cáo thực hiện vay và trả nợ của Chính quyền địa phương; báo cáo thực hiện vay, trả nợ công.

UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp và lập báo cáo về nợ chính quyền địa phương: Báo cáo thực hiện vay và trả nợ của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; báo cáo thực hiện vay và trả nợ nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

Các cơ quan cho vay lại chịu trách nhiệm lập và báo cáo Bộ Tài chính về tình hình vay về cho vay lại theo các mẫu biểu quy định. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp và cung cấp cho Bộ Tài chính các báo cáo về các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp.

Sẽ công khai nợ công, nợ nước ngoài cho người dân biết - ảnh 1
Đến cuối năm 2017, nợ công của Việt Nam là hơn 3 triệu tỉ đồng, cả nước hiện có hơn 92 triệu dân, chia ra mỗi người gánh khoảng 30 triệu đồng.

Đối với công khai thông tin về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia, dự thảo đề xuất: Bộ Tài chính thực hiện công khai thông tin về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia bao gồm: Các chỉ tiêu về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia; vay và trả nợ của Chính phủ; vay và trả nợ được Chính phủ bảo lãnh; vay và trả nợ trong nước của chính quyền địa phương…

UBND cấp tỉnh thực hiện công khai thông tin về vay và trả nợ của chính quyền địa phương các nội dung: Vay Ngân hàng phát triển Việt Nam, tạm ứng ngân quỹ nhà nước; phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và vay khác của chính quyền địa phương.

Đối với các báo cáo định kỳ hằng quý, các đơn vị lập và gửi báo cáo về Bộ Tài chính trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Đối với các báo cáo tình hình thực hiện sáu tháng đầu năm: Các đơn vị gửi báo cáo về Bộ Tài chính trước ngày 31-7 hằng năm. Đối với các báo cáo tình hình thực hiện hằng năm: Các đơn vị gửi báo cáo bằng văn bản về Bộ Tài chính trước ngày 15-2 của năm sau.

Bộ Tài chính tổng hợp các báo cáo về nợ công báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đồng thời gửi các cơ quan có liên quan theo quy định của Luật Quản lý nợ công và các quy định liên quan.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của người dân đối với dự thảo này tại cổng thông tin điện tử của Bộ.(PLO)
--------------------------

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính gần 23.000 tỷ đồng

Theo con số vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố, kết quả trên có được sau khi cơ quan chức năng tổng hợp sơ bộ 48 dự thảo báo cáo kiểm toán và 14 báo cáo kiểm toán đã phát hành.

Số tiền kiến nghị xử lý tài chính 22.669 tỷ đồng theo thống kê đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, tổng số tăng thu ngân sách là 12.614 tỷ đồng, giảm chi ngân sách là hơn 8.600 tỷ đồng, còn lại là các kiến nghị khác.

Chưa nói cụ thể nhưng phía Kiểm toán Nhà nước nhắc tới một số đoàn kiểm toán có kết quả nổi bật thời gian qua là: Chuyên đề công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2017; Chuyên đề Quản lý và sử dụng vốn ODA giai đoạn 2015-2017; Một số cơ chế, chính sách bất cập trong quản lý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước,...

Về 6 tháng cuối năm, phía Kiểm toán Nhà nước cho biết, một trong các nhiệm vụ là xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2019 trong đó đảm bảo mục tiêu kiểm toán ngân sách của hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, cơ quan Trung ương.

Đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ tập trung lựa chọn kiểm toán đối với cơ chế chính sách mới được triển khai thực hiện trong năm 2018 gắn với cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công./. (Vietnam+)


---------------------------

Hà Nội công khai danh sách 331 doanh nghiệp nợ thuế, phí, tiền thuê đất

Cục Thuế thành phố Hà Nội vừa công khai danh sách 331 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất tháng 7/2018 với số nợ 2.485 tỷ đồng.

Trong đó, có 12 đơn vị nợ thuế, phí với số nợ hơn 546 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số 12 đơn vị này, Công ty Cổ phần Lilama Hà Nội đang nợ khoảng 111 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện tử công nghiệp Việt Nam nợ 80 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây dựng nợ hơn 60 tỷ đồng…

Đối với nhóm 16 doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất với số tiền 1.299 tỷ đồng thì Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Đô 5 đang đứng đầu "danh sách đen" với số tiền nợ lên tới 342 tỷ đồng.

Theo sau là Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà nợ 158 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Quốc tế CT Việt Nam nợ 122 tỷ đồng, Công ty TNHH Đá quý Thế Giới nợ 144 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Lilama Hà Nội nợ 67 tỷ đồng…

Như vậy, tính cả tiền nợ thuế, phí và tiền sử dụng đất thì Công ty Cổ phần Lilama Hà Nội đang nợ tổng cộng khoảng 178 tỷ đồng.

Được biết, trên đây là những đơn vị mà cơ quan thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định như trích tiền từ tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng nhưng các đơn vị chưa nộp đủ số tiền còn nợ vào ngân sách.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã đăng công khai 690 đơn vị nợ tiền thuế, phí, các khoản thu liên quan đến đất với tổng số tiền nợ là gần 1.475 tỷ đồng. Kết quả sau khi đăng công khai đã có 198 doanh nghiệp và dự án nộp lại gần 47,6 tỷ đồng.

Với sự nỗ lực triển khai quyết liệt các biện pháp của cơ quan thuế và sự phục hồi của nền kinh tế, Cục thuế Hà Nội hy vọng các chủ dự án, doanh nghiệp sớm thu xếp được nguồn tài chính để nộp các khoản tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước trước khi bị áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn.(Vneconomy)
----------------------

HDBank huy động 6.000 tỷ đồng từ trái phiếu trong tháng qua

Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank, mã HDB-HoSE) vừa thông báo đã hoàn tất đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm với giá trị 1.000 tỷ đồng. Trước đó, vào trung tuần tháng 6, HDBank cũng đã phát hành thành công 5.000 tỷ đồng với kỳ hạn 2 và 3 năm.

Trái phiếu được áp dụng với mức lãi suất cố định. Tổng cộng, số tiền mà ngân hàng này huy động được trong 2 đợt phát hành là 6.000 tỷ đồng. HDBank sử dụng vốn này để tiếp tục tăng quy mô vốn hoạt động, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn, đáp ứng nhu cầu vốn cho vay trung dài hạn của khách hàng.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi dưới hình thức ghi sổ,có ghi tên người sở hữu,không có tài sản bảo đảm, không phải là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành, thanh toán bằng đồng Việt Nam. Cả hai đợt phát hành trái phiếu đều theo phương thức phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư. Đối tượng mua trái phiếu không bao gồm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và công ty con của TCTD.

Gần đây, nhiều ngân hàng cũng đã huy động vốn thành công qua kênh trái phiếu. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã huy động được 2.435 tỷ đồng từ hơn 3.300 trái chủ. Trái phiếu có kỳ hạn 10 năm và áp dụng lãi suất thả nổi (bằng mức lãi suất bình quân cộng biên độ lãi suất cộng 0,8%).(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục