2 mặt hàng sẽ tăng giá mạnh nếu Anh rời EU
Qatar giảm xuất khẩu sản phẩm ngưng tụ trong tháng 1/2017
BoE quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,5%
Hòa Phát: Thép Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với thép Trung Quốc
BMW: Doanh số bán xe tại Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất khu vực
Tin kinh tế đọc nhanh 05-12-2015
- Cập nhật : 05/12/2015
Nhiều doanh nghiệp Nhật chuyển từ Trung Quốc qua Việt Nam
Nhiều doanh nghiệp Nhật đã rút lui khỏi thị trường Trung Quốc, đóng cửa hẳn nhà máy, và hầu hết họ đều chọn điểm đến thay thế là Việt Nam. Tại sao?
“TPP và Việt Nam” là từ khóa mới đang được giới doanh nghiệp ở Nhật Bản đề cập đến nhiều nhất, ông Tetsuo Kaneko, nguyên Tổng giám đốc tập đoàn Lotte Việt Nam cho biết như vậy trong chuyến làm việc của doanh nghiệp VN ở Nhật Bản vừa kết thúc ngày 4-12.
Đây cũng là chuyến xúc tiến thương mại tư nhân đầu tiên kể từ khi đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tuyên bố hoàn tất.
Ông Tetsuo Kaneko nói: “Tôi có hơn 50 người bạn trong năm qua đã rút lui khỏi thị trường Trung Quốc, đóng cửa hẳn nhà máy, và hầu hết họ đều chọn điểm đến thay thế là Việt Nam. Tôi cho rằng, từ khóa quan trọng nhất của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian sắp tới sẽ là TPP và Việt Nam”.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, chủ tịch CLB Doanh nghiệp Dẫn đầu LBC cho biết các nhà đầu tư Nhật Bản đang truyền nhau lời khuyên “3 số 1” để chia sẻ bí quyết thành công tại VN.
Đó là: hãy tìm một đối tác có cùng một tầm nhìn, một hệ giá trị và một sự thành công giống nhau. “Các doanh nhân Nhật Bản bày tỏ quan tâm nhiều đến vấn đề tái cấu trúc và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm đồ uống và y tế, dược phẩm”, ông Trai nói.
Theo dự báo xu hướng đầu tư, mua bán sáp nhập doanh nghiệp Việt - Nhật do công ty E&Y Nhật Bản cung cấp, sau TPP ngành dệt may, bất động sản, nhà hàng vẫn luôn hứa hẹn.
Thêm vào đó, cùng với sự gia tăng mức sống của người dân Việt Nam, thì nhóm sản phẩm hàng cao cấp và nhiều giá trị gia tăng cũng là lựa chọn mang tính chiến lược của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Tuy nhiên, trao đổi với hơn 100 nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản, ông Trai cũng cho biết đại diện VN cũng trao đổi thẳng thắn những hạn chế còn tồn tại trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Trai khẳng định: “Những điểm chưa tốt đang được hoàn thiện dần, nhưng bệ phóng TPP, nỗ lực đặc biệt của chính phủ hai nước và đòn bẩy TPP đang thực sự giải phóng nguồn năng lượng hợp tác kinh tế giữa doanh nghiệp hai nước”.
Tạm giữ 2 người Trung Quốc nghi lừa bán vàng giả
Hai nghi can này đang chuẩn bị trốn sang Campuchia thì bị công an tỉnh Tây Ninh bắt giữ và được di lý về Đồng Nai để điều tra.
Chiều 4-12, tin từ công an tỉnh Đồng Nai cho biết lực lượng công an đang tạm giữ hai nghi can người Trung Quốc nghi liên quan đến vụ lừa đảo trên 10 tỉ đồng ở tiệm vàng Ngọc Phát (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) vào chiều 2-12.
Hai nghi can này đang chuẩn bị trốn sang Campuchia thì bị công an tỉnh Tây Ninh bắt giữ và được di lý về Đồng Nai để điều tra.
Công an Đồng Nai cho biết hiện vẫn đang điều tra mở rộng xác định những nghi can này có phải trực tiếp lừa đảo tiệm vàng Ngọc Phát hay không nên chưa thể cung cấp tên tuổi nghi can và tình tiết vụ việc.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, chiều 2-12 một nhóm gồm ba người Trung Quốc và một thông dịch viên nữ người Việt đã đến tiệm vàng Ngọc Phát đóng tại phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, để bán 58kg vàng cám với giá hơn 10 tỉ đồng. Sau khi chủ tiệm vàng cho nấu thử một số vàng cám thì xác định là vàng thật nên giao tiền.
Sau khi lấy đủ hơn 10 tỉ đồng tiền mặt, nhóm này đi thì chủ tiệm vàng Ngọc Phát mới phát hiện bị lừa nên đã trình báo cơ quan công an.
Qua điều tra ban đầu, công an xác định nhóm người trên đã từng hai lần đi cùng hai thông dịch viên khác nhau đến tiệm vàng Ngọc Phát để bán vàng cám tương tự như trên nhưng số lượng ít.
Nhập khẩu điều thô của Việt Nam tăng mạnh
Theo Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), 10 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập 795.450 tấn điều thô, tăng 11% về lượng so với cùng kỳ 2014, hoàn thành 99,4% kế hoạch nhập khẩu năm 2015. Đặc biệt, nếu so với sản lượng điều nhập khẩu cả năm 2014 thì 10 tháng đầu năm tăng 37%. Trong đó, 297.000 tấn điều thô từ Bờ Biển Ngà, 102.000 tấn điều thô từ Campuchia, số còn lại đến từ nhiều quốc gia ASEAN khác...
Nguyên nhân khiến lượng hàng nhập tăng mạnh là do hàng trong nước sụt giảm, cùng với đó, nhiều đơn hàng của cuối 2014 bị hoãn nên số lượng này chuyển sang đầu năm 2015.
Dự báo về vụ mùa 2016, Vinacas cho hay, với những diễn biến của tình hình thời tiết như hiện nay, khả năng điều năm nay sẽ cho thu hoạch sớm và tập trung. Bởi lẽ, ở một số vùng tại Bờ Biển Ngà, Ấn Độ và Việt Nam, điều đã ra bông. Giới kinh doanh đã bắt đầu mua nhỏ giọt để chờ đợi 3 mùa vụ lớn nhất của thế giới chuẩn bị diễn ra. Đối với điều Đông Phi và Indonesia, do chất lượng đã xuống nên giá cũng không thể tăng mặc cho những nỗ lực của người bán.
Châu Âu hạ lãi suất xuống thấp kỷ lục
Chủ tịch ECB - ông Mario Draghi hôm nay cho biết chương trình mua lại tài sản trị giá 60 tỷ euro (64 tỷ USD) của cơ quan này sẽ được gia hạn đến ít nhất là tháng 3/2017. Ông cũng cho biết chương trình sẽ mở rộng để bao gồm các khoản nợ địa phương. Tuy nhiên, quy mô sẽ không thay đổi.
Trong khi đó, việc hạ lãi suất tiền gửi là nhằm thúc đẩy các ngân hàng cho vay nhiều hơn và hỗ trợ đà phục hồi kinh tế. Trong quý III, GDP khu vực này chỉ tăng 0,3%, thấp hơn so với 0,4% quý trước đó. Eurozone hiện gồm 19 quốc gia cùng sử dụng đồng euro.
"Quyết định của chúng tôi sẽ củng cố đà phục hồi kinh tế của khu vực đồng euro và ngăn ngừa ảnh hưởng từ các cú sốc kinh tế toàn cầu", USA Todaytrích lời ông Draghi trong buổi họp báo tại Frankfurt (Đức) cho biết.
ECB đang làm điều hoàn toàn ngược lại so với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). FED đã sẵn sàng nâng lãi suất trong tháng này, lần đầu tiên trong gần một thập kỷ. Trong khi đó, ECB phải tung thêm kích thích để thúc đẩy tăng trưởng và chống lạm phát thấp.
Sự khác biệt về chính sách này được dự báo tác động lên thế cân bằng của các thị trường không chỉ năm nay, mà còn một thời gian dài nữa.
Ngành da giày lao đao vì quy định kiểm dịch thú y da thuộc
Hiệp hội da giày VN vừa có văn bản gởi các bộ phản đối về việc đưa da thuộc vào áp dụng kiểm dịch thú y.
Hiệp hội da giày VN (Lefaso) vừa có văn bản gởi các bộ: Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công thương và Tổng cục Hải quan, phản đối về việc đưa da thuộc (là một loại da thành phẩm) phải áp dụng kiểm dịch thú y theo quyết định số 4758/QĐ-BNN-TY do bộ NN&PTNT ban hành hôm 18-11.
Theo các chuyên gia trong ngành da giày, da chưa qua quá trình thuộc được gọi là da nguyên liệu. Da đã trải qua quá trình thuộc da có sử dụng các hóa chất gọi là da thành phẩm. Do sử dụng các hóa chất để thuộc nên da thành phẩm không còn vi khuẩn và mầm bệnh.
Chính vì vậy, da thuộc để sử dụng sản xuất giày dép, túi xách là da thành phẩm, “vốn đã được kiểm nghiệm trước khi xuất, không liên quan đến dịch bệnh và không có khả năng lây bệnh”, công văn của Lefaso khẳng định.
Trong khi đó, hiện năng lực cung ứng da thuộc trong nước chỉ mới đáp ứng chưa tới 40% nhu cầu của doanh nghiệp, hàng năm phải nhập khẩu 60% lượng da cần thiết, tương ứng khoảng 500 triệu square feet (đơn vị đo da quốc tế). Nên việc áp dụng kiểm dịch đối với da thuộc là không phù hợp đối với da thành phẩm, tạo ra một sức ép rất lớn về thời gian và chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
Đáng ngạc nhiên hơn, quyết định ban hành ngày 18-11-2015 và có hiệu lực ngay lập tức kể từ ngày ký thì đến cuối tháng 11-2015, doanh nghiệp mới biết được thông tin khi hàng hóa nhập về bị yêu cầu kiểm dịch.
Trong khi đó, theo quy định về kiểm dịch, doanh nghiệp phải khai báo ít nhất 15 ngày trước khi hàng nhập đến cửa khẩu, khiến nhiều lô hàng của các doanh nghiệp hiện đang bị ách tắc ngoài cảng, không thể thông quan được.
Ngoài việc kiến nghị loại bỏ da thuộc ra khỏi danh mục bắt buộc kiểm dịch, Lefaso còn đề nghị các bộ liên quan chấp thuận cho doanh nghiệp nhập da sống, hoặc da sơ chế dùng cho công nghiệp thuộc da được thực hiện việc kiểm dịch tại nguồn (nơi nhập khẩu).
Việc này nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí phí lưu kho tại cảng, giải phóng hàng nhanh và giảm thiểu được các rủi ro về cho an toàn vệ sinh dịch tể do lưu hàng lại tại cảng.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, trước đó Bộ NN&PTNT đã từng ban hành thông tư quy định mặt hàng da thuộc phải kiểm dịch khi làm thủ tục nhập khẩu. Tuy nhiên, khi Lefaso có công văn kiến nghị thì bộ này đã đồng ý đưa da thuộc ra khỏi danh mục kiểm dịch tại các cửa khẩu.
“Chúng tôi không hiểu vì sao quy định này lại tái lập. Các doanh nghiệp, lẫn hiệp hội ngành hàng cũng không hề được Bộ NN&PTNT tham vấn trước khi ban hành quyết định 4758 nói trên”, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu da giày có quy mô lớn khu vực phía Nam thắc mắc.