tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 02-06-2018

  • Cập nhật : 02/06/2018

80 doanh nghiệp Trung Quốc sẽ sang Bắc Giang thu mua vải thiều

Sau hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở thành phố Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã có 80 doanh nghiệp được mời sang Bắc Giang tìm hiểu thị trường, thu mua vải thiều.

vai thieu chin som, trong theo tieu chuan vietgap tai h.tan yen bac giang van duoc cac doanh nghiep thu mua voi gia cao - anh phan hau

Vải thiều chín sớm, trồng theo tiêu chuẩn VietGap tại H.Tân Yên Bắc Giang vẫn được các doanh nghiệp thu mua với giá cao - ẢNH PHAN HẬU

Trao đổi với Thanh Niên chiều nay, 31.5, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, cho biết hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại thành phố Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc trong ngày 29.5 đã diễn ra thành công tốt đẹp, thu hút rất đông doanh nghiệp Trung Quốc tham dự.

UBND tỉnh Bắc Giang đã vận chuyển gần 3 tấn vải chín sớm tại H.Tân Yên để giới thiệu vào chào hàng tại hội nghị. Cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến vụ vải năm nay, khi chất lượng quả vải cao hơn năm ngoái.

Cũng theo ông Trần Quang Tấn, trong số hàng trăm doanh nghiệp đến dự hội nghị này, tỉnh Bắc Giang đã chính thức mời 80 doanh nghiệp sang Việt Nam trong ngày 8.6 tới đây trực tiếp lắng nghe công tác chuẩn bị tiêu thụ vải, cũng như khảo sát thực tế vùng trồng vải tại Bắc Giang. Hiện tại trên địa bàn H.Tân Yên và Lục Ngạn, lác đác có doanh nghiệp, thương lái Trung Quốc sang đặt điểm cân thu mua vải chín sớm.

Thông tin về thị trường vải năm nay, ông Nguyễn Văn Thọ, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, cho biết vải thu hoạch hiện tại là loại vải u hồng chín sớm. Thời điểm đầu vụ, giá vải này cao nhất 40.000 - 45.000 đồng/kg.

Khảo sát trong ngày hôm nay, giá vải thiều trồng theo tiêu chuẩn VietGap được các doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, còn ngoài thị trường, các điểm cân cũng thu mua với mức giá 15.000 - 20.000 đồng/kg. “Thị trường vải chín sớm đầu vụ năm nay cao ngang ngửa so với giá cùng thời điểm năm ngoái, thị trường tiêu thụ vải của nông dân vẫn diễn ra bình thường, không có biến động”, ông Thọ khẳng định.

Ông Thọ cũng cho hay, theo quy luật thông thường của thị trường hàng năm, khi càng sâu vào vụ, giá vải sẽ càng cao hơn. Vải thiều chính vụ bao giờ cũng có giá bán cao hơn nhiều so với loại vải chín sớm. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp đến các vùng trồng vải thu mua mỗi ngày một gia tăng sẽ tạo ra tính cạnh tranh, tăng sản lượng tiêu thụ và giữ cho giá thu mua tăng dần, giữ thị trường ổn định.(Thanhnien)
---------------------

Giá cá tra sẽ ở mức cao trong năm 2018

Trong 5 tháng đầu năm nay, sản lượng cá tra ước đạt 485.000 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Giá cá tra nguyên liệu dự báo duy trì ở mức cao trong năm 2018 /// Ảnh: Công Hân

Giá cá tra nguyên liệu dự báo duy trì ở mức cao trong năm 2018 - ẢNH: CÔNG HÂN

Một số tỉnh nuôi cá tra trọng điểm như Đồng Tháp sản lượng đạt 162.000 tấn, tăng 8%; An Giang đạt 125.000 tấn, tăng 9%; Cần Thơ 74.000 tấn, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.

Dù nguồn cung tăng nhưng sản lượng vẫn không đủ phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu, đẩy giá cá tra tăng mạnh. Cá loại một hiện đang ở mức 31.000 - 33.000 đồng/kg, cao nhất trong nhiều năm qua.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo với tình hình hiện nay nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu vẫn không đáp ứng đủ nên giá cá tra sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và có thể kéo dài cả năm 2018.

Trong 4 tháng đầu năm xuất khẩu cá tra tăng trưởng 18%, đạt giá trị gần 600 triệu USD. Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với giá trị đạt tới 145 triệu USD trong khi Mỹ chỉ có 108 triệu USD.

Xuất khẩu cá tra sang Mỹ thời gian qua gặp nhiều khó khăn về thuế và các hàng rào kỹ thuật. Ngoài ra, một thị trường quan trọng khác của con cá tra Việt Nam là EU cũng sụt giảm đáng kể.(Thanhnien)
------------------------

1 triệu nhân viên ngân hàng đình công trên khắp Ấn Độ

Khoảng 1 triệu nhân viên nhà băng trên toàn Ấn Độ vừa đình công hôm 30.5. Họ đòi lương bổng khá hơn và yêu cầu chính phủ mạnh tay với các doanh nghiệp cố tình vỡ nợ trên số tiền đã vay.

 /// Ảnh: AFP

Ảnh: AFP

Theo AFP, khoảng 5.000 người lao động vừa hô vang khẩu hiệu và cầm biểu ngữ tại một cuộc biểu tình ở thủ đô tài chính Mumbai, người đứng đầu công đoàn Devidas Tuljapurkar cho hay. Những người biểu tình cho rằng họ chính là người phải trả giá cho núi nợ xấu của đất nước.

Các ngân hàng khốn khó của nước này đang gánh nợ thuộc hàng cao nhất trong số các thị trường mới nổi. Họ cõng trên lưng hàng tỉ USD nợ xấu. Cuộc đình công kéo dài hai ngày kết thúc vào hôm nay 31.5. Hàng chục nghìn chi nhánh của các ngân hàng thương mại và ngân hàng nhà nước đóng cửa, làm tê liệt hoạt động ở một số vùng của đất nước.

Những người đi biểu tình không hài lòng với mức tăng lương 2% được đề xuất. Mức tăng lương trên còn thấp hơn lạm phát 4,5% của Ấn Độ. Chuyện nợ xấu thì được cả nước chú ý từ tháng 3.2016, khi tài phiệt bia và hàng không Vijay Mallya trốn sang Anh để không phải trả khoản nợ gần 1 tỉ USD với ngân hàng. Đầu năm nay, chính phủ cho biết các khoản nợ xấu đã lên đến hơn 120 tỉ USD.

Nợ cao đồng nghĩa với việc các nhà băng gặp rủi ro trong việc tiếp tục cho vay đến các khoản đầu tư, kiềm chân tăng trưởng kinh tế. Chính phủ đang cố gắng giúp các ngân hàng nhà nước làm sạch sổ sách.

Tháng 10.2017, chính phủ phê duyệt kế hoạch tái cấp vốn 32 tỉ USD cho các nhà băng gặp khó. Ngân hàng trung ương Ấn Độ cũng có nhiều quyền hạn hơn. Họ có thể can thiệp vào các khoản nợ xấu, yêu cầu các ngân hàng đối phó với các khoản nợ theo luật phá sản mới.

Ông Tuljapurkar cho hay: "Chúng tôi đã và đang tích cực yêu cầu chính phủ mạnh tay với những công ty lớn, các hãng không có khả năng thanh toán nợ. Nếu không làm điều này, ngân hàng Ấn Độ không thể hồi sinh”. Ông này cho biết thêm khối lượng công việc của nhân viên ngân hàng tăng lên kể từ khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhận chức cách đây bốn năm và khởi động một số sáng kiến kinh tế.

Một trong số các động thái tài chính của ông Modi là việc bất ngờ đổi tiền năm 2016, vô giá trị 86% tiền mặt trong lưu thông, khiến nhiều người phải xếp hàng dài ở các cây ATM và ngân hàng để đổi tiền cũ, nhận tiền mới. Nhiều dân Ấn Độ nghèo hơn vốn phụ thuộc vào tiền mặt đã phải tất tả đi mua nhu yếu phẩm vì sợ tiền tiết kiệm ít ỏi của họ “bốc hơi”.(Thanhnien)
------------------------

Chiến lược 'chập chờn' của ông Trump với Trung Quốc có thể phản tác dụng

Nhà Trắng mới đây lại bất ngờ thay đổi giọng điệu thương mại với Trung Quốc.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump gần đây đã đưa ra những thông điệp lộn xộn về thương mại với Trung Quốc  /// Ảnh: Reuters

Chính quyền Tổng thống Donald Trump gần đây đã đưa ra những thông điệp lộn xộn về thương mại với Trung Quốc - ẢNH: REUTERS

Chỉ 10 ngày trước, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cho biết họ đã đồng ý không áp đặt thuế quan mới lên hàng hóa của nhau, và Trung Quốc sẽ tăng cường mua hàng hóa, dịch vụ của Mỹ để giảm bớt tình trạng mất cân bằng thương mại.

Tuy nhiên, Nhà Trắng hôm 29.5 đột ngột thay đổi giọng điệu, tuyên bố sẽ đánh thuế hàng loạt hàng hóa của Trung Quốc với giá trị 50 tỉ USD, đồng thời hạn chế đầu tư vào các công nghệ quan trọng. Bắc Kinh cho rằng thông báo này “rõ ràng vi phạm sự đồng thuận mà hai bên đã đạt được trong cuộc đàm phán mới đây ở Washington”.

Một trong những chiến thuật chính của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong đàm phán chính là tính cách không thế đoán trước. Ông Trump cũng có thói quen đe dọa hành động đơn phương để cố gắng tận dụng đòn bẩy trong các tranh chấp thương mại. Nhưng chiến lược của ông Trump đối với Trung Quốc đang làm các chuyên gia thương mại bối rối, thất vọng. Họ nghĩ rằng cách thay đổi thái độ đột ngột cuối cùng sẽ cản trở khả năng Washington có được điều mình muốn từ Bắc Kinh.

“Nếu chúng ta đang cố gắng thay đổi hành vi thương mại của Trung Quốc, thì những tín hiệu ồn ào này sẽ không giúp ích được gì”, Phil Levy, thành viên cao cấp về kinh tế toàn cầu tại Chicago Council on Global Affairs, đồng thời là cựu chuyên gia kinh tế của chính quyền Tổng thống George W.Bush, nói.

Sự thiếu nhất quán trong các quyết định của Mỹ đối với Trung Quốc vốn bắt nguồn từ nội bộ chính quyền ông Trump, với những khác biệt quan điểm phức tạp ngay từ đầu. Khi ông Trump chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đe dọa đánh thuế 50 tỉ USD giá trị hàng xuất khẩu của Trung Quốc hồi tháng 3.2018, sau cuộc điều tra kéo dài hàng tháng về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, những người ủng hộ thắt chặt thương mại trong chính quyền ông Trump coi đó chiến thắng. Tuy nhiên, trong những tuần tiếp theo, đàm phán giữa Mỹ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tập trung vào các mối quan tâm hẹp hơn, chẳng hạn như thâm hụt thương mại song phương.

Đầu tháng này, cả hai bên đều cho biết họ đã đạt được thỏa thuận ban đầu và Trung Quốc sẽ “tăng đáng kể” việc mua hàng hóa của Mỹ. Song, sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo điều này, gần như ngay lập tức ông Lighthizer đã đưa ra tuyên bố cảnh báo rằng vấn đề lớn giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết, thuế quan, hạn chế đầu tư và quy định xuất khẩu đang được xem xét.

“Trung Quốc không có lý do gì để giải quyết các vấn đề mà Mỹ đưa ra nếu các ưu tiên của chính phủ không nhất quán. Khi chương trình nghị sự thương mại vẫn còn đang dao động giữa Mnuchin và Lighthizer, thì Mỹ sẽ không thúc đẩy được bất cứ ai, đặc biệt là Trung Quốc, bắt đầu thực hiện những nhượng bộ lớn”, Eric Albach, phó chủ tịch cấp cao của Albright Stonebridge Group, nguyên phó trợ lý đại diện thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, nói.

Theo ông Levy, các thông điệp lộn xộn cũng làm suy yếu vị trí của Mỹ bằng cách giảm cơ hội hợp tác. Nếu cuộc chiến thực sự là về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, Mỹ có thể kêu gọi thêm một số đồng minh để giúp gia tăng áp lực. Nhưng có khả năng họ sẽ không tham gia nếu Mỹ vẫn tiếp tục đột ngột thay đổi thái độ và chỉ tập trung vào giảm thâm hụt thương mại.

Có một vài lý do chiến thuật khiến chính quyền ông Trump quyết định đi trước với tuyên bố áp đặt thuế quan và hạn chế đầu tư của Trung Quốc. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross dự kiến sẽ đến Trung Quốc vào cuối tuần này để thảo luận thêm. Và đây có thể là nỗ lực của Washington nhằm đạt được ảnh hưởng trước cuộc đàm phán này, theo nhận định của ông William Reinsch, cố vấn cấp cao tại Center for Strategic and International Studies, đồng thời cũng là người từng phục vụ trong chính quyền Tổng thống Bill Clinton. Ngoài ra, ông Trump cũng đang phải đối mặt với áp lực chính trị đáng kể từ Quốc hội trong những ngày gần đây vì đã giải cứu hãng viễn thông Trung Quốc ZTE.

“Thông điệp đằng sau tuyên bố thuế quan hôm 29.5 có thể hướng đến các đối tượng chính trị trong nước cũng nhiều như nó hướng đến chính phủ Trung Quốc. Nhưng dù bằng cách nào đi nữa, thay đổi lặp đi lặp lại trong chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc chỉ khiến các cuộc đàm phán sắp tới khó thành công”, ông Reinsch nói.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục