tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 02-10-2017

  • Cập nhật : 02/10/2017

Dù mua lại Trần Anh, Thế giới Di động vẫn vướng tin đồn “bán mình”

Không chỉ đang thực hiện một số thương vụ M&A với đối tác Trần Anh và trong ngành dược phẩm, dư luận bán tín bán nghi việc Thế giới Di động cũng sẽ bán cổ phần chi phối cho đối tác nước ngoài.

khong chi co mang luoi cua hang hung hau o trong nuoc, tgdd con dang thu suc tai thi truong campuchia

Không chỉ có mạng lưới cửa hàng hùng hậu ở trong nước, TGDĐ còn đang thử sức tại thị trường Campuchia

 

Gần đây, giới kinh doanh trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ Việt Nam có đồn đoán, cùng với việc thực hiện một số thương vụ M&A với các đối tác trong lĩnh vực điện máy, dược phẩm, Công ty cổ phần Thế giới Di động (TGDĐ) cũng sắp "bán mình". Những động thái PR mạnh mẽ trong thời gian qua nhằm phục vụ cho việc "bán mình" đó. 

Tuy nhiên, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc TGDĐ khẳng định hoàn toàn không có chuyện TGDĐ “bán mình”.

“Ai mua được TGDĐ thì tìm giúp tôi. Nhiều khả năng chúng tôi còn tìm mua thêm đối tác khác. Nhiều khi anh Nguyễn Đức Tài ở trong buổi gặp gỡ nào đó, có nói lời những lời có liên quan đến M&A, nhưng bị người nghe hiểu nhầm sang một hướng khác", ông Doanh nói.

Hiện TGDĐ đang tập trung công sức mua lại điện máy Trần Anh. Hai bên sẽ chính thức công bố hoàn tất thương vụ này trong tháng 10/2017.

Để chuẩn bị cho sự kiện công bố chính thức, Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh đã bổ nhiệm hai nhân sự cấp cao của Thế giới Di động vào vị trí Giám đốc tài chính và Phó tổng giám đốc công ty.

Theo nội dung biên bản và Nghị quyết Hội đồng quản trị công bố chiều tối qua, Điện máy Trần Anh đã miễn nhiệm chức vụ Giám đốc Tài chính của ông Trần Thanh Tùng (người được bổ nhiệm vào đầu năm 2017). Công ty đồng thời bổ nhiệm chức vụ quyền Giám đốc Tài chính và chủ tài khoản của Trần Anh đối với ông Vũ Đăng Linh.

Ông Linh sinh năm 1975, giữ chức Giám đốc tài chính của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động. Theo quyết định, ông Linh được quyền ký kết các hợp đồng vay nhân danh doanh nghiệp này, quản lý thu chi...

Ngoài ra, Trần Anh cũng thông qua việc bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc đối với ông Võ Hà Trung Tín (sinh năm 1984), người đang giữ chức Giám đốc vùng miền Bắc của Điện máy Xanh.

Ông Tín sẽ làm việc tại Trần Anh với vai trò người đại diện ký kết các giao dịch hợp đồng với bên thứ 3, để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, vận hành của đơn vị này.

Thương vụ mua bán sáp nhập giữa Thế giới Di động và Trần Anh vẫn chưa có thông tin chi tiết về giá cả và số lượng cổ phần. Đại diện Trần Anh cho biết giá trị của thương vụ này sẽ được cả hai bên công bố trong tháng 10/2017.

Thông tin Thế giới Di động mua lại chuỗi siêu thị điện máy Trần Anh được giới truyền thông chú ý từ giữa tháng 8. Với nhiều lời đồn đoán khác nhau.

Hiện hệ thống điện máy Trần Anh hiện sở hữu 39 trung tâm tại nhiều tỉnh thành ở miền Bắc và miền Trung. Hà Nội là thị trường lớn nhất được Trần Anh phủ tới 14 điểm bán.

Trước đó, Trần Anh cũng đã công bố kết quả lấy ý kiến cổ đông về việc chuyển nhượng cổ phiếu TAG cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (thực hiện các giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phiếu Trần Anh, sở hữu trên 25% vốn điều lệ TAG và không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai), với tỷ lệ biểu quyết thông qua là 97,29%.

Trong đó, số lượng cổ phần sở hữu bởi cổ đông không phải là cổ đông lớn biểu quyết thông qua là 4.038.980 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 85,727% trên tổng cố cổ phần có quyền tham gia biểu quyết của các cổ đông không phải là cổ đông lớn.(Baodautu)
------------------------

SsangYong - ôtô Hàn Quốc muốn lắp ráp tại Việt Nam

Thương hiệu xe hơi xứ sở Kim Chi hợp tác với Daehan Motors lắp ráp các sản phẩm hãng đang bán trên thị trường Việt.

 

ssangyong tivoli tai viet nam.anh:luong dung.

SsangYong Tivoli tại Việt Nam.Ảnh:Lương Dũng.

 

Đề xuất mới của Bộ Công thương về không đánh Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước, nhằm ưu đãi tối đa xe sản xuất tại Việt Nam, tạo lợi thế so với xe nhập khẩu. Chia sẻ với PV trong chuyến thăm quan nhà máy SsangYong tại Hàn Quốc hôm 18/9, đại diện Daehan Motors Việt Nam cho biết, đơn vị này đang lên kế hoạch xây dựng dây chuyền lắp ráp.

Nếu hãng mẹ "bật đèn xanh", Daehan Motors sẽ là đơn vị liên doanh đầu tiên ở Việt Nam cũng như ở Đông Nam Á lắp ráp xe SsangYong. Những mẫu xe Daehan Motors dự kiến lắp ráp như Stavic, G4 Rexton, Tivoli hoặc pick-up, ông Kang Chulmin chia sẻ. "Đây chỉ là dự kiến, còn thực tế, chúng tôi vẫn đang thăm dò và đánh giá thị trường" vị giám đốc Daehan Motors cho biết thêm.

Daehan hiện có nhà máy lắp ráp xe tải thương hiệu Teraco tại TP HCM, công suất 20.000 xe mỗi năm. Nếu đề xuất thuế trên được thông quan sẽ tạo lợi thế rất lớn về giá đối với ôtô sản xuất trong nước. Khi đó giá sàn mới sẽ thấp hơn, dễ tiếp cận với số đông người Việt Nam.

SsangYong thành lập năm 1954, một trong những thương hiệu ôtô đầu tiên tại Hàn Quốc. Hiện nay, những mẫu xe SsangYong đang bán ra gồm Chairman W, G4 Rexton, Tivoli, Tivoli XLV, Korando C, Actyon Sport (pick-up), Korando Turismo (Stavic). Trong đó, Tivoli là mẫu SUV cỡ nhỏ bán chạy nhất của SsangYong.

ssangyong-oto-han-quoc-muon-lap-rap-tai-viet-nam-1

Dây chuyền lắp ráp xe SsangYong. Ảnh:Lương Dũng.

Thành lập giữa 2015, Daehan Motors là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, chính thức đưa SsangYong trở lại Việt Nam với những mẫu xe chiến lược nhập khẩu từ Hàn Quốc như Tivoi, Stavic, Rexton hay Tivoli XLV. Daehan là nhà nhập khẩu độc quyền, hợp tác với nhiều doanh nghiệp khác để phát triển mạng lưới phân phối.

Ở triển lãm ôtô quốc tế VIMS sắp tới, SsangYong lần đầu tham dự dự kiến giới thiệu đến khách hàng Việt Nam những mẫu xe mà Daehan Motors đang phân phối. VIMS 2017 diễn ra từ ngày 25-29/10 tại TP HCM.(Vnexpress)
-----------------------

Nhà giàu Trung Quốc dần mất hứng thú với “visa vàng” của Mỹ

Thời gian chờ đợi lâu và nỗ lực của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn chuyển tiền ra nước ngoài khiến cho người Trung Quốc mất nhiệt tình với chương trình thị thực nhập cư dạng đầu tư (EB-5) của Mỹ.

 

gioi nha giau trung quoc giam nhiet tinh voi "visa vang" cua my vi phai cho doi lau va chuyen tien kho khan. anh: reuters

Giới nhà giàu Trung Quốc giảm nhiệt tình với "visa vàng" của Mỹ vì phải chờ đợi lâu và chuyển tiền khó khăn. Ảnh: Reuters

 

Theo CNN, nhiều năm qua công dân Trung Quốc là lực lượng chiếm thế áp đảo trong hoạt động đầu tư định cư vào Mỹ theo chương trình EB-5, thường được gọi là “thị thực vàng”, với hàng chục ngàn đơn đăng ký, mặc cho chi phí không hề nhỏ, ít nhất cũng ở mức 500.000 USD. Tuy nhiên, những người trong ngành nói rằng họ đã và đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể nhu cầu visa EB-5 của người dân Đại lục trong năm nay do thời gian chờ đợi lâu và những nỗ lực ngăn chặn của Bắc Kinh khiến cho việc chuyển tiền ra nước ngoài của người dân trở nên khó khăn hơn.

“Trung Quốc là nạn nhân phổ biến của chương trình EB-5”, Ronald Klasko, một luật sư tại Philadelphia (Mỹ), nói. Đối với giới nhà giàu Trung Quốc, “thị thực vàng” là cách để chuyển tiền ra khỏi đất nước và đảm bảo những cơ hội tốt hơn cho con cái của họ. Nhưng việc sẵn sàng bỏ tiền, đổ xô nhau để có được chiếc vé vào Mỹ thông qua chương trình EB-5 của người Trung Quốc trong những năm qua đã gây ra tình trạng ứ đọng, khiến người nộp đơn phải chờ đợi nhiều năm mới có được thẻ xanh. Tình hình này cộng với nỗ lực hạn chế dòng tiền chảy ra bên ngoài của chính phủ Bắc Kinh đã khiến cho những người muốn đầu tư tiền của vào “thị thực vàng” phải suy nghĩ lại.

Tranh cãi xung quanh Jared Kushner

Sự băn khoăn của người dân quốc gia châu Á ngày càng gia tăng khi tương lai của chương trình EB-5 đang cho thấy những dấu hiệu thiếu chắc chắn. Chương trình EB-5 được thành lập vào năm 1990 để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ, nhưng đã vấp phải không ít sự chỉ trích vì thiếu minh bạch và dòng tiền được cho là đã chảy vào các khu đô thị giàu có. Chương trình này cũng trở thành nguồn tài chính quan trọng cho giới phát triển bất động sản ở Mỹ, đặc biệt là sau khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra khiến các ngân hàng không muốn cho vay tiền để đổ vào những dự án xây dựng.

Đầu năm nay tranh cãi nổi lên khi trong danh sách các dự án bất động sản cao cấp ở Mỹ xuất hiện nhiều dự án của gia đình ông Jared Kushner, con rể Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cụ thể, gia đình ông Kushner đang tìm kiếm khoản đầu tư 850 triệu USD từ chương trình EB-5, cũng như tiền mặt từ tập đoàn bảo hiểm Trung Quốc Anbang Insurance và nhiều nhà đầu tư khác để tái tài trợ và xây dựng tòa nhà văn phòng tại số 666 Fifth Avenua.

Theo phân tích của CNN về số liệu của chính phủ, số thị thực được cấp theo chương trình EB-5 cho người Trung Quốc đã tăng 80% trong hai năm qua.

Quá lâu để chờ đợi

Theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, người đăng ký “thị thực vàng” ở thời điểm này có thể phải đợi ít nhất 10 năm mới được cấp thẻ xanh vì số trường hợp chưa giải quyết còn sót lại khá lớn. “Tôi cảm thấy không cần thiết phải chờ đợi nhiều năm như vậy để có được thẻ xanh”, bà Li ở Bắc Kinh, người đã hy vọng sẽ giúp con trai bà có thẻ xanh thông qua “thị thực vàng” và gửi cháu trai của bà qua Mỹ học tập, nói.

Theo nhiều luật sư, bên cạnh mong muốn thoát khỏi môi trường sống ô nhiễm, nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm và sự không chắc chắn về chính trị, thì việc giúp con cháu có quyền cư trú cũng là một động lực lớn cho nhiều người Trung Quốc xin cấp thị thực sinh sống tại Mỹ. Nhưng thời gian chờ đợi lâu cũng có nghĩa trẻ em nhiều khả năng sẽ quá tuổi để được tự động cấp thẻ xanh.

Được biết những người bỏ tiền cho chương trình EB-5 sẽ không được hoàn trả lại tiền cho đến khi họ nhận được thẻ thường trú. Nếu công cuộc đầu tư này gặp vấn đề thì họ có thể mất toàn bộ số tiền.

“Họ đơn giản là bỏ cuộc”

Ngoài thời gian chờ đợi kéo dài, người dân Trung Quốc đầu tư vào “thị thực vàng” còn đối mặt với những rào cản tiềm ẩn khác, bao gồm việc Bắc Kinh thắt chặt chuyển tiền ra khỏi đất nước và sự không chắc chắn trong chính sách nhập cư của Tổng thống Trump.

Vanessa Piao, một người dân ở Bắc Kinh, cho biết cô cảm thấy may mắn khi giấy tờ có liên quan đến chương trình EB-5 của cô được xử lý vào mùa thu năm ngoái, trước khi Trung Quốc gia tăng sự kiểm soát dòng tiền chảy ra nước ngoài. Để huy động tiền mặt, gia đình Piao đã phải bán một căn hộ ở Bắc Kinh, sau đó tính tổng số 13 hạn ngạch hàng năm của họ hàng về lịch sử chuyển tiền ra nước ngoài để cuối cùng cô mới có thể chuyển tiền qua Mỹ. “Nhiều người dường như không thể chuyển tiền ra ngoài theo cách mà tôi đã cố gắng làm. Họ không thể chờ đợi, họ chỉ đơn giản là bỏ cuộc”, Piao cho hay.

Gary Pan, một luật sư ở New York có khách hàng chủ yếu là từ Đại lục, ước tính ông sẽ xử lý ít nhất 30% số trường hợp EB-5 trong năm nay. Một số nhà đầu tư bất động sản cũng nhận thấy sự thay đổi. Zhang Xun, một doanh nhân có công ty ở Chicago đã xây dựng bảy tòa nhà ở Oklahoma bằng cách sử dụng nguồn tài chính từ EB-5 của người Trung Quốc, cho biết vào năm 2015 ông đã dành 80% thời gian cho các dự án EB-5, nhưng trong năm nay ông không thực hiện bất cứ dự án nào có nguồn tiền từ “thị thực vàng”.

Song, sự giảm nhiệt của người Trung Quốc không có nghĩa chương trình EB-5 không còn nhận được sự quan tâm. “Chương trình EB-5 vẫn sẽ tiếp tục thu hút những người nước ngoài có thu nhập cao trên toàn thế giới, và lực lượng này sẽ bù đắp cho sự suy giảm từ Trung Quốc”, Văn phòng Dịch vụ Công dân và Di trú Ombudsman, viết trong báo cáo mới nhất.(Thanhnien)
------------------------

Tại sao số liệu kinh tế các tỉnh của Trung Quốc bị làm giả trên diện rộng?

Tình trạng gian dối số liệu xảy ra với quy mô lớn cho thấy phần lớn đất nước đã từng gian dối số liệu kinh tế. 

 

nhung trung tam thuong mai vang hoe tai tinh lieu ninh - trung quoc - anh: nikkei

Những trung tâm thương mại vắng hoe tại tỉnh Liêu Ninh - Trung Quốc - Ảnh: Nikkei

 

Chính Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường, cũng từng nói rằng số liệu kinh tế của Trung Quốc không đáng tin cậy. 

Trong năm 2017 này, người ta phát hiện thêm ít nhất đã có một tỉnh đã gian dối số liệu kinh tế, người ta không khỏi hoài nghi điều tương tự cũng đang diễn ra ở các tỉnh khác, theo bài báo mới đây được Nikkei đăng tải. 

Tháng Một năm nay, chủ tịch tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ông Chen Qiufa, đã thừa nhận tỉnh thổi phồng số liệu kinh tế đã nhiều năm, số liệu GDP được điều chỉnh tăng suốt từ năm 2011 đến năm 2014. 

Từ khi thông tin này chính thức được xác nhận, GDP danh nghĩa nửa đầu năm 2017 của tỉnh Liêu Ninh đã giảm đến 20% so với cùng kỳ. Trừ khi kinh tế Liêu Ninh trải qua một cuộc suy thoái bất thường, còn lại không có lý do gì để lý giải cho sự sụt giảm kinh khủng đó. 

Khi mà tăng trưởng GDP thực thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa, nhiều khả năng giới chức tỉnh đang “xào nấu” số liệu. Tại tỉnh Liêu Ninh, điều này xảy ra năm lần, từ tháng Một năm 2008 đến tháng Sáu năm 2017. 

Điều này diễn ra ở rất nhiều nơi. Số liệu tăng trưởng GDP thực bị bóp méo sáu lần tại các tỉnh Thiểm Tây, tỉnh Hắc Long Giang và khu vực Nội Mông. Tại tỉnh Hà Bắc, tỉnh Hà Nam và nhiều nơi khác, tình trạng làm giả số liệu kinh tế cũng xảy ra. 

Ngoài ra, tình trạng gian dối số liệu cũng được cho là xảy ra tại các tỉnh Cát Lâm, Chiết Giang, Sơn Đông, Thiểm Tây, Cam Túc, và khu tự trị Tân Cương. 

Trung Quốc có tổng số 31 tỉnh và đơn vị hành chính tương đương tỉnh, tình trạng gian dối số liệu xảy ra với quy mô như trên cho thấy phần lớn đất nước đã từng gian dối số liệu kinh tế. 

Cũng mới tháng Sáu năm nay, một cơ quan chống tham nhũng thuộc Đảng Cộng Sản Trung Quốc lên tiếng chỉ trích tỉnh Cát Lâm và khu vực Nội Mông làm giả số liệu kinh tế. 

Một yếu tố khiến nhiều quan chức tỉnh của Trung Quốc làm giả số liệu kinh tế chính là việc chính quyền trung ương đều đề ra tốc độ tăng trưởng GDP mục tiêu hàng năm. 

Chính quyền các tỉnh tất nhiên luôn thực sự cố gắng để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP như đã đề ra, tuy nhiên, họ cũng thường cố gắng làm cho đẹp số liệu để tốc độ tăng trưởng GDP vượt hoặc tối thiểu cũng bằng mục tiêu của chính quyền trung ương áp xuống.

Theo cuốn sách "Another Protracted War" bởi tác giả Zhao Changwen và Zhu Hongming, từ năm 2012 đến năm 2014, không có tỉnh nào có mức tăng trưởng GDP thấp hơn so với mục tiêu của chính quyền trung ương.

Số liệu tăng trưởng GDP được tính toán dựa trên GDP trung bình của các tỉnh. Vì vậy sẽ không hợp lý nếu số liệu tăng trưởng GDP của các tỉnh đều cao hơn GDP chung của cả nước. 

Một nhà nghiên cứu tại một cơ quan của chính phủ cho biết gần đây ông nghe thấy một tuyên bố gây choáng váng từ một quan chức tại Cục thống kê quốc gia: “Ồ, công việc của chúng ta là làm sao cho quan chức cấp cao hơn chúng ta thấy được những gì mà họ muốn thấy.”(bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục