Nhà nước thiệt đơn, thiệt kép với các dự án BT; Đất dành cho giao thông ở Hà Nội, TP HCM hiện chỉ đạt khoảng 50% quy định; Phó thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thanh tra 2 ngân hàng; Thời căn hộ giá rẻ 'đắt như tôm tươi'
Tin kinh tế đọc nhanh tối 02-10-2017
- Cập nhật : 02/10/2017
Doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn “khát” vốn
Bên cạnh ý tưởng, mô hình kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp cần có nhiều điều kiện quan trọng về nhân sự, chiến lược và về vốn.
Hiện nay, môi trường sản xuất kinh doanh của Việt Nam khá thuận lợi, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng nhiều, là những điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành. Trước đây, ý tưởng về một sản phẩm mới, một loại hình kinh doanh tốt là điểm mấu chốt để doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.
Hiện nay, tình hình đã khác, doanh nghiệp khởi nghiệp cần có nhiều điều kiện quan trọng hơn về nhân sự, chiến lược sản xuất kinh doanh và về vốn. Trên thực tế, yếu tố vốn đang mang tính quyết định và phần lớn doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn đang tìm vốn, khát vốn, lo lắng về vốn.
Anh Nguyễn Sắc Phong, Giám đốc dự án của Công ty cổ phần đầu tư Xuất nhập khẩu Nông Trang Xanh ở Quận 8, TP.HCM cho biết, công ty của anh và các đồng nghiệp bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sạch từ tháng 10/2016.
Đến nay, một số sản phẩm, dịch vụ với quy mô nhỏ đã được thị trường đón nhận. Muốn mở rộng quy mô như dự tính ban đầu khởi nghiệp, anh Phong tìm kiếm nguồn vốn từ nhiều nơi, nhưng đều thất bại. Cơ sở ban đầu của khởi nghiệp mà anh Phong có là ý tưởng và kiến thức về nông nghiệp sạch có thể không được phát triển nếu thiếu vốn
Cũng như vậy, anh Vũ Thiên Hoàng khởi nghiệp bằng ý tưởng kinh doanh và kiến thức về thị trường mỹ phẩm, thực phẩm nhập ngoại. Nhưng tìm nguồn vốn không được. Anh Hoàng đã phải kinh doanh nhỏ lẻ bằng vài chục triệu đồng của bạn bè, người thân góp lại. Anh cứ lấy lãi góp vào vốn cho đến khi thành lập được doanh nghiệp, tìm được nhà cung cấp uy tín thì mới có thể tin là mình khởi nghiệp tương đối thành công.
Với anh Hoàng, vốn trở thành yếu tố tiên quyết."Vốn là điều trăn trở nhất khi bắt đầu khởi nghiệp. Nếu không có vốn, không cầm đồng tiền trong tay thì mọi ý tưởng đều trở thành bế tắc. Mình huy động vốn từ người thân, nhưng rất ít ỏi nên phải cố gắng tìm tòi những dự án cho số lượng vốn ít đó và có mục tiêu rõ ràng trong sử dụng đồng vốn", anh Hoàng chia sẻ.
Trên thực tế, doanh nghiệp khởi nghiệp thường chỉ có kiến thức chuyên sâu về dự án, sản phẩm, lĩnh vực định sản xuất, kinh doanh nhưng lại thiếu kỹ năng kêu gọi đầu tư, thiếu kiến thức ở nhiều lĩnh vực liên quan như tài chính, quản trị…
Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp khi đi gọi vốn thường dễ dàng bỏ cuộc sau khi thuyết phục lần thứ nhất, thứ hai không thành công từ các quỹ đầu tư. Còn các ngân hàng thì phần lớn thường yêu cầu nhiều điều kiện vay vốn mà doanh nghiệp khởi nghiệp khó đáp ứng.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín- Sacombank thừa nhận, tính đến thời điểm này, ngân hàng vẫn đang xây dựng quy chế riêng và sản phẩm đặc trưng cho vay đối với doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo một số chuyên gia kinh tế, vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn có thể tìm từ các ngân hàng, các quỹ đầu tư. Vấn đề là phải có kiến thức và kỹ năng gọi vốn từ các ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ. Có rất nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư tư nhân để doanh nghiệp khởi nghiệp có thể gõ cửa, một số đơn vị sẵn sàng bỏ tiền đầu tư cho những dự án có tiềm năng phát triển và thành công.
Ông Hồ Trọng Lai, phụ trách khu vực châu Á của công ty tư vấn Waterstone Capital Partners LLC (Mỹ) cho rằng: doanh nghiệp khởi nghiệp muốn gọi vốn thì phải có một bản giới thiệu đề án thuyết phục với đề nghị cụ thể về vốn, thể hiện sự chuẩn bị về nhân sự, phương án sử dụng vốn và thu hồi vốn cùng quyết tâm thực hiện.
Có thể nói, hiện nay, cơ chế chính sách về thủ tục hành chính dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đang thuận lợi. Vấn đề còn lại là vốn, đã đến lúc các ngân hàng thương mại nên có nguồn vốn cho đối tượng là các doanh nghiệp khởi nghiệp với những tiêu chí cho vay phù hợp.
Quỹ Hỗ trợ doanh khởi nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý đã được thành lập với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng cần đưa đến đúng đối tượng và xác định rõ phía chủ doanh nghiệp sẽ tham gia bao nhiêu phần trăm còn lại bao nhiêu phần trăm hỗ trợ từ quỹ…
Doanh nghiệp cũng chủ động hơn trong tìm đến các quỹ đầu tư, nhà đầu tư mạo hiểm. Có như vậy “cơn khát vốn” của doanh nghiệp khởi nghiệp mới từng bước được giải quyết.(VOV)
-------------------
Trung Quốc cấm bitcoin, người chơi tự giao dịch với nhau
Không còn được giao dịch tiền ảo tự do, người Trung Quốc vẫn âm thầm trao đổi chúng thông qua mạng xã hội, ứng dụng trò chuyện...
Theo Reuters, việc mua bán tiền ảo, trong đó có đồng bitcoin vẫn diễn ra âm thầm tại Trung Quốc dù bị cấm. Thay vì công khai, các hình thức mua bán chủ yếu diễn ra trên các "chợ" dùng mạng ẩn danh, peer-to-peer và ứng dụng nhắn tin.
Theo nguồn tin, lệnh cấm khiến đa phần các nhà đầu tư ít kinh nghiệm bỏ cuộc. Tuy nhiên, những người đã sành sỏi chuyển qua các hình thức mua bán bí mật hơn. Bên cạnh trao đổi trong nước, họ còn giao thương với nước ngoài.
"Họ không để đặt các quy tắc để ngăn chặn tôi đầu tư vào những gì tôi muốn. Họ nói rằng đang bảo vệ tôi, nhưng tôi cho rằng nó tốt. Do đó, họ không nên can thiệp", một người chuyên mua bán bitcoin tên Victor cho biết. Ông từ chối tiết lộ tên họ đầy đủ vì lý do "nhạy cảm".
Ngày 4/9, Ngân hàng trung ương (PBOC) thông báo cấm tất cả các quá trình huy động vốn bằng tiền ảo, đồng thời yêu cầu các cá nhân, tổ chức tại Trung Quốc không được thực hiện mua bán, trao đổi tiền ảo.
Ngay sau khi thông điệp phát đi, giá nhiều đồng tiền ảo phổ biến như bitcoin, ethereum... lao dốc. Hơn 15 sàn giao dịch tiền ảo tại Trung Quốc, trong đó có 3 sàn có nhiều người chơi lớn là OkCoin, Huobi và BTCChina quyết định đóng cửa vào cuối tháng 9 này.
Việc Trung Quốc cấm tiền ảo cũng khiến giá trị đồng tiền này trên thế giới mất đi một phần giá trị. Tuy vậy, hiện tỷ giá của nó vẫn rất cao. Trong ngày 30/9, bitcoin đang ở mức 4.226 USD mỗi đồng trong khi ethereum là gần 300 USD mỗi đồng.(Vnexpress)
---------------------
Thuế 0% nhưng mực Việt bán sang Trung Quốc khiêm tốn
Việt Nam đứng thứ 23 khi xuất khẩu mực đông lạnh sang Trung Quốc mặc dù thuế suất của Việt Nam khi xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc cũng chỉ bằng 0%.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính riêng tháng 7-2017, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc 6,5 triệu USD các sản phẩm mực, bạch tuộc, tăng 226% so với tháng 6-2016, nâng tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này trong bảy tháng đầu năm 2017 đạt hơn 21 triệu USD, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2016.
Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu lớn vì thị trường này vừa nhập để tiêu dùng trong nước, vừa nhập để tái xuất. Bên cạnh đó, nước này nhập khẩu chủ yếu dạng nguyên liệu thô, giá trị không cao và đa số người dân Trung Quốc có thu nhập trung bình lại chỉ cần hàng ở mức bình dân, không khắt khe về chất lượng. Do vậy mà mặt hàng mực đông lạnh được nhập khẩu nhiều vào thị trường này.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa tận dụng khai thác tốt thị trường này. Trong bốn nước xuất khẩu mực sống tươi, ướp lạnh sang Trung Quốc thì chỉ có Việt Nam và Indonesia có thuế suất là 0%, hai nước còn lại có thuế suất lên tới 6%, tuy nhiên giá trị xuất khẩu của Việt Nam hiện chỉ bằng 1/2 so với Indonesia.
Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 23 khi xuất khẩu mực đông lạnh sang Trung Quốc mặc dù thuế suất của Việt Nam khi xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc cũng chỉ bằng 0%.
Việt Nam là nước đứng thứ ba xuất khẩu bạch tuộc đông lạnh sang Trung Quốc sau Nhật Bản và Mauritania. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng 1/2 so với nhà cung cấp đứng thứ hai là Mauritania mặc dù cả hai nước này đều có mức thuế suất bằng 0% khi xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc.(PLO)
--------------------------
‘Ông lớn’ lại muốn Chính phủ vay tiền nước ngoài
Cơ chế bảo lãnh Chính phủ sẽ đẩy nợ công tăng cao, người dân phải è lưng gánh những món nợ khổng lồ.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây đã kiến nghị lên các bộ, ngành xin cơ chế vốn vay bảo lãnh Chính phủ cho dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi. Dự án này do Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) quản lý, vận hành.
Món nợ khổng lồ chưa trả
Theo đó, tổng mức đầu tư dự án ước tính khoảng 1,8 tỉ USD với cơ cấu vốn chủ sở hữu trên vốn vay là 30%/70%. Như vậy khoản vay dự kiến lên đến 1,2 tỉ USD.
PVN cho rằng để đảm bảo khả năng thu xếp vốn cho dự án cần thiết phải có một số cơ chế đặc thù, ưu đãi về thuế đối với sản phẩm xăng dầu của nhà máy, trong đó có việc bảo lãnh vay vốn của Chính phủ.
“Nếu không có bảo lãnh vay vốn của Chính phủ, dự án sẽ rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay nước ngoài và vay thương mại. Công tác thu xếp vốn đang bị chậm nhiều so với kế hoạch có thể gây ảnh hưởng đến tiến độ lựa chọn nhà thầu EPC và tiến độ triển khai dự án” - PVN cho biết.
Trước đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng đã đề nghị Chính phủ đứng ra trả nợ thay cho Đạm Ninh Bình khoản vay 125 triệu USD, tương đương khoảng 2.750 tỉ đồng từ Ngân hàng China Eximbank của Trung Quốc. Nói cách khác, Vinachem muốn Chính phủ ứng tiền để trả nợ cho phía Trung Quốc thay cho Vinachem với số tiền trên 2.700 tỉ đồng.
Thực tế cho thấy chuyện những dự án của các “ông lớn” nhà nước được vay bảo lãnh, sau đó lại đòi Chính phủ đứng ra trả nợ thay như hai trường hợp trên không phải ít. Theo Bộ Tài chính, riêng trong giai đoạn 2011-2015 đã cấp bảo lãnh vay trong và ngoài nước cho 35 chương trình dự án với tổng số vốn khoảng 15,6 tỉ USD, trong đó vay nước ngoài lên đến 14 tỉ USD.
Vốn bảo lãnh chủ yếu tập trung vào các dự án thuộc lĩnh vực điện lực, dầu khí, hàng không và một số dự án xi măng, giấy.
“Hiện nay, quỹ tích lũy trả nợ định kỳ đang phải trả nợ thay cho nhiều dự án, doanh nghiệp (DN) nhà nước gặp khó khăn. Đơn cử như Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) với khoản nợ dự kiến phải trả có thể lên đến 63.000 tỉ đồng gồm nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ Chính phủ vay về cho vay lại” - đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Nợ nước ngoài của các doanh nghiệp đã lên đến hơn 41 tỉ USD. Trong ảnh: Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất muốn vay thêm 1,2 tỉ USD nước ngoài. Ảnh: TP
Tiếp tục bảo lãnh sẽ mạo hiểm
Ông Hoàng Hải, Cục phó Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Bộ Tài chính, cho biết quan điểm của Chính phủ là khuyến khích DN tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khoản vay của mình. Có điều không phải dự án nào đáp ứng điều kiện cũng được bảo lãnh. Bộ Tài chính chỉ xem xét cấp bảo lãnh đối với dự án được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; dự án ứng dụng công nghệ cao…
Tuy nhiên, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng Chính phủ không nên tiếp tục đứng ra bảo lãnh vay vốn cho các dự án như dự án mở rộng, nâng cấp lọc dầu Dung Quất. Bởi trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã có nhiều chính sách ưu đãi từ Chính phủ nhưng chưa thực sự hiệu quả.
Nếu Chính phủ tiếp tục đứng ra bảo lãnh vay vốn sẽ rất mạo hiểm, tạo ra lỗ hổng đối với ngân sách, đẩy nợ công tăng cao. Không thể cứ gặp khó khăn lại xin Chính phủ vay và tìm mọi cách “đá bóng” nghĩa vụ trả nợ cho Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo về việc quản lý, giám sát các dự án được Chính phủ bảo lãnh. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo từ năm 2017, tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công. Trường hợp đặc biệt cấp thiết, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp bảo lãnh Chính phủ đối với từng trường hợp cụ thể
“Nếu DN nào cũng đòi ưu đãi, cơ chế đặc thù sẽ vô cùng nguy hiểm. Chính phủ cần xem xét thận trọng, xem dự án đó có hiệu quả hay không bởi nếu dự án có hiệu quả thì các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước sẵn sàng cho vay mà không cần Chính phủ đứng ra bảo lãnh. Tư duy vay vốn nhờ sự bảo lãnh Chính phủ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ công tăng” - ông Long bày tỏ quan điểm.
Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhìn nhận thời gian qua hầu hết dự án mà Chính phủ bảo lãnh đều là những dự án của DN nhà nước. Rất nhiều dự án hiệu quả kinh tế thấp, thua lỗ lớn. Thay vì nỗ lực tìm cách nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tìm phương án trả nợ với tư cách là người vay, các DN này lại đòi Chính phủ trả nợ, tạo gánh nặng tài chính quá lớn trong bối cảnh ngân sách đang gặp khó khăn.
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng Chính phủ không cần hoặc giảm đến mức tối đa việc bảo lãnh vay cho DN. Đặc biệt không nên kéo dài tình trạng các DN nhà nước được Chính phủ bảo lãnh vay, khi làm ăn thua lỗ lại đẩy cục nợ “khủng” cho Chính phủ. Nguồn lực quốc gia là để đầu tư vào những DN kinh doanh hiệu quả chứ không phải để ưu ái hay giải cứu những đơn vị thua lỗ. Làm được như vậy thì người dân mới không phải è lưng gánh những món nợ khổng lồ (PLO)