Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: GDP tăng cao không phụ thuộc vào khai khoáng, tín dụng; Pinaco muốn cổ đông Nhật vào hội đồng quản trị; Người Việt giảm mua ô tô nhập nguyên chiếc, vì sao?; Rau quả Việt đắt gấp đôi Ba Lan
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 03-10-2017
- Cập nhật : 03/10/2017
Việt Nam tiếp tục đứng đầu khu vực ASEAN về chỉ số PMI
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã tăng từ mức 51,8 điểm trong tháng 8 lên 53,3 điểm trong tháng 9.
Nguồn ảnh: Dân Trí
Đó là báo cáo mới nhất của Nikkei, cụ thể là sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đã tăng nhanh hơn, và tất cả là nhờ nhu cầu khách hàng tăng.
Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu khu vực ASEAN về chỉ số PMI, vượt mặt 3 quốc gia: Philippines (50,8 điểm), Indonesia (50,4 điểm) và Thái Lan (50,3 điểm), báo cáo của Nikkei và Markit mới công bố sáng ngày 2/10 cho biết. Cũng theo Nikkei, kết quả chỉ số cho thấy các điều kiện kinh doanh trong tháng đã cải thiện mạnh mẽ với tốc độ cải thiện đáng kể nhất kể từ tháng 4. Tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất tăng mạnh trong suốt 22 tháng qua.
Các số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy nhu cầu của khách hàng trong tháng đã tăng. Điều này đã dẫn đến tăng mạnh và nhanh số lượng đơn đặt hàng mới, và là mức tăng đáng kể nhất trong 5 tháng. Tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng nhanh hơn trong tháng 9.
Sản lượng ngành sản xuất đã tăng tháng thứ 11 liên tiếp, với mức tăng gần đây là đáng kể nhất kể từ tháng 4. Tất cả ba lĩnh vực thị trường khảo sát đều có sản lượng tăng, đứng đầu là các công ty sản xuất hàng hóa tiêu dùng.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên đã góp phần gây sức ép lên năng lực sản xuất, như đã được thể hiện qua việc lượng công việc tồn đọng tiếp tục tăng. Một số thành viên nhóm khảo sát cho biết việc thiếu nhân công cũng góp phần làm tăng lượng công việc chưa thực hiện. Các công ty đã đáp ứng lượng công việc lớn hơn bằng cách tăng số lượng nhân viên. Hơn nữa, tốc độ tạo việc làm đã nhanh hơn thành mức cao của thời kỳ 6 tháng.
Các nhà sản xuất cũng sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 9. Kết quả là, tồn kho hàng thành phẩm đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, và đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2016.
Tốc độ tăng chi phí đầu vào đã nhanh hơn đáng kể do giá nguyên vật liệu tăng, kể cả nguyên vật liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chi phí đầu vào đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2011. Trong tháng 9, giá cả đầu vào tăng đã làm các công ty phải tăng giá cả đầu ra lần đầu tiên trong năm tháng. Tuy nhiên, tốc độ tăng là nhỏ do có áp lực cạnh tranh.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng, và từ đó là yêu cầu về sản xuất tăng, đã khuyến khích các công ty tăng hoạt động mua hàng vào tháng cuối quý 3. Tốc độ tăng mạnh và nhanh nhất kể từ tháng 4. Tồn kho hàng mua cũng tăng, một phần phản ánh những nỗ lực tăng dự trữ hàng tồn kho.
Thời gian giao hàng của nhà cung cấp tiếp tục bị kéo dài, mặc dù mức kéo dài là nhỏ nhất trong thời kỳ kéo dài thời gian giao hàng suốt 8 tháng gần đây. Cuối cùng, các nhà sản xuất vẫn lạc quan cho rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới, và sự lạc quan có được là do những dự báo tăng của số lượng đơn đặt hàng mới và các kế hoạch mở rộng kinh doanh.
Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, Andrew Harker, tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát cho biết, quý 3 đã kết thúc với một ghi nhận tích cực đối với các nhà sản xuất Việt Nam khi nhu cầu khách hàng tăng đã thổi luồng sinh khí mới cho lĩnh vực sản xuất. Số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng đáng kể, từ đó giúp sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng tăng nhanh hơn. Nhờ đó, các nhà sản xuất có thể tiếp tục tăng trưởng trong quý cuối năm.(NCĐT)
-----------------------------
Thoái vốn khỏi Lộc Trời, Mekong Capital thu về 12 triệu USD
Quỹ Vietnam Azalea (VAF) thuộc Mekong Capital đã hoàn thành việc thoái 100% vốn đầu tư vào Lộc Trời với mức giá 68.000 đồng/cổ phiếu, nâng tổng giá trị thoái vốn lên hơn 12 triệu USD.
Cánh đồng nguyên liệu của Tập đoàn Lộc Trời - Ảnh từ website Lộc Trời
Sau khi hoàn thành việc bán 25% cổ phiếu còn lại tại Lộc Trời vào ngày 28-9 vừa qua, Quỹ VAF đã tạo ra mức lợi nhuận gộp tính (bằng USD) là 3,6 lần và tỉ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) khoảng 18,7% trên số cổ phần sau khoảng thời gian 8.5 năm giữ khoản đầu tư này.
Với khoản thoái vốn mới nhất khỏi Lộc Trời, các quỹ của Mekong Capital đã thu được tổng cộng 79 triệu USD từ việc thoái vốn trong 3 quý đầu năm 2017.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2017, các quỹ của Mekong Capital đã hoàn toàn thoái vốn khỏi Tập đoàn Lộc Trời và Trường Quốc tế Việt Úc (VAS) và hoàn tất việc bán một phần cổ phiếu của Thế giới Di động.
Trong số đó, Quỹ Mekong Enterprise Fund II đã thoái 100% vốn khỏi VAS vào tháng 4 vừa qua với tổng giá trị thoái vốn là 25 triệu USD, mang lại lợi tức gộp là 4,5 lần và IRR khoảng 25,8% sau 6 năm đầu tư tại VAS.
Mekong Enterprise Fund II cũng đã tiếp tục bán cổ phần tại Thế giới Di động. Khoản thoái vốn một phần trong tháng 9 này đã mang lại cho Mekong doanh thu hơn 18 triệu USD, và ghi nhận tỷ suất IRR trên 62.6% và tỷ suất lợi nhuận gộp hơn 133 lần cho tổng số cổ phiếu đã được bán.
Năm ngoái, Quỹ cũng đã thực hiện 4 khoản thoái vốn toàn phần khỏi công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, Tập đoàn FPT, Intresco, Nam Long và một số khoản thoái vốn riêng lẻ khỏi Thế giới Di động.(Tuoitre)
-------------------------
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại vì muốn giảm ô nhiễm môi trường
Theo hãng Societe Generale, động thái cắt giảm ô nhiễm của Trung Quốc có thể làm hạ 0,25 điểm phần trăm trong tăng trưởng kinh tế nước này sáu tháng tới và kéo cao lạm phát nhà máy.
Người Trung Quốc đeo khẩu trang trên đường phố Bắc Kinh ẢNH: BLOOMBERG
Theo chuyên gia kinh tế Trung Quốc Yao Wei thuộc Societe Generale, động thái cắt giảm sản lượng để hạn chế lượng khí thải và các biện pháp kiểm tra môi trường trên toàn quốc có giúp lợi nhuận các hãng công nghiệp lớn đi lên vì giá sản xuất tăng. Bà Wei cho hay chiến dịch giảm ô nhiễm môi trường của Đại lục sẽ tạo ra “cú sốc nguồn cung đáng chú ý” cho nền kinh tế.
“Chính phủ Trung Quốc đã và đang rất nghiêm túc trong việc chống ô nhiễm. Đây sẽ là mục tiêu tạm thời cho dàn lãnh đạo hiện tại. Tăng trưởng chậm là chuyện cần hy sinh để duy trì sự ổn định xã hội trong trung hạn”, bà Yao viết.
Giới chức Đại lục tăng cường nỗ lực chống ô nhiễm trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra hai lần mỗi thập niên vào ngày 18.10 tới đây. Tăng trưởng kinh tế hiện chưa có dấu hiệu bị ảnh hưởng bởi nỗ lực này, song các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ có năm tăng trưởng 6,7% thứ nhì.
Bà Yao cho hay giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể chấp nhận mức tăng trưởng dưới 6,5% từ năm 2018 trở đi. Đây là mục tiêu tăng trưởng dài hạn trong 5 năm, đến năm 2020 và cũng là mục tiêu tăng trưởng cho năm nay. Giới hoạch định chính sách Đại lục cho biết họ hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP “khoảng 6,5% hoặc cao hơn nếu có thể”.
Để đạt mục tiêu tăng gấp đôi GDP năm 2010 và thu nhập bình quân đầu người vào năm 2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2015 cho biết tăng trưởng thường niên phải từ 6,5% trở lên trong 5 năm tới. Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc xác định 2015 là năm mở đầu kỷ nguyên tăng trưởng dưới 7% kể từ thời lãnh đạo Đặng Tiểu Bình mở cửa kinh tế hồi cuối thập niên 1970.
Nếu Trung Quốc tăng trưởng 6,8% trong năm nay, tốc độ tăng trưởng cần thiết để đạt mục tiêu của ông Tập chỉ là 6,3% trong trong ba năm tới. Bà Yao từng viết trong báo cáo tháng 12 rằng Đại lục đã sẵn sàng từ bỏ mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong hai năm trong bối cảnh giới lãnh đạo mạnh tay với bong bóng tài sản và đòn bẩy tài chính.
Kế hoạch mới của Bộ Bảo vệ Môi trường đặt mục tiêu xử lý không khí ô nhiễm ở Bắc Kinh, Thiên Ân và các tỉnh Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Tây và Sơn Đông. Kế hoạch sẽ giảm dùng than cho hoạt động phát điện và giảm khí thải các phương tiện giao thông. Giả sử hoạt động cắt giảm được thực hiện nghiêm túc, tăng trưởng sản xuất công nghiệp có thể thấp hơn từ 0,6 đến 0,8 điểm phần trăm. Tăng trưởng GDP có thể giảm 0,2 đến 0,25 điểm phần trăm trong nửa năm tới, bà Yao nhận định.(Thanhnien)
-------------------------
Sau khi Him Lam thoái vốn, LienVietPostBank lên sàn
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận kế hoạch tăng vốn của ngân hàng này lên 7.500 tỉ đồng, qua phát hành 104 triệu cổ phần trong năm 2017.Nguồn ảnh: LienVietPostBank
Ngày 2.10, Tại Tp HCM, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã tổ chức buổi tiếp xúc và trao đổi với nhà đầu tư, trước thềm thực hiện kế hoạch đưa cổ phiếu đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. LienVietPostBank chuẩn bị cho việc thực hiện đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên UPCoM vào ngày 5.10 với 646 triệu cổ phiếu (mã chứng khoán LPB).
Trước đó, LienVietPostBank đã quyết định phát hành 20 triệu trái phiếu chuyển đổi với giá trị 2.000 tỉ đồng; phương thức phân phối sẽ được Hội đồng Quản trị trình đại hội đồng cổ đông thông qua. Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận kế hoạch tăng vốn của ngân hàng này lên 7.500 tỉ đồng, qua phát hành 104 triệu cổ phần trong năm 2017 (gồm 38,76 triệu cổ phần trả cổ tức với tỷ lệ 6% và 65,25 triệu cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu hoặc chào bán cho cán bộ nhân viên).
Hiện cổ phiếu LPB được giao dịch trên OTC với giá 14.000 đồng/cổ phiếu. So với những ngân hàng cùng quy mô trong hệ thống, mức giá tham chiếu mà ngân hàng đưa ra khá thấp so với các ngân hàng cùng quy mô như HDBank là 20.000 đồng/cổ phiếu; TPBank 15.500 đồng/cổ phiếu…
LienVietPostBank bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 3.2008. Tính đến 31.8.2017, ngân hàng này có vốn điều lệ 6.460 tỉ đồng, tổng tài sản đạt gần 150.000 tỉ đồng, tổng huy động vốn đạt gần 138.000 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt trên 96.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 8 tháng đầu năm đạt 1.289 tỷ đồng. Hiện cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), với tỉ lệ sở hữu 12,54%. Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng cũng sở hữu số cổ phiếu tương đương 4,95% vốn ngân hàng. Trước đó, một cổ đông lớn khác là Công ty Him Lam đã thoái hết vốn tại LienVietPostBank, liên quan đến việc tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Với số lượng cổ phần nắm giữ này, khi LienVietPostBank niêm yết, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam sẽ sở hữu khối tài sản lên tới gần 1.200 tỉ đồng. Ngoài ra, cá nhân ông Hưởng cũng sở hữu khối tài sản trị giá hơn 470 tỉ đồng từ 4,95% vốn ngân hàng nắm giữ.
Ngân hàng đã xin ý kiến cổ đông về việc giới hạn tỉ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại mức 5% vốn. Lãnh đạo ngân hàng cho biết nếu dành hết tỷ lệ tối đa 30% cho khối ngoại thì khả năng sẽ có các nhà đầu tư nước ngoài nhỏ lẻ mua vào cổ phiếu.(NCĐT)