13 cổ đông ngoại "quyền lực" nhất kiểm soát 1/4 số cổ phần của Vinamilk
Chuối xuất khẩu tăng giá gấp đôi
Giá cước vận tải đã giảm 1%-33%
Sản phẩm J&J ở Việt Nam “an toàn”
Không “đẻ” thêm phí ngoài lãi suất
Tin kinh tế đọc nhanh 02-10-2017
- Cập nhật : 02/10/2017
Tổng tài sản ngân hàng vượt 9,1 triệu tỷ đồng
Tổng tài sản của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước lớn nhất khi đến cuối tháng 6 đạt hơn 4,15 triệu tỷ đồng.
Thống kê tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho thấy, đến cuối tháng 6/2017, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng vượt 9,1 triệu tỷ đồng.
Con số tổng tài sản này so với tháng trước tăng thêm 150.118 tỷ đồng (tương đương tăng 1,67%), còn so với cuối năm 2016, tài sản của hệ thống tăng 613.705 tỷ đồng (tăng 7,22%).
Phần lớn các nhóm ngân hàng đều có tổng tài sản tăng. Trong đó, tính theo tốc độ tăng trưởng, tổng tài sản của nhóm công ty tài chính, cho thuê tăng mạnh nhất với 12%, tiếp đến là quỹ tín dụng nhân dân với 9,17%, trong khi đó nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước và cổ phần tăng lần lượt 7,36% và 7,26%. Tuy nhiên, tính về giá trị tuyệt đối thì hiện khối ngân hàng thương mại Nhà nước có tổng tài sản lớn nhất với hơn 4,15 triệu tỷ đồng, kế tiếp là khối cổ phần 3,67 triệu tỷ đồng.
Cùng với mức tăng tổng tài sản, vốn điều lệ toàn hệ thống tổ chức tín dụng trong 6 tháng qua cũng tăng hơn 2,4% so với đầu năm đạt 500.168 tỷ đồng. Trong hệ thống, khối ngân hàng cổ phần hiện có vốn điều lệ lớn nhất với hơn 203.335 tỷ đồng.
Theo sau là khối ngân hàng thương mại Nhà nước với 147.676 tỷ đồng. Khối này bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Công Thương, Ngoại thương, Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Xây dựng Việt Nam, Dầu Khí Toàn Cầu, Đại Dương. Trong đó, tổ chức tín dụng có vốn điều lệ lớn nhất là Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) với hơn 37.234 tỷ đồng.
Về tỷ lệ an toàn vốn (CAR), tất cả các nhóm tổ chức tín dụng đều đạt yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước là trên 9%. Trong đó, ngân hàng liên doanh nước ngoài tỷ lệ đạt hơn 33,45%. Kế tiếp là các tổ chức tín dụng hợp tác xã đạt hơn 28%. Còn các nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đang có CAR thấp nhất là 9,67%, nhóm cổ phần đạt 11,45%.
Riêng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống hiện ở mức 32,7%. Với nghiệp vụ chính là huy động tiền trong dân cư rồi cho vay, nhóm công ty tài chính là nhóm có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cao nhất với 42,38%. Tỷ lệ này tại các ngân hàng thương mại Nhà nước là hơn 36,51% và ngân hàng thương mại cổ phần 36,26 %.(Vnexpress)
-------------------------
Hà Nội xin cơ chế đặc thù xây dựng 22.000 căn hộ thương mại
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 29/9, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ chấp thuận cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư.
Cụ thể, Hà Nội đề nghị Chính phủ cho phép được áp dụng hình thức thu hồi đất, giao đất theo quy định của Luật Đất đai và lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án, không thông qua đấu thầu, đấu giá...
Tiền sử dụng đất được xác định tại thời điểm giao đất theo quy định nhưng tiền sử dụng đất được nộp vào thời điểm nhà đầu tư bán căn hộ tái định cư theo quyết định của UBND thành phố cho các hộ dân.
Cho phép nhà đầu tư được hưởng 10% lợi nhuận định mức (không bao gồm lãi suất tiền vay) để thực hiện dự án tương tự định mức phát triển nhà ở xã hội.
Bản báo cáo cho biết, kế hoạch năm 2017, thành phố Hà Nội sẽ đầu tư khoảng 22.300 căn hộ nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng.
Tổng kinh phí dự toán khoảng 55.000 tỷ đồng, số căn hộ này sẽ đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở tái định cư phục vụ các dự án trong giai đoạn 2018 - 2020 và các năm tiếp theo.
Theo UBND TP. Hà Nội, nếu thực hiện theo phương án đầu tư nêu trên, thành phố chỉ phải bố trí vốn để giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất, không phải bố trí ngân sách để xây dựng công trình.
Đồng thời, doanh nghiệp giải quyết được việc làm, có thu nhập và tham gia vào quản lý, vận hành nhà ở tái định cư, người dân được hưởng chất lượng và dịch vụ theo cơ chế nhà ở thương mại.(Vneconomy)
---------------------------
Đã có 5 tỷ USD làm đường sắt cao tốc TPHCM – Cần Thơ?
Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam (PNSI) cho biết đã ký kết với một đối tác Canada cho khoản vốn 5 tỷ USD để thực hiện dự án tuyến đường sắt cao tốc TPHCM – Cần Thơ mà không cần sự bảo lãnh của Chính phủ.
Sáng 29/9, Cục Hàng hải Việt Nam và Sở GTVT TPHCM tổ chức hội nghị nâng cao năng lực kết nối các phương thức vận tải từ TPHCM đến các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang và Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, GS TS Trần Công Hoàng Quốc Trang, Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam cho biết tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ được nghiên cứu từ 8 năm trước.
Năm, 2013, Bộ GTVT đã phê duyệt báo cáo tiền khả thi của dự án. Hiện nay, Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam (PNSI) đang khẩn trương hoàn tất báo cáo khả thi trình Bộ GTVT.
Đường sắt TPHCM – Cần Thơ dài 139 km, được thiết kế tốc độ cao với khổ đường 1,435m, sử dụng điện mặt trời, điện gió làm năng lượng. Thời gian hành trình dự kiến khoảng 45 phút. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến là 5 tỷ USD, đầu tư bằng hình thức hợp tác công tư PPP.
Toàn tuyến có 10 nhà ga (ban đầu thiết kế 12 nhà ga), đi qua 5 tỉnh, thành phố. Toàn tuyến có 50 cầu, trong đó có 2 cầu lớn là cầu Cần Thơ (qua sông Hậu) và cầu Mỹ Thuận (qua sông Tiền). Toàn tuyến hầu hết là cầu cạn.
Ông Trang nói cầu Cần Thơ ban đầu dự định làm đường hầm nhưng qua khảo sát thì địa chất không đạt. Bộ GTVT yêu cầu làm 2 tầng, vì đến năm 2025, dự kiến lưu lượng xe tăng cao nên đường sắt phải chia sẻ với đường bộ.
Theo thiết kế, mỗi nhà ga được xây dựng như một thành phố công nghiệp với quy mô dân số bằng một phường, xã.
“Chúng tôi đã đi qua những vùng không thể phát triển nông nghiệp. Khi triển khai dự án, người dân sẽ chuyển sang phục vụ sản xuất công nghiệp. Dự án sẽ sử dụng công nghệ mới như làm nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió… Chúng tôi đang làm việc với các tỉnh, thành phố để cuối năm trình chính phủ và nếu không có gì thay đổi thì đến năm 2022 sẽ triển khai dự án. Vừa qua, chúng tôi đã ký với một đối tác Canada cho khoản vốn trị giá 5 tỷ USD mà không cần Chính phủ phải bảo lãnh”, ông Trang chia sẻ.(Tienphong)
----------------------------------
Hà Nội muốn xây thêm nhà ga T3, T4 sân bay Nội Bài
UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, trong đó, kiến nghị nhiều cơ chế nhằm phát triển du lịch.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo đầu tư dự án nhà ga T3, T4 sân bay quốc tế Nội Bài. Xem xét mở các đường bay trực tiếp từ các quốc gia, địa bàn khách du lịch quốc tế trọng điểm.
Đồng thời, tăng thời gian miễn thị thực nhập cảnh từ 15 ngày lên 30 ngày để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, nhất là khách du lịch từ thị trường xa như Tây Âu.
Hiện, sân bay quốc tế Nội Bài có nhà ga T1 và T2. Mục tiêu mở rộng nhà ga T3 và T4 là phát triển hạ tầng sân bay để phục vụ khoảng 50 - 75 triệu hành khánh.
Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà nội Hoàng Trung Hải cho rằng: “Chúng ta nhìn thấy hiện Nội Bài xông xênh hơn Tân Sơn Nhất. Nhưng nếu không làm ngay thì nó lại như Tân Sơn Nhất vì tốc độ tăng rất nhanh, khoảng 30-40%”.
Sân bay Nội Bài hiện có tổng công suất 25 triệu hành khách mỗi năm. Năm 2015, nhà ga T2 được đưa vào hoạt động, toàn bộ ga T1 chỉ khai thác khách quốc nội với công suất tối đa 8 triệu khách/năm. Tuy nhiên, T1 nhanh chóng đối mặt với vấn đề quá tải khi đón hàng chục triệu lượt khách mỗi năm.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được nâng cấp thành sân bay quốc tế lớn phía Bắc. Đến năm 2020, Nội Bài đạt cấp độ sân bay 4E với lưu lượng hành khách đạt 20-25 triệu hành khách/năm.
Đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có thể tiếp nhận 35 triệu hành khách/năm và sau năm 2030 là 50 triệu hành khách/năm (Vneconomy)