Các hãng xe đạp điện châu Âu khiếu nại Trung Quốc bán phá giá; Doanh nghiệp tư nhân phải sẵn sàng cho cạnh tranh toàn cầu; Ấn Độ - thị trường smartphone đang bùng nổ; Ba ngày 1 tỷ USD: Kỷ lục tiền nóng, 10 năm có 1
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 02-10-2017
- Cập nhật : 02/10/2017
Tắc cửa thoái vốn
Lộ trình thoái vốn nhà nước tại hàng trăm doanh nghiệp đã được công bố, nhưng bộ phận tư vấn nhiều công ty chứng khoán không dám đặt mục tiêu doanh thu cao. Lý do không hẳn là khó tìm được bên mua, mà là các thủ tục để bán vốn quá khó khăn, thậm chí bị… tắc.
Ý chí quyết tâm thoái vốn nhà nước là có, nhưng nếu không có giải pháp, việc thoái vốn sẽ chỉ theo kiểu “trên nóng, dưới lạnh”
Giám đốc tư vấn một công ty chứng khoán cho biết, các năm trước, công ty đặt mục tiêu doanh thu tư vấn thoái vốn, cổ phần hóa tối thiểu 3 tỷ đồng, nhưng năm 2017 đặt mục tiêu dưới 1 tỷ đồng. Hiện hồ sơ của không ít doanh nghiệp đang nằm trong cảnh “dự án treo”, vì một số quy định về thoái vốn bộc lộ bất cập, dẫn đến bế tắc khi thực hiện.
Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp mà vốn nhà nước do các bộ, địa phương quản lý sẽ thực hiện thoái vốn theo Nghị định 91/2015/CP-NĐ ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Cụ thể, đối với công ty cổ phần đã niêm yết/đăng ký giao dịch, việc chuyển nhượng vốn thực hiện theo phương thức giao dịch (khớp lệnh, thỏa thuận) theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận thì giá thỏa thuận phải nằm trong biên độ giá giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng.
Những doanh nghiệp chưa niêm yết/đăng ký giao dịch thì không được phép bán thỏa thuận, mà thực hiện bán đấu giá công khai. Bán đấu giá công khai đồng nghĩa với phát hành cổ phiếu ra công chúng, nhưng với doanh nghiệp có kết quả kinh doanh âm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không cấp phép, vì không đủ điều kiện (lợi nhuận âm).
Bên cạnh đó, đại diện một công ty chứng khoán cho biết, với các quy định hiện hành, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế vị trí địa lý không khả thi, chỉ xác định được lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp theo tỷ suất lợi nhuận thực hiện.
Giám đốc tư vấn một công ty chứng khoán cho hay, lợi thế thương hiệu là tính tất cả chi phí quảng cáo, xây dựng hình ảnh, thương hiệu, nhưng nhiều doanh nghiệp không có chi phí này, nếu có thì lại được hạch toán vào một hệ tài khoản, hoặc chi phí kinh doanh, rất khó bóc tách.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp có khoản nợ do Nhà nước bảo lãnh, nhưng nay cổ đông nhà nước thoái vốn thì ai chịu trách nhiệm xử lý khoản nợ đó? Cho đến nay, chưa có hướng dẫn tính phần nghĩa vụ nợ như vậy vào cổ phần.
“Trước đây, bán vốn nhiều như mớ rau, mớ cá, nhà đầu tư mua nhiều. Nay để lâu, họ soi kỹ ra nhiều vấn đề yếu kém của doanh nghiệp, thành ra thương vụ tưởng hoàn tất lại đổ bể”, cán bộ tư vấn một công ty chứng khoán nói.
Một số ý kiến cho rằng, các quy định hiện hành về thoái vốn nhà nước có nhiều vướng mắc hơn trước. Trước đây, những đối tượng tổng công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn theo các văn bản: Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước; Công văn số 2660/BTC-UBCK ngày 26/2/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc thoái vốn thông qua đấu giá cổ phần… Kể từ khi có Nghị định 91/2015/CP-NĐ, các văn bản trên không còn giá trị.
Có những trường hợp “oái ăm”, tất cả hồ sơ đã xong hết, nhưng cả doanh nghiệp thoái vốn và đơn vị tư vấn chỉ có nước… dài cổ chờ. Đơn cử, doanh nghiệp là công ty con của một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp đó lại có công ty mẹ là một tập đoàn 100% vốn nhà nước.
Quy mô khoản thoái vốn trên 10 tỷ đồng. Công ty chứng khoán tư vấn đề xuất triển khai đấu giá qua Sở giao dịch chứng khoán, nhưng Sở không dám nhận, mà xin ý kiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, vì đây không phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, cũng không phải là đối tượng của Nghị định 91/2015/NĐ-CP. Ủy ban không dám cấp phép cho Sở tổ chức đấu giá, vì không đúng đối tượng.
Thực tế trên cho thấy, ý chí quyết tâm thoái vốn nhà nước là có, nhưng nếu không có giải pháp tháo gỡ khó khăn về mặt chính sách, việc thoái vốn sẽ chỉ theo kiểu “trên nóng, dưới lạnh”.(ĐTCK)
------------------
Nhật Bản đang thành cường quốc Bitcoin
Cuối tuần này, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản chính thức công nhận 11 công ty là nhà điều hành sàn tiền ảo đã đăng ký hoạt động. Việc đăng ký đòi hỏi các sàn này tuân thủ nhiều quy định, như có hệ thống máy tính ổn định, kiểm tra được hồ sơ người dùng để tránh rửa tiền. Những quy định này nhằm bảo vệ nhà đầu tư khỏi nguy cơ lừa đảo và lợi dụng, đồng thời hỗ trợ sự tiến bộ về công nghệ tài chính.
Một trong các công ty đã đăng ký là bitFlyer, có hơn 800.000 người dùng. CEO công ty này – Yuko Zano cho biết các quy định mới sẽ củng cố vị trí trung tâm Bitcoin của Nhật Bản.
“Nhu cầu giao dịch Bitcoin và các dịch vụ liên quan đến tiền ảo tại Nhật Bản đang bùng nổ”, Kano cho biết, “Việc FSA chấp thuận cho bitFlyer làm sàn giao dịch tiền ảo, cũng như sự cởi mở và các quy định tân tiến của cơ quan này, đến vào thời điểm không thể thích hợp hơn với công nghệ khối chuỗi”.
Đây là quyết định mới nhất cho thấy sự ủng hộ của Nhật với các loại tiền kỹ thuật số. Hồi tháng 4, họ đã thông qua luật công nhận Bitcoin là phương thức thanh toán. Nhiều hãng bán lẻ đã ủng hộ luật này. Tuần này, giới truyền thông cũng đưa tin các ngân hàng Nhật đang cân nhắc lập tiền kỹ thuật số riêng có tên J-Coin.
Các động thái của Nhật Bản hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc đã cấm huy động vốn bằng tiền ảo (ICO) từ đầu tháng 9. Vài sàn Bitcoin sau đó cũng thông báo ngừng giao dịch từ tháng 10.
Những thông tin trên đã khiến giá Bitcoin giảm mạnh, từ kỷ lục 5.000 USD một đồng đầu tháng trước xuống quanh 2.900 USD giữa tháng. Dù vậy, giá hiện đã hồi phục lên quanh 4.200 USD.
Một phần nguyên nhân là Trung Quốc từng là lực đẩy chính trên thị trường Bitcoin. Giai đoạn 2014 – tháng 1/2017, thị trường này đóng góp 90% giao dịch toàn cầu. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang dần giảm sút, khi giao dịch bằng USD và yen Nhật vượt NDT, số liệu từ CoinDesk cho biết.
“Nhật Bản và Mỹ đang chứng minh Bitcoin không cần đến Trung Quốc mới có thể phát triển. Ngành này rất linh hoạt và sẽ dịch chuyển đến những nơi có điều kiện thuận lợi nhất”, Charles Hayter – nhà sáng lập kiêm CEO website so sánh giá tiền ảo Crypto Compare cho biết.(Vnexpress)
----------------------
Volkswagen mất 30 tỷ USD trong vụ bê bối khí thải
Chi phí tổn thất cho vụ bê bối khí thải từ xe chạy bằng diesel của Volkswagen (VW) tiếp tục tăng vọt, theo CNN.
VW hôm 29/9 đã phải chi thêm 2,5 tỷ euro để giải quyết những rắc rối liên quan đến gian lận khí thải tại Bắc Mỹ
Nhà sản xuất ô tô Đức hôm 29/9 đã phải chi thêm 2,5 tỷ euro (khoảng 2,95 tỷ USD) để mua lại những chiếc xe chạy bằng diesel có liên quan đến gian lận khí thải tại Bắc Mỹ, nâng tổng chi phí thiệt hại của VW lên tới 30 tỷ USD.
Đây là mức thống kê tổn thất tài chính mới nhất từ vụ bê bối khí thải của VW. Mọi việc bắt nguồn từ năm 2013 khi một nhóm giáo sư và sinh viên Mỹ phát hiện ra lượng khí thải từ những chiếc xe chạy bằng diesel do VW sản xuất cao hơn một cách đáng ngờ so với số liệu công bố chính thức. Sau đó nhóm này cùng Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) phát hiện ra rằng VW đã cố tình đánh lừa các phép đo về khí thải trong thiết kế động cơ diesel.
Năm ngoái VW đồng ý một thỏa thuận trị giá 15 tỷ USD với Mỹ, theo đó VW phải mua lại những chiếc ô tô diesel nằm trong danh sách gian lận khí thải đã được bán ra tại Mỹ hoặc trả tiền mặt cho chủ sở hữu nếu họ muốn được sửa chữa xe. VW cho biết kế hoạch mua lại “phức tạp và tốn nhiều thời gian” hơn dự kiến. Hiện công ty vẫn đang phải vật lộn để thoát khỏi những hậu quả từ cuộc khủng hoảng này.
Doanh số bán ô tô diesel của VW sụt giảm đáng kể tại Đức trong năm nay và các thương hiệu đối thủ nước ngoài đang nỗ lực để chiếm thị phần từ nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu. Tại một số thành phố lớn của Đức, các cuộc biểu tình kêu gọi ra lệnh cấm ô tô chạy hoàn toàn bằng diesel ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ.
VW hiện đổ tiền đầu tư vào dòng xe hybrid và xe điện. Hồi đầu tháng này công ty cho biết họ sẽ chi hơn 50 tỷ euro để điện khí hóa tất cả 300 mẫu xe của hãng trước năm 2030.(Thanhnien)
----------------------------
Giải cứu cảng 2 tỉ USD Cái Mép - Thị Vải như thế nào?
Ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết cảng Cái Mép -Thị Vải không thể hoạt động hết công suất vì quy hoạch cảng nhưng không quy hoạch hệ thống giao thông kết nối.
Chính vì nghịch lý đó mà hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư 2 tỉ USD vào cảng Cái Mép nhưng giao thông kết nối rất kém dẫn tới hiệu quả khai thác cảng không cao.
Theo ông Thảo, nguyên nhân chủ yếu là việc phân bổ nguồn lực thiếu công tâm, dù nguồn thu nộp về ngân sách Trung ương của cảng Cái Mép - Thị Vải từ 2009 - 2017 là 79.000 tỷ đồng nhưng "Trung ương đầu tư cho hệ thống cảng khoảng 3.900 tỷ đồng, chỉ chiếm 4,6%.
"Nơi tập trung nguồn tiền cho ngân sách nhưng việc phân bổ nguồn lực chỉ đạt 4,6% thì làm sao có hệ thống giao thông kết nối", ông Thảo nói.
Theo ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Logistic Việt Nam (VLA), khó khăn của cảng trung chuyển quốc tế được mệnh danh là "cửa ngõ giao thương số 1" này là do các doanh nghiệp không chịu đưa hàng về.
Thay vào đó, họ chọn cảng Cát Lái ở TP.HCM bất chấp tình trạng quá tải bên trong, kẹt xe bên ngoài.
Ngay cả nhiều doanh nghiệp nước ngoài đóng tại khu vực Đồng Nai chỉ cách Cảng Cái Mép- Thị Vải chưa đến 40km nhưng vẫn không chịu đưa hàng về đây mà chọn về cảng Cát Lái, TP.HCM, theo ông Minh.
Thậm chí, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng muốn doanh nghiệp đưa hàng về Cái Mép - Thị Vải, tuy nhiên "việc dịch chuyển diễn ra rất chậm chạp".
"Lý do là thói quen của chủ hàng. Ngay cả chủ hàng cũng không hiểu cảng Cái Mép - Thị Vải đã rất hiện đại với hạ tầng sẵn sàng đón những tàu lớn", ông Minh nói trong một hội thảo mới được tổ chức.
Để giải quyết nghịch lý này, ông Minh cho rằng các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần có sự dịch chuyển nói trên thì các bên cũng cần tác động đến giới doanh nghiệp thông qua các hãng tàu để "khuyến khích họ đặt container rỗng ở Cái Mép - Thị Vải".
"Các nhà đầu tư trả lời rất đơn giản: nếu chi phí đi hàng về cảng Cát Lái rẻ hơn về Cái Mép - Thị Vải thì họ tự động sẽ chọn Cát Lái. Họ không quan tâm chiến lược gì đó của Việt Nam. Do đó, ngoài vấn đề hành chính, Việt Nam cần phải quy hoạch trung tâm logistics để có thể tự điều phối hàng hóa cho vùng này. Chúng ta phải tác động về nhận thức, đồng thời có cơ chế đàm phán, thuyết phục các hãng tàu đưa hàng về đây", ông Minh nói thêm.(Tuoitre)