Malaysia đổ tiền vào TP.HCM nhiều nhất; Đà Nẵng đình chỉ xây dựng dự án The Sunrise bay; Tài trợ cho Lào gần 1 triệu USD lo an sinh xã hội;Việt Nam áp dụng chống bán phá với thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 03-10-2017
- Cập nhật : 03/10/2017
Triều Tiên có trữ lượng khoáng sản trị giá gần 3 nghìn tỷ USD
Các công ty Trung Quốc đang là những nhà khai thác chủ yếu nguồn tài nguyên này.Nguồn ảnh: Bloomberg
CHDCND Triều Tiên có trữ lượng tài nguyên khoáng sản có trị giá khoảng 3.200 nghìn tỉ Won (2,79 nghìn tỷ USD). Các công ty Trung Quốc đang là người khai thác chủ yếu nguồn tài nguyên này, trong khi các công ty Hàn Quốc bị cấm tham gia vì các lệnh trừng phạt, theo báo cáo của một cơ quan của chính phủ.
Hãng tin Yonhap trích dẫn báo cáo của Tập đoàn Khoáng sản Hàn Quốc (KORES) cho biết trữ lượng khoáng sản chưa được khai thác của Triều Tiên vào cuối năm 2016 có giá trị là 2,79 nghìn tỷ USD, gấp 14 lần của Hàn Quốc.
Triều Tiên đã ký kết 38 hợp đồng với các công ty nước ngoài để phát triển mỏ khoáng sản từ vàng và bạc cho đến than, trong đó có 33 hợp đồng kí với các công ty Trung Quốc. Ngoài ra, nước này còn kí hợp đồng với công ty đến từ Nhật Bản, Pháp và Thụy Sĩ.
Các công ty Hàn Quốc bị cấm khai thác các mỏ này vì một lệnh trừng vào năm 2010, khi Triều Tiên tấn công ngư lôi vào tàu Cheonan ở phía Bắc, làm 46 thủy thủ thiệt mạng.
Theo báo cáo, các công ty Hàn Quốc đã đầu tư 41,95 triệu USD vào phát triển khoáng sản của Triều Tiên, nhưng hầu hết các dự án đều đã bị hoãn lại.
KORES đã đầu tư 6,65 triệu USD và thu về 280 triệu USD, theo báo cáo.(NCĐT)
----------------------
Nhật Bản đang nhanh chóng thành trung tâm của thị trường bitcoin
Trong khi Trung Quốc cấm đoán một số giao dịch bitcoin thì Nhật Bản lại đang nhanh chóng để trở thành trung tâm hàng đầu của thị trường tiền tệ số.
Theo CNBC, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA) hôm 29.9 chính thức công nhận 11 công ty là nhà khai thác trao đổi tiền kỹ thuật số đã được đăng ký hoạt động hợp pháp. Đây là quyết định mới nhất cho thấy sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhật Bản cho thị trường tiền tệ số. Được biết, việc đăng ký đặt ra một số yêu cầu đối với các công ty, chẳng hạn như xây dựng một hệ thống máy tính hoạt động chặt chẽ, kiểm tra danh tính của người dùng để ngăn ngừa nạn trộm cắp hoặc rửa tiền. Những quy định này nhằm bảo vệ nhà đầu tư khỏi tình trạng bị lạm dụng, gian lận đồng thời hỗ trợ đổi mới công nghệ tài chính.
Quan điểm của Nhật Bản cũng khác xa Trung Quốc, nơi mà các nhà chức trách đang cố gắng phá vỡ giao dịch bitcoin. Vào tháng 4.2017, Nhật Bản đã thông qua một đạo luật thừa nhận bitcoin là một trong những hình thức giao dịch hợp pháp. Quyết định của các nhà chức trách quốc gia Đông Á đang giúp nước này củng cố vị thế của mình và tạo thêm động lực phát triển cho thị trường tiền tệ số.
Yuzo Kano, Giám đốc điều hành bitFlyer, một trong những công ty đăng ký hoạt động nói trên, cho biết các quy định mới sẽ tạo nền tảng cho thị trường tiền tệ số Nhật Bản. “Nhật Bản đã bùng nổ với nhu cầu kinh doanh bitcoin cũng như các dịch vụ tiền kỹ thuật số. Việc FSA chấp nhận cho bitFlyer hoạt động giao dịch tiền kỹ thuật số hợp pháp cùng những quy định cởi mở cho người dùng đã đến vào một thời điểm hoàn toàn thích hợp cho không gian blockchain, nền tảng đứng đằng sau hệ thống tiền kỹ thuật số”, ông Kano nói.
Tuần qua, Nhật Bản cũng tuyên bố về việc đang xem xét để tiến hành xây dựng một loại tiền kỹ thuật số riêng gọi là J-Coin, với nguồn hỗ trợ mạnh mẽ từ nhiều cơ quan, tổ chức tài chính trong nước.
Bitcoin đã có một mùa thu ảm đạm khi giới chức Đại lục yêu cầu các doanh nghiệp trong nước ngừng kêu gọi vốn thông qua ICO, hoạt động chào bán bitcoin lần đầu, khiến giá trị bitcoin giảm xuống mức 2.951,15 USD hôm 15.9, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 8.2017. Tuy nhiên, theo dữ liệu của CoinDesk, bitcoin đã hồi phục không lâu sau đó, lên mức 3.968,37 USD hôm 18.9. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư đã vượt qua cú sốc ban đầu và dần nhận ra Trung Quốc không còn chiếm ưu thế trên thị trường này nữa. Hiện khối lượng giao dịch tiền kỹ thuật số đang được phân phối rộng rãi hơn bao giờ hết trên toàn cầu, trong đó các giao dịch bằng USD và đồng yen Nhật đã vượt xa lượng trao đổi bằng nhân dân tệ.
“Nhật Bản và Mỹ đã chứng minh rằng Trung Quốc không cần thiết để bitcoin phát triển. Khi các quốc gia khác đang đua nhau tham gia vào thị trường này, thì những người có thái độ khác biệt sẽ dễ bị nhận diện. Tiền tệ số là ngành công nghiệp di động và nó sẽ sớm trở thành một trong những ngành có quyền lực mạnh mẽ nhất”, Charles Hayter, Giám đốc điều hành và nhà sáng lập Crypto Compare, một trang web so sánh tiền kỹ thuật số, nói trong một cuộc phỏng vấn với CNBC.(Thanhnien)
----------------------
Lotte sẽ mua TechcomFinance?
Nếu thành công thì thương vụ này sẽ cho phép Lotte Card trở thành công ty thẻ tín dụng Hàn Quốc đầu tiên có giấy phép hoạt động tại Việt Nam.Nguồn ảnh: VTC News
Theo các nguồn tin từ giới truyền thông Hàn Quốc, Tập đoàn Lotte đang ở giai đoạn cuối cùng để thâu tóm TechcomFinance.
Việc mua lại sẽ được thực hiện thông qua công ty thẻ tín dụng Lotte Card Company. Thương vụ này định giá TechcomFinance ở mức hàng chục tỷ won (10 tỷ won tương đương gần 200 tỷ đồng Việt Nam).
Do đó, nếu thành công thì thương vụ này sẽ cho phép Lotte Card trở thành công ty thẻ tín dụng Hàn Quốc đầu tiên có giấy phép hoạt động tại Việt Nam.
Hiện nay Lotte Group đang điều hành 11 cửa hàng Lotte Mart tại Việt Nam. Gần đây, tập đoàn này đã quyết định rút lui khỏi hoạt động bán lẻ ở Trung Quốc sau khi có những vấn đề về pháp lý.
TechcomFinance được thành lập vào năm 2015 khi Techcombank mua lại 100% cổ phần của Công ty Cổ phần Tài chính Hóa chất Việt Nam (VCFC), trong lúc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) được tái cơ cấu. Vinachem ban đầu là tập đoàn mẹ của VCFC với 37% cổ phần, trong khi Techcombank là cổ đông sáng lập với cổ phần 10%.(NCĐT)
------------------------
Kinh tế Tây Ban Nha hao hụt 20% nếu Catalonia ly khai
Vùng Catalonia của Tây Ban Nha vừa trải qua cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi vào hôm qua 1.10 và chính quyền vùng này tuyên bố có đến 90% người dân chọn ly khai.
Theo CNN, cuộc trưng cầu dân ý cũng có ý nghĩa về mặt kinh tế với Tây Ban Nha và cả châu Âu. Sự kiện này diễn ra gần một thập niên sau khi quốc gia châu Âu trải qua khủng hoảng kinh tế và Catalonia là vùng có nền kinh tế hoạt động hiệu quả nhất.
Cụ thể, Catalonia chiếm gần 1/5 nền kinh tế Tây Ban Nha, dẫn đầu tất cả các vùng, sản xuất 25% lượng hàng xuất khẩu của nước này. Vùng này cũng đóng thuế nhiều hơn là nhận lợi ích từ thuế từ chính phủ. Những người ủng hộ ly khai nắm bắt yếu tố mất cân bằng này và lập luận rằng nếu ngừng đóng thuế cho Madrid, Catalonia sẽ thặng dư ngân sách.
Catalonia cũng có lịch sử thu hút đầu tư mạnh. 1/3 doanh nghiệp ngoại ở Tây Ban Nha chọn Barcelona, thủ phủ của vùng này, làm nơi đặt trụ sở. Trong số các hãng này có nhà sản xuất ô tô Volkswagen và Nissan. Cả hai đều đặt nhà máy gần Barcelona.
Dù vậy, tương lai của Catalonia đối mặt với rất nhiều câu hỏi, trong đó có nghi vấn về vấn đề tiếp tục là thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Nếu Catalonia bị buộc phải đăng ký làm thành viên EU một cách độc lập, vùng này sẽ phải thuyết phục tất cả thành viên hiện tại của khối đồng ý, trong đó có Tây Ban Nha.
Giới chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Berenberg Bank nhận định: “Chúng tôi không thấy có cách nào để Catalonia trở thành một quốc gia độc lập trong EU như đa phần những người ủng hộ ly khai mong muốn”. Việc rút khỏi EU sẽ làm tăng chi phí xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Catalonia đến các nước nội khối EU và nhiều quốc gia khác.
“Vùng này sẽ đứng vào hàng một vài nước khác không là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng nghĩa với việc họ đối mặt với nhiều rào cản thương mại đáng kể”, nhà kinh tế Stephen Brown tại Capital Economics cho hay. Ông Brown nói rằng rút khỏi EU còn khiến hàng nhập khẩu tăng giá và kéo cảnh thất nghiệp tăng lên.
Ly khai cũng có thể khiến chính quyền vùng Catalonia tốn kém nhiều hơn trong việc đi vay. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s và S&P đều hạ xếp hạng nợ của Catalonia vào năm 2016. Vùng này có thể tiếp tục sử dụng đồng euro làm tiền tệ, song sẽ không có chỗ tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Đối với Tây Ban Nha, Catalonia ly khai sẽ để lại lỗ hổng tài chính trong nước, làm gia tăng sự thiếu chắc chắn. Việc tuyên bố độc lập đơn phương cũng tương tự như việc từ chối chia sẻ một phần gánh nặng nợ quốc gia với Tây Ban Nha. Niềm tin kinh doanh và tiêu dùng ở quốc gia châu Âu có thể lao dốc.
Kathleen Brooks, giám đốc nghiên cứu tại City Index, cho hay nếu Catalonia ly khai, đồng euro có thể giảm đến 5% giá trị. Đồng tiền chung châu Âu đã hạ khoảng 0,3% so với USD trong phiên giao dịch sáng nay 2.10 tại châu Á.(Thanhnien)