Go-Jek của Indonesia muốn cạnh tranh với Grab và Uber ở Đông Nam Á; Người trồng rong sụn lỗ nặng; Nghiên cứu gói viện trợ 1 tỉ NDT của Trung Quốc; Nhu cầu vốn vay sẽ tăng mạnh trong quý cuối năm
Tin kinh tế đọc nhanh tối 01-10-2017
- Cập nhật : 01/10/2017
Đánh thuế tiền lãi tiết kiệm để 'bịt kẽ hở'
Doanh nghiệp đi vay ngân hàng tiền lãi được khấu trừ vào thuế, vậy là nhà đầu tư có thể lách kẽ hở đó bằng cách huy động góp vốn rồi đem gửi ngân hàng để tiền đẻ ra tiền. Họ đã làm ngân sách thất thu như thế nào?
Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành loại trừ lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng ra khỏi thu nhập từ đầu tư vốn của cá nhân.
Điều này tạo ra "kẽ hở" cho nhà đầu tư: càng vay nhiều càng lời nhiều, đồng thời cũng thể hiện thiếu công bằng cho khoản nhận lãi từ trái phiếu phải chịu thuế.
Lấy thí dụ khi nhà đầu tư vay ngân hàng 100 triệu đồng với lãi suất 7%/năm thì khoản lãi tiền vay phải trả là 7 triệu đồng.
Toàn bộ phần lãi vay này sẽ được giảm trừ vào chi phí tính thuế của doanh nghiệp và điều đó dẫn đến làm giảm thu nhập tính thuế của doanh nghiệp.
Giả sử nhà đầu tư không đi vay mà thay vào đó chấp nhận góp vốn 100 triệu đồng.
Lúc này, thu nhập tính thuế của doanh nghiệp sẽ tăng thêm 7 triệu đồng do không phải trả lãi, không được hạch toán giảm trừ.
Vậy là, với khoản 7 triệu đồng tăng thêm này, nhà đầu tư sẽ phải đóng 20% thuế thu nhập doanh nghiệp, và số tiền còn lại sẽ là lại 5,6 triệu đồng thu nhập sau thuế.
Ngược lại, nếu nhà đầu tư sử dụng 100 triệu đồng để cá nhân gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất hiện nay là 6,5%/năm thì họ sẽ nhận được khoản tiền lãi là 6,5 triệu đồng.
Số tiền 6,5 triệu gửi tiết kiệm rõ ràng nhiều hơn 5,6 triệu đồng của trường hợp bỏ vốn ra kinh doanh mà lý do chỉ vì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Vậy là nhà đầu tư có thể sử dụng phương thức đi vay ngân hàng nói trên để được hạch toán vào chi phí kinh doanh.
Lỗ hổng này dẫn đến chuyện các nhà đầu tư càng vay vốn lớn hàng trăm tỉ, nghìn tỉ chẳng hạn, thì tiền lời càng nhiều.
Lý do là tỉ suất thuế thu nhập doanh nghiệp (20% hiện hành, dù có sửa đổi từ 15% theo dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp) lớn hơn tỉ lệ chênh lệch lãi suất miễn thuế của tiền gửi tiết kiệm cá nhân và lãi suất tiền vay là 7,14%, dựa trên công thức tính: 100%-(6,5%/7%).
Như vậy, nếu chúng ta không khắc phục lỗ hổng này thì doanh nghiệp sẽ lợi dụng việc vay vốn này để gửi tiền tiết kiệm không những làm giảm nguồn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp mà còn làm giảm hiệu quả sử dụng vốn vay trong doanh nghiệp.
Thêm một điểm khác: Nên gộp lãi tiền gửi tiết kiệm cá nhân vào thu nhập từ tiền lương, tiền công để tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần.
Nếu như chưa thể sửa đổi toàn diện các khoản mục tính thuế thu nhập cá nhân chuyển từ tính thuế từng lần phát sinh sang theo biểu thuế chung lũy tiến từng phần như các nước Úc, New Zealand… thì cần đề ra lộ trình để thực hiện mục tiêu cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế.
Trước mắt, cần gộp lãi tiền gửi tiết kiệm cá nhân vào thu nhập từ tiền lương, tiền công để tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần để đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế giữa thể nhân và pháp nhân cũng như đảm bảo giảm trừ gia cảnh đối với thu nhập của người gửi tiết kiệm là nguồn thu nhập chính.(Tuoitre)
-------------------------
Hoàn thiện cơ chế chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Sáng ngày 27/9, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi Họp báo chuyên đề “Một số nội dung Dự thảo nghị định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước” dưới sự chủ trì của ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp - Bộ Tài chính. Tham dự buổi Họp báo còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ và đông đảo phóng viên cơ quan thông tấn báo chí.
Tại buổi Họp báo, đánh giá về tình hình cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn 09 tháng đầu năm 2017, ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp cho biết, trong tháng 9/2017, Bộ Tài chính nhận được báo cáo của 01 đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa thuộc thuộc Danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2017 – 2020 theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ là Công ty TNHH MTV Du lịch thương mại Kiên Giang.
Lũy kế 09 tháng đầu năm 2017, đã có 34 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 11/44 doanh nghiệp thuộc Danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa năm 2017.
Tổng giá trị thực tế của 34 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 80.636 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 20.881 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 34 đơn vị là 25.873 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 12.646 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.941 tỷ đồng, bán cho người lao động 205 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 20 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 5.060 tỷ đồng.
Thông tin về tình hình thoái vốn trong tháng 9/2017, ông Đặng Quyết Tiến đánh giá, các đơn vị thoái được 125 tỷ đồng, thu về 195 tỷ đồng, bao gồm: Thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác (ngoài 05 lĩnh vực nhạy cảm) được 342 triệu đồng, thu về 6,9 tỷ đồng; Thoái vốn ở Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC): SCIC đã bán vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 125 tỷ đồng, thu về 188 tỷ đồng. Lũy kế 09 tháng đầu năm 2017, các đơn vị đã thoái được 3.838 tỷ đồng, thu về 15.998 tỷ đồng.
Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp - Bộ Tài chính nhận định, trong 09 tháng đầu năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các DNNN tập trung thực hiện đẩy mạnh cổ phần hóa, cơ cấu lại DNNN. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, chưa đạt được tiến độ, kế hoạch đề ra.
Trong thời gian tới, để tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về cổ phần hóa DNNN, Bộ Tài chính đưa ra những đề xuất mới quan trọng tại Dự thảo nghị định về cổ phần hóa DNNN như: Điều chỉnh tiêu chí lựa chọn và có chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược đối với doanh nghiệp cổ phần hoá; Xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá; Xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hoá được tăng cường đảm bảo ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước; chính sách bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hoá...
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết thêm, về các phương thức bán cổ phần lần đầu, ngoài 03 phương thức bán cổ phần hiện hành (đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp), dự thảo Nghị định đã bổ sung thêm phương pháp mới là phương pháp dựng sổ (Book building). Đây là một phương thức phổ biến trên thế giới cần được nghiên cứu áp dụng trong quá trình cổ phần hóa. Theo đó, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành xác định khoảng giá dự kiến và dựa vào nhu cầu của thị trường trên cơ sở dựng sổ lệnh về nhu cầu nhà đầu tư để xác định mức giá cuối cùng.
Về xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá, Dự thảo tiếp tục hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, căn cứ giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất được giao và thuê) công bố, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm tính vào giá trị doanh nghiệp và nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đồng thời, Dự thảo đã bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Phương án sử dụng đất của doanh nghiệp phải bảo đảm phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương và phải được gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp.(TCTC)
-----------------------
Bổ sung điều kiện về tình trạng tài chính với doanh nghiệp ưu tiên
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Thông tư Sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 72/2015/TT-BTC ngày 12/5/2015 quy định áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp.
Bổ sung điều kiện về tình trạng tài chính với doanh nghiệp ưu tiên. Ảnh: internet
Theo đó, Dự thảo Thông tư bổ sung điều kiện về tình trạng tài chính đối với doanh nghiệp ưu tiên là có lợi nhuận sau thuế bình quân dương trong thời gian 02 (hai) năm liên tục tính đến thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên.
Theo Dự thảo, trường hợp hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành thì cơ quan hải quan chấp nhận khai báo của doanh nghiệp về việc hàng hóa đã đáp ứng quy định chuyên ngành. Doanh nghiệp có trách nhiệm lưu trữ đầy đủ kết quả kiểm tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, định kỳ hàng tháng nộp lại cho cơ quan hải quan.
Về hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên, Dự thảo sửa đổi: Doanh nghiệp có yêu cầu được áp dụng chế độ ưu tiên, tự đối chiếu với các điều kiện quy định tại Thông tư này, có hồ sơ gửi Tổng cục Hải quan (qua Cục Kiểm tra sau thông quan) đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên.
Hồ sơ bao gồm: Văn bản đề nghị theo mẫu 02a/DNUT ban hành kèm Thông tư này: 01 bản chính; Báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong 02 (hai) năm tài chính liên tục, gần nhất: 01 bản chụp; Báo cáo kiểm toán trong 02 (hai) năm tài chính liên tục, gần nhất: 01 bản chụp; Bản kết luận thanh tra trong 02 (hai) năm gần nhất (nếu có): 01 bản chụp; Bản mô tả hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp trong đó mô tả đầy đủ quy trình quản lý, giám sát, kiểm soát vận hành thực tế toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, kiểm soát an ninh an toàn dây chuyền cung ứng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp: 01 bản chính; Các giấy chứng nhận khen thưởng, chứng chỉ chất lượng (nếu có): 01 bản chụp.
Về kiểm tra điều kiện công nhận doanh nghiệp ưu tiên, Dự thảo sửa đổi: Cục Kiểm tra sau thông quan kiểm tra tính đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ hồ sơ doanh nghiệp đề nghị ưu tiên và tổ chức thực hiện kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp, lập Báo cáo kết quả kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế; Tổng cục Hải quan có văn bản trả lời doanh nghiệp, nêu rõ lý do trong trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện.
Dự thảo Thông tư Sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 72/2015/TT-BTC ngày 12/5/2015 hiện đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.(TCTC)
------------------------
Thị trường căn hộ đã đến lúc chững lại?
Theo Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, 8 tháng đầu năm 2017, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chững lại. Song, hiện tượng này chỉ xảy ra ở một vài phân khúc...
Sau khi ghi nhận lượng giao dịch rất cao vào cuối năm 2016, thị trường căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh có dấu hiệu chững lại trong quý I/2017. Theo thống kê của nhà môi giới và tư vấn bất động sản - Tập đoàn CBRE, trong quý I/2017, lượng giao dịch căn hộ hạng A và B đồng loạt đi xuống, giảm lần lượt 50% và 35%.
Sức hấp thụ của căn hộ trung, cao cấp suy yếu, duy chỉ có phân khúc căn hộ hạng C vẫn được hấp thụ tốt với lượng bán tăng 10% so với quý IV/2016, chiếm 62% tổng lượng giao dịch toàn thị trường.
Trái ngược với quý I, bước sang quý II, thị trường căn hộ có sự cải thiện rõ nét về lượng hấp thụ. Theo Savills Việt Nam, tại TP. Hồ Chí Minh, trong quý II có 4 khu căn hộ mới và giai đoạn tiếp theo là 7 chung cư mở bán, cung cấp hơn 4.700 căn. Với gần 11.600 căn được tiêu thụ, lượng giao dịch của quý II/2017 đã chạm đỉnh kể từ 2011 tới nay.
Căn hộ trung bình và bình dân vẫn tiêu thụ tốt
Trong khi đó, theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), nửa đầu năm 2017, phân khúc nhà ở bình dân chào bán tăng 1,9 lần, phân khúc cao cấp tăng 1,8 lần nhưng phân khúc trung cấp giảm đến 42,1%, có những chủ đầu tư chuyên phát triển nhà ở trung cấp không có sản phẩm bán trong 6 tháng đầu năm nay.
Tại văn bản gửi Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và các sở ngành mới đây liên quan đến diễn biến thị trường bất động sản từ năm 2006 đến nay, HoREA cho rằng, 8 tháng đầu năm 2017, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chững lại. Song, hiện tượng này xảy ra ở một vài phân khúc và xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Liên quan đến thị trường căn hộ, ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho biết, nên hiểu sự "chững lại" này ở góc độ cung cầu thị trường. Thực tế, từ đầu năm đến nay, tình hình tiêu thụ căn hộ vẫn khả quan, nhưng do nguồn cung mới ít so với những năm trước đó nên dễ gây cảm giác thị trường trầm lắng.
Một phần nguyên nhân tác động đến nguồn cung mới xuất phát từ quyết định thanh tra quỹ đất công khiến các chung cư hình thành trên phần đất này bị chững lại. Cũng theo ông Hiền, trong những năm gần đây, xét về phân khúc, căn hộ trung bình và bình dân vẫn tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, do quỹ đất ngày càng hạn hẹp nên căn hộ có giá dưới 1 tỷ đồng gần như trở thành "hàng hiếm".
Trong khi đó, ở phân khúc căn hộ cao cấp với giá từ 3 đến 6 tỷ đồng, theo chia sẻ của một chuyên gia đầu tư đã nhiều năm gắn bó với thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh, ngoại trừ các khu vực đã có sẵn hạ tầng như khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (quận 7) hay Thảo Điền (quận 2) thì hiện việc phát triển phân khúc này cũng được cân nhắc kỹ lưỡng, bởi số lượng sản phẩm trên thị trường thứ cấp vẫn còn nhiều.
Vướng đền bù, giải tỏa, xây dựng
Ngoài các nguyên nhân liên quan đến cung cầu, thanh kiểm tra, một trong những tác nhân khiến các khu căn hộ mới "chào sân" ngày một nhỏ giọt do vướng thủ tục liên quan đến đền bù, giải tỏa, xây dựng.
Theo tiết lộ của ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty Him Lam Land, từ đầu năm 2017, Công ty dự kiến triển khai ba dự án chung cư nhưng do vướng một số vấn đề, trong đó có thiếu quỹ đất sạch nên có khả năng kế hoạch thay đổi. Thực tế cho thấy, nhiều chủ đầu tư bị động trong việc triển khai kế hoạch kinh doanh và chịu gánh nặng lãi vay do thời gian đền bù, giải tỏa kéo dài, có khi cả chục năm, chẳng hạn như khu dân cư Bắc Phước Kiển - Nhà Bè do Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư.
Tại một hội thảo về bất động sản mới đây ở TP. Hồ Chí Minh, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá, quỹ đất sạch trên địa bàn thành phố đang khan hiếm, điển hình, trong vòng bán kính 10km tính từ nhà thờ Đức Bà hiện không còn quỹ đất để phát triển chung cư, hoặc có nhưng vướng đền bù giải tỏa.
Ông Hiển nhìn nhận, đền bù có thể được xem là khâu khó nhất trong quy trình phát triển bất động sản. Chẳng hạn một dự án có quy mô hơn 78ha ở quận 9, dù đã giải phóng mặt bằng gần hoàn chỉnh, chỉ còn 3.000m2 là bưng biền nhưng không thể đền bù, do giá bị nâng lên 4 - 5 triệu đồng/m2, gấp đôi so với mức giá đền bù trong giai đoạn đầu.
Đánh giá về thị trường căn hộ trong những tháng cuối năm 2017, ông Ngô Quang Phúc cho rằng, sẽ có một số khu chung cư mới được giới thiệu nhưng số lượng chắc chắn sẽ không bằng năm 2015, 2016. Khả năng tiêu thụ tốt vẫn sẽ thuộc về những khu căn hộ có mức giá trên dưới 2 tỷ đồng/căn.
Từ thực tế giao dịch của khu căn hộ Him Lam Phú An (quận 9), theo chia sẻ của đại diện Him Lam Land, những chung cư có giá cả, vị trí phù hợp và được xây dựng bởi những nhà phát triển bất động sản uy tín từ đầu năm đến nay luôn trong tình trạng "cháy hàng" và những người có nhu cầu thực thậm chí phải tìm mua lại từ các nhà đầu tư thứ cấp. (DNSG)