Nhà nước thiệt đơn, thiệt kép với các dự án BT; Đất dành cho giao thông ở Hà Nội, TP HCM hiện chỉ đạt khoảng 50% quy định; Phó thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thanh tra 2 ngân hàng; Thời căn hộ giá rẻ 'đắt như tôm tươi'
Tin kinh tế đọc nhanh 03-10-2017
- Cập nhật : 03/10/2017
Go-Jek của Indonesia muốn cạnh tranh với Grab và Uber ở Đông Nam Á
CEO của Go-Jek, Nadiem Mukarim, nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn rằng hãng sẽ hướng đến những nước có dân số lớn và thích sử dụng tiền mặt.Nguồn ảnh: Go-Jek
Go-Jek, start-up đầu tiên của Indonesia có giá trị 1 tỷ USD, đang muốn để mở rộng dịch vụ gọi xe của mình đến 3 đến 4 quốc gia ở Đông Nam Á, tăng cường sự cạnh tranh với Grab và Uber.
Đồng sáng lập và CEO của Go-Jek, Nadiem Makarim, không nêu cụ thể thị trường mà họ sẽ nhắm tới, nhưng trong một cuộc phỏng vấn họ sẽ hướng đến những nơi có dân số lớn và thích sử dụng tiền mặt. Ông Makarim ám chỉ rằng dịch vụ thanh toán số của Go-Jek sẽ là một phần quan trọng trong việc thâm nhập các thị trường mới.
Grab, công ty đang cạnh tranh với Go-Jek tại Indonesia, được điều hành bởi Anthony Tan, bạn học cũ của ông Nadiem Makarim tại Trường Kinh doanh Harvard. Đối với Go-Jek, đây sẽ lần đầu tiên họ tấn công ra nước ngoài.
Ông Makarim nói tại Jakarta: "Chúng tôi đã luôn luôn ở trong thế phòng thủ. Và giờ là lúc chúng tôi cạnh tranh với họ."
Sau Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan là những nước đông dân nhất khu vực, với tổng dân số khoảng 270 triệu người. Go-Jek và Grab đã tung ra các dịch vụ thanh toán số trên điện thoại di động. Cả hai công ty xem đây là cách để mở rộng quy mô kinh doanh và tăng khả năng sinh lời thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho một số lượng lớn người, vốn ít có cơ hội tiếp cận ngân hàng.(NCĐT)
------------------------
Người trồng rong sụn lỗ nặng
Rong sụn từng được ví như "cây xóa đói giảm nghèo" của nhiều người dân ven biển ở tỉnh Ninh Thuận. Thế nhưng, thời hoàng kim chẳng được bao lâu thì diện tích cây trồng này ngày càng teo tóp do môi trường biển không còn thuận lợi như trước.
Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, khoảng 10 năm trước, tổng diện tích mặt nước của cây rong sụn là trên 400 ha, tập trung ở các xã biển Phước Dinh, Cà Ná, Phước Diên (huyện Thuận Nam) và Tri Hải, Thanh Hải (huyện Ninh Hải). Lúc đó, sản lượng rong sụn toàn tỉnh bình quân hơn 9.000 tấn/năm.
Thời hoàng kim của cây rong sụn ở Ninh Thuận đã qua
Trong giai đoạn 2007-2010, giá rong sụn trên dưới 1.500 đồng/kg đã mang lại nguồn lãi khá lớn cho người trồng. Nhiều gia đình ở xã Phước Dinh, địa phương có diện tích trồng rong sụn lớn nhất tỉnh với gần 300 ha, đã trở nên khá giả.
Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, người trồng rong sụn liên tục bị mất mùa. Ông Trần Hài (xã Phước Dinh, trồng hơn 2 ha rong) cho biết phải chịu lỗ gần 40 triệu đồng/năm/ha vì sản lượng quá thấp. Hàng trăm nông hộ trồng rong sụn khác cũng trong tình cảnh tương tự, mỗi hộ thua lỗ vài chục triệu đồng/năm. Không thể trụ nổi với nghề, nhiều hộ chuyên canh rong sụn đành phải dỡ lưới, rời biển, tìm kế mưu sinh khác. Từ đó, diện tích cây trồng này teo tóp đến thê thảm.
Thống kê của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Ninh Thuận cho thấy diện tích rong sụn toàn tỉnh hiện chỉ còn 45 ha, sản lượng xấp xỉ 950 tấn/năm. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, rong sụn chỉ còn trồng ở huyện Ninh Hải, còn hầu hết nông dân huyện Thuận Nam đã cạn vốn để tiếp tục đầu tư. Hiện nghề trồng rong sụn không còn hiệu quả mà nguyên nhân được cho là do thời tiết và môi trường biển.
Theo Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận, những năm gần đây, mùa nắng nóng ở địa phương này kéo dài nhiều tháng, nhiệt độ bình quân rất cao; mùa gió bấc sóng rất mạnh, thêm vào đó là tình trạng ô nhiễm môi trường biển gần bờ khiến rong sụn sinh trưởng kém, bị teo thân, cong nhánh, phải thu hoạch non, người trồng liên tục thua lỗ.
Năm 2017, kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận là cố gắng khôi phục diện tích rong sụn khoảng 150 ha, phấn đấu đến năm 2020 đạt 200 ha. Tuy nhiên, với thực trạng nghề trồng rong sụn hiện nay, mục tiêu này khó có thể thực hiện.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận cho biết dù khó khăn nhưng trong tháng 10-2017, đơn vị sẽ sử dụng nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo để khôi phục khoảng 30 ha rong sụn ở khu vực Đầm Nại, huyện Ninh Hải. Trung tâm còn đề xuất tỉnh tạo điều kiện cho những hộ trồng rong sụn thiếu vốn được vay hỗ trợ tái sản xuất.(NLĐ)
------------------------
Nghiên cứu gói viện trợ 1 tỉ NDT của Trung Quốc
Việt Nam-Trung Quốc nhất trí tích cực thúc đẩy giải quyết các vấn đề tại các dự án như đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, dự án đạm từ than cám Ninh Bình...
Bộ Công Thương cho hay Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Yến vừa chủ trì kỳ họp thứ 10 Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Trung Quốc tổ chức vào ngày 28-9-2017 tại Hà Nội.
Tại kỳ họp, hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ thương mại Việt-Trung tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo hướng tích cực, kim ngạch nhập siêu tuy còn cao song đã từng bước giảm dần.
Theo thống kê của phía Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt-Trung năm 2016 đạt 71,9 tỉ USD, tăng 7,9% so với năm 2015; nhập siêu giảm 13,67% so với năm 2015.
Hết tháng 8-2017, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt-Trung đạt 55,2 tỉ USD, tăng 23,59% so với cùng kỳ năm 2016, nhập siêu 17,7 tỉ USD, giảm 5,76%.
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ chín của Trung Quốc trên thế giới.
Kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Trung Quốc vừa tổ chức tại Hà Nội.
Tại hội nghị, hai bên đã trao đổi nhiều biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy giải quyết vấn đề nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc.
Phía Trung Quốc đồng ý, tích cực thúc đẩy công tác đánh giá tiêu chuẩn gia nhập thị trường Trung Quốc đối với sữa và sản phẩm từ sữa của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc, đẩy nhanh công tác kiểm dịch cho phép nhập khẩu hoa quả Việt Nam như măng cụt, dừa, roi, na, chanh leo… vào Trung Quốc.
Hai bên cũng đã tiến hành thảo luận sâu rộng các biện pháp quản lý có hiệu quả đối với chất lượng mặt hàng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc; tích cực phối hợp trao đổi thông tin, xây dựng cơ chế cảnh báo sớm để đảm bảo an toàn chất lượng, vệ sinh thực vật và sự thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam sang Trung Quốc, vấn đề xuất khẩu heo sống sang Trung Quốc.
Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi sâu rộng về các vấn đề hợp tác song phương trong lĩnh vực đầu tư, cơ sở hạ tầng và công nghiệp. Trong đó nhất trí tích cực thúc đẩy giải quyết các vấn đề tại các dự án như đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, dự án đạm từ than cám Ninh Bình.
Bên cạnh đó khởi động nghiên cứu khả thi việc sử dụng khoản viện trợ trong khuôn khổ gói 1 tỉ nhân dân tệ hỗ trợ Việt Nam trong vòng năm năm để xây dựng Học viện Y Dược học cổ truyền tại Việt Nam trong năm 2017…(PLO)
-------------------------
Nhu cầu vốn vay sẽ tăng mạnh trong quý cuối năm
Đó là kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các ngân hàng mới nhất do Vụ Dự báo, thống kê - Ngân hàng Nhà nước tiến hành, vừa được công bố. Cuộc điều tra cũng cho thấy, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục được cải thiện.
Nhiều ngân hàng nhận định nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng mạnh trong quý cuối năm - Ảnh: HỮU THUẬN.
Về lợi nhuận, 89% ngân hàng cũng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2016 với mức tăng trưởng toàn hệ thống bình quân kỳ vọng đạt 13,63%.
Trong đó thu nhập ròng từ phí và dịch vụ kỳ vọng tăng 18,53%, còn thu nhập ròng từ hoạt động tự doanh dự kiến tăng 9,76%.
Tỉ lệ ngân hàng lo ngại nguy cơ rủi ro khách hàng "tăng" trong quý 4 hoặc trong cả năm 2017 đã giảm đáng kể so với các kỳ điều tra trước. Đồng thời các ngân hàng cũng cho rằng nhu cầu vốn vay sẽ tăng mạnh trong quý cuối năm.
Về thanh khoản, theo kết quả điều tra này, có 85% ngân hàng nhận định thanh khoản của đơn vị mình ở trạng thái "tốt" đối với cả VND và ngoại tệ, 12% nhận định thanh khoản ở trạng thái "ổn định".
Về huy động vốn, huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng trưởng nhanh hơn trong quý cuối năm, bình quân kỳ vọng đạt 5,32% trong quý 4, cao hơn mức tăng thực tế 3,74% của cùng kỳ năm trước. Cả năm 2017, các ngân hàng kỳ vọng huy động vốn sẽ tăng 16,03%.
Do thanh khoản dồi dào, các ngân hàng cho rằng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế sẽ tăng tốc trong quý cuối năm, bình quân tăng trưởng 6,07% trong quý 4 và tăng 17,02% trong năm 2017.
Lãi suất cho vay cũng được dự báo sẽ tiếp tục giảm bình quân 0,22%/năm toàn hệ thống, riêng nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn cho rằng lãi suất cho vay có thể giảm đến 0,45%/năm.
"Triển vọng của nền kinh tế trong năm 2017, các chính sách điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tạo hành lang pháp lý thuận lợi, hỗ trợ tích cực việc tiếp cận nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp và đồng thời hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh ngành ngân hàng. Qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt được mục tiêu đề ra", Ngân hàng Nhà nước nhận định.
Về nợ xấu, ước tính tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng bình quân của toàn hệ thống ngân hàng cũng giảm nhẹ, ở mức 2,83%.
Đặc biệt, tại cuộc điều tra quý này, số ngân hàng kỳ vọng tỉ lệ nợ xấu "giảm nhẹ" và "giảm mạnh" tăng lên đáng kể so với cuộc điều tra quý trước. (Tuoitre)