Đề án Đặc khu kinh tế Phú Quốc sẽ được trình Quốc hội. Tín dụng tăng 7,32%. Tạm giữ tàu nghi vận chuyển lậu 200.000 lít dầu nhớt.Giá USD tự do giảm. Đánh giá tài sản dự án thép 3 tỉ USD để thanh lý.VCBS chính thức vận hành hệ thống giao dịch mới
Tin kinh tế đọc nhanh tối 31 -07-2015
- Cập nhật : 31/07/2015
Bắt vụ nhập khẩu 94 khẩu súng quân dụng, hàng trăm băng đạn qua đường hàng không
Hiện vụ việc tiếp tục được Bộ Công an kết hợp với Chi Cục hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất điều tra, xử lý.
Nhu cầu năng lượng của VN sẽ tăng 5,9%/năm
Đó là thông tin tại hội nghị năm năm triển khai Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2011 - 2015.
Hội nghị do Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) và Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả VN tổ chức ở Đà Nẵng ngày 30-7.
Theo tính toán của Viện Năng lượng, trong giai đoạn 2011 - 2015 dầu mỏ vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất (42,7%) trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng thương mại, tiếp theo là than (27,5%) và điện (25,7%), khí tự nhiên chỉ chiếm 4,1%.
Về cơ cấu ngành, công nghiệp vẫn là ngành tiêu thụ lớn nhất chiếm 45,7%, giao thông và dân dụng lần lượt chiếm 44,2% và 32,6%. Dựa trên những số liệu tính toán, Viện Năng lượng ước tính tỉ lệ tiết kiệm năng lượng giai đoạn này đạt 6%, đồng thời dự báo nhu cầu năng lượng của VN tăng với tốc độ 5,9%/năm giai đoạn từ năm 2014-2030.
Nông sản, thực phẩm Nhật Bản vào Việt Nam tăng nhanh
VN là quốc gia đứng vị trí thứ 7 trong tổng số các quốc gia mà Nhật Bản xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm gắn với số lượng nhà hàng Nhật Bản có hướng tăng nhanh.
Ngày 30-7, bên lề buổi kết nối doanh nghiệp VN và Nhật Bản trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm tổ chức tại TP.HCM, ông Yasuzumi Hirotaka, giám đốc Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM, cho biết từ năm ngoái đến nay đã có hơn 6.000 lượt doanh nhân Nhật Bản đến cơ quan này tìm hiểu thông tin về thị trường VN với mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ở đây.
Trong đó, 60% quan tâm đến ngành dịch vụ như kinh doanh nhà hàng, khách sạn, dịch vụ bán buôn, bán lẻ, thương mại..., còn lại là ngành sản xuất, chế biến.
Theo kết quả thống kê năm 2014, VN là quốc gia đứng vị trí thứ 7 trong tổng số các quốc gia mà Nhật Bản xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm gắn với số lượng nhà hàng Nhật Bản có xu hướng tăng nhanh.
Tại buổi kết nối, 25 doanh nghiệp Nhật Bản đã gặp gỡ hơn 100 doanh nghiệp VN, tìm kiếm cơ hội phân phối hàng vào VN với các sản phẩm như nước ép táo, cá đông lạnh, nấm, sữa trẻ em...
Đề nghị lập quỹ hỗ trợ phát triển cá tra
Tại hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ cá tra tổ chức ở TP Cần Thơ ngày 30-7, ông Lê Vĩnh Tân - phó trưởng Ban Kinh tế trung ương - đề nghị nhiều bộ, ngành cùng tham gia thực hiện tái cơ cấu đề án ngành cá tra bởi các chính sách về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra hiện mới chỉ đi vào giải quyết vấn đề quy hoạch, quy định chất lượng sản phẩm...
Ông Tân đề xuất các giải pháp tái cơ cấu ngành cá tra như định hướng lại thị trường (trong nước, thị trường giá trị thấp, thị trường giá trị cao) vì không thể “có một sản phẩm cá tra mà mang đi chào bán 150 nước” như cách làm thời gian qua.
Song song đó là việc đầu tư công nghệ khai thác giá trị gia tăng từ các phụ phẩm của cá tra như collagen, dầu cá, bột cá...; tinh gọn số doanh nghiệp theo hướng khuyến khích doanh nghiệp quy mô lớn mua lại doanh nghiệp yếu hoặc cho họ tham gia cổ phần để hạn chế tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây lộn xộn như thời gian qua.
Ngoài ra để đảm bảo lợi ích trong việc liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành hàng, cần lập quỹ hỗ trợ phát triển cá tra giống như quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cụ thể, khi điều kiện xuất khẩu tốt thì trích lại một phần, khi cần thiết thì lấy ra xử lý, cứu doanh nghiệp gặp khó khăn đối với thị trường không ổn định.
Cũng tại hội nghị, ông Trần Văn Hùng - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH Hùng Cá - cho biết công ty ông vừa liên kết với 356 hộ dân, trong đó có nhiều hộ “bể nợ” do nuôi cá tra trước đây, để cùng nuôi, chia lợi nhuận với công ty.
Theo đó, doanh nghiệp hỗ trợ tiền sửa chữa ao, trả nợ ngân hàng rồi cùng làm, chịu sự quản lý của doanh nghiệp. Ông Hùng cho rằng việc liên kết này đã giúp các hộ dân tham gia chuỗi. Do đó Nhà nước cần đưa những ao nuôi có sẵn trước đây vô quy hoạch, chỉ hạn chế đối với ao nuôi mới lấy từ đất trồng lúa.
THỦ TƯỚNG ANH THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI TP.HCM: Khuyến khích đầu tư tài chính, hạ tầng
Sáng 30-7, tại trụ sở Thành ủy 56 Trương Định, Q.3, TPHCM), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải và Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã tiếp Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland David Cameron.
Thủ tướng David Cameron đang thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải khẳng định TP.HCM mong muốn cùng Anh nỗ lực đưa mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Anh phát triển sâu rộng và thực chất trên tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân...
Bí thư Thành ủy cũng cảm ơn sự hỗ trợ của Anh dành cho TP.HCM trong thời gian qua và mong muốn Anh tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác theo mô hình đối tác công - tư (PPP), đồng thời mong muốn ngài Thủ tướng ủng hộ, khuyến khích các doanh nghiệp Anh đầu tư vào các lĩnh vực mà TP.HCM có nhu cầu và Anh có thế mạnh, đặc biệt là trong các lĩnh vực tài chính và cơ sở hạ tầng.
Về phần mình, Thủ tướng David Cameron bày tỏ ấn tượng sâu sắc về văn hóa, con người và những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của TP.HCM trong việc thúc đẩy cải cách kinh tế và tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thủ tướng David Cameron khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, tài chính, quy hoạch đô thị, phát triển mô hình đối tác công - tư (PPP), giáo dục - đào tạo.
Cũng tại TP.HCM, Thủ tướng David Cameron đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Anh và gặp gỡ nhà đầu tư Anh và Việt Nam tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Nguồn tinTuổi Trẻtừ HoSE cho biết sáng 30-7, Thủ tướng David Cameron đã tham dự cuộc thảo luận bàn tròn về việc tạo niềm tin và lợi ích của khách hàng trong môi trường tài chính kỹ thuật số tại đây.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại diện HoSE cùng Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Standard Chartered, MobiFone, Tập đoàn FPT, Dragon Capital, Nashtec và các doanh nghiệp Anh đã thảo luận về các thách thức và cơ hội trong lĩnh vực thanh toán di động, chuyển tiền, quản lý tài sản, đồng thời đề cập những kinh nghiệm, việc cộng tác và hỗ trợ giữa châu Âu và Việt Nam trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Anh cùng các lãnh đạo đi cùng đã gặp gỡ đại diện các công ty lớn của Việt Nam và thảo luận về các cơ hội đầu tư sang Anh và sự hỗ trợ của Cơ quan thương mại và đầu tư Anh đối với các nhà đầu tư.
Thông tin từ HoSE cho biết kết thúc chuyến thăm, ông David Cameron đã thực hiện nghi thức đánh cồng danh dự tại đây.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng David Cameron cùng đoàn đại biểu cấp cao Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã rời TP.HCM, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 29 đến 30-7-2015.