Tôm sú VN đang cạnh tranh tốt trên thị trường Mỹ
Thị trường đang quá tập trung vào FED
Cái "bắt tay" giữa Vingroup và Tân Hoàng Minh
Bớt đầu cơ, tiêu thụ thép giảm hẳn
Trung Quốc: Giá quặng sắt, thép rơi tự do
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 30 -07-2015
- Cập nhật : 30/07/2015
Prudential VN đầu tư kỷ lục 3.200 tỉ vào trái phiếu chính phủ
Ngày 29-7, tại Hà Nội, Prudential đã chính thức nhận chứng nhận đầu tư của Bộ Tài chính cho khối lượng kỷ lục trái phiếu chính phủ trị giá 3.200 tỷ đồng (tương đương 100 triệu bảng Anh) với kỳ hạn 20 năm trước sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Anh.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam phát hành trái phiếu kỳ hạn 20 năm, được xem là kỳ hạn dài nhất từ trước đến nay và cũng là cột mốc đánh dấu sự phát triển đáng kể của thị trường trái phiếu chính phủ ở Việt Nam. Quyết định đầu tư vào trái phiếu chính phủ thể hiện sự nhất quán của một doanh nghiệp Anh - Prudential tại VN 20 năm qua.
Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, việc Prudential Việt Nam đầu tư 100 triệu bảng Anh (tương đương 3.200 tỷ đồng) vào đợt phát hành Trái phiếu Chính phủ 20 năm đầu tiên của Việt Nam thể hiện lòng tin và cam kết mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài đối với Chính phủ và công cuộc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Nhân sự UBND tỉnh Phú Yên
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Phạm Văn Hổ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Nguyễn Đình Triết, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh, để nghỉ hưu theo chế độ.
Bổ sung vốn dự án “Cấp nước và nước thải đô thị”
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan làm việc với WB để thống nhất mức phân bổ vốn bổ sung cho các dự án thành phần; trong trường hợp phát sinh thay đổi so với mức được phê duyệt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng thống nhất với WB về hình thức tiếp nhận vốn bổ sung cho Hiệp định Tài trợ đã ký với WB để thực hiện các thủ tục tiếp theo.
Dự án “Cấp nước và nước thải đô thị - Giai đoạn I” gồm 2 Hợp phần: Hợp phần 1- Đầu tư hệ thống cấp và thoát nước thải gồm 14 dự án thành phần được thực hiện tại 10 tỉnh: Quảng Ninh, Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Kiên Giang, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước.
Hợp phần 2- Hỗ trợ kỹ thuật được thực hiện bởi 02 Cơ quan trung ương là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng.
Tổng vốn của Dự án là 236,2 triệu USD, gồm vay vốn IDA của WB 200 triệu USD, vốn đối ứng là 36,2 triệu USD. Thời gian thực hiện từ 2011-2016.
Đến nay, tiến độ thi công của Dự án đạt 57,4% và giải ngân đạt 45%, dự kiến Dự án sẽ đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến độ cam kết với WB.
Hà Nội chính thức có Sở Du lịch
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa ký quyết định thành lập Sở Du lịch Hà Nội trên cơ sở tách từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Theo quyết định được ký ngày 28/7, Sở Du lịch Hà Nội có chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố thực hiện quản lý Nhà nước về du lịch, các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Sở và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc ủy quyền của UBND thành phố Hà Nội.
Sở Du lịch Hà Nội có trụ sở tại số 17 phố Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội. Lãnh đạo Sở gồm có giám đốc và 3 phó giám đốc. Cơ cấu bộ máy gồm: Văn phòng, Thanh tra, Phòng Quản lý lữ hành, Phòng Quản lý cơ sở lưu trú, Phòng Kế hoạch-Nghiên cứu phát triển.
Cơ quan này có chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố thực hiện quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn, các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Sở và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc ủy quyền của UBND thành phố.
Theo quyết định này, Sở Du lịch Hà Nội thực hiện các giải pháp để bảo vệ, tôn tạo, khai thác, sử dụng hợp lý và phát triển tài nguyên du lịch, môi trường du lịch, khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn thành phố.
Sở Du lịch Hà Nội cũng có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến du lịch và tổ chức thực hiện chương trình xúc tiến du lịch, sự kiện, hội chợ, hội thảo, triển lãm du lịch của địa phương sau khi được phê duyệt.
Ngoài ra, Sở cũng có trách nhiệm giúp UBND thành phố quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân trong lĩnh vực du lịch…
Trước đó, trong kiến nghị gửi Thủ tướng và đã được chấp thuận, UBND thành phố Hà Nội cho rằng, Hà Nội với vị trí là Thủ đô, là trung tâm văn hóa, kinh tế của cả nước, Hà Nội có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, việc thành lập Sở Du lịch trên cơ sở tách ra từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ góp phần giúp Hà Nội khai thác, phát huy được thế mạnh này và để hoạt động xúc tiến du lịch đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn.
Hàng loạt đối tượng sắp được miễn thị thực vào Việt Nam
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh vừa yêu cầu Bộ Công an chủ trì khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định quy định việc miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam, trình Chính phủ trước ngày 15/8/2015.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công an, Phó thủ tướng đồng ý một số nội dung: quy định việc cấp giấy miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam nhập cảnh Việt Nam với mục đích thăm người thân và giải quyết việc riêng.
Trường hợp đương sự không có giấy tờ chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm xác minh đương sự là người gốc Việt Nam để xem xét, quyết định việc tiếp nhận hồ sơ xin miễn thị thực.
Về đối tượng áp dụng nghị định, Phó thủ tướng giao Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an chỉnh lý lại, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cấp giấy miễn thị thực về Việt Nam thăm người thân và giải quyết việc riêng.
Bộ Công an và Bộ Ngoại giao cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ về quy trình, thủ tục cấp giấy miễn thị thực đảm bảo nhanh, gọn, thuận lợi.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ: Tư pháp, Ngoại giao khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định, trình Chính phủ trước ngày 15/8/2015.
Thí điểm XNK, tái xuất hàng hóa qua Lối mở A Pa Chải
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý thí điểm hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu (XNK), tái xuất hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất qua Lối mở A Pa Chải, tỉnh Điện Biên; thời gian thí điểm đến hết năm 2016.
Phó Thủ tướng lưu ý, việc XNK hàng hóa và tái xuất hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất qua Lối mở A Pa Chải phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện theo quy định hiện hành.
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Điện Biên làm việc với các Bộ, cơ quan liên quan để được hướng dẫn và bố trí lực lượng chức năng, bảo đảm cơ sở kỹ thuật ở Lối mở A Pa Chải theo đúng quy định; trên cơ sở đó, công bố và tổ chức thực hiện, bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan.
UBND tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ hoạt động XNK và tái xuất hàng hóa qua Lối mở A Pa Chải; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra buôn lậu, thẩm lậu.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện; hết thời gian thí điểm, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ.
Theo UBND tỉnh Điện Biên, Lối mở A Pa Chải từ lâu đã là lối đi truyền thống phục vụ mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, giao lưu văn hóa giữa cư dân 2 bên biên giới Việt Nam-Trung Quốc.
Việc thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách tại Lối mở A Pa Chải, tỉnh Điện Biên là rất cần thiết, sẽ cho phép khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thúc đẩy XNK, tạm nhập tái xuất hàng hóa, phát triển kinh tế biên mậu, tạo động lực thu hút đầu tư vào Lối mở A Pa Chải, góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng vùng biên giới.
Hiện nay, cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng tại Lối mở A Pa Chải đã từng bước được đầu tư xây dựng hoàn thiện, hoạt động trao đổi mua bán hàng hóa ngày càng phát triển.