tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 09-01-2018

  • Cập nhật : 09/01/2018

Australia dự báo giá quặng sắt năm 2018 sẽ giảm 20%

Chính phủ Australia dự báo giá quặng sắt trong năm 2018 sẽ giảm; Xuất khẩu LNG sẽ tăng.

Hôm thứ hai, Australia dự đoán giá quặng sắt năm 2018 sẽ giảm 20% so với năm 2017 xuống còn mức trung bình khoảng 51,5 USD/tấn do nguồn cung toàn cầu tăng trong khi nhu cầu từ Trung Quốc giảm do nước này thắt chặt sản lượng thép.

Tuy nhiên, dự đoán này không trùng khớp với dự đoán của một số ngân hàng như UBS và Citi khi họ cho rằng giá quặng sắt năm nay đạt 64 USD/tấn gần bằng so với năm 2017 là 64,3 USD/tấn. Giá quặng sắt giao ngay hiện đang ở ngưỡng 75 USD/tấn.

Hai công ty khai khoáng hàng đầu thế giới là BHP và Vale đang phụ thuộc lớn vào việc bán quặng sắt để tăng doanh thu mặc dù họ đang nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm nguyên liệu thô dành cho các ngành luyện kim khác như đồng, nhôm...



Công ty Vale, trụ sở ở Brazil, đang lên kế hoạch tăng 7% lượng quặng sắt xuất khẩu trong năm 2018 lên 390 triệu tấn. Tại Australia, Rio Tinto, BHP và Fortescue Metals Group đặt mục tiêu nâng công suất khai thác thêm khoảng 170 triệu tấn trong vòng vài năm tới.

Bộ Công nghiệp, Cải cách và Công nghệ Australia dự đoán giá quặng sắt tiếp tục giảm trong năm 2019 xuống còn mức trung bình khoảng 49 USD/tấn. "Thị trường quặng sắt được dự báo sẽ trải qua năm 2018 đầy biến động do phải đối mặt với một số bất ổn trong đó có lệnh hạn chế sản lượng thép gây ảnh hưởng xấu đến nhu cầu quặng sắt".

Hiện tại, Trung Quốc đang thực hiện chương trình thắt chặt thị trường thép, đóng cửa các nhà máy sản xuất kém hiệu quả gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tránh tình trạng thừa thép.

Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 10/2017 cho biết chiến dịch chống ô nhiễm môi trường là nhiệm vụ quan trọng từ nay đến năm 2020.

Lượng khí gas hóa lỏng Australia xuất khẩu được dự báo sẽ tăng lên mức 76,5 triệu tấn từ nay đến hết tháng 6/2019, từ mức dự báo 63 triệu tấn dự báo năm tài khóa 2017/2018 và 52 triệu tấn năm ngoái.

Trong giai đoạn 2016/2017 – 2018/2019, việc xuất khẩu khí gas hóa lỏng sẽ đem về 14 tỷ đô la Úc (tương đương 11 tỷ USD) trong khi xuất khẩu quặng sắt giảm 10 tỷ đô la Úc, theo Bộ Công nghiệp, Cải cách và Công nghệ Australia.

Sự chuyển dịch này là do chính phủ Australia đầu tư 180 tỷ USD vào các dự án xây dựng các nhà máy khai thác khí gas mới bao gồm Wheatston của Chevron Group, Ichthys của Inpex Corp và Prelude của Royal Dutch Shell.

Bộ Công nghiệp, Cải cách và Công nghệ Australia cũng dự đoán giá than mỡ luyện cốc- một nguyên liệu thô khác dùng để sản xuất thép- được dự báo sẽ giảm trong vòng 18 tháng tới từ mức giá 192 USD/tấn đạt được vào quý IV/2017do cung vượt cầu.

Giá than nhiệt cũng sẽ giảm trong năm suốt năm 2018 và đầu năm 2019 với giá than Newcastle giao ngay được dự đoán sẽ giảm 12% xuống còn mức trung bình 77 USD/tấn trong năm 2018 và tiếp tục giảm 6% xuống còn 70 USD/tấn năm 2019.(NDH)
--------------------------------

Vì sao lãi suất vẫn khó giảm năm 2018?

“Suy cho cùng, nợ xấu chỉ là một phần nguyên nhân, còn chi phí quá cao của doanh nghiệp mới là nguyên nhân chính khiến lãi suất ngân hàng cao. Chúng ta kỳ vọng lãi suất cho vay doanh nghiệp giảm nhưng trên thực tế, nguồn lực để có thể giảm thì rất ít”, TS.Lê Xuân Nghĩa nói.

Vì sao lãi suất vẫn khó giảm năm 2018?

TS. Lê Xuân Nghĩa. Ảnh: Quang Sơn

Một năm thành công của nhà điều hành

Năm 2017, ngành ngân hàng đã được thông qua 2 hành lang pháp lý quan trọng về giải quyết nợ xấu, luật tín dụng. Phát biểu tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư - kinh doanh 2018” do BizLIVE phối hợp với Trung tâm Tin tức VTV24 tổ chức mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá, khu vực tài chính bao gồm cả ngân hàng trong năm qua đã có nhiều thành công trong chính sách tiền tệ.

“Thành công ở đây không phải là đưa ra chính sách tốt mà hành động thực thi chính sách tốt. Chính sách của Việt Nam tốt nhưng hành động lại không mấy khi tốt. Tuy nhiên, năm 2017 chúng ta đã kiên định với mục tiêu dài hạn, không để cho mục tiêu ngắn hạn và thành tích chính trị phá bỏ mục tiêu dài hạn. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao điều này”, TS. Nghĩa nói.

Điều hành lãi suất cũng lấy mục tiêu dài hạn. Chính phủ mong muốn giảm lãi suất, giảm tỷ giá để hỗ trợ kinh doanh nhưng khối ngân hàng chưa có điều kiện giảm nhiều nên phần lớn vẫn kiên trì các mục tiêu ổn định và dài hạn. 

Lòng tin vào hệ thống ngân hàng được cải thiện, các xếp hạng về ngân hàng được thay đổi theo hướng tích cực. Triển vọng xếp hạng của Việt Nam được chuyển từ “tiêu cực” sang “ổn định" và nay là triển vọng “ổn định tích cực”. Nợ xấu giảm từ 17% (2014), xuống 12% (2016) và 9,4% (2017).

Theo đánh giá của ông Nghĩa, đây là những tiến bộ đáng kể do nền tảng tài chính được cải thiện tốt, bao gồm tổng tài sản, vốn chủ sở hữu và khả năng sinh lời. Chỉ số sinh lời tăng gần gấp đôi, lên tới 11%, có ngân hàng vượt mức 14-15%, đạt mức trung bình khá của khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và toàn hệ thống nói chung đã đạt kết quả bước đầu và tạo lòng tin nhất định cho các nhà đầu tư cũng như người dân, tạo triển vọng sáng sủa hơn trong năm 2018.

Theo dự báo của chuyên gia, năm 2018 ngành ngân hàng vẫn duy trì được sự ổn định, tích cực và có thể cải thiện các mục tiêu dài hạn.

“Năm 2018, lạm phát vẫn mức dưới 4%, lãi suất ổn định, có thể giảm nhẹ, tỷ giá ổn định. Tôi dự đoán, kiểm soát tín dụng với bất động sản sẽ như năm 2017, tức kiểm soát hợp lý, không siết vào nhưng cũng không nới lỏng làm thị trường bùng nổ. Cho vay tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh, càng ngày đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế”, ông Nghĩa nói.

Vẫn khó giảm lãi suất

Về thách thức 2018, theo chuyên gia, có 4 thách thức chính.

Thứ nhất, từ tài chính quốc tế, ông Donal Trump đã quyết định gỡ bỏ một số kiểm soát, hạn chế đối với tài chính ngân hàng, đặc biệt là đối với thị trường chứng khoán Mỹ.

Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có cả ngân hàng, vẫn rất yếu, yếu nhất là vốn và nhân lực. Do đó, việc muốn đưa công nghệ mới vào cũng rất khó, muốn nâng cao kỹ năng quản lý, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế cũng vô cùng khó khăn.

“Đây là vấn đề lâu dài mà chiến lược phát triển quốc gia cần quan tâm, làm thế nào để khu vực doanh nghiệp có sức cạnh tranh tốt hơn”, ông Nghĩa nói.

Thứ ba, theo chuyên gia, là rủi ro chính quyền. Doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí không hề nhỏ để chống đỡ rủi ro này.

Thứ tư, là lãi suất cho vay sẽ vẫn rất khó giảm. “Theo nghiên cứu của chúng tôi, nếu lãi suất giảm xuống mức 3,8%-4%/năm, hệ thống ngân hàng sẽ rơi vào bẫy thanh khoản, tức dân chúng không gửi tiền nữa, mà sẽ vác tiền đi mua vàng, USD và đầu tư vào các kênh khác”.

“Suy cho cùng, nợ xấu chỉ là một phần nguyên nhân, còn chi phí quá cao của doanh nghiệp mới là nguyên nhân chính khiến lãi suất ngân hàng cao. Chúng ta kỳ vọng lãi suất cho vay doanh nghiệp giảm nhưng trên thực tế, nguồn lực để có thể giảm thì rất ít”, TS.Nghĩa nói.

Đồng quan điểm, TS.Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, khả năng giảm lãi suất trong thời gian tới là rất ít do lãi suất đầu vào khó giảm. Trong khi đó, dù vấn đề nợ xấu hiện đã được xử lý nhanh hơn nhờ Nghị quyết 42 nhưng để giải quyết triệt để thì không phải ngày một ngày hai mà cần cả một quá trình. Khi chưa thể xử lý nợ xấu nhanh hơn, hiệu quả hơn thì chưa thể giảm lãi suất.

Thứ nữa, chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng Việt Nam đang ở mức tương đối thấp so với khu vực, chỉ 2,2%-2,4%, so với Trung Quốc khoảng 3%, Philippines, Indonesia khoảng 2,8%-3%. Trong khi đó, chi phí giao dịch kinh tế của Việt Nam rất cao.(Bizlive)
-----------------------------

Giá bán không hấp dẫn, năng lượng sạch đang ì ạch

Được đón chào hồ hởi, nhưng giờ đây không ít nhà đầu tư năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) đang tìm cách xin trả lại dự án.

Giá bán không hấp dẫn, năng lượng sạch đang ì ạch - Ảnh 1.

Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu - Ảnh: T.T.D.

Lý do là vì giá thấp lẫn chính sách khuyến khích đầu tư chưa đủ hấp dẫn. Mới nhất, một nhà đầu tư Hàn Quốc đã xin rút khỏi dự án tại tỉnh Đắk Lắk vì lý do "không bảo đảm khả năng sinh lợi".

Nhanh chóng khơi thông cơ chế, xóa bỏ rào cản để phát triển năng lượng sạch là điều mà rất nhiều nhà đầu tư đang mong muốn. Gần đây, giá điện mặt trời đã được Chính phủ phê duyệt ở mức 9,35 cent/kWh (tương đương 2.086 đồng) được các chuyên gia đánh giá là "cú hích" để các nhà đầu tư quay trở lại.

Quá nhiều rào cản

Theo bà Sonia Lioret - trưởng dự án Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng thuộc Chương trình hỗ trợ năng lượng Bộ Công thương (GIZ), tính đến cuối tháng 8-2017, cả nước có đến 19 gigawatt - GW (19 triệu kW) điện mặt trời từ các dự án đang được lập kế hoạch để triển khai bao gồm các dự án trên mặt đất và trên mái nhà.

Riêng dự án điện mặt trời quy mô lớn đến nay đã tăng lên hơn 100 dự án, tập trung nhiều nhất là các tỉnh Đắk Lắk, Bình Thuận, Tây Ninh, Ninh Thuận và Khánh Hòa, nhưng hiện chỉ có một số dự án "được cấp phép", theo bà Sonia Lioret. 

Nguyên nhân: cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý, cùng các nhà vận hành lưới điện đều chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai.

Theo một đại diện của Bộ Công thương, với cơ chế giá (2.086 đồng) mà Chính phủ vừa phê duyệt đã khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Tuy nhiên rào cản kỹ thuật lớn nhất, theo vị này, là hầu hết các dự án quy mô lớn lại tập trung vào một số tỉnh, trong khi năng lực tiếp nhận điện tái tạo của lưới điện tại các địa phương này có hạn, dẫn tới khó có thể cấp phép đầu tư. 

Ngoài yếu tố kỹ thuật thì rào cản thời gian cũng là một hạn chế khiến các nhà đầu tư không "mặn mà" lắm. Cụ thể: thời hạn để các nhà đầu tư được hưởng mức giá 9,35 cent/kWh là ngày 30-6-2019. Tức là nhà đầu tư chỉ có một thời gian ngắn để phát triển dự án tính từ tháng 8-2017, vậy nên có nguy cơ khó hoàn thành. 

Đó là chưa kể việc các tổ chức tài chính đều nhận định rằng "thỏa thuận mua bán điện mẫu" có nhiều yếu tố không chắc chắn, rõ ràng, do đó có thể dẫn đến một số nguy cơ đối với nhà đầu tư. Điều này khiến các tổ chức tài chính không quá hào hứng cung cấp vốn vay hoặc đầu tư, nên vốn cho các dự án này phải phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại trong nước. 

Tuy nhiên, "trên thực tế, bản thân các ngân hàng này cũng chưa hiểu nhiều về thẩm định và cho vay đối với dự án điện mặt trời", theo nhận định của GIZ.

Trong khi điện mặt trời có cơ chế giá tốt hơn nhưng các nhà đầu tư vẫn gặp khó trong triển khai dự án, các dự án điện gió gần như "giẫm chân tại chỗ". 

Theo ông Phương Hoàng Kim - Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), tính đến tháng 8-2017 có khoảng 50 dự án đăng ký với tổng công suất khoảng 3.000 megawatt - MW. Tuy nhiên, hiện cả nước chỉ có 5 dự án điện gió nối lưới vào hoạt động với công suất 190 MW. 

Do cơ chế giá không hấp dẫn nên nhà đầu tư không mấy "mặn mà", vậy nên Bộ Công thương cho rà soát, đánh giá lại các dự án điện gió đang vận hành, đang chuẩn bị đầu tư... để xây dựng phương án giá mới trình Thủ tướng.

Theo quy hoạch, đến năm 2020 điện mặt trời chiếm 850 MW và 12.000 MW vào năm 2030. Riêng điện gió được quy hoạch đến năm 2020 đạt khoảng 800 MW, năm 2025 đạt 2.000 MW và đến năm 2030 đạt khoảng 6.000 MW.

Giá bán không hấp dẫn, năng lượng sạch đang ì ạch - Ảnh 3.

Điện gió ở Bạc Liêu - Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG

Khơi thông nhiều cơ chế

Trước thực trạng trên, từ tháng 8-2017, Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng đề xuất một số cơ chế, chính sách nhằm phát triển điện gió. Theo đó, điều chỉnh tăng giá bán điện của các dự án điện gió trên đất liền là 8,77 cent/kWh (tương đương 1.991 đồng) và giá điện gió trên biển là 9,97 cent/kWh (tương đương 2.263 đồng). Giá bán điện gió được áp dụng cố định trong 20 năm.

"Các dự án điện gió sẽ được ưu tiên mua điện từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đồng thời được hưởng các ưu đãi như miễn thuế nhập khẩu thiết bị, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất... Bộ Công thương kỳ vọng mức giá điện điều chỉnh nhằm đảm bảo lợi ích của chủ đầu tư, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn vay thương mại cho các dự án điện gió" - ông Kim nói.

Đối với dự án điện mặt trời, đại diện Bộ Công thương cũng cho biết đang tích cực tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Theo đó, các dự án điện mặt trời được hưởng cơ chế giá bán điện là 2.086 đồng/kWh, được điều chỉnh theo biến động tỉ giá VND/USD. Phía EVN có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện mặt trời nối lưới vận hành thương mại trước ngày 30-6-2019, theo hợp đồng mua bán điện mẫu được áp dụng 20 năm. 

Ngoài ra, để khuyến khích lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, Bộ Công thương cũng đưa ra cơ chế bù trừ điện năng, sử dụng hệ thống côngtơ hai chiều. Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện. 

Tương tự với các dự án điện gió, dự án điện mặt trời cũng sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...

Tuy nhiên, theo bà Sonia Lioret, dù đã có cơ chế nhưng để việc đầu tư các dự án điện mặt trời đạt hiệu quả, cần nâng cao năng lực và kinh nghiệm cho các nhà đầu tư trong nước, nhất là việc kết nối lưới điện. Ngoài hạ tầng chưa khớp nối thì trình độ chuyên gia vận hành lưới của Việt Nam cũng phải được cập nhật, nâng cao. 

"Nút thắt lớn hiện nay đó là kết nối lưới" - bà Sonia Lioret nói. (Tuoitre)

Giá bán không hấp dẫn, năng lượng sạch đang ì ạch - Ảnh 4.

Các dự án năng lượng tái tạo đăng ký tại các địa phương - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

-------------------------------------

Bộ Tài chính: Nợ công Việt Nam năm 2017 ở mức 61,3% GDP

Tình hình nợ công đã được cải thiện rõ nét khi nợ công Việt Nam tính tới 31/12/2017 ước khoảng 61,3% GDP, thấp hơn con số được ước tính trước đó.

Con số trên vừa được Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết tại hội nghị tổng kết ngành tài chính ngày 8/1.

Trước đó, báo cáo về tình hình nợ công gửi các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 khóa 14, Chính phủ đã dự kiến cuối năm 2017 dư nợ công có thể ở mức 62,6% GDP.

Có mặt tại buổi tổng kết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại một trong những kỷ lục trong năm 2017, đó là mức tăng trưởng đạt 6,81% GDP. Điều này theo Thủ tướng đã giúp GDP trong năm qua đạt khoảng 5,1 triệu tỷ đồng.

Con số trên theo người đứng đầu Chính phủ là quan trọng bởi từ đó, nợ công tính ra còn 61,3% GDP. Thủ tướng Chính phủ cũng nhớ tới thời điểm đầu năm 2016 khi nợ công lên tới khoảng 64,5% GDP, gần kịch trần. Khi đó, nhiều ý kiến đã lo lắng về nợ công có thể đe dọa nền tài chính Việt Nam.

Tuy nhiên, với kết quả hiện tại, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, GDP đạt con số 5,1 triệu tỷ đồng là cố gắng lớn và con số này quan trọng với an toàn nợ công.

Thủ tướng cũng lưu ý, theo quy định, Bộ Tài chính là “chủ công” trong thời gian tới về quản lý nợ công nên bộ cần nghiên cứu để có nguồn vốn vay đồng thời quản lý hiệu quả, an toàn(Vietnam+)

Trở về

Bài cùng chuyên mục