Doanh số ô tô tháng cuối năm 2017 tăng 13%; Trung Quốc đặt mua 184 máy bay A320 của Pháp; Hàn Quốc: Nợ hộ gia đình có nguy cơ "bùng nổ" thành khủng hoảng?; GDP Việt Nam tăng nhanh gấp đôi trung bình thế giới
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 10-01-2018
- Cập nhật : 10/01/2018
Samsung đạt lợi nhuận kỷ lục
Trong báo cáo bắt buộc gửi nhà chức trách Hàn Quốc, Samsung tuyên bố lợi nhuận trong quý 4/2017 của hãng dự kiến sẽ lập kỷ lục mới khi tăng tới 63,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh của Samsung trong 3 tháng cuối năm ngoái ước đạt 15.100 tỷ Won (tương đương 14,1 tỷ USD), tức là tăng thêm 9.200 tỷ Won so với quý 4/2016. Doanh thu của hãng cũng tăng 23,8%, đạt 66.000 tỷ Won (62,04 tỷ USD) trong khoảng thời gian này.
Bất chấp các con số ấn tượng trên, kết quả kinh doanh của đại gia công nghệ Hàn Quốc vẫn thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích. Một cuộc thăm dò ý kiến của trang kinh tế Yonhap Infomax cho thấy, các nhà môi giới chứng khoán từng phỏng đoán Samsung sẽ thu được mức lợi nhuận "khủng", lên tới 15.900 tỷ Won.
Theo Samsung, tổng lợi nhuận thu được cả năm 2017 của hãng ước tăng 83,3% so với 1 năm trước đó, đạt 53.600 tỷ Won. Tổng doanh thu cả năm cũng cán mốc 239.600 tỷ Won, tăng 18,7% so với tổng doanh thu năm 2016 (201.900 tỷ Won).
Samsung không cung cấp chi tiết kế quả hoạt động của từng mảng kinh doanh. Những thông tin này dự kiến sẽ được đề cập tới trong báo cáo cuối cùng của hãng, công bố vào cuối tháng này.
Thành tích của Samsung dường như bắt nguồn một phần từ sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp chip toàn cầu. Các nhà phân tích dự đoán, lợi nhuận từ mảng kinh doanh chất bán dẫn của hãng lần đầu tiên đã vượt mốc 10.000 tỷ Won (9,4 tỷ USD) trogn quý 4/2017.
Nhà nghiên cứu Lee Seung-woo thuộc công ty đầu tư và chứng khoán Eugene nhận định, Samsung sẽ tiếp tục kiếm bộn trong quý đầu tiên của năm nay, dù có thể bị ảnh hưởng đôi chút do đồng Won mạnh lên so với đồng USD. Đồng nội tệ của Hàn Quốc liên tục tăng giá trong nhiều tháng qua trước xu hướng giảm giá của đồng bạc xanh Mỹ.
Công ty đầu tư và chứng khoán Hanwha cũng cho rằng, các điều kiện kinh doanh của Samsung sẽ vẫn vững chắc ngay cả khi lợi nhuận quý 4/2017 thấp hơn mức kỳ vọng của thị trường, một phần do các khoản chi phí một lần như những khoản tiền thưởng đặc biệt cho nhân viên sau khi có doanh thu cao.(Vietnamnet)
----------------------------
Thống đốc Lê Minh Hưng: Dự trữ ngoại hối vượt 53 tỉ USD, vàng hết ‘sốt’
USD vẫn không ngừng "chảy" vào Quỹ dự trữ ngoại hối, trong khi thị trường vàng tiếp tục 1 năm yên ả, không xuất hiện các “cơn sốt” vàng.
Chiều nay, 9.1, Ngân hàng nhà nước tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong năm 2017, trong điều kiện nguồn cung ngoại tệ dồi dào, Ngân hàng nhà nước điều chỉnh linh hoạt tỉ giá, mua ngoại tệ phù hợp với diễn biến thị trường. Tính đến thời điểm hiện tại, Quỹ dự trữ ngoại hối đã đạt mức lịch sử hơn 53 tỉ USD.
Dẫn đánh giá của Bloomberg, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, tổ chức này đánh giá VND là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; hệ thống các tổ chức tín dụng mua ròng ngoại tệ từ tổ chức, cá nhân với khối lượng lớn.
Đối với thị trường vàng, người đứng đầu Ngân hàng nhà nước báo cáo, với những giải pháp đồng bộ, linh hoạt quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo Nghị định 24 của Chính phủ, đến nay, thị trường vàng tiếp tục diễn biến tương đối ổn định. Nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm, doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống duy trì ở mức thấp.
“Thị trường không xuất hiện các “cơn sốt” vàng miếng; không còn tình trạng đầu cơ, làm giá, gây bất ổn đến tỉ giá, thị trường ngoại tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô. Một phần nguồn vốn bằng vàng đã bước đầu được chuyển hóa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, Thống đốc khẳng định.
Theo báo cáo, tính đến ngày 31.12.2017, tín dụng toàn hệ thống tăng 18,17%. Đáng chú ý, tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ), trong đó, tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ diễn biến tích cực. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán được kiểm soát đã tăng với tốc độ chậm lại.(Thanhnien)
-----------------------------
Nước nào nhiều tiến sĩ nhất?
Các quốc gia đang không ngừng đầu tư vào các hệ thống giáo dục bậc trên đại học kéo theo sự tăng trưởng về số lượng tiến sĩ.
Giáo dục là chìa khóa mở ra tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, giáo dục đại học là gốc rễ của những cải tiến mà chúng ta chứng kiến ở xung quanh mình. Những phát hiện mới như công nghệ GPS và MP3 sẽ chẳng bao giờ xuất hiện nếu không có công trình nghiên cứu của các vị tiến sĩ.
Trong nền kinh tế tri thức, những người nắm bằng tiến sĩ được xác định là “một trong những yếu tố chủ chốt đằng sau việc tạo ra tăng trưởng kinh tế dựa trên tri thức”, theo một bài viết năm 2010 của nhà nghiên cứu Laudeline Auriol.
Hiểu rõ tầm quan trọng này, các quốc gia đang không ngừng đầu tư vào các hệ thống giáo dục bậc đại học và hiện nay, có nhiều người hơn bao giờ hết hoàn tất chương trình tiến sĩ. Vậy nước nào có nhiều tiến sĩ nhất?
Theo một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Mỹ ít nhất gấp 2 lần nước xếp thứ hai là Đức về số người có học vị tiến sĩ. Vào năm 2014, có 67.449 người lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ, so với 28.147 ở Đức. Nối gót theo sau là Anh Quốc, đánh bại Ấn Độ để giành vị trí thứ 3 với 25.020 người có bằng tiến sĩ (Ấn Độ có 24.300 tiến sĩ). Dù xếp thứ 5 trong bảng xếp hạng nhưng Nhật lại có số người học vị tiến sĩ chỉ bằng 25% của Mỹ với 16.039 người.
Đứng vị trí thứ 6 và thứ 7 lần lượt là Pháp và Hàn Quốc với 13.729 và 12.931. Tây Ban Nha và Ý xếp thứ 8 và thứ 9, lần lượt đạt 10.889 và 10.678 người có học vị tiến sĩ. Úc đứng thứ 10 với 8.400 người.
Số liệu OECD cũng cho thấy số người có học vị tiến sĩ đã tăng nhanh trên toàn thế giới trong 20 năm qua. Phần lớn đến từ các nước OECD. Các nền kinh tế mới nổi lớn đã cải thiện được năng lực đào tạo bậc đại học như Ấn Độ đã đạt được thứ hạng cao trong top 10 quốc gia với 24.300 người có học vị tiến sĩ.
Các lĩnh vực khoa học có nhiều tiến sĩ nhất. Khoảng 40% những người mới được cấp bằng tiến sĩ trong khu vực OECD là hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán và tỉ lệ này đã tăng lên mức 58% nếu tính cả tiến sĩ trong lĩnh vực y tế. Các chương trình tiến sĩ đặc biệt hướng đến các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật tại Pháp (59%), Canada (55%) và Trung Quốc (55%), theo báo cáo của OECD.
Đào tạo bậc tiến sĩ đã trở thành một động lực quan trọng trong một thế giới mà tri thức được xem là một dạng “nhiên liệu” mới, một nguồn “năng lượng tái tạo” thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế tri thức.(NCĐT)
----------------------------
Bộ Tài chính bỏ đề xuất đánh thuế VAT sang tên ‘sổ đỏ’
Sau khi gặp nhiều ý kiến phản đổi, đặc biệt từ các hiệp hội bất động sản, Bộ Tài chính đã chính thức bỏ đề xuất đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) với hoạt động chuyển quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Theo đó, trong Dự thảo các luật về thuế sửa đổi được Bộ Tài chính gửi Bộ Tư pháp thẩm định mới đây, sau khi tiếp thu ý kiến các bộ ngành, địa phương, chuyên gia, đơn vị đã có một số thay đổi so với dự thảo lấy ý kiến rộng rãi trước đó.
Trong dự thảo mới, Bộ Tài chính đã chính thức bỏ đề xuất đánh thuế VAT với hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Dù trước đó, trong dự thảo sửa đổi 5 luật về thuế lấy ý kiến công khai, Bộ Tài chính có lý giải rằng, Luật thuế VAT hiện hành đã phát sinh nhiều vướng mắc về các đối tượng không chịu thuế VAT, trong đó có chuyển quyền sử dụng đất, gây khó khăn cho doanh nghiệp và công tác quản lý thuế. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi, đưa hoạt động sang tên sổ đỏ vào nhóm chịu thuế VAT.
Bộ Tài chính lý giải, hiện giá bán bất động sản không gồm thuế VAT, nhưng với nhiều dự án chung cư cao tầng phải phân bổ tiền sử dụng đất cho từng căn hộ nên phức tạp; nhiều dự án chung cư cao tầng không tính trừ giá đất phải nộp ngân sách khi xác định giá tính thuế VAT.
Bên cạnh đó, đối với trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất qua nhiều tổ chức, cá nhân khác qua nhiều năm, khó xác định “giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước”.
Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trên, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định chuyển quyền sử dụng đất không chịu thuế VAT sang chịu thuế VAT thông thường (hiện là 10%). Theo đó, ngoài hoạt động mua bán bất động sản, hoạt động cho, tặng, thừa kế… bất động sản khi sang tên sổ đỏ đều phải chịu thuế VAT.
Cùng đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi quy định, thay vì tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp ngân sách nhà nước hiện được khấu trừ khỏi giá tính thuế, nay sẽ cộng vào giá để tính thuế.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị… đơn vị soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đóng góp, và đưa khỏi Dự luật gửi Bộ Từ pháp thẩm định về đánh thuế VAT với hoạt động sang tên sổ đỏ.
Trước đó, góp ý cho Dự thảo sửa đổi 5 luật thuế của Bộ Tài chính, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu tỏ ra lo lắng thuế chồng thuế. Theo ông Châu, quy định hiện hành, chuyển quyền sử dụng đất không thuộc đối tượng chịu thuế VAT là phù hợp. Bởi lẽ, tiền sử dụng đất dự án nhà ở là một khoản thu ngân sách nhà nước mà chủ dự án đã nộp tương tự như một khoản thuế.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, hiện hoạt động mua bán bất động sản chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân (2%), lệ phí trước bạ (0,5%). Nếu hoạt động chuyển nhượng bất động sản phải chịu thuế VAT (10% và có thể tăng lên 12% theo đề xuất mới của Bộ Tài chính), giá bán sẽ tăng theo tương ứng. Điều này làm dấy lên lo ngại giá nhà đất sẽ tăng mạnh.
Tuy đã bỏ đánh thuế VAT với hoạt động san tên sổ đỏ, nhưng có thể thời gian tới người có nhiều nhà đất vẫn phải gánh thêm khoản thuế mới là thuế tài sản. Hiện khoản thuế này đang được Bộ Tài chính nghiên cứu, với mục tiêu hướng tới là thu thuế với người sở hữu từ 2 căn nhà/đất trở lên.(Tienphong)