tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 10-01-2018

  • Cập nhật : 10/01/2018

IFC đầu tư cho DNP Water trong dự án xử lý nước sạch

ifc da cam ket mot khoan vay co the chuyen doi tri gia 15,3 trieu usd cho dnp water de mo rong co hoi su dung nuoc sach.

IFC đã cam kết một khoản vay có thể chuyển đổi trị giá 15,3 triệu USD cho DNP Water để mở rộng cơ hội sử dụng nước sạch.

IFC, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã cam kết một khoản vay có thể chuyển đổi trị giá 15,3 triệu USD cho DNP Water, một công ty tư nhân Việt Nam, để mở rộng cơ hội sử dụng nước sạch cho các hộ gia đình và người dân khu vực đô thị. 

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, hiện mới chỉ khoảng 35% dân số Việt Nam được sử dụng nước máy, tính đến năm 2020, Việt Nam cần đầu tư tới 1 tỷ USD mỗi năm cho hệ thống cung cấp nước sạch đô thị để đáp ứng nhu cầu sử dụng hiện tại và tương lai. Với nguồn ngân sách hạn chế, nhà nước đã kêu gọi sự tham gia tích cực hơn nữa của khu vực tư nhân vào sản xuất nước sạch và mở rộng mạng lưới cung cấp nước máy.

DNP Water đặt mục tiêu mở rộng danh mục các công trình xử lý và cấp nước tại Việt Nam và dự kiến sẽ nâng cao năng lực xử lý và cấp nước lên gấp năm lần - đến năm 2025 đạt một triệu mét khối mỗi ngày. Khoản đầu tư của IFC vào DNP Water sẽ hỗ trợ chiến lược phát triển của Công ty với việc xây dựng hai nhà máy xử lý nước mới quy mô lớn, và sở hữu các công ty cấp nước được cổ phần hóa. DNP Water sẽ tập trung nâng cao năng lực xử lý và cấp nước sạch chủ yếu ở các đô thị cấp hai và cấp ba ở Việt Nam.

Theo thỏa thuận giữa các bên, gói tài trợ có thể lên tới 24,9 triệu USD, bao gồm khoản vay chuyển đổi nêu trên để hỗ trợ chiến lược tăng trưởng tiếp theo của công ty.

“Chúng tôi đánh giá cao tài trợ dài hạn của IFC cho ngành nước, một ngành quan trọng và đang có những biến chuyển nhanh chóng,” ông Vũ Đình Độ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị DNP Water phát biểu. “Kinh nghiệm chuyên môn sâu rộng trong ngành nước của IFC sẽ giúp chúng tôi áp dụng những thông lệ quốc tế tốt nhất vào ngành nước Việt Nam và cải thiện các tiêu chuẩn bền vững.”(NCĐT)
--------------------------

TP.HCM: Đất nền sốt nóng, căn hộ chung cư "đủng đỉnh" tăng giá

Báo cáo nghiên cứu toàn cảnh thị trường bất động sản TP.HCM năm 2017 của DKRA Việt Nam đã ghi nhận TP.HCM là nơi có biên độ tăng giá cao nhất trong cả nước. Thị trường này có chu kỳ thiết lập mặt bằng giá mới ngắn hơn so với các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, biên độ tăng giá của các khu vực và các phân khúc nhà ở tại thành phố không đều. Nếu mức giá khởi điểm càng thấp, biên độ tăng càng cao và ngược lại.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng có nhiều yếu tố tác động vào việc hình thành mức giá của thị trường nhà đất. Thứ nhất, TP.HCM đang thu hút mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.

Chính sự đa dạng hóa các dịch vụ tiện ích và sự tăng trưởng của các ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán đã tác động mạnh mẽ đến giá bán của thị trường nhà đất. Sự gia tăng luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã thu hút thêm lượng người lao động từ nước ngoài đến sống và làm việc tại TP.HCM, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về thuê mua nhà ở.

Bên cạnh đó, trong những năm 2016 và đầu năm 2017, cơn sốt đất nền vùng ven cũng như việc phát triển hạ tầng giao thông và các thông tin quy hoạch vùng đã liêc tục góp phần vào việc hình thành nên mặt bằng giá mới.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam, cho biết sau giai đoạn đóng băng từ năm 2010-2013, thị trường bước vào giai đoạn phục hồi. Từ năm 2014, thị trường đã bắt đầu khởi sắc và phát triển sôi động. Đến nay, với giá trị bất động sản cao hơn hẳn so với năm 2012, thị trường TPHCM đã thiết lập nên mặt bằng giá mới.

Đối với loại hình biệt thự, nhà phố, do đặc thù loại hình này phụ thuộc chủ yếu vào sự tăng giá của đất nền, nên biên độ tăng giá của phân khúc này khá cao cao, dao động từ 20-56% trong 5 năm từ 2012 đến 2017. Trong đó, khu vực quận 9 có biên độ tăng giá cao nhất nhưng chỉ dao động trung bình khoảng 42%. Trong khi Phú Mỹ Hưng có mức giá mới vào trung bình khoảng 150 triệu/m. Có thể thấy, giá bán của biệt thự có sự phân hóa rõ ràng và phụ thuộc vào quy hoạch và chất lượng dịch vụ theo từng khu vực.

Theo DKRA, có tính ổn định và bền vững, loại hình đất nền được xem là phân khúc người Việt khá ưu chuộng. Trong tình trạng quỹ đất khan hiếm thị trường này càng được nhiều khách hàng tìm mua ở và khách đầu tư đặc biệt quan tâm.

Các khu vực tại TP.HCM có biên độ tăng giá không đồng đều, phụ thuộc vào sự phát triển hạ tầng giao thông. Điển hình như khu Đông ghi nhận tăng giá từ 130-170% do nơi đây có sự phát triển hạ tầng giao thông mạnh nhất trong 3 năm qua.

Hiện nay, giá đất nền tại khu vực Phước Long, quận 9 dao động phổ biến khoảng 27-35 triệu đồng/m2. Khu Nam mà điển hình là khu vực phường Tân Thuận Đông, quận 7 tăng giá khoảng 50% do động trung bình khoảng 42-55 triệu/m2.

Trong khi đó, báo cáo quý 4/2017 của Công ty CBRE Việt Nam cho thấy, trái ngược với diễn biến trên thị trường đất nền, phân khúc căn hộ chung cư tại TP.HCM tương đối ổn định và có xu hướng đi vào chất lượng thay vì số lượng. Trong năm vừa qua, dù đã có nhiều quan ngại về nguồn cung dư thừa tuy nhiên thị trường này vẫn luôn ổn định, giá bán theo từng phân khúc căn hộ tăng nhẹ.

Trong đó, phân khúc căn hộ hạng C năm 2012 có mức tăng giá trung bình khoảng 13 triệu/m2thì đến năm 2017 có giá trung bình dao động khoảng từ 18-20 triệu/m2. Phân khúc này đã tăng khoảng 54% sau 5 năm. Phân khúc căn hộ hạng B năm 2012 có mức tăng giá trung bình khoảng 18-20 triệu/m2 thì đến nay, giá mới của phân khúc này khoảng trung bình 27-30 triệu/m2, tăng 67%. Phân khúc căn hộ hạng A năm 2012 có mức tăng giá trung bình khoảng 33 triệu/m2 thì đến nay khoảng 55 triệu/m2, sau 5 năm tăng 47%.

Cụ thể, trong quý 4/2017 thị trường đón nhận thêm hơn 8.500 căn hộ, tăng 12% theo quý, đưa tổng nguồn cung cả năm và tổng nguồn cung lũy kế lần lượt là hơn 31.000 căn và gần 229.000 căn. Tổng nguồn cung năm 2017 giảm 18% so với năm trước tạo điều kiện cho thị trường hấp thụ hàng tồn kho từ năm 2015 và 2016.

CBRE cho biết, đây là giai đoạn các sản phẩm được đầu tư nhiều hơn về thiết kế, tiện ích, vật liệu hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Chiến lược bán hàng và tiếp thị cũng được chuẩn bị kỹ hơn. Phân khúc trung cấp (giá sơ cấp trung bình từ 800 đến 1.500 USD/m2) chiếm 64% tổng nguồn cung năm 2017 (so với 40% trong năm 2015). Điều này cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ của thị trường để đáp ứng nhu cầu của người mua để ở và tạo nền tảng cho thị trường phát triển bền vững.

Giá bán trung bình tại thị trường sơ cấp trong quý 4/2017 ghi nhận ở mức 1.564 USD/m2, tăng 4,8% so với quý trước và giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm này là do nguồn cung phân khúc trung cấp tăng trong quý 4/2017. Xét cả năm 2017, giá bán trung bình đạt 1.558 USD/m2, tăng 4% so với năm 2016.

Tình hình tiêu thụ trong quý 4 và cả năm 2017 khá khả quan tại các phân khúc. Trong quý 4/2017 có gần 9.000 căn hộ được tiêu thụ, tăng 23% so với quý trước và giảm 29% so với năm trước. Tổng lượng căn bán được trong năm 2017 đạt gần 33.000 căn, giảm 5% so với năm trước, nhưng là năm đầu tiên trong vòng 5 năm qua ghi nhận số căn bán được nhiều hơn tổng số căn chào bán mới trong năm.

Dự đoán trong năm 2018, sản phẩm trung cấp tiếp tục chiếm tỷ trọng cao. Giá bán trong năm 2018 được kỳ vọng sẽ tăng trung bình là 3%, trong đó phân khúc cao cấp và hạng sang tăng 5%, phân khúc bình dân và trung cấp có mức tăng thấp hơn là 1,5%.(NSKT)
---------------------------------

Ngân hàng Đầu tư châu Âu sẽ thị sát dự án đường sắt đô thị Hà Nội

Trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn công tác sẽ tới thăm một dự án đầu tư gần đây nhất của mình tại Việt Nam có liên quan tới vấn đề khí hậu, đó là dự án đường sắt đô thị Hà Nội.

Ngân hàng Đầu tư châu Âu sẽ thị sát dự án đường sắt đô thị Hà Nội

Một đoạn dự án metro Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà/Zing.

Một đoàn cấp cao của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), ngân hàng công quốc tế lớn nhất thế giới, do ông Jonathan Taylor, Phó chủ tịch phụ trách các dự án tại châu Á, dẫn đầu, sẽ có chuyến công tác kéo dài 3 ngày tới Hà Nội trong tuần này.

Thành phần đoàn tháp tùng gồm Giám đốc của EIB về các dự án bên ngoài châu Âu và các cán bộ cao cấp phụ trách cho vay vốn tại khu vực. Đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của EIB tới Việt Nam trong vòng 5 năm qua.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn EIB sẽ tới thăm một dự án đầu tư gần đây nhất của mình tại Việt Nam có liên quan tới vấn đề khí hậu, đó là dự án đường sắt đô thị Hà Nội, đồng thời sẽ gặp gỡ với các bộ trưởng của Việt Nam, lãnh đạo Thành phố, đại diện của các định chế tài chính và các nhà ngoại giao.

Khoản cấp vốn trước đây cho lĩnh vực giao thông của EIB tại Việt Nam là hỗ trợ cho việc xây dựng một hạ tầng đường sắt đô thị mới tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thông cáo của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam viết, nhưng không cho biết rõ dự án nào.

Đại diện truyền thông của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết thông tin rõ hơn sẽ được đề cập tại một cuộc gặp gỡ giữa ông Taylor và báo chí tới đây.

Trong những năm gần đây, EIB cùng hợp tác với các ngân hàng Việt Nam đã cung cấp tài chính cho các dự án đầu tư quy mô nhỏ liên quan tới khí hậu, trong đó có các dự án về năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng sử dụng trong ngành công nghiệp.

Trước chuyến thăm, ông Jonathan Taylor cho biết: “Trong những năm gần đây, EIB đã hỗ trợ cho các dự án giao thông, năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng trên khắp Việt Nam. Tôi mong sớm được lần đầu tiên nhìn thấy những tác động mang tính thay đổi của khoản đầu tư trước đây của EIB đồng thời sẽ thảo luận với Chính phủ, thành phố của Việt Nam và các đối tác tài chính về cách thức để tăng cường sự hợp tác của EIB trong tương lai”.

“Tôi tin tưởng rằng, với tư cách là nhà cung cấp tài chính lớn nhất thế giới dành cho dự án đầu tư liên quan tới khí hậu, sự tăng cường hợp tác của EIB tại Việt Nam sẽ mở ra cơ hội đầu tư mới trong nhiều lĩnh vực quan trọng trong thời gian tới đây”, ôn Bruno Angelet, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nói.

EIB do 28 nước thành viên của Liên minh châu Âu sở hữu và đã cung cấp tài chính cho cơ sở hạ tầng tại Việt Nam từ năm 1998. Đến nay EIB đã thông qua trên 710 triệu euro vốn đầu tư dành cho Việt Nam.(Bizlive)
---------------------------

Chưa có xe nhập thuế 0%

Nhiều người kỳ vọng mua được xe hơi giá rẻ ngay sau ngày 1.1.2018 khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về 0% đã 'vỡ mộng', vì thị trường chưa có lô xe nào được nhập về với mức thuế suất này.

Có kế hoạch “tậu” xe đi tết năm nay, sáng thứ bảy (6.1), chị Phan Ngọc Bính từ Huế vào Đà Nẵng để xem 3 thương hiệu xe là Toyota, Honda và Ford. Ghé cả 3 đại lý của 3 hãng này trên đường Điện Biên Phủ, Duy Tân và 2 Tháng 9 (TP.Đà Nẵng), song cuối cùng, chị Bính phải về tay không vì không có cửa hàng nào đáp ứng nhu cầu sắm xe mới của chị kịp trước tết.

Muốn xe mới, phải đợi

“Xe nhập đời 2018 hoàn toàn không có vì theo cửa hàng báo là chưa được cấp phép. Xe lắp ráp trong nước cũng phải xếp hàng chờ sau tháng 4.2018 mới có. Cửa hàng xe trên đường Điện Biên Phủ báo xe Ford lắp ráp trong nước cũng không kịp bán trước tết. Loại mới thì Ford khó có hàng trong tháng 2. Vios của Toyota đời mới lắp ráp trong nước cũng báo không có hàng kịp tết. Xe nhập lại vướng thủ tục, thế nên làm gì có xe nhập giá rẻ sau ngày 1.1.2018 như báo chí nói lâu nay”, chị Bính cho biết. 

Quy định mới được làm rõ vào cuối năm 2017, các hãng lúc đó mới đặt hàng tại các nhà máy ở nước ngoài, bổ sung một số giấy phép mới, vận chuyển, làm thủ tục nhập khẩu, kiểm định, thông quan... nên tháng 4 mới có xe đời mới là bình thường 

Ông Đặng Hữu Hiệp, Giám đốc Công ty Chợ xe kiểu Mỹ

Theo phản ánh của một số nhà kinh doanh, Nghị định 116 đang là “chướng ngại” lớn nhất khiến các hãng không thể đưa xe nhập khẩu vào VN kịp trong tháng 1 mà sớm nhất phải sau tháng 3 năm nay. Anh Thành, chủ cửa hàng xe trên đường Phạm Hùng (Q.7, TP.HCM), cho biết để được hưởng thuế suất 0% cho các dòng xe nhập từ các nước ASEAN, nhà nhập khẩu phải có giấy xuất trình chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu, được cấp bởi các tổ chức có thẩm quyền ở nước ngoài.

“Theo tôi biết, đến nay chỉ có một số nhà nhập khẩu lớn đã có giấy phép này, chủ yếu là xe từ châu Âu. Còn đa số vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận. Xe khan hàng chủ yếu đời mới chứ đời cũ vẫn còn nhiều do một số nhà nhập khẩu tranh thủ nhập từ cuối năm 2017 để “né” Nghị định 116”, anh Thành giải thích. Số liệu từ Cục Hải quan TP.HCM cho thấy, chỉ riêng cảng Hiệp Phước, trong tháng 12.2017, để “né” Nghị định 116, lượng ô tô loại dưới 9 chỗ ngồi và bán tải tăng gấp 3 lần so với tháng trước.

Ông Đặng Hữu Hiệp, Giám đốc Công ty Chợ xe kiểu Mỹ, nhận xét: “Một quy định mới luôn có độ trễ nhất định, thời gian chậm vài ba tháng đối với một sản phẩm như ô tô là hoàn toàn chấp nhận được. Bởi quy định mới được làm rõ vào cuối năm 2017, các hãng lúc đó mới đặt hàng tại các nhà máy ở nước ngoài, bổ sung một số giấy phép mới, vận chuyển, làm thủ tục nhập khẩu, kiểm định, thông quan... nên tháng 4 mới có xe đời mới là bình thường”.

Thuế giảm, phí tăng, xe khó rẻ

Như vậy, để mua được xe nhập với thuế 0%, người tiêu dùng phải chờ đến khoảng tháng 4 năm nay. Với mức thuế này, giá xe giảm xuống khá mạnh. Chẳng hạn, trước ngày 1.1.2018, một xe nhập khẩu được khai báo giá 10.000 USD, cộng các khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, giá xe lên đến gần 21.000 USD. Sau ngày 1.1.2018 trở đi, cũng chiếc xe này sẽ có tổng mức giá gần 16.000 USD. Như vậy, phần chênh lệch so với trước gần 5.000 USD.

Tuy nhiên, theo phân tích của giới kinh doanh, cách tính thuế tiêu thụ đặc biệtthay đổi và các chi phí phát sinh khác như phí đặt làm hàng riêng cho tay lái thuận phải cộng thêm 10 - 15% so với giá tại thị trường Thái; phí xin các giấy phép mới tại nước ngoài theo quy định tại Nghị định 116; phí kiểm định từng lô xe nhập thay vì kiểm định từng chủng loại xe như trước... sẽ khiến giá xe đội lên.

Một nhà nhập khẩu xe hơi từ thị trường châu Âu nói thẳng: “Không có xe nhập giá rẻ đâu mà chờ”. Vị này phân tích, xin giấy phép nhập khẩu theo Nghị định 116 mới là bước 1. Bước 2 là nhập về muốn được thông quan phải có giấy chứng nhận kiểu loại của nhà sản xuất do cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cấp cho nhà sản xuất đó. Một số hãng có nhà máy ở Thái Lan muốn nhập về VN, họ phải đặt loại xe tay lái thuận riêng vì Thái Lan sản xuất tay lái nghịch.

Nhưng nước này lại không cấp giấy chứng nhận cho xe không lưu hành trong nội địa, nên nhà nhập khẩu gặp khó. “Nhiều quy định phát sinh thêm nhiều chi phí và cả cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới sẽ khiến giá xe rất khó rẻ trong thời gian tới, cho dù các nhà nhập khẩu giải quyết được bài toán giấy phép chứng nhận kiểu loại từ nước ngoài...”, vị này nói.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 29-03-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 29-03-2016

    Tính chuyện hút thêm 2 triệu tấn dầu thô để bù đắp ngân sách
    Giải mã cơn sóng ngầm tăng lãi suất
    Năm 2015, cảng Hải Phòng lãi 450 tỷ đồng, chia cổ tức 8%
    Xử lý nợ xấu phải có giải pháp căn cơ
    Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam hầu tòa

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 29-03-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 29-03-2016

    Ukraine bất ngờ ra tiền giấy bằng… sợi lanh
    Nhật Bản kêu khó khi nhập khẩu hàng vào Việt Nam
    Từ 31.3, ngân hàng chấm dứt cho vay ngoại tệ sản xuất kinh doanh
    Khởi công nhà máy nhiệt điện hơn 1,8 tỉ USD
    Malaysia đề xuất 'chứng nhận ASEAN' về an toàn thực phẩm

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 29-03-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 29-03-2016

    Xuất khẩu thủy sản hai tháng đầu năm đạt gần 1 tỉ USD
    Thị trường USD trước lệnh cấm cho vay ngoại tệ
    Indonesia áp thuế thêm 5 năm với thép Việt
    Cơ chế nhập khẩu đường sắp được “chuẩn y”
    Các ngân hàng đồng loạt bơm vốn cho nông dân

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 29-03-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 29-03-2016

    Sharp sẽ về tay Foxconn với giá 4,3 tỷ USD vào tuần tới
    Thủ tướng quyết định thành lập Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội
    Doanh nghiệp bia lo bị đối xử bất bình đẳng
    Thép Pomina bị tố nhập phôi, sản xuất cầm chừng
    Hoàn thiện quy định quản lý ngoại hối

  • Tin kinh tế đọc nhanh 29-03-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh 29-03-2016

    Chi thêm 6 tỷ USD gom mua, dự trữ vàng của Nga lên hơn 381 tỷ USD
    Hãng hàng không mới Vietstar Airlines thuộc Bộ Quốc phòng
    Trung Quốc tăng 0,46% tỷ giá nhân dân tệ qua 3 phiên liên tiếp
    Italy thiệt hại 3,6 tỷ euro vì lệnh cấm vận Nga
    Đề nghị cơ cấu nợ cho doanh nghiệp trồng cao su tại Lào

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 28-03-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 28-03-2016

    2 vạn doanh nghiệp đóng cửa, bội chi ngân sách 45.000 tỷ đồng
    Giá hạt điều đang ở mức cao nhất trong 10 năm
    Ba tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản tăng nhẹ
    Sản lượng lúa Mùa và Đông Xuân tại Kiên Giang giảm 241.000 tấn
    Ngành tôm điêu đứng

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 28-03-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 28-03-2016

    Ngành thực phẩm và đồ uống đón làn sóng “ngoại”
    Thu hồi giấy phép hoạt động của Ngân hàng liên doanh VID Public Bank
    Foxconn chốt thương vụ thâu tóm Sharp vào 31/3
    Không dễ đánh tráo lãi suất
    Hết thời lạm phát thấp?

  • Tin kinh tế đọc nhanh 28-03-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh 28-03-2016

    Trung Quốc tiêu hủy 35 tấn chuối nhập từ Philippines
    Thái Lan nói không với vốn vay của Trung Quốc "vì lợi ích quốc gia"
    Không cho Vinataba đăng ký nhãn hiệu và sản xuất thuốc JET, HERO
    Chúng ta cần thay đổi cách nhìn về Nhật Bản
    Nhà máy gần 1.900 tỷ đồng ở Dung Quất đóng cửa

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 27-03-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 27-03-2016

    Ngành than cần 18.000 tỷ đồng vốn mỗi năm
    Nối dài danh sách ngân hàng M&A
    Cảng Thọ Quang, Đà Nẵng: Dự án hạ tầng hàng hải đầu tiên đầu tư theo hình thức PPP
    Thành lập Hội đồng nước châu Á
    Nhà nước phải để doanh nghiệp đứng lên vai

  • Tin kinh tế đọc nhanh 27-03-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh 27-03-2016

    Độc quyền đẩy giá thuốc quá cao
    "Quan hệ thân hữu” khiến doanh nghiệp kém phát triển
    Ngành tôm điêu đứng
    Viettel được mở mạng di động tại Myanmar
    ​Việt Nam đầu tư sang Lào 4,9 tỷ USD