tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-01-2018

  • Cập nhật : 09/01/2018

Giá cả tăng, Vua Ả-rập Xê-út mang 13 tỷ USD 'phát' cho dân

Vua Salman bin Abdulaziz Al Saud yêu cầu Chính phủ trả 1.000 riyal (khoảng 266 USD)/tháng cho viên chức nhà nước vào 2018. Người về hưu và những người lính tham chiến chống Yemen cũng sẽ được trợ cấp 5.000 riyal (1.330 USD) và Chính phủ sẽ chịu thuế GTGT trong một số trường hợp, kể cả lần đầu mua nhà.

"Việc phân bổ 50 tỷ Rinaly trong nghị định cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo đối với sự thoải mái và chất lượng cuộc sống của người dân", Awwad bin Saleh Alawwad, Bộ trưởng Bộ Văn hoá và Thông tin nước này, nói với truyền thông địa phương.

vua a-rap bot tien cho hoang gia mang chia cho dan (nguon: epa)

Vua Ả-rập bớt tiền cho hoàng gia mang chia cho dân (Nguồn: EPA)

Quyết định "phát" tiền được đưa ra trong bối cảnh Ả-rập vừa tăng thuế 5% đối với hàng hóa cơ bản như thực phẩm và tăng gần gấp đôi phí xăng dầu, một phần trong nỗ lực giải quyết thâm hụt ngân sách ước tính khoảng 195 tỷ riyal (52 tỷ USD).

Chính phủ nước này cũng thông báo kế hoạch cắt giảm quyền lợi cho các thành viên hoàng gia, khiến nhiều hoàng thân nổi giận. Tuần trước, 11 hoàng tử bị bắt vì tổ chức biểu tình phản đối sắc lệnh.(NDH)
----------------------------

Google đang tìm cách vượt “bức tường lửa” của Trung Quốc

Google đang tìm cách vượt qua "bức tường lửa" của Trung Quốc bằng cách đầu tư vào các công ty mới thành lập của nước này.

Google đang tìm cách vượt “bức tường lửa” của Trung Quốc

Google đang tìm cách thâm nhập vào thị trường Trung Quốc sau bảy năm bị cấm. Ảnh: REUTERS

Theo South China Morning Post, Google đã đầu tư 120 triệu USD vào Chushou, nền tảng trò chơi điện thoại di động trực tuyến Trung Quốc, như một cách để “ông lớn” công nghệ này thâm nhập vào thị trường quốc gia tỉ dân sau khi bị cấm trong vài năm qua. Google cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ giúp các công ty Trung Quốc mở rộng dịch vụ và phát triển cơ sở người dùng ở nước ngoài.
 

Đây là lần đầu tiên Google thực hiện bước đi này sau khi phải rời khỏi Đại lục vào năm 2010. Vào thời điểm đó, hãng công nghệ Mỹ đã đụng độ với chính phủ Trung Quốc do vướng phải vấn đề liên quan kiểm duyệt các kết quả tìm kiếm và một cuộc tấn công mạng nhằm vào người sử dụng dịch vụ email của Google. Kết quả là các dịch vụ của Google đã bị Bắc Kinh thẳng tay chặn lại ngay sau đó.

“Không thể tham gia vào thị trường đông dân nhất thế giới là vấn đề của Google, và việc đầu tư vào Chushou là một cách đánh dấu sự trở lại thị trường Trung Quốc sau bảy năm”, Neil Wang, chủ tịch công ty tư vấn Frost and Sullivan tại Trung Quốc, nói.

Bằng cách đầu tư vào Chushou, Google cũng nhắm mục tiêu tới thị trường game trị giá 24,4 tỉ USD, một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất của quốc gia châu Á.

“Game là một ngành công nghiệp ít nhạy cảm về mặt chính trị và như vậy sẽ dễ dàng hơn cho Google trong việc đầu tư. Đây cũng là ngành công nghiệp có tiềm năng lớn tại Trung Quốc, Google chắc chắn đã nhìn thấy cơ hội trong lĩnh vực này”, Kitty Fok, giám đốc điều hành IDC China, cho hay.

Theo ông Frank Lin, trưởng bộ phận phát triển doanh nghiệp của Google tại Bắc Á, Chushou đã xây dựng một “nền tảng ấn tượng, với sự phát triển nhanh chóng của người dùng và kế hoạch mở rộng thông minh”.

“Mặc dù Google không trực tiếp kinh doanh trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến tại Trung Quốc, nhưng họ vẫn có mối quan tâm lớn đến thị trường này”, Wang Xiaofeng, nhà phân tích cấp cao của công ty nghiên cứu thị trường Forrester, cho biết.

Tháng 2.2017, các phương tiện truyền thông đã đưa tin về việc Google đang đàm phán với NetEase, nhà điều hành trò chơi trực tuyến lớn thứ hai Trung Quốc, để thành lập liên doanh mở cửa hàng ứng dụng của Google tại nước này.

Tháng 12.2017, Alphabet, công ty mẹ của Google, cũng cho biết họ đã mở Trung tâm Trí tuệ nhân tạo (AI) Trung Quốc tại Bắc Kinh như một cách nhằm khai thác nguồn nhân tài trong lĩnh vực AI ngày càng phát triển tại Trung Quốc.(Thanhnien)
-------------------------------

“Trung Quốc giờ không còn là công xưởng của thế giới”

Những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm cải tổ nền kinh tế nước này đã đưa Trung Quốc dịch chuyển khỏi địa vị "công xưởng của thế giới" - ngân hàng Thụy Sỹ UBS nhận định.

“Trung Quốc giờ không còn là công xưởng của thế giới”

Trung Quốc được cho là đang dẫn trước Mỹ trong một số lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo (AI) - Ảnh: Business Insider.

"Giờ đây có rất nhiều thứ đang được sáng tạo ra ở Trung Quốc, thay vì nước này chỉ là một công xưởng sản xuất như trước kia", bà Kathryn Shih, Chủ tịch UBS khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nói trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.

"Trung Quốc đang đi đầu trong nhiều thay đổi của công nghệ tài chính. Bởi vậy, ngày càng có nhiều công ty tài chính dùng công nghệ của Trung Quốc, bao gồm cả các công ty trong và ngoài nước", bà Shih phát biểu.

Ngành sản xuất của Trung Quốc đang chứng kiến những thay đổi lớn khi nước này tiến mạnh vào những ngành công nghệ cao. Bà Shih lấy dẫn chứng cho chuyển biến này là sự phát triển của ngành công nghiệp xe hơi chạy điện tại Trung Quốc.

"Xe chạy điện đang phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng sẽ thật tuyệt vời nếu có những thương hiệu xe chạy điện của Trung Quốc trong tương lai", bà Shih nói, đồng thời nhấn mạnh rằng nhiều khách hàng của UBS đang sẵn sàng đầu tư vào ngành xe hơi chạy điện của Trung Quốc - quốc gia đang nỗ lực trở thành nước đi đầu thế giới trong lĩnh vực này.

Sự chuyển biến của toàn nền kinh tế Trung Quốc nói chung diễn ra cùng với kế hoạch của Bắc Kinh về đưa nền kinh tế từ mô hình sản xuất dẫn đầu sang một nền kinh tế với các ngành dịch vụ và sáng tạo nắm vai trò chủ đạo.

Giới chuyên gia cũng cho rằng Trung Quốc đang dẫn trước Mỹ ở nhiều mảng của cuộc đua về trí tuệ nhân tạo (AI).

"Còn quá sớm để nói, nhưng Trung Quốc có lẽ đang dẫn đầu về AI phục vụ cho bán lẻ và tiêu dùng, còn Mỹ có lẽ dẫn đầu về công nghệ xe không người lái", ông Daniel Tu, Chủ tịch kiêm giám đốc sản phẩm của Gen.Life, một công ty khởi nghiệp (start-up) về sử dụng AI để đánh giá rủi ro, nhận định.

Ông Tu cũng cho rằng, về sự hậu thuẫn của Chính phủ đối với ngành AI, Trung Quốc có vẻ như đang có ưu thế hơn so với Mỹ. Năm ngoái, Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển ngành AI tại nước này thành một ngành công nghiệp trị giá 150 tỷ USD trong vài năm tới và đưa Trung Quốc thành một trung tâm sáng tạo AI vào năm 2030.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều nhân vật đi đầu trong ngành AI ở Mỹ đang kêu gọi Chính phủ, các doanh nghiệp và cộng đồng tập trung nỗ lực để tăng sức mạnh cạnh tranh cho ngành này.

"Các tổ chức học thuật ở Mỹ đang cảm nhận sự cấp bách phải có chính sách tập trung và nhất quán hơn từ Chính phủ liên bang. Trong khi đó, Trung Quốc đã có một tầm nhìn rõ ràng cho ngành AI", ông Tu nói.(Vneconomy)
-------------------------------------------

VNPT và MobiFone thoái vốn tại các ngân hàng

Tập đoàn Bưu chính Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone sẽ bán đấu giá cổ phần đang sở hữu tại các ngân hàng trong tháng 1 và 2.2018.

VNPT sẽ tiếp tục bán đấu giá theo lô số cổ phần (CP) sở hữu tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) vào ngày 18.1. Theo đó, số lượng CP của lô đấu giá là 71.577.141 CP, tương đương 6,09% vốn điều lệ tại Maritime Bank với mức giá khởi điểm của lô 11.900 đồng/CP, tương ứng hơn 851 tỉ đồng. Đây là lần thứ 3 VNPT tổ chức bán lô CP tại Maritime Bank.

Vào tháng 3.2017, buổi đấu giá số CP này của VNPT không diễn ra được do đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc nhưng không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự đấu giá.

Trước đó vào tháng 11.2015, VNPT cũng đã công bố bán đấu giá lượng cổ phần Maritime Bank trên với mức giá khởi điểm 11.700 đồng/CP nhưng chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký tham dự nên cuộc đấu giá không đủ điều kiện để tổ chức.

Bên cạnh VNPT đang cố gắng thoái vốn khỏi ngân hàng, Tổng công ty Viễn thông MobiFone cũng thông báo bán đấu giá hơn 5,5 triệu CP Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) với giá khởi điểm 12.800 đồng/CP. Toàn bộ lô CP này ước tính theo giá khởi điểm là 70,4 tỉ đồng và được chào bán vào ngày 7.2. TPBank vừa nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Cùng ngày 7.2, MobiFone cũng sẽ bán đấu giá 33,4 triệu CP của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SEABank) với giá khởi điểm là 9.600 đồng/CP. Như vậy lô CP này được bán với tổng giá 320,64 tỉ đồng. Nếu đấu giá thành công hai lô CP này với giá khởi điểm, MobiFone sẽ thu về được hơn 391 tỉ đồng.(thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục