Kinh tế Trung Quốc nhìn từ kết quả tìm kiếm Google
Theo Bloomberg, quan sát kết quả các từ khóa được tìm kiếm nhiều trên công cụ tìm kiếm Google sẽ cho thấy một sự thật thú vị về mối quan tâm của nhiều người dành cho kinh tế Trung Quốc.
Năm 2014, kết quả tìm kiếm phản ánh sức mạnh đang lên của Đại lục, với nhiều từ khóa như “kinh tế Trung Quốc lớn nhất”, “kinh tế Trung Quốc soán ngôi Mỹ”, “kinh tế Trung Quốc vượt qua Mỹ”, “Trung Quốc nền kinh tế số 1”… được gõ trên Google, theo dữ liệu được cung cấp bởi công cụ tìm kiếm khổng lồ trên. Vẫn có một số kết quả tìm kiếm tiêu cực, phản ánh các biểu hiện suy giảm đã có của kinh tế Trung Quốc. Song tất cả các truy vấn trên còn khá lạc quan.
Đến năm 2015, mọi chuyện đã thay đổi. Sau đợt lao dốc thổi bay 5.000 tỉ USD của thị trường chứng khoán và quá ít dấu hiệu về sự đảo ngược cho nền kinh tế, người lướt web ngày càng sử dụng nhiều hơn các từ khóa "kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm", “kinh tế Trung quốc sụp đổ”, “kinh tế Trung Quốc đi xuống”, “khủng hoảng kinh tế Trung Quốc”, "tin tức thị trường chứng khoán Trung Quốc"…
Các từ khóa được tìm kiếm nhiều về kinh tế Trung Quốc trong năm 2014 và 2015 - Ảnh: Bloomberg
Các từ khóa tìm kiếm trên không mang tính khoa học và với những năm khác nhau thì số đông cho ra những kết quả tìm kiếm khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung, các từ khóa như thế này vẫn thể hiện cảm giác của toàn cầu về nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Trong tháng 1 năm nay, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu đã đưa ra thông điệp cho hay tăng trưởng chậm vẫn nằm trong vòng kiểm soát. Đến giữa năm, uy tín của phát ngôn trên phần nào bị sứt mẻ bởi các phản ứng vụng về sau khi sàn chứng khoán lao dốc, theo Bloomberg. Tiếp theo đó, nhân dân tệ được phá giá trong tháng 8, gây bất ngờ và gây sốc cho các tài sản thị trường mới nổi.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại - Ảnh: Bloomberg
Trên đây là các kết quả tìm kiếm đã lọc những từ khóa trung lập như “kinh tế Trung Quốc” và thao tác tìm kiếm lặp lại bằng những từ ngữ khác nhau. Các lượt tìm kiếm về Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cũng tăng vọt đến mức cao nhất như hồi năm 2011, khi số người truy cập internet để tìm thông tin về nhân dân tệ tăng lên.
Không rõ mối quan tâm tìm kiếm trên Google là một loại chỉ báo hàng đầu hay chỉ là sự phản ánh mối quan tâm của cư dân mạng. Dù có ý nghĩa như thế nào, những người đặt niềm tin vào kinh tế Trung Quốc cũng sẽ khó mà hy vọng người dùng internet trên thế giới gõ chữ “kinh tế Trung Quốc phục hồi”, thay vì “kinh tế Trung Quốc hạ cánh cứng” khi tìm kiếm trong năm 2016.
IFC tài trợ 10 triệu USD cho TPBank hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
IFC ký kết tài trợ 10 triệu USD cho TPBank - Ảnh: Như Trang
Sau 4 ngân hàng tại Việt Nam nhận được tài trợ từ Tổ chức Tài chính quốc tế IFC, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã trở thành ngân hàng thứ 5 và là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam được IFC tài trợ trong năm 2015.
Toàn bộ nguồn lực này giúp TPBank nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu về tài trợ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Adel Meer - Giám đốc phụ trách nhóm các định chế tài chính, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFC cho biết: Tại Việt Nam, số lượng ngân hàng nhận được tài trợ thương mại toàn cầu từ IFC chỉ có 5 ngân hàng và TPBank là ngân hàng duy nhất trong năm 2015 nhận được tài trợ này. IFC có những tiêu chuẩn rất cao trong việc quyết định những ngân hàng sẽ được tài trợ đầu tư. Việc ký kết với TPBank sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ có cơ hội phát triển”.
Ngân hàng duy nhất được IFC cấp hạn mức trong năm 2015
“Chúng tôi vinh dự là một trong số ít các ngân hàng TMCP của Việt Nam được IFC cấp hạn mức bảo lãnh tài trợ thương mại. Hạn mức tài trợ nói trên từ IFC là kết quả sau hai năm kiên trì phối hợp làm việc giữa TPBank với đối tác. TPBank đã xuất sắc hoàn thành quy trình thẩm định khắt khe, bài bản theo chuẩn quốc tế mà IFC áp dụng trên toàn cầu. Đây là minh chứng rõ ràng rằng, TPBank là ngân hàng minh bạch, có tầm nhìn chiến lược, sức khỏe tài chính lành mạnh và tiềm lực phát triển tốt, ổn định” - ông Đỗ Anh Tú, Phó chủ tịch HĐQT TPBank cho biết.
Trả lời câu hỏi, điều gì đã “hấp dẫn” IFC trong thương vụ tài trợ cho TPBank, đại diện phía IFC cho biết, TPBank đang có những bước đi tiên phong trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận tài chính hiệu quả, đây cũng là phân khúc mà IFC muốn hướng đến và mở rộng hơn nữa tại thị trường Việt Nam. “Họ cho chúng tôi thấy được chiến lược kinh doanh đầy tiềm năng khi muốn mở rộng tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam”, ông Adel Meer nói.
Cũng theo ông Adel Meer, mặc dù kinh tế Việt Nam đang dần phát triển, và có rất nhiều ngân hàng muốn hợp tác với IFC. Tuy nhiên, chỉ một số ít ngân hàng đáp ứng được các tiêu chuẩn của IFC.”
Thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Lãnh đạo TPBank khẳng định: TPBank sẽ sử dụng nguồn lực này để cung cấp cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng xuất khẩu với mức lãi suất thấp. Tùy theo từng khách hàng, phương án, mức lãi suất sẽ có thay đổi nhưng sẽ ở mức cạnh tranh so với thị trường.
Đại diện TPBank cũng chia sẻ, khi Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng hơn trong khu vực Asean cũng như các nước và các cộng đồng kinh tế lớn khác trên thế giới thì khoản tài trợ của IFC sẽ giúp TPBank có thêm nguồn tài chính để hỗ trợ đắc lực hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, hạn mức được cấp bởi IFC sẽ được rót xuống phục vụ hiệu quả cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh bằng nguồn đầu tư có lãi suất cạnh tranh.
Gói tài trợ này không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa mà còn mở ra những tiềm năng mới cho TPBank. Theo TPBank, đây là cơ hội để ngân hàng thiết lập quan hệ với một loạt các ngân hàng đại lý trên toàn cầu. Từ đó, tạo thuận lợi để TPBank cũng như các khách hàng thực hiện các giao dịch quốc tế. Ngoài ra, việc đạt được thỏa thuận tài trợ của IFC- một tổ chức tài chính quốc tế được biết đến là khắt khe trong khâu đánh giá và lựa chọn đối tác, là minh chứng cho nỗ lực quản trị và điều hành hiệu quả của Ban lãnh đạo ngân hàng trong thời gian vừa qua. Về phía IFC, từ kinh nghiệm bảo lãnh tài trợ thương mại cho các ngân hàng tại Việt Nam trong những năm qua lên đến 4,2 tỉ USD, IFC thực sự hài lòng khi làm việc với các đối tác Việt Nam.
Số lượng công ty chứng khoán giảm 23%
Theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, tính đến nay số lượng công ty chứng khoán (CTCK) đang hoạt động bình thường là 81. Như vậy, sau 3 năm thực hiện đề án tái cấu trúc, số CTCK đã giảm đi khoảng 23% so với trước đây.
Hiện các CTCK đang quản lý 1,5 triệu tài khoản nhà đầu tư, tăng thêm 105.000 tài khoản so với cuối năm 2014. Trong đó có 17.644 là tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài (tăng 5,44% so với cuối năm 2014). Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng thực hiện tái cấu trúc 7 công ty quản lý quỹ và hiện còn 43 công ty đang hoạt động.
Riêng đối với các quỹ đầu tư chứng khoán, trong năm 2015 đã cấp phép thành lập thêm 4 quỹ mới và 1 quỹ bất động sản đầu tiên, nâng tổng số lên 30 quỹ. Hiện sản phẩm quỹ mở đã thay thế hoàn toàn quỹ đóng với mô hình hiện đại, được giám sát bởi hệ thống ngân hàng giám sát và bảo vệ lợi ích nhà đầu tư tốt hơn.
5.805 tỉ đồng đầu tư cho hàng không tại ĐBSCL
Sân bay quốc tế Phú Quốc - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Bộ GTVT cho biết giai đoạn 2016 - 2020 tại ĐBSCL sẽ đầu tư 5.805 tỉ đồng để thực hiện các dự án liên quan lĩnh vực hàng không.
Cụ thể, xây dựng sân bay An Giang (3.417 tỉ đồng), nâng cấp cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (mở rộng nhà ga hành khách, xây dựng hệ thống đường lăn và mở rộng sân đỗ máy bay, xây dựng hành lang để lắp đặt ống lồng… với tổng kinh phí 2.238 tỉ đồng), thay mới trạm radar thứ cấp sân bay Cà Mau (150 tỉ đồng).
Năm 2015 bồi thường bảo hiểm hơn 21.000 tỉ đồng
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), hiện thị trường bảo hiểm VN có 61 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm và môi giới bảo hiểm với 752 chi nhánh, 852 văn phòng đại diện và trên 350.000 nhân viên đại lý.
Năm 2015, các doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường và trả tiền bảo hiểm ước đạt 21.160 tỉ đồng, trong đó doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ bồi thường ước đạt 13.177 tỉ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bồi thường ước đạt 7.983 tỉ đồng. Các doanh nghiệp bảo hiểm cơ bản giải quyết xong việc bồi thường cho khách hàng tham gia bảo hiểm trong vụ việc gây rối trật tự tại Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh, với số tiền gần 1.000 tỉ đồng.
(
Tinkinhte
tổng hợp)