Thách thức điều hành tỷ giá năm 2016
Những dự án giao thông “đình đám” sẽ hoàn thành năm 2016
Phải giảm thiểu tình trạng cạnh tranh kém lành mạnh trong giới ngân hàng
Nợ quốc gia của Mỹ lần đầu tiên vượt ngưỡng 19.000 tỷ USD
Nợ công của Nhật ở mức gần 1.045.000 tỷ yen
Tin kinh tế đọc nhanh 09-02-2016
- Cập nhật : 09/02/2016
Big C Thái Lan được bán với giá 3,5 tỷ USD
TCC Holding Co., tập đoàn thuộc về tỷ phú giàu nhất Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, đã đồng ý mua số cổ phần kiểm soát ở Big C Thái Lan với giá 252,88 baht trên mỗi cổ phiếu.
Tập đoàn Pháp Casino Guichard-Perrachon đã đồng ý bán toàn bộ cổ phần tại chuỗi siêu thị Big C Supercenter Thái Lan với giá 3,5 tỷ USD nhằm cắt giảm nợ sau khi nhà bán khống Carson Block buộc tội tập đoàn này đang gian lận trên báo cáo tài chính.
TCC Holding Co., tập đoàn thuộc về tỷ phú giàu nhất Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, đã đồng ý mua số cổ phần kiểm soát với giá 252,88 baht trên mỗi cổ phiếu. Mức giá này cao hơn 11% so với giá đóng cửa hôm 5/2 của cổ phiếu Casino.
TCC cũng là tập đoàn đã mua lại hệ thống siêu thị Metro Việt Nam từ tay người Đức với giá 655 triệu euro hồi năm ngoái.
Thương vụ này giúp Casino cắt giảm một nửa số nợ và tiến đến mục tiêu huy động được 4 tỷ euro thông qua bán tài sản trong năm 2016. Giao dịch sẽ được hoàn tất trước ngày 31/3.
Cổ phiếu của Big C đã tăng 12% kể từ đầu năm đến nay, nâng giá trị vốn hóa của tập đoàn lên 5,3 tỷ USD. Hiện tập đoàn đang có hơn 700 cửa hàng với quy mô khác nhau, từ đại siêu thị cho tới các cửa hàng tiện lợi.
Tháng 12 năm ngoái Casino cũng thông báo kế hoạch sẽ bán toàn bộ hệ thống BigC tại Việt Nam.
Trung Quốc: Cảnh báo tình trạng "bong bóng" bất động sản
Mặc dù Chính quyền Trung Quốc đang thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để giải cứu hàng nghìn dự án BĐS không bán được tại nước này, nhưng thị trường nhà ở vẫn tiếp tục im ắng lạ thường. Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc cảnh báo rằng "bong bóng" BĐS chuẩn bị bùng phát.
Theo một bài báo vừa được đăng tải trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, tồn kho BĐS tại Trung Quốc đang tăng ở mức kỷ lục, với 6,2 tỷ m2 nhà ở vào cuối năm 2015. Theo con số thống kê của Tổng Cục Thống kê Trung Quốc, phải mất ít nhất là 5 năm mới có thể "ngốn" hết số lượng nhà ở trên, nhưng phải duy trì được tốc độ bán nhà như hiện nay.
"Thách thức trên thị trường BĐS nước này đang quá lớn, những con số thống kê lượng hàng tồn kho trên cũng chỉ là bền nổi của một tảng băng chìm", một chuyên gia kinh tế của nước này nhận định.
Còn theo một số phân tích khác, giá BĐS tại Trung Quốc trong hai năm trở lại đây đang tụt giảm tệ hại, hoạt động xây dựng và bán các dự án nhà ở chững lại trong thời gian quá dài, chính quyền địa phương đang thắt chặt các biện pháp cho vay đầu tư BĐS… đang làm cho hàng loạt dự án đầu tư BĐS trở nên hoang tàn, triển khai dở đang tại Trung Quốc đại lục…
Thật vậy, các nhà kinh tế đang kỳ vọng chính quyền Trung Quốc cần nhanh chóng thiết lập một mức giá BĐS ổn định, vì nếu giá nhà tiếp tục giảm nhưng không có người mua sẽ tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Trong khi đó, nền kinh tế nước này đang đứng trước nhiều thách thức tăng trưởng kém trong năm 2015 vừa qua.
“Nếu tình hình này càng thêm tồi tệ từ nay đến cuối năm 2016, thị trường BĐS có khả năng sẽ đóng băng hoàn toàn, không khác gì nằm ở tâm động đất”, một nhà kinh tế cho biết.
Ngoài ra, tại khu đại lục, hiện có hàng triệu người có thu nhập cao, điều này đồng nghĩa với việc thực hiện giấc mơ có được căn nhà đàng hoàng rất dễ dàng. Theo Chính quyền Trung Quốc, đến năm 2020, nhu cầu nhà ở hàng năm của người dân nước này ước tính khoảng từ 9 – 13 triệu căn trong vòng 5 đến 10 năm tới khi mà người dân ngày càng di cư đến các thành phố lớn như Bắc Kinh sinh sống. Đó là chưa kể hiện ước tính có khoảng gần 50 triệu người đang có nhu cầu thuê nhà giá rẻ để ở.
Chính những con số dự báo trên đã giúp cho thị trường BĐS Trung Quốc bùng nổ và làn sóng đầu tư “nóng” đã bắt đầu xảy ra từ sau năm 2000 đến nay. Từ đó, thị trường BĐS nước này đón nhận hàng triệu dự án đầu tư nhà ở thương mại, chung cư cao cấp để đón đầu cơ hội trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007 xảy ra ở Mỹ, lập tức lan nhanh đến Trung Quốc, làm cho thị trường BĐS nước này trầm lắng từ đây.
Hệ quả là, con số chủ đầu tư và người dân lâm vào nợ nần tăng rất cao, chiếm khoảng 33%/GDP. Chính thị trường tụt dốc đã làm cho người dân và nhà đầu tư không có khả năng trả nợ, huy động vốn đầu tư, tiếp theo là người dân ồ ạt phải bán lại nhà để trả nợ làm cho giá BĐS tại nước này giảm thê thảm nhưng lượng người mua nhà lại không cao. Theo ước tính của Chính quyền nước này, đến nay đã có khoảng trên 90.000 doanh nghiệp kinh doanh BĐS phá sản.
Theo giới phân tích, với những động thái gần đây của Chính phủ Trung Quốc về việc xem xét nới lỏng các điều kiện cho vay, kéo giãn thời gian trả nợ và một loạt chính sách khác từ phía các ngân hàng như cho vay mua nhà không cần thế chấp, sẽ phần nào kéo giá nhà ổn định và tăng nhu cầu mua nhà vào giữa năm 2016.
Đặc biêt, Chính phủ nước này bắt đầu cho giảm tỷ lệ thế chấp nhà ở tại các ngân hàng thương mại từ 30% xuống còn 20% tổng giá trị căn hộ hình thành trong tương lai. Một chính sách khác nhằm cứu vãn tình hình đóng băng của thị trường là tháo khoán các quy định ngặt nghèo để giúp cho những đối tượng là dân di cư và người dân tại các vùng nông thôn có đủ khả năng mua nhà tại những thành phố lớn.
"Ăn chắc, mặc bền" từ phân khúc nhà ở giá rẻ
Dù chưa có quy định chính thức nào, nhưng phân khúc nhà giá thấp tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM được mặc định có giá dưới 18 triệu đồng/m2, phổ biến ở mức giá dưới 15 triệu đồng/m2, tổng giá trị trên dưới 1 tỷ đồng/căn.
Đây là phân khúc dẫn dắt thị trường trong giai đoạn đầu hồi phục (từ năm 2014), nhưng sau đó, cùng với sự ấm lên của thị trường, vị trí dẫn dắt đã được chuyển sang phân khúc căn hộ cao cấp.
Một số doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tại khu Tây TP.HCM tiết lộ trong năm 2016 sẽ “bắt chước” mô hình làm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của Bình Dương. Chẳng hạn, một công ty sẽ dành khoảng hơn 10 ha đất để xây các căn hộ diện tích nhỏ khoảng hơn 30 m2 với đầy đủ chức năng là phòng ngủ, phòng khách, bếp, nhà vệ sinh... Giá bán dự kiến khoảng 400 triệu đồng/căn hộ.
Dự kiến, công ty CP Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC) sẽ dành 1.000 tỷ đồng và 45.000 m2 đất để khởi công xây dựng 2.500 căn nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp Hiệp Phước. Theo đó, trong năm 2017 chủ đầu tư có thể có nhà bán cho công nhân với diện tích mỗi căn khoảng 36m2. Người mua sẽ trả trước 20% tổng giá trị căn nhà - tương đương khoảng 60 triệu đồng, hoặc theo phương thức có thể doanh nghiệp sử dụng lao động đóng hoặc công nhân đóng trực tiếp để có thể nhận nhà vào ở ngay. Công nhân tiếp tục trả góp thông qua vay ngân hàng với số tiền trả góp 2 – 3 triệu đồng/tháng và sau khoảng 10 năm công nhân sẽ sở hữu căn nhà.
Theo kế hoạch, từ năm 2016-2018, Công ty CP Xây dựng và Phát triển Hạ tầng Đô thị - BID Việt Nam sẽ triển khai dự án BID Edu-Home 1 tại quận 9 cung cấp 1.200 căn hộ với tổng mức đầu tư 580 tỷ đồng, Dự án BID Edu-Home 2 tại huyện Bình Chánh có quy mô 1.500 căn, tổng mức đầu tư 900 tỷ. Từ năm 2018-2022, công ty sẽ triển khai dự án BID Edu-Home 3 tại huyện Nhà Bè, quy mô 3.000 căn, tổng mức đầu tư 1.400 tỷ.
Theo ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP địa ốc Hoàng Quân (HQC), năm 2015 Hoàng Quân đạt kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận sau thuế 654,8 tỉ đồng. Có được thắng lợi như vậy là nhờ năm 2015, Công ty Hoàng Quân mở rộng chuỗi nhà ở xã hội rộng khắp TP.HCM và các tỉnh thành phía nam với tổng số 15 dự án và hơn 3.500 căn hộ được phân phối.
Đặc biệt, Hoàng Quân đã thành công trong việc thay đổi khái niệm, nâng tầm nhà ở xã hội qua việc liên kết hợp tác với các thương hiệu hàng đầu trong nước và quốc tế như LG, Hyundai, Viglacera để trang bị các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, chất lượng cao, phát triển tối đa tiện ích phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cư dân tại các dự án nhà ở xã hội HQC.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (Horea) cho biết, phân khúc nhà ở thương mại có quy mô vừa và nhỏ (căn hộ 1 - 2 phòng ngủ), có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ là phân khúc phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thật của số đông người tiêu dùng.
Cụ thể, tại TP. HCM, trong năm 2015, toàn Thành phố đáp ứng được trên 83.000 chỗ ở cho công nhân, học sinh sinh viên, với diện tích sàn khoảng 318.000 m2, nhưng nhà trọ dân tự xây chiếm tới 95% (80.000 chỗ ở với diện tích trên 288.000 m2). Dù chưa có số liệu khảo sát cụ thể về số người có nhu cầu mua nhà trong số những người đang thuê trọ, nhưng thực tế, nhu cầu về nhà ở giá thấp luôn có, thậm chí là rất lớn.
Để tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều vào việc đầu tư phân khúc nhà ở có nhu cầu cao này, ông Châu kiến nghị nhà nước nên cho doanh nghiệp thực hiện loại dự án nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ (khoảng từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng) được tạm hoãn nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong vòng đời của dự án (do luật Đất đai đã quy định không miễn, giảm tiền sử dụng đất cho các dự án nhà ở thương mại), giảm thuế VAT còn 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10%, được cấp tín dụng ưu đãi... thì doanh nghiệp còn có thể giảm giá cho thuê, giảm giá bán loại nhà này cho người thu nhập thấp.
“Hiện nay, tại TP.HCM nhu cầu loại nhà này rất lớn nhưng vì lợi nhuận hạn chế nên ít doanh nghiệp tham gia, nếu được những ưu đãi trên sẽ có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hy sinh một phần quyền lợi để tham gia đầu tư nhà ở cho thuê, nhà giá rẻ”, ông Châu cho hay.
Ông Trần Ngọc Quang: BĐS Phú Quốc sẽ gặp nhiều thách thức
Với định hướng quy hoạch đảo Phú Quốc trở thành trung tâm nghỉ dưỡng tầm cỡ khu vực, nhưng với sự khởi đầu cho làn sóng ồ ạt đầu tư như hiện nay, Phú Quốc sẽ gặp nhiều thách thức.
Đó là chia sẻ của ông Trần Ngọc Quang-Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam với chúng tôi. Theo ông, Phú Quốc đang có rất nhiều tiềm năng khi thu hút nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực BĐS như Vingroup, Sungroup, Bim Group, CEO Group…đã và đang đổ hàng nghìn tỉ đồng đầu tư cho các dự án nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế.
Tính đến nay có tới trên 200 dự án đăng ký đầu tư vào Phú Quốc, với số vốn đăng ký trên 8 tỉ USD…Ông có cảm nhận gì về BĐS Phú Quốc?
Ông Trần Ngọc Quang: Theo tôi Phú Quốc phát triển rất nhanh, nhưng sự phát triển hạ tầng của Phú Quốc có lẽ cần phải nhanh hơn và chuẩn mực hơn, đáp ứng tốc độ phát triển các dự án.
Hiện nay, ngay cả các đô thị cũ, đô thị hiện tại cũng đã diễn ra quá trình đầu tư mạnh mẽ, thay đổi nhanh…tôi e rằng khách du lịch không có chỗ để thưởng ngoạn, cảm nhận đến những văn hóa bản địa của Phú Quốc.
Vấn đề nữa đó là Phú Quốc sở hữu tiềm năng du lịch rất lớn khi có bãi biển đẹp, các khu rừng nguyên sinh…việc đầu tư các dự án cần có các quy định nghiêm túc và chặt chẽ để làm sao giữ được từng cái cây, từng bãi cát. Như vây thì mới đảm bảo được sự phát triển bền vững.
Phú Quốc là nơi rất tiềm năng. Thứ nhất, đảo Ngọc được định hướng là đặc khu kinh tế và du lịch nghỉ dưỡng. Thứ hai, vị trí địa lý rất thuận lợi để phát triển du lịch. Cuối cùng tôi cho rằng tiềm năng của BĐS Phú Quốc thể hiện ở cơ chế chính sách, ưu đãi thu hút được các doanh nghiệp lớn làm ăn bài bản như Vingroup, Sungroup, CEO Group…thúc đẩy bất động sản Phú Quốc phát triển.
Theo thông tin từ huyện Phú Quốc, đa số dự án gần đây là BĐS nghỉ dưỡng ồ ạt như vậy, liệu có quá tải nguồn cung?
Ông Trần Ngọc Quang: Tôi cho rằng không quá tải. Lý do bởi nguồn cung phòng nghỉ tại Việt nam đang rất thiếu, đặc biệt ở Phú Quốc. Việt Nam có tiềm năng du lịch rất lớn nhưng cơ sở hạ tầng cho ngành du lịch vẫn yếu kém, chưa đạt chuẩn quốc tế, cơ sở hạ tầng, dịch vụ của các khu du lịch đã có từ lâu…
Với tốc độ phát triển như ở Phú Quốc thì tôi cho rằng sẽ đáp ứng được nhu cầu du lịch chuẩn quốc tế, đặc biệt là xu thê hội nhập sâu rộng của VN hiện nay, thì việc phát triển các khu du lịch đẳng cấp ở Phú Quốc là rất cần thiết.
Tuy nhiên, với việc đầu tư ồ ạt như hiện nay tôi cho rằng Phú Quốc sẽ gặp nhiều thách thức. Thứ nhất, là đã có quy hoạch, nhưng thực hiện quy hoạch đó như thế nào, theo đúng ý tưởng đã vạch ra. Hơn nữa thực hiện quy hoạch còn phải phù hợp với sự phát triển của kinh tế xã hội của địa phương, đó là điều vô cùng quan trọng nếu không sẽ bị lệch.
Tốc độ đầu tư hạ tầng của Nhà nước mang tính chất dẫn dắt ở mức độ nào cho hợp lý cũng là thách thức. Nếu không rất dễ xảy ra tình trạng có những khu du lịch nằm chơi vơi ở nơi không có hạ tầng, trong khi nơi khác lại phát triển quá chật chội.
Một thách thức khác với Phú Quốc, tôi cho rằng đó là vấn đề phát triển nguồn nhân lực. Đó là đội ngũ đầu tư, những người tham gia vận hành dự án, phân phối sản phẩm, quản lý dự án sau hoàn thành.
Việt Nam xếp thứ 32 trong danh sách “những quốc gia tốt nhất”
Trong danh sách “Best Countries” (tạm dịch: “Những quốc gia tốt nhất”) gồm 60 nước được công bố mới đây, Việt Nam đứng ở vị trí 32.
Đây là xếp hạng thường niên do trang US News của Mỹ phối hợp với công ty chiến lược thương hiệu BVA Consulting và trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania thực hiện. Năm nay là năm đầu tiên xếp hạng được công bố.
“Báo cáo và xếp hạng những quốc gia tốt nhất 2016 được dựa trên sự nhìn nhận của thế giới đối với các quốc gia trên phương diện một số phẩm chất của mỗi nước, những ấn tượng có tiềm năng thúc đẩy thương mại, du lịch và đầu tư, và có ảnh hưởng trực tiếp đến các nền kinh tế quốc gia. Có 60 quốc gia được xếp hạng trong báo cáo đầu tiên này”, US News cho biết.
Các chuyên gia thực hiện báo cáo đã sử dụng 65 tiêu chí để đánh giá các quốc gia được xếp hạng và các tiêu chí này được chia thành các nhóm: mức độ hấp dẫn về du lịch, các quyền của con người, ảnh hưởng văn hóa, khả năng phát kinh doanh, di sản, mức độ cởi mở với kinh doanh, đặc trưng khác biệt, sức mạnh trên trường quốc tế, và chất lượng cuộc sống.
Một cuộc khảo sát với sự tham gia của 16.000 người trên thế giới đã được thực hiện để chấm điểm các quốc gia theo tiêu chí trên.
Kết quả, Đức được chọn là quốc gia tốt nhất thế giới năm 2016 với điểm số tuyệt đối 10. Các nước còn lại trong top 5 có Canada, Anh, Mỹ và Thụy Điển.
Top 10 còn có sự góp mặt của Australia, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan và Đan Mạch.
Được 2,2 điểm, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 32/60 quốc gia được xếp hạng, sau Nam Phi và trước Philippines.
Các nước khác trong khu vực Đông Nam Á được xếp hạng gồm Singapore (15), Thái Lan (21), Malaysia (28), và Indonesia (42).
Trung Quốc đứng ở vị trí 17 trong xếp hạng.
Trong số các nhóm tiêu chí, Việt Nam đạt thứ hạng cao nhất ở tiêu chí sự khác biệt và đặc trưng (vị trí 11), tiếp theo là mức độ cởi mở với kinh doanh (21), chất lượng cuộc sống (24), di sản (26), ảnh hưởng trên trường quốc tế (29), khả năng phát triển kinh doanh (36), mức độ hấp dẫn về du lịch (36), ảnh hưởng văn hóa (45)...