Việt Nam 'săn' cơ hội thâm nhập hệ thống siêu thị Argentina; Hãng sản xuất ô tô Trung Quốc lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào Mexico; 'Tửu lượng' bia của người Việt tăng cao: 42 lít/năm; Giá bất động sản có nơi tăng đến 30%
Tin kinh tế đọc nhanh 06-04-2017
- Cập nhật : 06/04/2017
Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội đầu tư thêm công viên và hồ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND TP Hà Nội rà soát tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội để đề xuất, điều chỉnh phù hợp.
Khi quy hoạch, xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp cần lưu ý bố trí tăng thêm công viên, các hồ để phục vụ người dân và tăng khả năng điều hòa nước, hạn chế ngập úng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội rà soát lại tất cả các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, trong đó lưu ý quy hoạch giao thông vận tải theo hướng đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt, chú ý quy hoạch các không gian ngầm.
Tập trung đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối khu vực nội đô với khu vực ngoại thành và các đô thị vệ tinh. Chú trọng đầu tư xây dựng các nút giao thông kết nối các bến xe, bãi để xe; xây dựng kế hoạch đầu tư cụ thể.
Cùng với đó, UBND TP Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông đẩy nhanh tiến độ thi công 2 tuyến đường sắt đô thị, đồng thời nghiên cứu phương án kết nối với đường sắt Quốc gia; chú ý phát triển đường thủy nội địa để giảm áp lực đối với đường bộ và đường sắt. (NDH)
--------------------------------------------
Giá cao su giảm, các nước cắt giảm xuất khẩu riêng Campuchia làm ngược lại
Năm 2016, Campuchia xuất khẩu khoảng 128.111 tấn cao su, tăng nhẹ so với mức 128.047 USD/tấn năm 2015.
Giá cao su được dự đoán tăng từ từ do các quốc gia sản xuất cao su lớn hạn chế xuất khẩu để phục hồi giá sau thời gian dài lao dốc thảm hại.
Tuy nhiên, ông Pol Sopha, Tổng Cục trưởng Cục cao su thuộc Bộ Nông nghiệp Campuchia cho biết lượng cao su xuất khẩu của nước này tăng từng năm, đạt 50.000 tấn/năm.
Mức giá hiện tại mà nông dân cũng như lái buôn thu về có thể chấp nhận được so với năm ngoái khi giá cao su lao dốc thảm hại. Trong khi đó, tốc độ tăng giá của cao su vẫn đang ở mức chậm, đạt khoảng 1.500 USD/tấn, ông Sopha nhận định.
"Năm nay giá cao su có thể tăng chậm do sự kỳ vọng của thị trường rằng nền kinh tế thế giới đang phục hồi và các nước sản xuất cao su trên thế giới sẽ hạn chế xuất khẩu", ông Sopha cho biết thêm.
Cao su của Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc và một số quốc gia thuộc khối Liên minh Châu Âu.
Giá cao su thế giới tăng trở lại vào cuối năm ngoái tuy nhiên lượng cao su xuất khẩu của Campuchia không đổi so với năm 2015. Năm 2016, Campuchia xuất khẩu khoảng 128.111 tấn cao su, tăng nhẹ so với mức 128.047 USD/tấn năm 2015.
Năm 2016, giá cao su tự nhiên tăng vọt từ mức thấp 1,2 USD/kg lên mức 2,6 USD/kg.
Ông Lim Heng, Phó Chủ tịch Tập đoàn An Mady Group dự đoán giá cao su sẽ tiếp tục tăng trong năm tới. Các nước OPEC đang nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác để đẩy giá dầu lên cao. Khi giá dầu tăng, giá cao su nhân tạo cũng sẽ tăng kéo theo giá cao su tự nhiên được đẩy lên theo.(NDH)
----------------------------------------------------
Có thể tăng kế hoạch khai khoáng năm 2017 thêm 1 triệu tấn
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết việc tăng kế hoạch khai khoáng, nhất là dầu sẽ được Thủ tướng quyết định hôm nay.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 3/4/2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết hôm nay, Thủ tướng sẽ quyết định tăng kế hoạch khai khoáng, nhất là dầu.
"Nhiều khả năng sẽ tăng thêm khoảng 1 triệu tấn nữa. Chính phủ sẽ có kết luận cố gắng tăng sản lượng khai khoáng dầu lên", người phát ngôn Chính phủ cho biết.
Năm nay, Chính phủ đặt kế hoạch khai thác 12,28 triệu tấn dầu, giảm 3,1 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2016. Quý I/2017, sản lượng khai thác giảm 600.000 tấn so với cùng kỳ.
Đây cũng là một nguyên nhân được Đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư chỉ ra khiến tăng trưởng kinh tế giảm. Lãnh đạo Bộ này cũng cho biết nếu như khai thác dầu khí bằng năm ngoái thì tăng trưởng ngành này là 5,95%, tức còn hơn năm ngoái. Việc giảm tăng trưởng kinh tế có nguyên nhân do chúng ta chủ động giảm về mặt khai khoáng, ông cho hay.
Đánh giá về tình hình quý I/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục đảm bảo đặc biệt là về tài chính ngân sách, thu chi ngân sách đảm bảo, lạm phát trong kiểm soát. Mặc dù lạm phát bình quân có cao hơn mức quốc hội quy định, tuy nhiên lạm phát do chủ động đưa giá dịch vụ y tế và giáo dục trong tháng 3.
Niềm tin môi trường đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp rất tốt, đồng thời đã có nhiều doanh nghiệp mới được thành lập, đầu tư nước ngoài vốn đăng ký tăng 77% so với năm ngoái.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định thông số nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu 3 tháng đầu năm, thông số đầu tư 3 tháng đầu năm, đầu tư nước ngoài 3 tháng đầu năm sẽ tác động trễ. Tăng trưởng sẽ đến đối với nền kinh tế trong quý II và III sắp tới.
Chia sẻ thêm về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thời gian tới Chính phủ sẽ ưu tiên tạo môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp, thực hiện tốt Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 tại các địa phương. Đồng thời, Chính phủ cũng tạo điều kiện giải ngân các nguồn vốn đầu tư tư nhân, và nhà nước, hiện nay giải ngân 3 tháng còn thấp, nguồn vốn đăng kí FDI tại các tỉnh tạo điều kiện để giải ngân và cơ cấu lại nền kinh tế phát triển trước mắt và phát triển lâu dài.(NDH)
------------------------------
Nông dân găm hàng, nhập khẩu bông của Ấn Độ cao kỷ lục
Nhập khẩu bông của Ấn Độ giai đoạn 2016-2017 được dự báo sẽ tăng 1/3 so với năm ngoái lên 3 triệu kiện do đồng rupee tăng khiến giá nhập khẩu mặt hàng này rẻ hơn.
Quan chức cấp cao trong ngành cho biết nhập khẩu bông của Ấn Độ giai đoạn 2016-2017 được dự báo sẽ tăng 1/3 so với năm ngoái lên 3 triệu kiện do đồng rupee tăng khiến giá nhập khẩu mặt hàng này rẻ hơn.
Tuy nhiên, việc đồng rupee tăng lên mức cao nhất trong vòng 18 tháng qua cũng đã hạn chế việc xuất khẩu bông từ nhà sản xuất sợi lớn nhất thế giới. Xu hướng này đồng thời đã tạo đà cho các nhà cung cấp như Brazil, Mỹ và một số quốc gia châu Phi đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông K. Selvaraju, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà dệt may nam Ấn Độ cho biết "Thông thường, các nhà máy dệt may phía tây Ấn Độ nhập khẩu bông. Tuy nhiên năm nay, các nhà máy phía bắc cũng đang tăng cường nhập khẩu. Cùng lúc đó, nguồn cung trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết do đồng rupee mạnh lên".
Đồng rupee Ấn Độ tăng 4,8% so với đồng USD kể từ đầu năm 2017. Các nhà máy của Ấn Độ đã ký hợp đồng nhập khẩu khoảng 1,5 triệu kiện bông và 1,5 triệu kiện còn lại sẽ được nhập khẩu vào cuối vụ năm nay, dự kiến kết thúc vào ngày 30/9.
Như vậy, Ấn Độ sẽ nhập khẩu tổng cộng 3 triệu kiện, tăng tương đương 36% so với mức 2,2 triệu kiện giai đoạn 2015-2016, chủ yếu đến từ các nước châu Phi, Mỹ, Brazil và Australia.
Trong bối cảnh nguồn cung trong nước bị bó hẹp do người dân Ấn Độ tích trữ hàng, chờ giá tăng cao cuối năm, nhập khẩu bông càng được đẩy mạnh hơn.
Thông thường, các nhà máy Ấn Độ nhập khẩu bông vào nửa sau của vụ mùa do nguồn cung bị suy giảm. Tuy nhiên, ông Chirag Patel, giám đốc công ty Jaydeep Cotton Fibers cho biết năm nay hoạt động nhập khẩu bông diễn ra ngay từ đầu tháng Một do nguồn cung bị bó hẹp đẩy giá bông trong nước lên cao.
Uỷ ban Tư vấn Bông dự báo sản lượng bông vụ mùa năm nay sẽ đạt khoảng 35,1 triệu kiện. Tuy nhiên, các quan chức ngành công nghiệp cho rằng sản lượng năm nay chỉ đạt 34 triệu kiện do khu vực Andhra Pradesh và Tamil Nadu đang phải trải qua đợt hạn hán nặng nề.(NDH)